CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
4.3. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng Việt Nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách
4.3.5. Chủ động phát huy vai trò của các hãng hàng không trong việc tạo dựng năng lực cạnh tranh chung cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách
Doanh nghiệp và chiến lược doanh nghiệp là một phần quan trọng trong mô hình viên kim cương năng lực cạnh tranh ngành của M. E. Porter. Việc từng hãng hàng không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của mình vì thế sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh của toàn ngành. Đối với ngành HKDD, do quy mô của các hãng hàng không là rất lớn nên đôi khi cái lợi về mặt tài chính có thể làm lu mờ cái lợi tổng thể của ngành khi các hãng hàng không cạnh tranh với nhau. Do đó, để đảm bảo ngành HKDDVN có sức cạnh tranh ngày càng mạnh trên thị trường quốc tế, các hãng hàng không cần phát huy vai trò của mình thông qua các giải pháp chủ yếu sau:
4.3.5.1. Chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài, cạnh tranh lành mạnh cùng tiến bộ, hướng tới khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Kế hoạch kinh doanh là xương sống của mỗi hãng hàng không bởi nó không chỉ ra hướng đi, các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn cho hãng hàng không mà quan trọng hơn, dựa vào kế hoạch kinh doanh, các hãng hàng không sẽ xác định được phương thức mà hãng sẽ sử dụng để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trong điều kiện kinh
tế thị trường, bầu trời mở và sự tham gia ngày càng quyết liệt của các hãng hàng không trong và ngoài nước vào thị trường vận tải hành khách thì việc các hãng hàng không nội địa có kế hoạch kinh doanh bài bản, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp là rất quan trọng, sẽ quyết định sự thành bại trong cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế nói riêng và ngành HKDD quốc tế nói chung.
Đối với ngành HKDDVN, từ chỗ là một ngành do nhà nước độc quyền khai thác thì trong vòng 10 năm trở lại đây, các hãng hàng không tư nhân đã bắt đầu ra đời và tham gia thị trường vận tải hành khách. Kèm theo đó là chính sách mở cửa bầu trời và việc tham gia vào tổ chức thế tới WTO đã khiến cho việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để tồn tại trong một môi trường quốc tế có nhiều đối thủ cạnh tranh rất mạng đến từ các cường quốc trên thế giới thì các hãng hàng không cần xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh hiệu quả và hợp lý.
Nhìn một cách tổng thể thì ngành HKDDVN đang cạnh tranh trực tiếp với ngành HKDD của các quốc gia khác. Chính vì thế, bản thân các hãng hàng không trong nước cần xác định mục tiêu cạnh tranh giữa các hãng hàng không nội địa là cạnh tranh lành mạnh, cùng có lợi, để làm tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn ngành. Các hãng hàng không nội địa cần tránh cạnh tranh trực tiếp với nhau và đặc biệt tránh trường hợp cạnh tranh bằng mọi giá để triệt tiêu đối thủ, cần cùng nhau phát triển và bảo toàn lực lượng để cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, mỗi hãng hàng không cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cũng như triển khai xây dựng kế hoạch kinh doanh cho đơn vị mình một cách hợp lý, hướng tới sự phát triển chung của ngành HKDD, cụ thể:
- Mục tiêu tổng thể: Hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an ninh, an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất xinh doanh và năng suất lao động, nâng cao hình ảnh và vị thế của hãng hàng không.
- Giải pháp về sản phẩm: Mở rộng và phát triển vững chắc mạng đường bay nội địa và quốc tế. Lựa chọn sản phẩm cung ứng phù hợp với phân khúc của mỗi hãng hàng không (truyền thống, giá rẻ, kết hợp). Xây dựng kế hoạch cụ thể về cấp độ chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp đối với mỗi phân khúc và đối với mỗi mốc giai đoạn phát triển nhất định. Việc một hãng hàng không thuộc một phân khúc nhưng lại cung cấp sản phẩm của một phân khúc khác là không hợp lý bởi sẽ tạo ra sự không nhất quán trong định hướng chiến lược sản phẩm, gây bất lợi khi cạnh tranh với các hãng hàng không cùng phân khúc của nước ngoài.
- Giải pháp về dịch vụ: Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ các khoang hành khách, chất lượng phục vụ của tiếp viên, dịch vụ mặt đất tại các sân bay; đồng thời nâng cao tỷ lệ hành khách tự làm thủ tục check-in để rút ngắn thời gian làm dịch vụ mặt đất tại các sân bay trong nước.
- Giải pháp về sản xuất kinh doanh: Các hãng hàng không dân dụng cần xây dựng các phương án ứng phó với các kịch bản diễn biến thị trường khác nhau, triển khai các giải pháp trên từng lĩnh vực hoạt động nhằm thu hẹp tối đa quy mô sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất, triệt để cắt giảm chi phí cố định, chi phí gián tiếp chưa thực sự cần thiết; bố trí sắp xếp lại lao động, hợp lý hóa, tăng năng suất lao động, giữ chân người lao động; triển khai tích cực và quyết liệt các hoạt động vận chuyển hành khách trong nước để góp phần gia tăng thêm doanh thu;
tìm kiếm các giải pháp nhằm đảm bảo dòng tiền để hãng hàng không phục hồi và nâng cao tiềm lực tài chính; rà soát cắt giảm, giãn tiến độ các dự án đầu tư để phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh.
- Giải pháp thương mại: Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, nắm chắc biến động cạnh tranh, chủ động xây dựng và điều hảnh sản phẩm sát với nhu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh doanh tối ưu toàn mạng đường bay. Hoàn chỉnh hệ thống chính sách, tổ chức hệ thống bán, kênh phân phối với các giải pháp đồng bộ; hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức bán và công cụ thanh toán theo xu hướng thế giới
- Công tác quản trị công ty: Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các hệ thống văn bản quản lý nội bộ theo hướng đơn giản hóa, tự động hóa và minh bạch hóa để nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp
Khi các hãng hàng không nội địa xác định được chiến lược kinh doanh phù hợp thì hãng sẽ có những sự đầu tư đúng đắn vào công nghệ, chất lượng sản phẩm dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn và rào cản thương mại của thị trường đích cũng như của phân khúc khách hàng đích.
4.3.5.2. Chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường.
Hiện tại, ngành HKDDVN đang khai thác hàng trăm đường bay tới hơn 111 điểm đến tại 21 quốc gia. Theo đánh giá và phân tích của tác giả, số lượng điểm đến còn khiêm tốn khi so sánh với các hãng hàng không quốc tế. Vì thế, các hãng hàng không nội địa cần chủ động nguồn lực để tìm kiếm và phát triển các thị trường mới:
Thứ nhất, thông qua các công ty du lịch, các đại lý vé máy bay để tiếp cận các thị trường mới. Các công ty du lịch, các đại lý bán vé vừa đóng vai trò là cầu nối giữa hãng hàng không và các cơ quan chức năng tại thị trường mới, vừa là nguồn cung cấp thông tin hiệu quả về tình hình kinh tế, chính trị, cũng như đặc tính đi lại, xu hướng tiêu dùng của thị trường đó.
Thứ hai, các hãng hàng không có thể tiếp cận thông tin thị trường mới thông qua các tổ chức thương mại của Việt Nam tại nước ngoài hoặc các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Các đơn vị này có thể cung cấp lượng thông tin dồi dào và chính xác về thị trường đích mà hãng hàng không đang theo đuổi.
Thứ ba, các hãng hàng không có thể trực tiếp cử người sang nước ngoài để tham khảo thị trường. Tuy nhiên cách này sẽ tốn kém và ít hiệu quả
Thứ tư, các hãng hàng không có thể thuê một công ty tư vấn bản xứ hoặc công ty tư vấn toàn cầu để khảo sát, nghiên cứu toàn diện về thị trường. Phương pháp này có thể sẽ có chi phí cao, tuy nhiên kết quả đạt được cũng sẽ tương xứng khi công ty tư vấn sẽ tiến hành khảo sát thực tế các quy định, luật phát của nước sở tại, nhu cầu, thị hiếu, tập quán đi lại của khách hàng, …. Qua đó, các công ty tư vấn sẽ
đưa ra được đề xuất về địa điểm mở đường bay, lựa chọn đại lý, công ty du lịch phù hợp, hỗ trợ quá trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm lúc đầu của hãng hàng không cũng như các vấn đề xảy tra trong quá trình hình thành điểm đến mới của hãng.
Thứ năm, cần nghiên cứu rõ quy mô từng thị trường nước ngoài và trong nước, những đặc điểm về thói quen đi lại, thói quen mua vé, nhu cầu tiêu dùng, quy định về môi trường, trách nhiệm xã hội,… tại thị trường mà hãng hàng không nhắm tới. Từng bước tiến hành xây dựng và củng cố mạng lưới đại lý tại nước ngoài để chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các hãng hàng không lớn để vừa tận dụng các mạng đường bay có sẵn của họ, vừa là cơ hội để các hãng hàng không trong nước học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh từ những hãng hàng không lớn, lâu đời.