CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG TRONG LĨNH VỰC VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
2.1. Khái niệm cơ bản về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh và năng lực cạnh tranh cấp ngành
2.1.1. Khái niệm về cạnh tranh
Trong bối cảnh các quốc gia thế giới đang áp dụng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế về kinh tế, chính trị, xã hội thì cạnh tranh là một yếu tố luôn hiện hữu và là sản phẩm tất yếu của quá trình phát triển nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên khác với các thuật ngữ khác có một khái niệm tổng quát và được thừa nhận rộng rãi, “cạnh tranh” lại là một thuật ngữ mà cho đến nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Các nhà khoa học, các nhà kinh tế, chính trị, … đề cập đến “cạnh tranh” dưới cách nhìn khác nhau tùy vào từng bối cảnh của nền kinh tế xã hội, tùy vào các ngành nghề và cũng tùy vào các loại sản phẩm.
Tiếp cận ở góc độ mang tính khái quát, có một số quan niệm về cạnh tranh, cụ thể như sau:
- Theo từ điển kinh doanh của Cambridge (2017) thì cạnh tranh là một tình huống mà trong đó một chủ thể (người hoặc doanh nghiệp) cố gắng giành lấy một cái gì đó hoặc trở nên thành công hơn một chủ thể khác.
- Trong khi đó, từ điển Collins (2017) lại đề cập đến ba cách nhận diện về cạnh tranh khác nhau tùy vào hoàn cảnh sử dụng: (1) cạnh tranh là một tình huống trong đó hai hay nhiều người hoặc nhóm người cố gắng đạt được một cái gì đó mà những người hoặc nhóm người khác không có, (2) cạnh tranh là một hoạt động có liên quan đến hai hay nhiều doanh nghiệp mà trong đó mỗi doanh nghiệp cố gắng để khách hàng mua hàng của mình thay vì mua hàng của đối thủ, và (3) cạnh tranh là một sự kiện có rất nhiều người tham gia để tìm ra ai là người giỏi nhất ở một lĩnh vực nào đó.
- Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 1 (2011), cạnh tranh trong kinh doanh là
“hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối cung cầu nhằm dành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ thị trường có lợi nhất.”
Theo Michael Porter (1990), “cạnh tranh là giành lấy thị phần. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà
doanh nghiệp đang có. Kết quả của quá trình cạnh tranh là sự bình quân hóa lợi nhuận trong ngành theo chiều hướng cải thiện sâu, dẫn đến hệ quả là giá cả có thể giảm đi”.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (2002) trong cuốn “Các vấn đề pháp lý và thể chế về chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh” định nghĩa cạnh tranh là “sự ganh đua giữa các doanh nghiệp trong việc giành một số nhân tố sản xuất hoặc khách hàng nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường, để đạt được một mục tiêu kinh doanh cụ thể, ví dụ như lợi nhuận, doanh số hoặc thị phần. Cạnh tranh trong một môi trường như vậy đồng nghĩa với ganh đua.”
Theo Phạm Quang Phan và Tô Đức Hạnh (2007), dưới thời kỳ phát triển vượt bậc của Tư bản chủ nghĩa, Karl Marx đã quan niệm: “Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa để thu được lợi nhuận siêu ngạch”. Marx đã khám phá ra quy luật cạnh tranh cơ bản của sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa khi nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này, đó là: “quy luật điều chỉnh tỉ suất lợi nhuận bình quân giữa các ngành”. Các chủ thể sẽ bị thu hút và để ý, tham gia vào một ngành, một lĩnh vực nào đó nếu tỷ suất lợi nhuận bình quân của ngành, lĩnh vực đó cao hơn kỳ vọng của các chủ thể. Ngược lại, các chủ thể sẽ có xu hướng rút lui hoặc thu hẹp quy mô nếu một ngành, lĩnh vực nào có tỷ suất lợi nhuận bình quân thấp hơn kỳ vọng của các chủ thể. Tuy nhiên, việc tham gia hay rút lui khỏi một ngành hay lĩnh vực đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng cũng như chiến lược lâu dài của các nhà đầu tư.
Đến thời điểm hiện nay, nhờ các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin, các quan hệ sản xuất đã có nhiều hình thức hợp tác theo lối song phương lẫn đa phương. Thế giới dần đi vào xu hướng hội nhập về kinh tế, chính trị, xã hội và vận hành một cách tự do hoặc theo cơ chế thị trường có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Từ đó, khái niệm cạnh tranh có tính giai cấp và chính trị như trước đây trở nên
“mềm dẻo” hơn, nhưng về bản chất vẫn không có nhiều thay đổi.
Trong kinh tế chính trị học, điểm nhận dạng của cơ chế thị trường là giá cả thị trường, và giá cả thị trường thì phụ thuộc vào bốn nhân tố bao gồm giá trị thị trường, giá trị của tiền, cung-cầu, và cạnh tranh. Cạnh tranh được định nghĩa là “sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền kinh tế thị trường nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Cạnh tranh có thể diễn ra giữa người sản xuất và người sản xuất, người sản xuất và người tiêu dùng hoặc giữa người tiêu dung với người tiêu dùng.”
Samuelson P. A. and Nordhaus W. D. (2010) định nghĩa trong cuốn kinh tế học rằng cạnh tranh là “sự kình địch giữa các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để giành
khách hàng hoặc thị trường”. Hai tác giả này cũng đồng thời nhận định cạnh tranh với cạnh tranh hoàn hảo là hai khái niệm đồng nghĩa.
Từ những định nghĩa và cách hiểu khác nhau được tổng hợp về cạnh tranh như nêu ở trên, tác giả rút ra được một điểm chung sau đây: “cạnh tranh là việc hai hay nhiều chủ thể có cùng các mục đích và mục tiêu giành giật những điều kiện thuận lợi về sản xuất và kinh doanh để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, chiếm được nhiều thị trường hơn, qua đó thỏa mãn được mục tiêu mà chủ thể đó đặt ra.”
Cạnh tranh là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế thị trường. Một lĩnh vực chỉ cần có nhiều chủ thể sản xuất/kinh doanh sản phẩm/dịch vụ thì lĩnh vực đó sẽ có cạnh tranh và khi số lượng các chủ thể này tăng lên thì mức độ cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn.
Tuy nhiên, cạnh tranh chỉ diễn ra trong một môi trường ràng buộc chung mà các chủ thể tham gia cạnh tranh phải tuân thủ, đó có thể là các đặc điểm về yêu cầu sản phẩm của đơn đặt hàng hoặc các quy chuẩn của pháp luật đối với các chủ thể tham gia đấu giá, đấu thầu,… Cạnh tranh có thể diễn ra ngắn hoặc dài, có thể hẹp (trong ngành, trong quốc gia) hoặc rộng (ngoài ngành, ngoài quốc gia)
Cạnh tranh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và trong nền sản xuất hàng hóa/dịch vụ nói riêng. Thứ nhất, cạnh tranh được sử dụng như một công cụ linh hoạt để điều chỉnh sản xuất xã hội và tối ưu hóa sự phân bố các nguồn lực kinh tế của xã hội. Khi một ngành nào đó có tỷ suất lợi nhuận cao thì nguồn lực của nền kinh tế sẽ được dồn nhiều hơn về ngành đó để được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Thứ hai, cạnh tranh kích thích tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất/dịch vụ. Chủ thể nào có thể áp dụng những cải tiến về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất/dịch vụ để tiêu tốn ít chi phí, thời gian, nhân công hơn mà vẫn đảm bảo thu được lợi nhuận cao sẽ tiến nhanh hơn các chủ thể khác và giành được nhiều khách hơn cũng như chiếm lĩnh thị trường tốt hơn. Thứ ba, cạnh tranh góp phần tạo nên cơ sở cho sự phân phối thu nhập lần đầu. Năng suất cao, chất lượng cao, hiệu quả cao sẽ đồng nghĩa với thu nhập cao. Thứ tư, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các ngành, các quốc gia sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng khi người sản xuất phải tìm mọi cách để cung ứng sản phẩm/dịch vụ tới người tiêu dùng với chi phí thấp hơn mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Căn cứ vào các tiêu chí và hình thức khác nhau như tính chất cạnh tranh, phương thức/hành vi cạnh tranh, phạm vi ngành/lĩnh vực kinh tế, và chủ thể tham gia cạnh tranh, có thể phân chia cạnh tranh thành nhiều loại khác nhau, cụ thể như sau:
- Căn cứ vào tính chất cạnh tranh, cạnh trạnh được phân thành 3 loại: cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh không hoành hảo, và cạnh tranh độc quyền.
+ Cạnh tranh hoàn hảo là cạnh tranh mà các chủ thể tham gia không ai có cách thức khống chế giá cả trên thị trường và hàng hóa bán ra được người mua đánh giá là tương đương về mẫu mã, chất lượng.
+ Cạnh tranh không hoàn hảo là cạnh tranh giữa những người bán có các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa không đồng nhất với nhau. Đây là loại hình cạnh tranh tương đối phổ biến hiện nay. Do mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có những ưu điểm khác nhau nên để bán được hàng hóa, sảnh phẩm, dịch vụ, các chủ thể phải sử dụng các công cụ hỗ trợ bán như: khuyến mại, ưu đãi giá cả, cung cấp dịch vụ tiện ích, hậu mãi,…
+ Cạnh tranh độc quyền là cạnh tranh mà ở đó chỉ có một hoặc một số chủ thể cung cấp một loại hàng hóa nào đó và giá cả của hàng hóa đó do họ tự quyết định, không dựa vào quan hệ cung - cầu.
- Căn cứ vào phương thức hoặc hành vi cạnh tranh, có thể chia cạnh tranh thành:
Cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh.
+ Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, minh bạch, công khai
+ Cạnh tranh không lành mạnh là cạnh tranh không đúng quy định của pháp luật, thiếu công bằng, thiếu minh bạch, thiếu công khai. Hay nói một cách khách, đó là các hành vi hạn chế cạnh tranh. Các hành vi này thông thường được pháp luật của các nước cấm thực hiện. Ở Việt Nam, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 đã thông qua luật cạnh tranh 2018 cũng đã quy định rõ “hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, và lạm dụng vị trí độc quyền”. Đồng thời, luật này cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh như cấm cơ quan quản lý nhà nước ép buộc, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể.
- Căn cứ vào phạm vi ngành, lĩnh vực kinh tế, cạnh tranh có thể phân thành: cạnh tranh nội bộ ngành và cạnh tranh giữa các ngành.
- Căn cứ vào các chủ thể tham gia, cạnh tranh có thể phân thành: cạnh tranh giữa người mua và người bán, cạnh tranh giữa người bán với nhau, và cạnh tranh giữa người mua với nhau.