Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 136 - 139)

CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH

3.4. Đánh giá chung năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng Việt

3.4.3. Nguyên nhân của những hạn chế

Mặc dù ngành HKDD đang là ngành phát triển rất nhanh trong nền kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng nhận được nhiều quan tâm từ nhà nước, chính phủ, các bộ ngành liên quan, và các đơn vị kinh doanh song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

3.4.3.1. Nguyên nhân liên quan đến chính sách

- Ngành HKDD đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư về đội bay, song các cơ chế và chính sách khuyến khích cho vay hoặc hỗ trợ để các doanh nghiệp tư nhân tham gia và hoạt động khai thác di chuyển bằng đường hàng không này là chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến việc nguồn lực của ngành không được đảm bảo như kỳ vọng.

- Chưa có các chính sách riêng để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

- Chưa có các chính sách khuyến khích các tổ chức, công ty trong và ngoài nước đầu tư vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận chuyển hàng không dân dụng.

- Chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đầy đầu tư nghiên cứu cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng không dân dụng.

- Chưa có chính sách thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành HKDD.

Ngoài ra, hạn chế trong nguồn vốn và kinh phí đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý của ngành cũng là một trong những nguyên nhân cản trở đà tăng trưởng của ngành.

3.4.3.2. Nguyên nhân liên quan năng lực các doanh nghiệp vận tải hàng không dân dụng

So với mặt bằng chung trong khu vực thì từng hãng hàng không riêng biệt của Việt Nam còn trẻ và bộc lộ nhiều hạn chế so với các hãng hàng không trong khu vực như lượng tàu bay ít, số lượng điểm đến ít, sự đa dạng về mặt sản phẩm không bằng các hãng hàng không trong khu vực, …

Bộ máy nhân sự của các hãng hàng không còn khá cồng kềnh, lực lượng lao động của ngành nhiều song chất lượng lao động lại chưa cao, hạn chế trong năng lực kỹ thuật và chuyên môn dẫn đến việc thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu hóa và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới không đồng đều nên khó khăn cho việc mở rộng phát triển của ngành.

3.4.3.3. Nguyên nhân liên quan đến liên kết trong sản xuất kinh doanh của ngành Việc liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành HKDD còn rất yếu.

Hiện nay, các hoạt động của các hãng hàng không dân dụng Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước chung của Cục Hàng không Việt Nam và chưa có hiệp hội hàng không dân dụng nào để làm nơi các hãng hàng không gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức kỹ thuật và chuyên môn.

Ngành du lịch là ngành có liên quan mật thiết tới ngành hàng không dân dụng, tuy nhiên chưa có các hình thức liên kết hiệu quả giữa hai ngành này, dẫn đến việc 2 ngành này vẫn luôn phải tự kiếm nguồn khách trong khi có thể hỗ trợ nhau để tăng sản lượng vận chuyển và phục vụ.

Tiểu kết chương 3

Trọng tâm của chương 3 là đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của luận án chỉ ra rằng trên phương diện các tiêu chí đánh giá NLCT của ngành hàng không dân dụng Việt Nam thì: Thứ nhất, nguồn lực của ngành HKDDVN tăng trưởng mạnh và đều qua các giai đoạn và đang đạt đến những dấu mốc quan trọng. Tuy nhiên, để ngành có thể tiếp tục phát triển thì nguồn lực của ngành HKDDVN cần phải được chú trọng hơn cả về chất và lượng. Về nguồn nhân lực phục vụ ngành, trình độ kỹ thuật và chuyên môn của lực lượng lao động chưa cao trong khi ngành HKDD lại yêu cầu nguồn lực có năng lực kỹ thuật và chuyên môn cao.

Về đội tàu bay, hiện tại số lượng tàu bay của từng hãng hàng không trong ngành chưa thể so sánh với các hãng hàng không của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Về số lượng các hãng hàng không cũng cần phải đặc biệt lưu tâm và tập trung tăng trưởng bởi so với các quốc gia khác thì Việt Nam mới chỉ có 3 hãng hàng không hoạt động trên 3 phân khúc hàng không khác nhau. Về tính chất cạnh tranh trong ngành thì hiện tại vẫn đang là cạnh tranh trực tiếp giữa các hãng hàng không để giành lợi thế và thị phần, trong khi hình thức cạnh tranh mà ngành cần là một hình thức cạnh tranh lành mạnh cùng tiến bộ giữa toàn thể nội bộ ngành để tiến tới nâng tầm năng lực cạnh tranh của toàn ngành trên thương trường quốc tế. Về cảng hàng không, cửa ngõ đầu tiên mà hành khách đặt chân tới khi đến Việt Nam hoặc đến các địa điểm trong nội địa Việt Nam lại đang gặp tình trạng quá tải ở cả 2 sân bay chủ đạo là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Ngành HKDDVN sẽ còn nhiều việc cần giải quyết để giảm tải cho hai cảng hàng không cửa ngõ này, làm tiền đề để ngành HKDDVN phát triển mạnh hơn nữa. Thứ hai, kết quả sản xuất kinh doanh của ngành HKDDVN trong thời gian qua là rất nhanh, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng này sẽ gặp trở ngại lớn trong việc duy trì và phát huy nếu ngành HKDDVN không tháo gỡ được các hạn chế về nguồn lực đầu vào của ngành. Thứ ba, về các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của ngành HKDDVN thì ngoài yếu tố về điều kiện cầu trong nước đang có tác động tích cực tới ngành thì cả 3 yếu tố còn lại gồm các điều kiện về yếu tố sản xuất, các ngành hỗ trợ và liên quan, và chiến lược ngành, cơ cấu và môi trường cạnh tranh trong nước đều đang bộc lộ những mặt hạn chế cần được giải quyết.

Các phân tích về hạn chế và nguyên nhân nêu trong chương 3 là cơ sở để luận án xuất các quan điểm, phương hướng và giải pháp thúc đẩy nâng cao NLCT ngành HKDD trong lĩnh vực VCHK ở chương tiếp theo.

CHƯƠNG 4

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

TRONG LĨNH VỰC VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 136 - 139)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(220 trang)
w