CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG TRONG LĨNH VỰC VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
2.1. Khái niệm cơ bản về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh và năng lực cạnh tranh cấp ngành
2.1.3. Các cấp độ năng lực cạnh tranh
Từ phân loại ban đầu của kinh tế là vĩ mô và vi mô, cấp độ năng lực cạnh tranh bắt đầu được đề cập đến từ đầu những năm 1991 khi 2 tác giả Cook và Bredahl (1991) đề xuất ba (03) cấp độ cạnh tranh: thị trường quốc tế, thị trường nội địa cho sản phẩm và thị trường nội địa cho tài nguyên. Sau đó, Esser và các cộng sự (1996) đề xuất rằng năng lực cạnh tranh cần dựa trên sự tương tác của bốn (04) cấp độ: (i) tổng quan (meta), (ii) vĩ mô (macro), (iii) vừa (meso) và (iv) vi mô (micro). Cấp độ tổng quan (meta) đề cập đến các khía cạnh văn hóa và xã hội, thang đo giá trị, truyền thống, và các mô hình tổ chức xã hội. Cấp độ vĩ mô (macro) đề cập đến hệ thống chính trị, thông qua việc áp dụng các chính sách khác nhau về xã hội, kinh tế và định hướng môi trường. Cấp độ vừa (meso) bao gồm các mối quan hệ hình thành giữa các tổ chức tại khu vực công và khu vực tư và khu vực thứ ba để phát triển năng lực cạnh tranh. Cuối cùng, cấp vi mô (micro) bao gồm các doanh nghiệp của quốc gia, năng lực đổi mới, năng lực quản lý, chiến lược kinh doanh, sự kết hợp với công nghệ, thực tiễn cải tiến sản xuất, và công tác hậu cần.
Bianco (2006) mở rộng cấp độ năng lực cạnh tranh thành 5 cấp, phân tầng để phân tích năng lực cạnh tranh và tùy thuộc vào đối tượng nghiên cứu: năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp (Krugman, 1994), cấp ngành (Ferraz và cộng sự, 1995), cấp khu vực (Chudnovsky, 1990), cấp tỉnh/vùng/vùng kinh tế (Huggins và cộng sự, 2006), và cấp quốc gia (Scot và Lodge, 1985; CEPII, 1998))
Do bản chất của NLCT là đa chiều, phạm vi của NLCT rất rộng và đa dạng, cùng với việc chủ thể được đưa ra để đánh giá về NLCT có thể khác nhau nên đề cập về NLCT cũng cần được chia làm bốn cấp độ bao gồm NLCT cấp quốc gia, cấp ngành, cấp doanh nghiệp và cấp sản phẩm. Mặc dù về bản chất, yếu tố cấu thành và phương pháp đánh giá của các cấp độ là khác nhau song lại có mối liên hệ mật thiết, tác động qua lại giữa các cấp độ này.
2.1.3.1. Năng lực cạnh tranh cấp quốc gia
NLCT cấp quốc gia được tiếp cận theo nhiều quan điểm khác nhau, được phản ánh qua rất nhiều các chỉ tiêu khác nhau và vẫn luôn được nghiên cứu ngày càng nhiều từ những năm 1970 đến nay. Nổi bật nhất và được áp dụng phổ biến nhất vẫn là những đóng góp của nhà nghiên cứu Michael E. Porter với nhiều công trình nghiên cứu cũng như sách và tạp chí về cạnh tranh nói chung cũng như cạnh tranh của doanh nghiệp và lợi thế quốc gia nói riêng trong một số lĩnh vực cụ thể của một số quốc gia tại Tây Âu, Mỹ, Nhật, Châu Á, …
Khi nhắc tới NLCT của một quốc gia trong điều kiện thị trường tự do và công bằng, Porter nhận thấy đó là “khả năng của quốc gia trong việc sản xuất hàng hóa và/hoặc dịch vụ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của thị trường quốc tế, đồng thời duy trì và cải thiện thu nhập của công dân quốc gia đó.”
Tham khảo các công trình nghiên cứu của Michael E. Porter (1990, 1998, 2008), có thể khẳng định rằng “cạnh tranh quốc gia được định nghĩa là khả năng của các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giá trị gia tăng trong một ngành công nghiệp cụ thể trong một quốc gia cụ thể để duy trì giá trị gia tăng trong thời gian dài.”
Diễn đàn kinh tế thế giới WEF (World Economic Forum) (1995) đưa ra khái niệm về NLCT cấp quốc gia như sau: “năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực của nền kinh tế quốc dân đạt và duy trì mức tăng trưởng cao về kinh tế, thu nhập và việc làm”.
Đến năm 2006, diễn đàn này đưa ra khái niệm mới về NLCT, qua đó định nghĩa NLCT quốc gia là tập hợp các yếu tố, các chính sách và các thể chế mà qua đó xác định được mức năng suất của một quốc gia. Theo diễn đàn này, nâng cao năng suất lao động - tận dụng tốt các yếu tố và nguồn lực sẵn có - là động lực thúc đẩy phía sau của tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, từ đó xác định tỷ lệ tăng trưởng tổng thể của một nền kinh tế. Như vậy, một quốc gia được đánh giá là có NLCT cao hơn hay một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh tốt hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong trung hạn và dài hạn.
WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia dựa trên 103 tiêu chí chia thành 12 trụ cột khác nhau và nằm trong 4 nhóm chính: Nhóm thứ nhất (sự thuận lợi của môi trường) bao gồm (i) thể chế, (ii) cơ sở hạ tầng, (iii) sự phổ cập công nghệ thông tin -viễn thông, và (iv) sự ổn định vĩ mô; Nhóm thứ hai (nguồn nhân lực) bao gồm (v) sức khỏe và (vi) kỹ năng; Nhóm thứ ba (thị trường) bao gồm (vii) thị trường hàng hóa, (viii) thị trường lao động, (ix) hệ thống tài chính, (x) quy mô thị trường; Nhóm thứ tư (hệ sinh thái đột phá) bao gồm (xi) sự năng động trong kinh doanh và (xii) khả năng đột phá. Với mỗi tiêu chí nói riêng và mỗi trụ cột nói chung, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đang ở đâu so với các quốc gia khác và so với quốc gia có chỉ số cao nhất ở mỗi tiêu chí/trụ cột.
Theo Franziska (2006), NLCT của quốc gia được đánh giá thông qua ba (03) yếu tố chính bao gồm: “(i) mức độ và tốc độ tăng trưởng của mức sống, (ii) mức độ và tốc độ tăng trưởng của năng suất tổng thế, và (iii) khả năng thâm nhập của các doanh nghiệp vào các thị trường quốc tế thông qua xuất khẩu hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài.”
Sự tăng trưởng về mức sống của công dân một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước bởi một quốc gia hay một nền kinh tế chỉ mạnh khi có các doanh nghiệp trong nước có đủ khả năng để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là một vấn đề sống còn trong bối cảnh các doanh nghiệp cần tiếp cận với các cơ hội của thị trường thế giới và cũng là cơ sở để các doanh nghiệp trong nước chống chọi với những đe dọa từ môi trường kinh tế quốc tế vốn ngày càng trở nên khốc liệt. Sự cạnh tranh này đang tạo ra những sức ép rất lớn lên mọi chủ thể của nền kinh tế, từ chính sách của nhà nước đến các nhà quản lý đến lực lượng lao động.
Căn cứ vào các lý luận trên, theo tác giả, NLCT quốc gia cần hội tụ một số nhân tố cơ bản, đó là: thể chế thị trường đầy đủ, đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phù hợp, hiện đại; trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao.
2.1.3.2. Năng lực cạnh tranh cấp ngành
Trong cuốn sách Competition Strategy-Techniques Analyzing Industries and Competitors, Michael Porter (1980) đã nhận định một ngành kinh tế của một quốc gia được coi là có NLCT trên thương trường quốc tế khi các doanh nghiệp và các sản phẩm chủ đạo của ngành đó đạt đến một mức có thể cạnh tranh trên thị trường với các đối thủ
đến từ nước ngoài. Porter đưa ra bốn yếu tố có khả năng quyết định tới NLCT của một ngành kinh tế bao gồm: (i) lợi thế so sánh của ngành, (ii) môi trường kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh của ngành, (iii) NLCT của các doanh nghiệp trong ngành, và (iv) NLCT của sản phẩm/dịch vụ đặc thù của ngành. Những yếu tố này tiếp tục được mô tả trong mô hình năm thế lực cạnh tranh hay năm lực lượng cạnh tranh bao gồm: (i) chiến lược doanh nghiệp, (ii) cấu trúc ngành và đối thủ cạnh tranh, (iii) các điều kiện cạnh tranh, (iv) các điều kiện cầu, và (v) các ngành công nghiệp hỗ trợ và có liên quan.
Theo Van Duren (1991), NLCT cấp ngành được định nghĩa là năng lực của ngành không chỉ duy trì được lợi nhuận tại thị trường nội địa mà còn duy trì cả lợi nhuận của ngành so với quốc tế.
Theo Momaya (1998), NLCT của một ngành thường được quyết định bởi khả năng của ngành đó trong việc gia tăng giá trị vào các hoạt động của ngành nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Từ đó, NLCT được coi là sự phản ánh kết quả đạt được nhờ các chiến lược và hành động của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đó và được thể hiện qua bốn đặc điểm sau:
- Thỏa mãn nhu cầu của khách hàng thông qua sự kết hợp hợp lý giữa giá thành, chất lượng và tính đổi mới của sản phẩm và/hoặc dịch vụ.
- Thỏa mãn nhu cầu của các yếu tố như sự tham gia của người lao động, các chương trình phúc lợi, đào tạo và nơi làm việc an toàn cho người lao động.
- Mang lại lợi ích đầu tư hấp dẫn.
- Mang lại tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận.
Theo Franziska (2006), NLCT cấp ngành là “khả năng của các doanh nghiệp trong cùng một quốc gia đạt được những thành công bền vững so với các doanh nghiệp đối thủ nước ngoài mà không cần đến trợ cấp bảo hộ”. Các tiêu chí dùng để đánh giá NLCT ở cấp này bao gồm: lợi nhuận tổng thể của các công ty trong ngành, cán cân thương mại của quốc gia trong lĩnh vực ngành được chỉ định, tỷ lệ dòng vốn FDI vào (Inward Foreign Direct Investment) và FDI ra (Outward Foreign Direct Investment), và các biện pháp đo lường trực tiếp về chi phí và chất lượng cấp ngành.
So với NLCT cấp doanh nghiệp, NLCT cấp ngành thường được cho là chỉ số đáng tin cậy hơn khi dùng để đề cập đến sức khỏe của nền kinh tế một quốc gia. Trong một quốc gia, một doanh nghiệp kinh doanh thành công có thể do doanh nghiệp đó có những đặc điểm riêng biệt về cách thức làm việc, môi trường công việc hoặc sản
phẩm/dịch vụ mà các doanh nghiệp khác rất khó hoặc không thể sao chép. Trong khi đó, thành công của nhiều doanh nghiệp trong cùng một ngành của một quốc gia lại có thể được nhân rộng và cải thiện và thường là minh chứng cho các yêu tố đặc thù của quốc gia. Việc đánh giá NLCT của một ngành công nghiệp mà trong đó chỉ có một doanh nghiệp được cho là quan trọng đòi hỏi phải có đánh giá xem thành công của doanh nghiệp này đến từ các khoản cho thuê độc quyền, hỗ trợ của chính phủ, hay hiệu quả thực sự. Điều quan trọng cần lưu ý là NLCT của một doanh nghiệp không nhất thiết hàm ý về NLCT của một ngành.
2.1.3.3. Năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp
Theo Franziska (2006), NLCT ở cấp độ doanh nghiệp là khả năng của một doanh nghiệp có thể cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ và sản phẩm một cách hiệu quả bằng hoặc hơn (về mặt giá cả, chất lượng, …) các đối thủ cạnh tranh có liên quan. Trong lĩnh vực thương mại, điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải duy trì đà thành công trên thương trường nội địa và quốc tế mà không cần sự bảo hộ hoặc trợ cấp từ chính phủ hay nhà nước. Mặc dù một quốc gia có thể hỗ trợ các doanh nghiệp của mình thông qua các ưu đãi về chi phí như vận chuyển, nhân công, thuế, phí,… để làm tăng khả năng cạnh tranh trong nước hoặc trong khu vực của các doanh nghiệp thuộc quốc gia đó, tuy nhiên khi nhắc đến NLCT thì phần lớn chúng ta sẽ liên tưởng đến các lợi thế đạt được từ năng suất lao động vượt trội. Các yếu tố dùng để đánh giá NLCT của một doanh nghiệp dịch vụ có thể kể đến như lợi nhuận, chi phí, chất lượng dịch vụ, thị phần trong khu vực và quốc tế, tỉ trọng xuất/nhập khẩu, và các chỉ số đặc thù theo từng loại dịch vụ mà doanh nghiệp cũng cấp.
2.1.3.4. Năng lực cạnh tranh cấp sản phẩm
Sản phẩm hay dịch vụ được gọi là cạnh tranh khi có thể được bán nhiều hơn hoặc bán với giá cao hơn các sản phẩm hay dịch vụ khác cùng chủng loại trên thị trường. Sự khác biệt giữa các sản phẩm hay dịch vụ được gọi là cạnh tranh này với các sản phẩm hoặc dịch vụ khách được đánh giá ở nhiều góc độ như giá cả, chất lượng, sự phù hợp, tính năng, hoặc dịch vụ cộng hưởng.
Một doanh nghiệp cần có các sản phẩm/dịch vụ chiến lược để cạnh tranh và để tạo dựng vị thế khi tham gia vào bất kì thị trường nào. Các sản phẩm/dịch vụ cốt lõi có thể giống với các sản phẩm/dịch vụ của đổi thủ, nhưng các sản phẩm bổ trợ thì bắt buộc phải có tính cạnh tranh cao.