Khái niệm và đặc điểm cơ bản của ngành hàng không dân dụng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 53 - 74)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG TRONG LĨNH VỰC VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH

2.2. Khung phân tích nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng trong lĩnh vực vận chuyển hành khách

2.2.1. Khái niệm và đặc điểm cơ bản của ngành hàng không dân dụng

Thuật ngữ “hàng không” được sử dụng khi nói đến việc sử dụng máy bay hay máy móc do con người chế tạo ra với mục đích bay trong khí quyển. Hiểu rộng hơn thì thuật ngữ này cũng mô tả cả những hoạt động và những ngành công nghiệp có liên quan đến máy bay và máy móc có khả năng bay.

Thuật ngữ này (tiếng Anh: aviation) bắt nguồn từ tiếng Latin “avis” (nghĩa là chim) và thêm hậu tố “-ation”, được Gabriel de La Landelle sử dụng lần đầu tiên năm 1863 trong cuốn sách “Aviation ou Navigation aérienne sans ballons” của ông khi nói về hoạt động bay mà không cần khí cầu.

Hàng không bao gồm hai lĩnh vực chủ chốt: hàng không dân dụng và hàng không quân sự (HKQS). Theo định nghĩa của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO

- International Civil Aviation Organization), HKDD bao gồm 9 hoạt động/dịch vụ chính:

(i) các dịch vụ vận chuyển hàng không thương mại, (ii) các hoạt động hàng không thông thường, (iii) dịch vụ cảng hàng không, (iv) dịch vụ không lưu, (v) hoạt động sản xuất HKDD, (vi) hoạt động đào tạo hàng không, (vii) bảo dưỡng và đại tu, (viii) các hoạt động định kỳ, và (ix) các hoạt động khác:

- Các dịch vụ vận chuyển hàng không thương mại (Commercial air transport services): là việc một máy bay được thuê (theo hình thức có lịch trình hoặc phi lịch trình) để vận chuyển hành khách, hàng hóa hoặc thư tín từ một điểm này tới một điểm khác.

- Các hoạt động hàng không thông thường (General aviation): là các hoạt động hàng không phi thương mại; các hoạt động bay phục vụ nông nghiệp, chụp ảnh, quan sát, quảng cáo trên không,…; hướng dẫn bay; bay với mục đích trải nghiệm; và các hoạt động bay khác.

- Dịch vụ cảng hàng không (Airport services) - Dịch vụ không lưu (Air navigation services)

- Hoạt động sản xuất HKDD (Civil aviation manufacturing) - Hoạt động đào tạo hàng không (Aviation training)

- Bảo dưỡng và đại tu (Maintenance and overhaul) - Các hoạt động định kỳ (Regulatory function) - Các hoạt động khác (Other activities)

Hình 2.1. Đề xuất phân loại hoạt động hàng không dân dụng

Nguồn: ICAO (2009) - Phụ lục A Trong luận án này, tác giả sẽ

chính vào các dịch vụ vận chuyển khách.

tập trung nghiên cứu lĩnh vực HKDD và tập trung hàng không thương mại đối với vận chuyển hành

2.2.1.2. Đặc điểm cơ bản của ngành hàng không dân dụng trong lĩnh vực vận chuyển hành khách

Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử và tổng quan đến hiện tại, ngành HKDD trong lĩnh vực VCHK có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, một ngành mới ra đời và đang phát triển mạnh mẽ

Ngành hàng không là một ngành còn khá mới và mới được thế giới biết đến kể từ đầu thế kỷ 20 khi hai anh em nhà Wright là Wilbur Wright và Orville Wright chế tạo và bay thử nghiệm thành công chiếc máy bay tự thiết kế, chế tạo vào ngày 17 tháng 12 năm 1903. Mặc dù thời kỳ trước thành công của anh em nhà Wright, con người đã thực hiện được ước mơ bay của mình với sự hỗ trợ của nhiều loại phương tiện kỹ thuật và nhiều loại phương pháp nhưng chuyến bay của hai anh em nhà Wright đã được ghi vào lịch sử và truyền lại tới tận sau này bởi đó là chiếc máy bay có động cơ đầu tiên mà con người có thể điều khiển và bay được. Sau sự kiện này, diện mạo thế giới đã thay đổi với sự xuất hiện của ngành HKDD. Ngày 1/1/1914 đánh dấu sự khai sinh của ngành HKDD khi hãng hàng không thương mại đầu tiên chính thức ra đời với lịch bay thường xuyên đầu tiên trên thế giới từ Saint Petersburg đến Tampa (Florida, Mỹ). Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, ngành HKDD đã từng bước phát triển và trở thành một ngành không thể thiếu đối với con người và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Ngày nay, ngành HKDD đã phát triển vượt bậc với việc nghiên cứu, sản xuất và vận hành những chiếc máy bay thương mại cỡ lớn, hiện đại, với tốc độ bay nhanh và hiệu quả khai thác tối ưu, góp phần tạo ra một thế giới phẳng mà ở đó con người gần nhau hơn và khoảng cách giữa các châu lục được rút ngắn hơn.

Thứ hai, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại

Ngành HKDD là một ngành áp dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật hiện đại trong hầu hết các khâu từ quản lý đến sản xuất kinh doanh

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các hãng sản xuất máy bay liên tục cải tiến để đưa ra thị trường các thế hệ máy bay ngày càng hiện đại với các chỉ số kỹ thuật và hiệu quả kinh tế ngày càng cao như: sản xuất bằng vật liệu mới giúp giảm tải cho máy bay; áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra các động cơ công suất lớn mà ít tiêu hao nhiên liệu, giảm được tiếng ồn và lượng khí thải;

tăng kính cỡ máy bay, đồng nghĩa với việc tăng số lượng khách mà máy bay có thể chuyên chở; chất lượng dịch vụ và tiện nghi cho hành khách được nâng cao (không khí, áp suất, độ ẩm, suất ăn, chương trình giải trí, …); áp dụng công nghệ tin học và trí tuệ

nhân tạo nhằm giúp hành khách và phi hành đoàn có trải nghiệm thoải mái nhất trong suốt chuyến bay, …

Đi kèm với các dịch vụ trên không thì không thể thiếu các dịch vụ mặt đất. Đài không lưu để dẫn đường và kiểm soát không lưu, đường băng phục vụ máy bay cất, hạ cánh, nhà chờ cho hành khách đi và đến sân bay, các trạm bảo dưỡng máy bay,… tại các cảng hàng không đều là những thiết bị áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại.

Bản thân các cảng hàng không cũng không ngừng được mở rộng, cải tiến, cải tạo nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách và các hãng hàng không.

Thứ ba, trình độ quản lý tiên tiến

Đi đôi với việc sử dụng các thiết bị tiên tiến và hiện đại, ngành HKDD còn đòi hỏi một đội ngũ lao động có trình độ quản lý và chuyên môn kỹ thuật cao. Nhân sự của ngành được tuyển chọn rất kỹ lưỡng cả về thể chất lẫn trí tuệ, được đào tạo bài bản và chuyên sâu trước khi được chính thức nhận nhiệm vụ bởi một khi máy bay cất cánh, phía trước là bầu trời và phía sau là tính mạng của cả trăm hành khách cùng phi hành đoàn. Bất cứ sai sót dù là nhỏ nhất của phi hành đoàn hoặc bộ phận hỗ trợ mặt đất đều có thể dẫn đến thảm họa.

Thứ tư, vốn đầu tư lớn và hạ tầng phức tạp

Một trong những đặc điểm khác biệt quan trọng của ngành hàng không so với các ngành khác là vốn đầu tư ban đầu rất lớn và hạ tầng phức tạp. Để có thể cung cấp dịch vụ tới hành khách, ngành hàng không trước hết cần xây dựng trước hệ thống hạ tầng gồm các cảng hàng không rất tốn kém để vừa làm bến đỗ cho máy bay, vừa là nơi hành khách dừng chân chờ máy bay. Chi phí để xây dựng một cảng hàng không có thể lên tới nhiều tỷ USD và chi phí vận hành cũng là một con số không nhỏ. Sau khi có được cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn và kỹ thuật thì ngành HKDD cần các máy bay thương mại để chuyên chở hành khách từ điểm này đến điểm khác. Giá một chiếc máy bay loại nhỏ khoảng 70 chỗ là 20-30 triệu USD và máy bay loại lớn khoảng gần 300 chỗ có giá bán lên tới gần 300 triệu USD mỗi chiếc. Từ đó có thể thấy hàm lượng vốn vượt trội của vận tải hàng không so với các ngành vận tải khác.

Thứ năm, hoạt động cả trong và ngoài nước

Trong ngành hàng không, việc vận chuyển hành khách từ điểm này tới điểm khác không chỉ diễn ra trong nước mà còn cả quốc tế. Việc điều tiết vận tải hàng không được thực hiện bằng công cụ chủ yếu là quyền vận chuyển. Căn cứ vào luật hàng không, Quyền vận chuyển hàng không (thuật ngữ chuyên môn gọi là thương quyền) “là quyền khai thác thương mại vận chuyển hàng không với các điều kiện về hãng hàng không,

đường bay, tàu bay khai thác, chuyến bay và đối tượng vận chuyển”. Ở nước ta, “quyền vận chuyển hàng không nội địa được cấp cho các hãng hàng không Việt Nam căn cứ vào nhu cầu của thị trường, khả năng của hãng hàng không, sự phát triển cân đối mạng đường bay và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. “Vận chuyển hàng không quốc tế là việc vận chuyển bằng đường hàng không qua lãnh thổ của hơn một quốc gia”. Quyền vận chuyển hàng không quốc tế sẽ do một quốc gia cấp cho một quốc gia khác chỉ định một hay một số hãng vận chuyển của quốc gia này được khai thác thương mại thị trường vận tải hàng không có liên quan đến quốc gia cấp phép. Nó thường được quy định trong một hiệp định hàng không quốc tế song phương hoặc đa phương.

Trong vận chuyển hàng không quốc tế hiện nay có 9 loại thương quyền cơ bản:

“Thương quyền 1 - Quyền được bay qua lãnh thổ của quốc gia cấp thương quyền nhưng không hạ cánh; Thương quyền 2 - Quyền hạ cánh kỹ thuật xuống quốc gia cấp thương quyền mà hành khách và hàng hóa không rời máy bay; Thương quyền 3 - Quyền vận chuyển từ quốc gia của hãng hàng không tới quốc gia cấp thương quyền; Thương quyền 4- Quyền vận chuyển từ quốc gia cấp thương quyền tới quốc gia của hãng hàng không;

Thương quyền 5 - Quyền vận chuyển đi/đến lãnh thổ của quốc gia cấp quyền từ/đến quốc gia thứ ba và có điểm xuất phát hoặc kết thúc hành trình thuộc quốc gia của hãng hàng không; Thương quyền 6 - Quyền vận chuyển giữa 2 quốc gia khác qua quốc gia của hãng vận chuyển.; Thương quyền 7 - Quyền được khai thác tải thương mại giữa hai nước hoàn toàn ở ngoài nước của hãng khai thác; Thương quyền 8 - Quyền được khai thác tải thương mại từ một thành phố này ở nước ngoài đến một thành phố khác của cùng nước đó nhưng các chuyến bay phải được xuất phát từ nước của nhà khai thác;

Thương quyền 9 - Quyền được khai thác tải thương mại từ một thành phố này ở nước ngoài đến thành phố khác của nước đó nhưng máy bay không xuất phát từ nước của nhà khai thác.”

Thứ sáu, một ngành đòi hỏi mức độ an ninh và an toàn rất cao

Đối với ngành hàng không dân dụng, việc đánh giá mức độ an ninh, an toàn hàng không của ngành được thực hiện thông qua kiểm định rất nhiều các tiêu chí. Ở cấp độ từng quốc gia đơn lẻ nói riêng thì mỗi quốc gia có một bộ tiêu chí đánh giá mức độ an ninh, an toàn hàng không riêng áp dụng cho toàn bộ ngành hàng không dân dụng ở quốc gia đó. Ở cấp độ thế giới, các tổ chức hàng không dân dụng uy tín trên thế giới, các tổ chức đánh giá và các quốc gia hiện tại đang thống nhất áp dụng một số hệ thống đánh giá mức độ an ninh, an toàn hàng không như Chứng nhận đánh giá An toàn Khai thác của IATA (IATA Operational Safety Audit - IOSA), chương trình Thẩm định An toàn

Hàng không Quốc tế (International Aviation Safety Assessment Program - IASA) của Cục hàng không liên bang Mỹ (Federal Aviation Administration - FAA), bộ 8 nhóm tiêu chí an toàn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO country Audit), chấp thuận bay của liên minh châu Âu, …

Như vậy, với việc rất nhiều hệ thống và bộ tiêu chí được đưa ra để đánh giá mức độ an ninh, an toàn hàng không, có thể khẳng định một điều rằng việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không là ưu tiên hàng đầu của ngành hàng không dân dụng. Đối với các dịch vụ vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy, an toàn cũng được đặt cao, tuy nhiên về mức độ ưu tiên thì không thể cao bằng đường hàng không. Trên đường bộ hoặc đường thủy, nếu có sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thì những người trên phương tiện có thể chủ động một phần trong việc đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng, đồng thời các đơn vị hỗ trợ cũng có thể tiếp cận nhanh chóng và giải quyết các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, đối với hàng không thì lại hoàn toàn khác. Một khi cửa máy bay đóng lại và máy bay cất cánh thì khả năng xử lý vấn đề khẩn cấp phát sinh (cháy, nổ, hỏng động cơ, khủng bố, …) của toàn bộ hành khách và tổ bay gần như là không thể, cũng như các đơn vị cứu hộ cũng không thể tiếp cận máy bay để giải quyết vấn đề. Dù là việc mất an ninh, an toàn hàng không xảy ra ở mức độ nào thì cũng là điều không ai mong muốn bởi ở mức độ nhẹ thì các tàu bay gặp tai nạn sẽ phải được đưa đi sửa chữa và không thể sử dụng trong một vài tháng, gây thất thoát doanh thu cho hãng hàng không, còn ở mức độ nghiêm trọng thì mạng sống của toàn bộ hành khách và tổ bay trên máy bay có thể bị ảnh hưởng. Trên thực tế các năm gần đây, ngành hàng không dân dụng thế giới đã phải chứng kiến không ít những vụ tai nạn máy bay thảm khốc làm thiệt mạng toàn bộ hành khách và phi hành đoàn lên đến vài trăm người cho mỗi lần tai nạn xảy ra.

Tóm lại, dù là hoạt động vì mục đích gì thì các tiêu chí về an ninh, an toàn của ngành HKDD nói chung và các hãng HKDD nói riêng luôn phải được đặt lên hàng đầu bởi một khi tai nạn xảy ra, mức độ ảnh hưởng là rất lớn, nó là tính mạng và tài sản của hành khách cũng như tổ bay, là kinh tế của ngành hàng không, là danh tiếng của ngành hàng không, và cũng là vấn đề quyết định sự tồn vong của ngành hàng không. Điển hình về mất an ninh, an toàn hàng không là hãng bay Malaysia Airlines khi họ để xảy ra 2 vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng trong năm 2014, cướp đi sinh mạng của hơn 500 hành khách và phi hành đoàn, và cho đến tận bay giờ (2020), hãng bay vẫn chưa thể hồi phục về nguyên trạng trước khi 2 vụ tai nạn này xảy ra.

Một điển hình khác về mất an ninh, an toàn hàng không xảy ra vào ngày 22 tháng 5năm 2020 khi một chiếc máy bay của hãng hàng không Pakistan International rơi và khiến 97 người thiệt mạng. Ngay sau đó, giới chức Pakistan đã phải tiến hành rà soát lại

toàn bộ bằng cấp của tất cả các phi công Pakistan được cấp phép bay tại Pakistan và phát hiện 282 phi công của nước này gian lận thi cử để có bằng lái, trong đó 177 người đang làm việc tại 4 hãng hàng không của Pakistan và 85 phi công khác làm việc tại nước ngoài. Phản ứng lại với thông tin được giới chức Pakistan đưa ra, các hãng hàng không trên thế giới đồng loạt tiến hành xác minh lại vấn đề bằng cấp của các phi công Pakistan. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, hiện Việt Nam đang cấp phép bay cho 27 phi công Pakistan có bằng lái máy bay được cấp tại Pakistan và đã đình chỉ hoạt động bay với các phi công này để điều tra vấn đề bằng cấp (17 phi công của Vietjet Air, 6 phi công của Vietnam Airlines, 4 phi công của Pacific Airlines). Có thể thấy đây là một trường hợp gây mất an ninh, an toàn hàng không nghiêm trọng, tầm cỡ toàn cầu bởi việc để một phi công không được qua đào tạo bài bản lái một chiếc máy bay vận chuyển hàng trăm hành khách là hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro về tai nạn hàng không rất lớn.

2.2.2. Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng trong lĩnh vực vận chuyển hành khách

2.2.2.1. Nội hàm về năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng trong lĩnh vực vận chuyển hành khách

Trên cơ sở tổng quan các khái niệm về NLCT ngành ở trên và tổng quan các nghiên cứu ở chương I, tác giả định nghĩa NLCT của ngành HKDD trong lĩnh vực VCHK như sau:

“Năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng trong lĩnh vực vận chuyển hành khách là khả năng của ngành tại thị trường nội địa và quốc tế trong việc tạo ra, duy trì và mở rộng về quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.”

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành HKDD trong lĩnh vực VCHK là kết quả tổng hợp, phản ánh hiệu quả tác động của các chính sách, thể chế, môi trường, chất lượng, công nghệ khoa học kỹ thuật, quản trị,… trong quá trình hoạt động của ngành, qua đó đưa sản phẩm của ngành tiếp cận được tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước, chiếm lĩnh được nhiều thị phần tại các thị trường, thỏa mãn được mục tiêu hoạt động của ngành, và tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội.

Từ quan niệm như trên thì nội hàm của NLCT của ngành HKDD trong lĩnh vực VCHK thể hiện ở 2 phương diện: (i) tạo ra, duy trì và mở rộng về quy mô, và (ii) nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

- Tạo ra, duy trì và mở rộng về quy mô

(1) Đối với lĩnh vực VCHK của ngành HKDD thì quan trọng nhất là tạo ra được những sản phẩm dịch vụ có giá trị đối với hành khách và được hành khách đón nhận

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 53 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(220 trang)
w