Tổng quan các nghiên cứu trong nước về năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

1.3. Tổng quan các nghiên cứu trong nước về năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng

Trước đây, ngành hàng không mà đặc biệt là ngành HKDD là một ngành ít có tính cạnh tranh. Nguyên nhân cơ bản của việc này là vì ngành HKDD đã là một ngành độc quyền thuộc sở hữu nhà nước từ khi ra đời; hãng hàng không do nhà sở hữu và quản lý được gọi là hãng hàng không quốc gia và là tài sản giá trị của quốc gia. Tuy nhiên, từ khi đất nước đổi mới tới nay, ngành HKDD đã có những bước tiến vượt bậc. Việc từng bước tự do hóa ngành HKDD và việc bãi bỏ một số quy định khắt khe đối với ngành này đã thúc đẩy một số hãng hàng không tư nhân mới gia nhập thị trường, từ đó đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong vấn đề cạnh tranh và đổi mới đối với ngành HKDD.

Trong nghiên cứu của mình, Đào Mạnh Nhương (1996) đã lý giải một cách hệ thống các đặc điểm về tổ chức và hoạt động của ngành HKDD, từ đó làm rõ những đặc điểm về vốn, tích lũy vốn, khả năng tạo ra và tích lũy lợi nhuận của ngành gắn liền với sự tiến triển của quan điểm thương mại hóa hoạt động HKDD. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tích lũy và tạo lợi nhuận của ngành hàng không, bỏ qua các yếu tố khác có tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như các yếu tố mang tính cạnh tranh với ngành hàng không của các quốc gia khác.

Đề tài “Đổi mới hoạt động kinh doanh hàng không phù hợp với cung cầu vận tải hàng không ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Quang (2001) tập trung nghiên cứu những vấn đề thuộc nghiệp vụ kinh doanh và giải pháp tổ chức kỹ thuật trong khuôn khổ hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Tổng công ty Hàng không Việt Nam trong giai đoạn từ 1989-1999. Luận án đã đề xuất quan điểm, phương hướng phát triển, và giải pháp nhằm đổi mới hoạt động kinh doanh vận tải hàng không xoay quanh các mô hình tổ chức, quản lý điều hành hãng hàng không theo mô hình kinh doanh “Mẹ - Con”, hoàn thiện tổ chức và kinh doanh mạng đường bay quốc tế, tăng cường quản lý điều hành hãng hàng không, thúc đẩy hãng hàng không đưa ra các sản phẩm có chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh.

Nghiên cứu của Nguyễn Thy Sơn (2001) về đề tài “Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh vận tải hàng không của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)” đặt trọng tâm vào làm rõ mối tương quan giữa các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh vận tải hàng không và hoạt động kinh doanh vận tải của Vietnam Airlines để từ đó rút ra những vấn đề còn tồn đọng trong hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, tiến tới nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm nâng

cao hiệu quả kinh doanh của Vietnam Airlines trên thương trường hàng không quốc tế.

Nghiên cứu này đã xác định được vai trò của vận tải hàng không trong nền kinh tế quốc dân, trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế và trong quá trình hội nhập của Việt Nam.

Đồng thời nghiên cứu cũng hệ thống hóa được bộ các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả trong vận tải hàng không và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong vận tải hàng không. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ tập trung chủ yếu phân tích các yếu tố mang tính nội bộ của hãng hàng không Việt Nam và giải quyết việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của hãng, do vậy chưa thể đại điện được cho toàn ngành hàng không Việt Nam.

Đề tài “Giá thành vận tải hàng không” của tác giả Lương Hoài Nam (2002) cùng các thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam nghiên cứu chủ yếu về cách thức xác định giá thành sản xuất kinh doanh của hãng. Thông qua nghiên cứu, đánh giá những văn bản, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải về công tác quản lý và phân loại chi phí theo hệ thống kế toán, các tác giả đã xác định giá thành vận tải hàng không theo từng loại hình sản phẩm, đồng thời ứng dụng tính toán giá thành trong hoạt động điều hành sản xuất và quản trị chi phí của hãng.

Trong nghiên cứu về “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá và quản lý chất lượng sản phẩm vận tải hàng không ở Việt Nam”, tác giả Nguyễn Mạnh Quân (2004) chủ yếu sử dụng phương pháp thu thập, điều tra và đánh giá chất lượng dịch vụ trên một số hành trình do Vietnam Airlines khai thác để đưa ra các giải pháp trong quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm.

Tác giả Dương Cao Thái Nguyên (2005) là một trong những nhà nghiên cứu đi đầu trong việc nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về hãng hàng không chi phí thấp tại Việt Nam trong đề tài “Xây dựng hãng hàng không chi phí thấp tại Việt Nam đến năm 2020”. Qua nghiên cứu của mình, tác giả đã đưa ra nhận định về thực trạng các doanh nghiệp vận tải hàng không nước ta, nhu cầu xây dựng hãng hàng không chi phí thấp và những yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng hãng hàng không chi phí thấp. Bên cạnh đó, đề tài cũng tổng hợp những định hướng, nội dung, phương án và lộ trình xây dựng hãng hàng không chi phí thấp tại Việt Nam. Đề tài mang tính thực tiễn và có thể vận dụng để xây dựng hãng hàng không chi phí thấp tại Việt Nam.

Nghiên cứu “Vận dụng một số phương pháp thống kê nghiên cứu chất lượng dịch vụ hành khách của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam” của tác giả Trần Phương Lan (2008) tập trung nghiên cứu về cảm nhận của hành khách về chất lượng dịch vụ trên các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines. Thông qua các phương

pháp nghiên cứu hồi quy bội, phân tích nhân tố, và phương pháp mô hình cấu trúc, nghiên cứu đã đưa ra một số nhân tố để đo lường mức độ ảnh hưởng đến dịch vụ mặt đất và trên không của hãng hàng không Vietnam Airlines.

Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Minh Tình (2009) về “Các giải pháp marketing nhằm tăng cường sức cạnh tranh trong kinh doanh vận chuyển hành khách của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam” đã hệ thống hóa một cách cơ bản các lý luận về Marketing dịch vụ, khai thác được các đặc điểm riêng của Marketing trong dịch vụ vận chuyển hàng không, xác định được vị thế của Vietnam Airlines và thực trạng hoạt động Marketing của hãng. Thông qua những lý luận và thực tiễn nghiên cứu được, tác giả đã đề xuất Vietnam Airlines hoàn thiện chính sách Marketing tới thị trường thu nhập thấp và trung bình, song song với phát triển theo hình thức hàng không truyền thống.

Năm 2012, tác giả Nguyễn Lệ Hằng (2012) đã hoàn thiện đề tài nghiên cứu về

“Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực vận tải hàng không của Việt Nam”. Trong nghiên cứu, tác giả đánh giá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của vận tải hàng không Việt Nam, ảnh hưởng của quá trình này tới sự phát triển của lĩnh vực vận tải hàng không trong nước, dự báo dung lượng thị trường về cả hành khách lẫn hàng hóa, và đề ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy vận tải hàng không của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Hùng (2015) về “Nghiên cứu xây dựng chính sách giá cước vận tải hành khách bằng đường hàng không ở Việt Nam” đã hệ thống hóa cơ sở lý luận chung về xây dựng chính sách giá cước vận tải hành khách bằng đường hàng không, qua đó đánh giá tổng thể về thực trạng chính sách giá cước vận tải hành khách bằng đường hàng không của Việt Nam nói chung và các hãng hàng không nói riêng. Với nguyên lý chính là thị trường quyết định giá và có đánh giá, kiểm soát mục tiêu với giá thành vận tải hàng không, tác giả đã đề xuất quy trình xây dựng chính sách giá cước đảm bảo 3 yêu cầu về tính thích ứng, tính hiệu quả và tính đầy đủ. Đề tài khoa học này là một công trình khoa học công phu, song phạm vi nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc xây dựng giá thành vận tải hàng không và chính sách giá cước vận tải hành khách bằng đường hàng không tại Việt Nam. Đồng thời, do chính sách giá là nội lực của từng hãng hàng không nên không đòi hỏi tác giả phải so sánh với chính sách giá của các hãng hàng không nước ngoài. Ngoài một số kinh nghiệm xây dựng chính sách giá cước vận tải hành khách của một số hãng hàng không quốc tế, đề tài hầu như không đề cập hay so sánh chính sách giá của các hãng hàng không Việt Nam với các hãng hàng không nước ngoài.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(220 trang)
w