Khái niệm về năng lực cạnh tranh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 45 - 48)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG TRONG LĨNH VỰC VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH

2.1. Khái niệm cơ bản về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh và năng lực cạnh tranh cấp ngành

2.1.2. Khái niệm về năng lực cạnh tranh

Ý tưởng về năng lực cạnh tranh được chính thức ghi nhận lần đầu vào đầu những năm 1980 trong một báo cáo của Bộ kinh tế và tài chính Anh, Her Majesty’s Treasury (1983): “Năng lực cạnh tranh quốc tế là khả năng của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong một quốc gia cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế cũng như cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường nội địa. Năng lực cạnh tranh thường được đo bằng thị phần mà quốc gia đó nắm giữ tại từng thị trường, căn cứ vào quy mô và giai đoạn phát triển. Năng lực cạnh tranh theo nghĩa rất chung này đồng nghĩa với hiệu suất tổng thể.” Sau đó, cũng trong năm 1983, một báo cáo của Ủy ban cạnh tranh công nghiệp của Hoa Kỳ (Commission for Industrial Competitiveness, 1983) đã thêm các chức năng liên quan đến công cộng vào định nghĩa, thông qua đó, đưa yếu tố công dân vào quá trình đánh giá năng lực cạnh tranh. Fagerberg (1988), Krugman (1994) và Durand (1998) đã bổ sung thêm vai trò của chính phủ vào định nghĩa này. Đến năm 2004, trong một báo cáo của Ủy Ban Châu Âu (European Commission) (2004) định nghĩa năng lực cạnh tranh được bổ sung thêm yếu tố “bền vững”: là sự tăng trưởng bền vững về mức sống của một quốc gia hay một khu vực với tỷ lệ thất nghiệp không tự nguyện ở mức thấp nhất có thể. Gần đây nhất, vào năm 2014, World Competitiveness Center đã đưa ra nhận định về năng lực cạnh tranh như sau: Năng lực cạnh tranh được thể hiện qua “khả năng của một quốc gia trong việc tạo ra và duy trì một môi trường mà môi trường đó có thể duy trì một cách bền vững việc tạo ra giá trị tăng thêm cho các doanh nghiệp và đem lại một cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân trong môi trường đó; hoặc nói ngắn gọn, năng lực cạnh tranh được thể hiện qua cách thức mà một quốc gia quản lý và sử dụng toàn bộ tài nguyên và nguồn lực nhằm gia tăng sự thịnh vượng cho người dân của quốc gia đó.”

Theo Hatzichronologou (1996), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development - OECD) định nghĩa năng lực cạnh tranh là khả năng của các doanh nghiệp, ngành, tỉnh/vùng, quốc gia và các tổ chức siêu quốc gia trong việc tạo ra thu nhập yếu tố (factor income) và việc làm yếu tố (factor employment) ở cấp độ cao một cách bền vững trong khi vẫn chịu sự cạnh tranh từ môi trường quốc tế. Đến năm 2010, trong ấn phẩm số 30 của OECD về Lương thực, nông nghiệp và thủy sản, Latruffe (2010) đã có bài viết về Năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu quả trong ngành nông nghiệp và thực phẩm, trong đó tác giả tự tổng hợp và đưa ra quan điểm về năng lực cạnh tranh như sau: “Năng lực cạnh tranh có thể được định nghĩa là khả năng đối mặt với cạnh tranh và thành công khi đối mặt với cạnh tranh.

mức độ hẹp hơn, năng lực cạnh tranh là khả năng bán các sản phẩm đáp ứng được

nhu cầu (giá cả, chất lượng, số lượng), đồng thời đảm bảo lợi nhuận trong quá trình

sản xuất kinh doanh để đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp. Cạnh tranh có thể diễn ra tại thị trường nội địa (các doanh nghiệp hoặc các ngành trong cùng một quốc gia sẽ được so sánh với nhau) hoặc cạnh tranh trên thị trường quốc tế (các quốc gia sẽ được so sánh với nhau). Như vậy, năng lực cạnh tranh là một biện pháp đo lường tương đối và là một khái niệm rộng nên chưa có sự nhất quán về định nghĩa cũng như cách đo lường chính xác.”

Theo Belkacem Laabas (2002), có 3 yếu tố khiến cho NLCT đến nay vẫn là một khái niệm hết sức phức tạp: (i) sự thiếu hụt về lý thuyết NLCT quốc tế và mô hình chặt chẽ giải thích cho lý thuyết đó, (ii) bản chất của NLCT là một vấn đề đa chiều với các nghiên cứu không đồng đều ở từng lĩnh vực nên cũng chưa thể tổng hợp thành một khái niệm chung, (iii) phạm vi của NLCT là rất rộng và đa dạng, ví dụ khi cùng nói về NLCT quốc tế, một người có thể đề cập đến việc so sánh hiệu suất cạnh tranh giữa các quốc gia trên thị trường quốc tế, một người khác có thể đề cập đến sức hấp dẫn của nền kinh tế quốc gia với dòng vốn của toàn cầu hoặc nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo hoặc giá nhân công rẻ,…

Một trong những khái niệm về NLCT ở tầm vĩ mô được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay được nêu ra trong bản báo cáo của Giám đốc Ủy ban cạnh tranh ngành của Mỹ như sau: “NLCT, trong điều kiện thị trường tự do và công bằng, là khả năng của một quốc gia có thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đồng thời duy trì và cải thiện thu nhập của người dân.” (Report of the President’s Commission on Industrial Competitiveness, 1985). Rất nhiều tác giả đã sử dụng định nghĩa này trong nghiên cứu của mình như Starr and Ullmann (1988), Tyson (1988), Krugman (1994). NLCT được công nhận rộng rãi là một yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng sự phồn thịnh của một quốc gia (Her Majesty’s Treasury, 1983; Scott & Lodge, 1985; Fagerberg, 1988; Fajnzylber, 1988; Newall, 1992; The Economist, 1994;

European Commission, 1994; Krugman, 1994; Durand, Madaschi & Terribile, 1998;

OECD, 2000) vì nó cải thiện mức sống và thu nhập thực tế thông qua việc cung cấp các mặt hàng và dịch vụ có lợi thế so sánh nhất định (Crouch & Ritchie, 1999).

Trong tác phẩm “Bàn về tài sản quốc gia” (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), mặc dù Adam Smith không nhắc đến thuật ngữ “năng lực cạnh tranh” hay “thương mại quốc tế” nhưng ông đã đề cập rất nhiều đến “đặc quyền”. Trong tác phẩm này, Adam Smith đã nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp sẽ sử dụng những đặc quyền riêng của mình để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm với giá thành thấp nhất. Ông cho rằng, việc phân chia lao động và chuyên môn của một quốc gia theo hướng tối ưu nhất để cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thành thấp hơn các quốc gia

khác là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích cho quốc gia. David Ricardo sau đó bổ sung cho lập luận của Adam Smith và đưa ra nguyên tắc

“lợi thế so sánh” để đề cập đến việc khi một quốc gia có thể sản xuất với chi phí thấp hơn các quốc gia khác thì quốc gia đó sẽ được lợi khi chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng đó. Đồng thời, đối với các mặt hàng mà quốc gia đó có thể sản xuất được nhưng chi phí cao hơn các quốc gia khác thì quốc gia đó nên nhập khẩu thay vì tự sản xuất.

Tóm lại, có nhiều quan điểm khác nhau về NLCT, nhưng chung quy lại, “NLCT được coi là khả năng của một chủ thể trong việc đạt được những điều kiện thuận lợi về sản xuất và kinh doanh, qua đó tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, chiếm được nhiều thị trường hơn, để từ đó thỏa mãn mục tiêu mà chủ thể đặt ra. Nó lồng ghép các quá trình sản xuất kinh doanh với việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có lợi thế so sánh nhất định. Nó đảm bảo thỏa mãn các nhu cầu hiện tại, đồng thời duy trì và phát huy được thế mạnh hiện tại để tiếp tục đáp ứng các nhu cầu trong tương lai.”

Một phần của tài liệu Nghiên cứu năng lực cạnh tranh của ngành hàng không dân dụng việt nam trong lĩnh vực vận chuyển hành khách (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(220 trang)
w