Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA GIÁO DỤC KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC STEAM
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Những nghiên cứu về kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo
Hướng thứ nhất. Nghiên cứu về bản chất kĩ năng giải quyết vấn đề ở trẻ MG 5 - 6 tuổi
Các nhà nghiên cứu J. Piaget , L.S. Vygotsky, George Pólya, Albert Bandura, Herbert A. Simon, Edward de Bono, David Jonassen và John Dewey, Beyer, D'Zurilla, David Klahr, Brown đã cung cấp những cái nhìn sâu sắc về bản chất của KNGQVĐ ở trẻ nhỏ. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng KNGQVĐ phát triển thông qua trải nghiệm thực tế [16]–[18]. Trẻ em học cách GQVĐ thông qua việc thử nghiệm, gặp khó khăn và tìm kiếm giải pháp trong môi trường xung quanh.
KNGQVĐ liên quan chặt chẽ đến tư duy logic và quy trình tư duy [19]–[21]. Trẻ em phải hiểu vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch và kiểm tra kết quả một cách có logic và có hệ thống [19]. Để GQVĐ đòi hỏi khả năng sáng tạo và khả năng tự tạo ra ý tưởng. Theo Piaget, trẻ em cần khuyến khích để nghĩ ra các giải pháp mới và đưa ra ý tưởng dựa trên kiến thức và trải nghiệm của trẻ [22]. Một số nhà nghiên cứu Jonassen, Robinson nhấn mạnh sự tự tin và khả năng tự kiểm soát bản thân là quan trọng trong việc GQVĐ [23], [24]. Trẻ em cần tự tin rằng trẻ có thể tìm ra giải pháp và kiểm soát quá trình GQVĐ [25]. Môi trường học tập có vai trò quan trọng trong phát triển KNGQVĐ cho trẻ em [26], [27]. Tương tác với người khác, học hỏi từ GV, bạn bè và môi trường xung quanh giúp trẻ phát triển khả năng này [28], [29]. Quá trình GQVĐ thường đi kèm với sự thay đổi kiến thức và suy nghĩ. Trẻ em học hỏi từ kinh nghiệm của trẻ và có thể thay đổi quan điểm khi mình gặp phải thông tin mới.
Các nghiên cứu cho thấy, KNGQVĐ ở trẻ nhỏ không chỉ liên quan đến việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề cụ thể mà còn đòi hỏi khả năng tư duy logic, sáng
tạo, và khả năng tự tạo ra ý tưởng. Các kỹ năng này phát triển thông qua trải nghiệm, tương tác xã hội, và quá trình thay đổi kiến thức và suy nghĩ.
Theo Nguyễn Quang Uẩn (2005), một trong những đặc điểm của tư duy đó là tính “có vấn đề”, tư duy là để giải quyết nhiệm vụ, suy nghĩ là một hoạt động tinh thần giúp một người GQVĐ, ra quyết định làm, hiểu, tìm kiếm câu trả lời và tìm ra ý nghĩa [21, 88-89]. Tư duy là một hành động. Mỗi hành động tư duy là một quá trình GQVĐ nào đó nảy sinh trong quá trình nhận thức, hoặc trong hoạt động hằng ngày của chủ thể, quá trình tư duy bao gồm nhiều giai đoạn từ khi gặp vấn đề và nhận thức được nó cho đến khi vấn đề được giải quyết [21, 92-93].
Bản chất của KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi là quá trình tư duy để xử lý tình huống có vấn đề gặp phải, để giải quyết mâu thuẫn giữa những gì trẻ đã biết và những cái trẻ chưa biết. Theo Stone – MacDonald (2015), trong quá trình GQVĐ có sự thích nghi tích cực của trẻ, đòi hỏi trẻ, ngoài việc phải vận dụng những hiểu biết, kĩ năng đã tích lũy được trước đó còn cần đến sự nỗ lực để tìm kiếm tri thức mới nhằm tìm ra cách GQVĐ một cách hiệu quả phù hợp với hoàn cảnh, tình huống gặp phải [30]. Cuộc sống luôn vận hành và tồn tại những vấn đề bên trong nó, trẻ MG 5 - 6 tuổi cần được trao cơ hội để được rèn luyện, thích ứng, sẵn sàng giải quyết các vấn đề diễn ra xung quanh trẻ.
Hướng thứ hai. Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ MG 5 - 6 tuổi
Các nghiên cứu đưa ra khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi, tuy nhiên tất cả các nghiên cứu đều có điểm chung là dựa chủ yếu trên quan điểm của hai nhà nghiên cứu lỗi lạc Jean Piaget và L.S. Vygotsky [31], [25].
Kĩ năng GQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi phụ thuộc vào chính bản thân trẻ và sự trao quyền tự quyết của người lớn
Trong những nghiên từ năm 1936 - 1957, Jean Piaget, cho rằng trẻ em phát triển KNGQVĐ thông qua quá trình xây dựng kiến thức và hiểu biết riêng, bằng cách tương tác với môi trường xung quanh và tạo ra các kiểu tư duy riêng biệt ở từng giai đoạn. Khi gặp phải một vấn đề cần giải quyết, trẻ có xu hướng quan sát, tìm hiểu vấn đề để thấy được sự khác biệt giữa kiến thức hiện tại của mình và kiến thức cần thiết để hiểu và GQVĐ gặp phải [22], [32], [33]. Nếu sự khác biệt quá lớn so với trình độ nhận thức của trẻ thì trẻ sẽ sử dụng các phương pháp quen thuộc mà trẻ có để cố gắng GQVĐ, những phương pháp này có thể không đúng, hoặc không đầy đủ. Tuy nhiên, việc trẻ cố gắng GQVĐ bằng thao tác chân tay hay bằng các hoạt động trí óc để đưa ra giải pháp chính xác cho một câu đố hoặc một bài toán là
một điều vô cùng quan trọng. Quan điểm này thường được gọi với thuật ngữ tiếng Anh là “inside - out”, trong cuốn Giáo trình tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non, nhóm tác giả Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2003) cho rằng đó là “chuyển từ bình diện bên trong ra bình diện bên ngoài”, nhấn mạnh sự đấu tranh bên trong đứa trẻ để hiểu vấn đề mới với khả năng và hiểu biết, kinh nghiệm của chính bản thân đứa trẻ [34].
Theo Hoàng Thị Phương (2008), với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức, trẻ quyết định sự phát triển của chính mình [35]. Piaget cũng nhấn mạnh, để giải quyết các vấn đề tương tác xã hội, đứa trẻ học tốt nhất thông qua sự tương tác với những người xung quanh trẻ. Nếu bé A giật đồ chơi của bé B, bé B sẽ phản ứng theo cách giúp bé A sớm nhận ra rằng hành vi này không được chấp nhận, từ đó trẻ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp như học cách chia sẻ đồ chơi hoặc thay phiên nhau [36], [32], [22]. Lý thuyết phát triển trí tuệ theo giai đoạn của Piaget mô tả sự phát triển nhận thức của trẻ em liên quan đến những thay đổi trong quá trình và khả năng nhận thức. Theo quan điểm của Piaget, sự phát triển nhận thức ban đầu bao gồm các quá trình dựa trên các hành động và sau đó tiến tới những thay đổi trong hoạt động trí óc, những KNGQVĐ không thể được dạy mà phải được tự khám phá ra [22].
Nghiên cứu của Brown (1988) nhận định rằng, trong nhiều trường hợp, người lớn thường tham gia và GQVĐ mà đáng lẽ ra nên để tự trẻ giải quyết, vì cho rằng như vậy sẽ nhanh hơn, dễ dàng hơn và ít khó chịu hơn. Tuy nhiên điều đó là không nên, bởi bất cứ vấn đề gì trẻ gặp phải, dù chỉ là việc nhỏ cũng có thể là cơ hội để trẻ phát triển KNGQVĐ, ở đó trẻ được trải nghiệm kết quả từ những quyết định của chính mình đưa ra [29]. Người lớn có thể tạo tiền đề cho trẻ tự GQVĐ của mình bằng cách hỏi trẻ "con có thể làm gì" để GQVĐ này. Trẻ sẽ học được nhiều điền từ quá trình tự GQVĐ mình gặp phải như sự tương tác với môi trường với những hành động phù hợp. Nếu vấn đề quá dễ trẻ sẽ không hứng thú, nhưng quá khó sẽ khiến trẻ chán nản.
Trẻ cần phải tự tin vào chính mình, và sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro nếu phương án mình lựa chọn là không khả thi trong quá trình thực hiện. Sự tự tin và sẵn sàng chấp nhận rủi ro là điều cần thiết phải có đối với người GQVĐ. Việc sử dụng kĩ thuật
“Công não” với việc đưa càng nhiều giải pháp càng tốt, giúp trẻ nhìn nhận vấn đề rõ ràng, với những quy tắc cơ bản: bất kỳ ý tưởng nào được đưa ra dù là vô lí hoặc có thể là điên rồ cũng có thể được chấp nhận; không được phép chỉ trích, phán xét về những ý tưởng được đưa ra; càng nhiều ý tưởng được đưa ra càng tốt, vì nó là nguồn cùng cấp các giải pháp thay thế cho vấn đề [29]. Tác giả Hà Sơn (2010) nhận định rằng,
“trong gia đình, các bậc phụ huynh nên trao quyền quyết định”, sự tự lựa chọn trang phục của mình, tự khắc phục những khó khăn, giúp trẻ tự giải quyết các vấn đề của mình thay vì làm giúp con, hình thành cho các con có thói quen tốt ngay từ nhỏ [37].
Kĩ năng GQVĐ phụ thuộc vào yếu tố xã hội xung quanh trẻ - nơi trẻ học hỏi và tương tác
Nếu Piaget nhấn mạnh vào những thay đổi nhận thức từ sâu bên trong đứa trẻ là điều cần thiết để trẻ giải quyết các vấn đề khó hơn một chút so với khả năng của trẻ, thì Vygotsky lại nhấn mạnh bản chất cốt lõi của các mối quan hệ xã hội đối với việc học và sự phát triển của trẻ. Ông tin rằng trẻ nhỏ có thể sắp xếp các khái niệm, GQVĐ và ''suy nghĩ'' một cách phức tạp và trừu tượng khi được cung cấp các tài liệu thực tế, chân thực và có ý nghĩa và khi những tương tác này với các bạn cùng lứa tuổi, đặc biệt là khi chơi với những bạn thông mình hơn [38]. Vygotsky khẳng định, các yếu tố xã hội tác động đến đứa trẻ trong quá trình học mới là yếu tố quan trọng để đứa trẻ có thể giải quyết được vấn đề thành công. Ông nhấn mạnh, người GV có vai trò quan trọng trong việc giúp đứa trẻ có khả năng học tập chưa tốt thành khả năng hiểu biết và học tập tốt hơn. Vygotsky gọi đây là “vùng phát triển gần nhất”, trong đó GV thực sự có thể giúp trẻ nâng cao khả năng nhận thức để giải quyết một vấn đề mà ban đầu trẻ quá khó giải quyết [39].
Nhóm tác giả Hess và Shipman (1965) chỉ ra “Ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kích thích KNGQVĐ của trẻ nhỏ”, có sự khác biệt có ý nghĩa về KNGQVĐ giữa những đứa trẻ có mẹ đưa ra ngôn ngữ và yêu cầu, nhiệm vụ một cách cụ thể, rõ ràng [40] so với những đứa trẻ mẹ chỉ đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ chung chung không cụ thể. Cũng đề cập đến sức mạnh của ngôn ngữ, cùng với sự kiên trì, nhẹ nhàng kết hợp với những câu hỏi mở, kiểu Socrate (một kỹ thuật hiệu quả để khám phá sâu ý tưởng) để nâng cao hiểu biết về khái niệm của học sinh, Blank (1973) chỉ ra rằng câu hỏi theo kiểu Socrate sẽ làm tăng KNGQVĐ của trẻ và trẻ đạt được sự hiểu biết rõ ràng về khái niệm [41]. Theo Linder (2020), có hai dạng câu hỏi mở hữu ích trong các bài học, đó là câu hỏi hướng vào con người (Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra với viên đá nếu chúng ta lấy nó ra khỏi ngăn đá tủ lạnh) và câu hỏi định hướng quá trình (Làm thế nào chúng ta có thể xác định bao nhiêu cây thì phù hợp với chiếc bồn trồng cây của chúng ta) [42].
Bên canh đó, các nghiên cứu của Leah Matas, Richard A. Arend (1978), F.Garton (2004) cũng chỉ ra rắng sự động viên, cổ vũ và cảm giác an toàn cũng là yếu tố được nhắc đến trong việc thúc đẩy sự phát triển KNGQVĐ của trẻ, nó sẽ giúp trẻ đối mặt dễ dàng và giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách hiệu quả hơn [43]. Sự phản hồi, khuyến khích của người lớn sau khi trẻ GQVĐ sẽ cải thiện mức độ GQVĐ cao hơn so với trẻ em không nhận được phản hồi [31].
Theo các nhóm nghiên cứu Heppner (2004), Sample (2008), Leah Matas, Richard A. Arend (1978), Honig (2005), Garton (2004), KNGQVĐ có liên quan mật thiết đến môi trường gia đình, nếu trong gia đình trẻ, mọi người hoà thuận, cởi mở, trẻ được tự do thể hiện cảm xúc của mình, trẻ được cả nhà tin tưởng thì khi gặp các tình huống có vấn đề, trẻ có xu hướng bình tĩnh và GQVĐ một cách hiệu quả hơn [44, 374-375]. Khi không tự giải quyết được vấn đề trẻ cũng sẽ không ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn [45]. Mối quan hệ tình cảm giữa trẻ em và người lớn kèm cặp, dạy dỗ là một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy hiệu quả học tập và KNGQVĐ sớm [43], [46]. Các kĩ thuật kèm cặp cụ thể của GV sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ trẻ nhỏ GQVĐ [25]. Trẻ được làm việc, hợp tác GQVĐ với những người bạn có năng lực hơn, sẽ cải thiện KNGQVĐ của mình tốt hơn nhiều so với trẻ làm việc với những bạn kém năng lực hơn [31], [47].
Theo nghiên cứu của Karatas & Baki, (2013), Anliak & Dincer, (2009), việc thiết kế môi trường học tập dựa trên vấn đề cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm phát triển, nâng cao KNGQVĐ của người học, bên cạnh đó, những trải nghiệm cuộc sống tiêu cực hoặc tích cực của trẻ cũng ảnh hưởng đến các kĩ năng tư duy GQVĐ của đứa trẻ [48], [49].
Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Hoà (2019) đưa ra bốn yếu tố chính tác động đến sự phát triển KNGQVĐ của trẻ 5- 6 tuổi như yếu tố bẩm sinh di truyền (trẻ chỉ có thể tham gia vào các hoạt động khi não bộ phát triển bình thường), môi trường (giúp định hướng, điều chỉnh thái độ, hành vi của trẻ), giáo dục (vai trò “thang đỡ” của nhà GD) và hoạt động cá nhân của trẻ (sự tích cực tham gia các hoạt động) [50].
Những nghiên cứu trên đây cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến KNGQVĐ của trẻ MG rất đa dạng, như: sự cố gắng GQVĐ của chính bản thân trẻ, sự động viên khuyến khích của người lớn xung quanh, sự tương tác với bạn bè, môi trường học tập, môi trường gia đình, các kĩ thuật dạy học … Có thể khái quát KNGQVĐ của trẻ MG phụ thuộc vào ba yếu tố chính: người lớn, môi trường, bản thân trẻ.
Hướng thứ ba. Nghiên cứu về những biểu hiện và công cụ đo kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ MG 5 - 6 tuổi
Biểu hiện KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi
Khi nhắc đến biểu hiện KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi, Heppner (2004), Bapoğlu-Dümenci (2021), Nguyễn Thị Hoà (2019) đưa ra 3 biểu hiện: (1) nhận thức vấn đề, (2) mong muốn GQVĐ, (3) kĩ năng GQVĐ [13], [46], [50].
Tác giả Nguyễn Thị Hoà, đưa ra chi tiết các biểu hiện KNGQVĐ ứng với 5 bước hoạt động để GQVĐ trong hoạt động vui chơi của trẻ MG [50]: 1. Nhận biết
và phát hiện được tình huống có vấn đề trong khi chơi; 2. Mong muốn GQVĐ nảy sinh trong khi chơi; 3. Tìm kiếm, đề xuất các ý tưởng để GQVĐ; 4. Tiến hành GQVĐ; 5. Đánh giá kết quả thực hiện GQVĐ.
Nghiên cứu gần đây nhất của Hoàng Thanh Phương và cộng sự đưa ra 3 biểu hiện của KNGQVĐ ở trẻ mầm non: Nhận diện vấn đề, tìm kiếm phương án GQVĐ;
thực hiện GQVĐ [51, 60-61].
Có thể thấy, mỗi tác giả có góc nhìn khác nhau về biểu hiện KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi, nhưng đều thống nhất đưa ra những biểu hiện cốt lõi của KNGQVĐ đó là đứa trẻ phải phát hiện ra vấn đề, mong muốn giải quyết, lựa chọn được giải pháp, lập kế hoạch giải quyết và bắt tay vào thực hiện GQVĐ gặp phải, cuối cùng là đánh giá kết quả GQVĐ.
Công cụ đo KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi
Theo ĩnal & Aral, (2014), để khỏm phỏ và nõng cao KNGQVĐ của trẻ, việc xác định mức độ GQVĐ của trẻ là rất quan trọng [52], nó giúp các nhà nghiên cứu đánh giá được chương trình giảng dạy và hướng tiếp cận phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển ở trẻ. Theo Anggoro (2021), việc đánh giá KNGQVĐ đối với trẻ mầm non là khó khăn [4]. Tuy nhiên, cũng có một số công trình nghiên cứu được thực hiện:
Cỏc nhà nghiờn cứu Spivack, (1982), D’Zurilla (2009), Selahiddin ệğỹlmỹş Eda Kargı (2015) phát triển bộ công cụ đo KNGQVĐ giữa các cá nhân [20], [53], [54]. Brown (1986), Fettig (2016), Gardiner & Zeitz, (2000), Ruggiero, (1984) sử dụng những câu chuyện ngắn kết hợp những bức tranh về những sự kiện diễn ra hằng ngày để đo KNGQVĐ của trẻ [55]–[58].
Năm 1992, Shure đã thiết kế Bài kiểm tra GQVĐ giữa các cá nhân ở trường mầm non (PIPS). Mỗi trẻ tham gia bài kiểm tra mất 20 - 30 phút để hoàn thành, bao gồm hai phần liên quan đến các vấn đề xảy ra với bạn bè cùng trang lứa và những vấn đề thường xảy ra với mẹ của trẻ. Bài kiểm tra bao gồm những câu chuyện ngắn kể lại những vấn đề giữa hai đứa trẻ cùng tuổi và giữa một đứa trẻ và mẹ của bé, trong mỗi câu chuyện, người ta nói rằng một trong hai đứa trẻ muốn chơi với đồ chơi của đứa trẻ kia. Mỗi trẻ trong lớp được yêu cầu coi mình là nhân vật chính trong câu chuyện và sau đó tìm cách chơi với đồ chơi. Trong phần liên quan đến mẹ, người đánh giá sẽ kể lại rằng đứa trẻ trong câu chuyện làm hỏng một trong những đồ đạc của mẹ mình, và trẻ tham gia vào bài kiểm tra sẽ được đặt vào tình huống trong chuyện, rồi đưa ra những giải pháp khả thi để ngăn người mẹ nổi giận.
Theo Anliak & Dincer, (2009), Spivack (1982); Shure, (1992), những người kiểm tra được bồi dưỡng tốt để đánh giá các kĩ năng tư duy GQVĐ của trẻ em [49], [54]
[54], [59].