Khái niệm kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng giải quyết vấn đề cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động giáo dục STEAM (Trang 39 - 43)

Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA GIÁO DỤC KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC STEAM

1.2. Kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

1.2.1. Khái niệm kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

Có nhiều quan niệm khác nhau về kĩ năng, tùy theo cách tiếp cận của mỗi nhà khoa học, tuy nhiên các cách tiếp cận này không phủ nhận lẫn nhau và xoay quanh các hướng cơ bản sau:

Hướng thư nhất, xem xét năng nghiêng về mặt kỹ thuật của thao tác, hành động.

Những người theo hướng này có thể kể đến A.G.Covaliov (1971) [141], V.A.Crutetxki (1980) [142], A.V. Petrovxki (1982) [143] Phạm Tất Dong và cộng sự (2001) [144], Trần Trọng Thuỷ và cộng sự [145], Nguyễn Thành Kỉnh, (2010) [146]. Theo hướng này, kĩ năng là phương thức thực hiện hoạt động một cách thành

thạo, linh hoạt sáng tạo phù hợp với các mục tiêu trong những điều kiện cụ thể [146], [147]. Kĩ năng là hành động có ý thức, có kĩ thuật và có kết quả được thực hiện dựa trên vốn tri thức và kinh nghiệm đã có trong những điều kiện nhất định [147, 35-36]. Khi cá nhân nắm được các tri thức về hành động, thực hiện hành động theo các yêu cầu khác nhau của thực tiễn, tức là đã có kĩ năng hành động. Mức độ thành thạo của kĩ năng phụ thuộc vào mức độ nắm vững tri thức về hành động và sử dụng chúng vào hoạt động thực tiễn. Các tác giả theo quan điểm này, con người chỉ cần có phương thức thực hiện hành động đúng mà chưa nhấn mạnh đến hiệu quả của hành động.

Hướng thứ hai, xem xét kĩ năng nghiêng về khả năng của con người.

Đại diện cho hướng này có thể kể đến P. P. Heppner, T. E. Witty, and W. A.

Dixon [46], Nguyễn Quang Uẩn và cộng sự [144], Nguyễn Ánh Tuyết và cộng sự [34], Hoàng Phê [149], Nguyễn Thị Hòa [150], [151],… Theo hướng này kĩ năng là

“khả năng” thực hiện hành động đúng và phù hợp với mục tiêu, điều kiện cụ thể khi diễn ra hành động, để hình thành được kĩ năng thì cần có những kiến thức cơ sở cùng với sự luyện tập những thao tác riêng lẻ cho đến khi đạt kết quả theo đúng mục đích, yêu cầu. Quan điểm này đã bao hàm cả quan điểm thứ nhất, bởi vì khi chủ thể GQVĐ thì cần nhiều tri thức lẫn kỹ thuật hành động [152]–[155]. Kĩ năng được hiểu theo quan điểm này có tính ổn định, mềm dẻo. Nhờ có tính mềm dẻo mà con người có tính sáng tạo trong hoạt động.

Hướng thứ ba, xem xét kĩ năng là năng lực.

Ở một khía cạnh khác, các tác giả Vũ Dũng [156], Hoàng Thị Phương [157], Đặng Thành Hưng [155] kĩ năng lại được hiểu là “năng lực” vận dụng có kết quả những tri thức mà chủ thể đã lĩnh hội trước đó để thực hiện những nhiệm vụ tương ứng. Kĩ năng được hình thành qua luyện tập [156] và đòi hỏi sự tập trung chú ý, có sự nỗ lực về ý chí và biết vượt qua khó khăn [156, 107-108]; kĩ năng là biểu hiện năng lực hành động của con người dựa trên việc vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã có của bản thân đảm bảo thực hiện được mục đích đặt ra trong các điều kiện nhất định [157, 26-27], là năng lực hành động thực hiện có kết quả, một nhiệm vụ, một công việc nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có phù hợp với những điều kiện cho phép nhằm đạt mục đích đề ra.

Như vậy, các cách tiếp cận khác nhau, nhưng những quan điểm này không mâu thuẫn mà có sự tương thích, hỗ trợ nhau trong việc hiểu rõ hơn bản chất của kĩ năng, rằng kĩ năng có thể được phát triển, cải thiện và mở rộng thông qua việc học hỏi và nỗ lực.

Từ đây, luận án coi Kĩ năng là sự thực hiện có kết quả một hành động, công việc nào đó trên cơ sở nắm vững phương thức thực hiện và vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Kĩ năng được hình thành trong hoạt động, được phát triển và hoàn thiện trong quá trình luyện tập của con người.

Có thể hiểu nội hàm khái niệm như sau:

- KN biểu hiện trong hành động, luôn gắn hệ thống thao tác hành động có kết quả.

- Kĩ năng bao hàm cả những tri thức, vốn kinh nghiệm sống và logic các thao tác hành động và hướng tới thực hiện mục đích của hoạt động.

- Khi vận hành kĩ năng, con người phải sử dụng các phương tiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hoạt động.

- Kĩ năng được hình thành trong hoạt động, được phát triển và hoàn thiện trong quá trình luyện tập của con người.

1.2.1.2. Vấn đề và tình huống có vấn đề

Theo I.Ia.Lecne (1977) Jonassen (2004), D’Zurilla (2009), [159], Beyza Akcay Malcok (2020), vấn đề được hiểu là “trở ngại” gặp phải trong quá trình chúng ta phấn đấu cho một mục đích nào đó [5], đòi hỏi các cá nhân phải tư duy, suy nghĩ và nỗ lực để giải quyết [159]. Nó có thể là bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống hay một câu hỏi/nhiệm vụ mà chủ thể chưa biết lời giải từ trước, đòi hỏi chủ thể phải tìm giải pháp dựa trên điều kiện và hiểu biết sẵn có [20], [160], [161].

Theo Karen W. Lindeman, (2014), Lile Diamond, (2018), đối với trẻ em, vấn đề có thể được định nghĩa là một câu hỏi, tình huống khó đòi hỏi sự tập trung của trẻ vào việc tìm kiếm câu trả lời [81] [162].

Vấn đề luôn ở trong tình huống cụ thể, gắn với một hiện tượng, sự vật có ý nghĩa thực tiễn, diễn ra trong đời sống hằng ngày. Theo Anliak & Dincer (2009), Shure (1992), Spivack (1982) những vấn đề của trẻ mầm non nó có thể là vấn đề của cá nhân trẻ với bạn bè, thầy cô, với đồ dùng nguyên vật liệu hay trong chính các hoạt động diễn ra tại trường mầm non, [49], [54], [59].

Tình huống có vấn đề là tình huống chứa đựng một mục đích, một vấn đề mới mà những hiểu biết cũ, phương pháp hành động cũ, tuy còn cần thiết song không đủ sức giải quyết. Muốn GQVĐ mới đó, con người phải tìm cách thức giải quyết mới [21, 108-109].

Một tình huống được coi là có vấn đề khi có ba đặc điểm: trở ngại/khó khăn mà cá nhân gặp phải trên con đường đạt được mục tiêu; chủ thể tiếp nhận, có nhu cầu và động cơ nội tại của cá nhân để giải quyết trở ngại/khó khăn đang gặp phải;

có sẵn một số phương tiện ban đầu để tìm tòi lời giải [5].

Sau khi gặp phải vấn đề, cá nhân cố gắng loại bỏ vấn đề và đạt được mục đích. Nỗ lực này thể hiện như một quá trình giải quyết vấn đề [162], [163].

Ở trường mầm non, các tình huống có vấn đề mà trẻ gặp phải diễn ra trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em. Những tình huống có vấn đề có thể có thực (tình huống thực) hoặc là một câu chuyện/một tình huống do GV hư cấu gắn với nội dung bài học (tình huống giả định) để đạt được mục tiêu giáo dục [164]–[166].

Tình huống có vấn đề có thể được thể hiện ở các hình thức khác nhau dưới dạng câu hỏi, bài toán, câu đố, câu chuyện, tình huống, trò chơi, nhiệm vụ, yêu cầu...

Trong thực tế, tại trường mầm non, đôi khi một tình huống đối với trẻ này là bình thường (không có vấn đề), nhưng đối với trẻ khác nó lại là có vấn đề.

Như vậy, với trẻ MG 5 - 6 tuổi tình huống có vấn đề là một trở ngại mà trẻ gặp phải, trẻ có nhu cầu giải quyết và trẻ nỗ lực giải quyết dựa trên những điều kiện có sẵn. Có thể hiểu nội hàm khái niệm như sau:

Trở ngại mà trẻ gặp phải: Đây là yếu tố cốt lõi của tình huống có vấn đề. Trẻ nhận thức được sự khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn hoặc bất cập trong một hoạt động, kiến thức hoặc thực tiễn nào đó. Trẻ tự mình nhận ra sự tồn tại của trở ngại, không cần người lớn gợi ý hay hướng dẫn. Khả năng nhận biết này thể hiện sự nhạy bén, quan sát và tư duy của trẻ.

Nhu cầu giải quyết: Trẻ mong muốn và có động lực để tìm cách vượt qua trở ngại. Nhu cầu này xuất phát từ bản năng tò mò, ham học hỏi và mong muốn hoàn thiện bản thân của trẻ.

Nỗ lực giải quyết: Trẻ chủ động sử dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sẵn có để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Nỗ lực này thể hiện sự tập trung, kiên trì và quyết tâm của trẻ.

Điều kiện có sẵn: Đây là những yếu tố hỗ trợ trẻ trong quá trình giải quyết vấn đề, bao gồm: Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân trẻ. Vật liệu, dụng cụ và môi trường xung quanh. Sự trợ giúp từ người lớn (nếu cần thiết).

1.2.1.3. Giải quyết vấn đề và kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi GQVĐ là kĩ năng mà cá nhân phải có trong suốt cuộc đời [63]. Các nghiên cứu của Krulik và Rudnick (1987), Woods (1997), D’Zurilla cùng cộng sự (2009), Dostál, (2015), nhận định GQVĐ là một quá trình nhận thức và hành vi có ý thức của cá nhân, trong đó đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì tìm ra các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề cụ thể gặp phải trong cuộc sống hằng ngày [20], là quá trình sau khi gặp sự cố, cá nhân cố gắng loại bỏ vấn đề này và đạt được mục đích [52]. Ở khía cạnh khác, GQVĐ là việc áp dụng hợp lý, có chủ ý và có hệ thống các KNGQVĐ hiệu quả. Có bốn thành tố chính được xác định trong KNGQVĐ: định nghĩa và xây dựng

vấn đề, tổng thể các giải pháp thay thế, ra quyết định và giải pháp thực hiện và xác minh [159]. GQVĐ được hiểu là quy trình được sử dụng để có được câu trả lời tốt nhất cho một điều chưa biết [167].

Theo F.Garton, (2004), Lile Diamond (2018), Lind, (2004)GQVĐ, đối với trẻ mầm non, điều quan trọng trong việc GQVĐ đó là sự tò mò, hứng thú và mong muốn giải quyết những khó khăn gặp phải trong quá trình hoạt động [162], [168], là các nhiệm vụ cụ thể mà trẻ em được yêu cầu giải quyết [31].

Một cách định nghĩa khác, Honig (2005), Gary W. Ladd, (2000), Greenfield (2009), Lile Diamond (2018), Akcay Malcok (2020), Nguyễn Thị Mỹ Linh (2023) GQVĐ là tập hợp các kĩ năng phức tạp, trong đó trẻ em thể hiện khả năng (a) nhận biết sự xuất hiện của một vấn đề, (b) tìm kiếm và thực hiện các giải pháp để GQVĐ, và (c) tham gia vào suy nghĩ để xác định hiệu quả của giải pháp được áp dụng [5], [25], [162], [169], [170], [171], [172].

Từ những định nghĩa trên, luận án đưa ra khái niệm: GQVĐ là quá trình chủ thể phát hiện vấn đề, mong muốn, đề xuất giải pháp, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá giải pháp dựa trên điều kiện cụ thể và kinh nghiệm của chủ thể.

Từ khái niệm kĩ năng và GQVĐ, luận án xây dựng khái niệm KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi như sau:

KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi là sự giải quyết có kết quả một vấn đề nào đó nảy sinh trong thực tiễn trên cơ sở trẻ nắm vững phương thức GQVĐ và vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh nhất định để GQVĐ. KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi được hình thành trong hoạt động, được phát triển và hoàn thiện trong quá trình luyện tập của trẻ.

Theo đó, có thể hiểu nội hàm KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi như sau:

- KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi biểu hiện trong việc giải quyết có kết quả một vấn đề nảy sinh trong hoạt động thực tiễn của trẻ.

- Phương thức GQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi là quá trình phát hiện vấn đề, này sinh nhu cầu GQVĐ, lập và thực hiện kế hoạch GQVĐ, đánh giá kết quả GQVĐ.

- KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi bao hàm cả những tri thức, vốn kinh nghiệm sống và những phương tiện, điều kiện nhất định để GQVĐ.

- KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi được hình thành trong hoạt động, được phát triển và hoàn thiện trong quá trình luyện tập của trẻ.

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng giải quyết vấn đề cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động giáo dục STEAM (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(287 trang)
w