Cấu trúc kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng giải quyết vấn đề cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động giáo dục STEAM (Trang 43 - 46)

Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA GIÁO DỤC KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC STEAM

1.2. Kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

1.2.2. Cấu trúc kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

Bàn đến cấu trúc tâm lý của kĩ năng, Bùi Ngọc Lâm nhắc đến 4 thành phần chính: 1. Hệ thống thao tác được tổ chức linh hoạt; 2. Trình tự logic của quá trình

thực hiện các thao tác; 3. Các quá trình điều chỉnh hành động; 4. Nhịp độ thực hiện và phân bố thời gian [170, 34-35]. Ở một góc nhìn khác, Lê Trọng Phong đề cập cấu trúc tâm lý của kĩ năng gồm 3 phần chính: tri thức trong kĩ năng (tri thức về đối tượng hoạt động, công cụ, quá trình triển khai, hoàn cảnh, điều kiện và tri thức của chính chủ thể); kinh nghiệm hành động (những hành động tương tự đã được chủ thể giải quyết có kết quả trước đó) và thao tác trong hành động (mức 1: tính bắt chước, mức 2: thử - sai - làm lại, mức 3: Thực hiện đầy đủ, logic, mức 4: thuần thục, linh hoạt) [174]. Tác giả cũng đưa ra quan điểm với từng loại kĩ năng “các thành phần tham gia vào cấu trúc đó ở những mức độ khác nhau”. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, tác giả chưa bàn đến tính hiệu quả của kĩ năng.

Những nghiên cứu về cấu trúc của KNGQVĐ nói chung, KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi nói riêng cũng có những góc nhìn khác, tiêu biểu là Polya (1973) cho rằng, việc GQVĐ nên tiến hành theo các bước hành động một cách chính xác với những phương án mình đã đề ra (Hiểu vấn đề - Lập kế hoạch - Thực hiện - Nhìn lại). Việc dành thời gian nhìn lại quá trình GQVĐ và xem xét tỉ mỉ, kĩ lưỡng lại các hoạt động giúp cho trẻ có cái nhìn tổng quan hơn. Từ đó cũng có thể đưa ra các quyết định, các phương án xử lí thay thế một quá trình, giai đoạn nào đó nếu thấy hiệu quả hơn phương án ban đầu [19].

Nhóm Anung Driyas Maraning Dyah (2019) và cộng sự, đã nghiên cứu KNGQVĐ hằng ngày của 25 trẻ ở độ tuổi 4 - 6 dựa trên quá trình tư duy GQVĐ, nhóm tác giả đưa ra 8 bước trong quá trình GQVĐ của trẻ: Nhận biết nội dung vấn đề, phát hiện nguyên nhân của vấn đề, lập kế hoạch, lựa chọn giải pháp, lý do lựa chọn giải pháp, thuyết phục mọi người, thực hành giải pháp, hiểu lợi ích của giải pháp. Trong tất cả các bước GQVĐ thì bước nhận biết nội dung vấn đề, hầu hết trẻ đều đạt được mức điểm cao, nhưng bước đưa ra lí do lựa chọn giải pháp để GQVĐ xảy ra lại là yếu nhất đối với trẻ 4 - 6 tuổi [175].

Năm 2019, Nguyễn Thị Hòa với nghiên cứu “Phát triển năng lực GQVĐ cho trẻ MG trong hoạt động vui chơi”, đã đưa ra cái nhìn khái quát về năng lực GQVĐ của trẻ MG trong hoạt động vui chơi. Tác giả cho rằng, để GQVĐ trong hoạt động vui chơi có kết quả đòi hỏi trẻ phải biết linh hoạt tiến hành 5 bước hoạt động: Bước 1: Trẻ nhận biết và phát hiện được tình huống có vấn đề trong chơi; bước 2: Trẻ xác định bản chất của vấn đề; bước 3: Trẻ tập trung suy nghĩ, đề xuất các ý tưởng GQVĐ đặt ra trong chơi; bước 4: Trẻ lựa chọn và quyết định chọn cách giải quyết tốt nhất cho chơi; bước 5: Trẻ thực hiện theo quyết định đã lựa chọn và đánh giá kết quả đạt được. Đây là nghiên cứu có ý nghĩa cho các nghiên cứu sau này ở Việt Nam để có thể tham khảo và

triển khai mở rộng hơn trong khi tìm hiểu về phát triển KNGQVĐ cho trẻ mầm non ở những khía cạnh, góc nhìn khác [50], [176], [134].

Amy Morin (2021), đưa ra 5 bước GQVĐ cho trẻ: Xác định vấn đề (giúp trẻ nêu được vấn đề gặp phải); Phát triển ít nhất 5 giải pháp khả thi (bao gồm cả giải pháp “ngớ ngẩn” hoặc một ý tưởng xa vời); Xác định ưu, nhược điểm của từng giải pháp; Chọn một giải pháp; Kiểm tra giải pháp đó. Tác giả đưa ra lời khuyên, khi vấn đề nảy sinh, hãy giúp trẻ đi qua các bước GQVĐ bằng cách động viên trẻ tự mình GQVĐ gặp phải và chỉ hướng dẫn hay trợ giúp khi thực sự cần. Có thể để trẻ nhận được hậu quả tự nhiên cho những lựa chọn của mình, qua đó trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều, miễn là hậu quả đó không ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ [177].

Từ những nghiên cứu trên thế giới [19], [20], [26], [57], [118], [140], [175], [177]–[179], ở Việt Nam [50], [176], [180]–[184] cũng như tìm hiểu về KNGQVĐ trong chương trình giáo dục mầm non [6], chuẩn đầu ra của trẻ MG 5 - 6 tuổi [185] cho thấy dù tiếp cận của các nhà nghiên cứu là khác nhau nhưng có những điểm chung rằng cấu trúc của KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi gồm nhiều kĩ năng thành phần. Trong đó, có những kĩ năng cốt lõi được nhiều nghiên cứu đề cập đến: kĩ năng phát hiện vấn đề, kĩ năng thể hiện mong muốn, kĩ năng lựa chọn giải pháp, kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng thực hiện giải pháp và kĩ năng đánh giá giải pháp đó.

Xuất phát từ tổng quan nghiên cứu, khái niệm KNGQVĐ, luận án đưa ra cấu trúc của KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi gồm có: kĩ năng phát hiện vấn đề, thể hiện mong muốn GQVĐ, đề xuất ý tưởng, lập kế hoạch GQVĐ, thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện, dược thể hiện cụ thể qua hình 1.2. như sau:

Hình 1.2. Cấu trúc kĩ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi

Một phần của tài liệu Giáo dục kĩ năng giải quyết vấn đề cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động giáo dục STEAM (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(287 trang)
w