Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA GIÁO DỤC KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC STEAM
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giáo dục kĩ năng giải quyết vấn đề trong hoạt động giáo dục STEAM cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
Theo Jean Piaget [22], L.S. Vygotsky [38], Hess và Shipman [40], F.Garton [31], Honig [25], Wadsworth [36], Brown [57], Leah Matas [43], Karatas & Baki [48] … quá trình giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhưng tựu chung lại có thể nhắc đến 3 yếu tố: bản thân trẻ, môi trường giáo dục và nhà giáo dục.
1.5.1. Bản thân trẻ
Với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức, trẻ quyết định sự phát triển của chính mình [35]. Yếu tố chủ quan là những yếu tố thuộc về trẻ MG 5 - 6 tuổi, có liên quan chặt chẽ và trực tiếp tới sự phát triển KNGQVĐ trong hoạt động GD STEAM, có thể kể đến một số yếu tố cơ bản sau:
Vốn tri thức, kinh nghiệm của trẻ MG 5 - 6 tuổi về khoa học, kĩ thuật, công nghệ, toán học, nghệ thuật
Theo thuyết kiến tạo nhận thức của Piaget, tri thức là một thể năng động được kiến tạo, không phải là kết quả của một quá trình tiếp thu thụ động. Con người tự khai sáng cho mình, con người tự làm ra chính mình. Thông qua quá trình sống, sự tương tác với các sự vật hiện tượng xung quanh mình, trẻ MG 5 - 6 tuổi thu lượm vốn kiến thức, kinh nghiệm sống quý giá với những trải nghiệm thực tế và vận dụng những cái đã biết để giải quyết những vấn đề tương tự, chưa biết [22], [36]. Trẻ có vốn kiến thức, kĩ năng càng nhiều, càng phong phú, đa dạng ở các lĩnh vực khác nhau như khoa học, kĩ thuật, công nghệ, toán học, nghệ thuật thì KNGQVĐ của trẻ sẽ phát triển nhanh và hiệu quả hơn so với những đứa trẻ vốn kiến thức còn ít ỏi. Để có được vốn kiến thức, kĩ năng này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực, mong muốn của chính đứa trẻ, người lớn, các nhà GD cũng cần tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, tinh thần, thiết kế các hoạt động phong phú, đa dạng giúp trẻ được trực tiếp trải nghiệm, nơi trẻ có thể liên hệ các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề và tình huống thực tế cuộc sống [72].
Khả năng tư duy, sự tập trung chú ý của trẻ MG 5 - 6 tuổi
Trẻ MG 5 - 6 tuổi, ngôn ngữ phát triển giúp trẻ biết điều khiển chú ý của mình, biết hướng sự chú ý vào đối tượng nhất định, ghi nhớ của trẻ càng có tính chủ định.
Tư duy của trẻ MG 5 - 6 tuổi chuyển từ tư duy trực quan hình tượng, sang tư duy trực quan sơ đồ và bắt đầu xuất hiện tư duy logic. Điều này giúp trẻ có thể GQVĐ một cách thấu đáo và có logic hơn. Bởi khi giải quyết một vấn đề, trẻ cần phải sử dụng rất nhiều
những thao tác của tư duy như so sánh, phán đoán, suy luận, phân tích, tổng hợp... để có thể nhận biết, lập kế hoạch, lựa chọn giải pháp tối ưu để GQVĐ. Nhờ có khả năng tư duy tốt hơn mà trẻ hiểu sâu sắc và vững chắc hơn các vấn đề thực tiễn [30, 91-92].
Trẻ MG 5 - 6 tuổi đặt mục đích cho hành động và lập kế hoạch để thực hiện hành động một cách rõ ràng, vì vậy nếu trẻ có khả năng tư duy và sự tập trung chú ý tốt thì quá trình GQVĐ sẽ nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả cao hơn.
Mong muốn GQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi
GQVĐ không đơn thuần là một quá trình nhận thức mà nó gồm cả thái độ, để GQVĐ, điều quan trọng là chủ thể phải có mong muốn và niềm tin rằng mình có thể giải quyết được vấn đề. Mong muốn là cái thúc đẩy con người hoạt động để đạt tới mục đích của hoạt động. Mong muốn GQVĐ của trẻ có hai loại: đó là mong muốn bên trong và mong muốn bên ngoài. Mong muốn bên trong xuất phát từ trong chính nội tại của đứa trẻ - mong muốn thể hiện mình và muốn được khám phá, được biết nhiều hơn, được thao tác với các sự vật hiện tượng, giải quyết được vấn đề gặp phải. Khi có mong muốn từ bên trong đứa trẻ thường hào hứng, vui vẻ, chủ động khám phá, nỗ lực tự mình thực hiện nhiệm vụ để GQVĐ gặp phải, tự mình kiến tạo nên sự hiểu biết của riêng mình về những thứ đang diễn ra thay vì dựa vào những cách giải quyết mà người lớn đưa ra [228, 134-135]. Mong muốn bên trong là mong muốn xuất phát từ chính mục đích học tập, từ việc tiếp thu kiến thức tạo ra, [229, 57-58], chính vì vậy khi gặp trở ngại trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ được giao, trẻ sẽ không có căng thẳng về mặt tâm lý.
Mong muốn bên ngoài xuất phát từ yếu tố bên ngoài tác động vào đứa trẻ, như mong muốn được cô giáo khen ngợi, được thưởng, được ghi nhận từ người khác... ý thức bản ngã của trẻ MG 5 - 6 tuổi giúp trẻ điều khiển, điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với những chuẩn mực, hành vi xã hội, cũng như mong muốn của người khác dành cho mình. Mong muốn bên ngoài cũng có vai trò tạo ra tính tích cực của trẻ, nó được thúc đẩy bởi mối quan hệ xã hội, vì thế đôi khi nó làm cho đứa trẻ căng thẳng [229, 58-59].
Kĩ năng vận động tinh của trẻ 5 - 6 tuổi
Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi đã có kĩ năng vận động tinh tốt hơn các lứa tuổi trước đó. Các nhóm cơ nhỏ ở bàn tay, ngón tay và cổ tay chuyển động một cách linh hoạt giúp cho các thao tác của trẻ sẽ nhanh và chính xác hơn, trẻ rút ngắn được thời gian hoàn thành nhiệm vụ cũng như có được những sản phẩm đẹp mắt hơn. Trong hoạt động GD STEAM trẻ được tham gia nhiều vào các hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm, quá trình thiết kế, chế tạo (yếu tố E - kĩ thuật) ra những sản phẩm phục vụ cho quá trình học tập, chính vì vậy mà kĩ năng vận động tinh của trẻ đóng vai trò quan trọng.
1.5.2. Môi trường giáo dục
Theo Bronfenbrenner, Ceci, Nurhastuti, sự phát triển của trẻ em thay đổi theo môi trường mà chúng lớn lên, trong đó mối quan hệ của trẻ với gia đình, trường mầm non và bạn bè là vô cùng quan trọng [230]–[232]. Kết quả giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM cũng phụ thuộc vào môi trường mà trẻ tiếp xúc, ngoài trong quá trình GQVĐ, trẻ cũng học hỏi và bắt chước những cách GQVĐ của những người trẻ tiếp xúc và hiệu quả của quá trình giải quyết đó, cũng sẽ phụ thuộc vào văn hoá, cách ứng xử, quy định của từng vùng miền, địa phương. Có hai loại môi trường ảnh hưởng đến quá trình giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM: Môi trường tâm lý và môi trường vật chất.
Môi trường tâm lý : Sự tương tác, mối quan hệ tình cảm giữa GV và trẻ cùng với sự động viên, cổ vũ và cảm giác an toàn khi tham gia vào các hoạt động GD STEAM sẽ thúc đẩy sự phát triển KNGQVĐ của trẻ, trẻ sẽ đối mặt dễ dàng và giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách hiệu quả hơn [43]. Môi trường tâm lý không chỉ là mối quan hệ giữa cô và trẻ mà còn là mối quan hệ giữa trẻ và trẻ, nó được bộc lộ ra bên ngoài thông qua sự thoải mái chia sẻ, sự tôn trọng, sự đoàn kết, sự chấp nhận [229], giúp đỡ nhau vượt qua những nhiệm vụ cô giao, … nhờ đó trẻ có thể định hướng, điều chỉnh hành vi, thái độ và nhận thức của mình cho phù hợp [50].
Môi trường vật chất mang tính có vấn đề : Môi trường học tập dựa trên vấn đề cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm phát triển, nâng cao KNGQVĐ của trẻ [48], [233]. Môi trường vật chất cần được trang bị phong phú, đa dạng mang tính mở, linh hoạt, phù hợp, tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại trường, lớp, địa phương nơi trẻ sinh sống tạo nên bối cảnh chung mang tính có vấn đề kích thích, khơi ngợi nhu cầu tham gia GQVĐ cho trẻ. Trẻ có nhiều cơ hội để lựa chọn các nguyên vật liệu, công cụ đa dạng để trẻ có thể sử dụng trong quá trình GQVĐ của mình.
1.5.3. Nhà giáo dục
Quá trình giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM phụ thuộc khá lớn vào năng lực tổ chức, hướng dẫn trẻ GQVĐ của GV, thể hiện ở việc xác định mục tiêu, nội dung, lựa chọn phương pháp, hình thức, phương tiện tổ chức hoạt động GD STEAM hướng đến phát triển KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi [25], [30], [31], [41], [43], [229], cũng như khả năng xây dựng môi trường GD [28], [48], [49] và sự nhận thức của GV về KNGQVĐ, GD STEAM. Những yếu tố từ phía GV tác động đến sự phát triển KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi có thể kể đến như: Kiến thức, kĩ năng, thái độ của GV đối với việc phát triển KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM. GVMN là người có ảnh hưởng lớn đến
sự tích hợp các yếu tố STEAM trong sự phát triển chương trình GD của nhà trường đến với trẻ [72]. GVMN cần phải có nhận thức rõ ràng, đầy đủ về GD STEAM [9], [10], [78], [234], KNGQVĐ, bởi khi GV không nắm vững kiến thức về vấn đề này sẽ có xu hướng lảng tránh, dành ít thời gian hơn cho hoạt động GD STEAM [234].
Kiến thức về GD STEAM : GV cần có kiến thức chuyên môn vững vàng về các lĩnh vực Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật) và Math (Toán học) để có thể truyền đạt và hướng dẫn cho trẻ một cách chính xác. Hiểu biết sâu về các đặc trưng cơ bản của STEAM giúp GV tạo ra các tình huống, hoạt động phù hợp và đồng thời truyền cảm hứng cho trẻ.
Kĩ năng thiết kế, tổ chức hoạt động GD: Bên cạnh việc nắm vững kiến thức, GVMN còn phải tham gia thiết kế, tổ chức hoạt động GD STEAM cho trẻ, chính vì vậy, hoạt động GD STEAM có thành công hay không, trẻ có hào hứng đón nhận và tích cực tham gia hoạt động STEAM hay không phụ thuộc vào kĩ năng lập kế hoạch phù hợp, và kĩ năng tổ chức hoạt động kích thích sự hứng thú, sự tích cực, hướng đến sự phát triển KNGQVĐ của trẻ [72], [235], kĩ năng hướng dẫn và tạo cơ hội học tập: GV cần có khả năng hướng dẫn trẻ theo các bước thực hiện của quy trình GQVĐ trong GD STEAM, từ việc đặt câu hỏi, thu thập thông tin, đề xuất ý tưởng đến đánh giá kết quả. GV cần tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào các hoạt động thực hành, khám phá và tự do sáng tạo.
Khả năng tạo môi trường học tập tích cực : GV cần tạo ra môi trường học tập tích cực, đầy hứng thú và khuyến khích sự tham gia của trẻ. Môi trường nên có các tài liệu, tài nguyên và công cụ phù hợp để trẻ có thể khám phá và tạo ra các giải pháp. GV cần định hình các quy tắc, quy định và tạo cảm giác an toàn để trẻ có thể tự do thử nghiệm và mạo hiểm. Khi GV hào hứng với hoạt động GD STEAM sẽ dành thời gian, công sức của mình cho hoạt động, từ đó sẽ truyền được cảm hứng cho trẻ trong các hoạt động mà trẻ tham gia.
Bên cạnh đó, GV tôn trọng, khuyến khích, nâng cao lòng tin của trẻ vào bản thân mình, giúp trẻ tự tin, sáng tạo và linh hoạt trong việc GQVĐ khi tham gia hoạt động STEAM. Bằng cách đặt câu hỏi thúc đẩy tư duy, khuyến khích trẻ đưa ra các ý tưởng mới và khám phá các cách giải quyết khác nhau. Tạo cơ hội cho trẻ tham gia vào hoạt động thực tế và trải nghiệm trực tiếp giúp trẻ học cách áp dụng kiến thức và kĩ năng vào các tình huống thực tế và phát triển KNGQVĐ. Những phản hồi tích cực, mang tính xây dựng khi nhìn nhận quá trình, thành quả của trẻ trong việc GQVĐ giúp trẻ nhận ra điểm mạnh và điểm cần cải thiện, đồng thời khuyến khích trẻ tiếp tục phát triển và nâng cao KNGQVĐ.
Tiểu kết chương 1
Từ tổng quan, phân tích các tài liệu trên thế giới và ở Việt Nam liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, luận án đưa ra những kết luận như sau:
Kĩ năng GQVĐ là một kĩ năng quan trọng trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân và cần được quan tâm ngay từ lứa tuổi mầm non, đặc biệt là trẻ MG 5 - 6 tuổi để chuẩn bị cho trẻ bước vào môi trường mới. Các nghiên cứu về giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trên thế giới đã chỉ ra hoạt động GD STEAM có mối quan hệ mật thiết với KNGQVĐ và là môi trường thuận lợi để giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi. Tuy nhiên nghiên cứu về giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM tại Việt Nam còn ít ỏi.
KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi là sự giải quyết có kết quả một vấn đề nào đó nảy sinh trong thực tiễn trên cơ sở trẻ nắm vững phương thức GQVĐ và vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh nhất định để GQVĐ.
Hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi ở trường mầm non là hoạt động giáo dục được tổ chức có mục đích, có kế hoạch theo hướng tích hợp hai hay nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, nghệ thuật, toán học nhằm giúp trẻ MG 5 - 6 tuổi giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong điều kiện cụ thể thông qua những trải nghiệm chủ động của trẻ.
Giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà GD đến trẻ MG 5 - 6 tuổi qua hoạt động tích hợp hai hay nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, nghệ thuật, toán học nhằm hình thành, phát triển ở trẻ kĩ năng phát hiện vấn đề, thể hiện mong muốn GQVĐ, đề xuất ý tưởng GQVĐ, lập và thực hiện kế hoạch GQVĐ, đánh giá kết quả GQVĐ trong điều kiện cụ thể, phù hợp với kinh nghiệm của trẻ.
Phương pháp GD KNGQVĐ trong hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi là cách thức GV tổ chức hoạt động GD STEAM nhằm hình thành, phát triển ở trẻ kĩ năng phát hiện vấn đề, thể hiện mong muốn GQVĐ, đề xuất ý tưởng GQVĐ, lập và thực hiện kế hoạch GQVĐ, đánh giá kết quả GQVĐ trong điều kiện cụ thể, phù hợp với kinh nghiệm của trẻ. Phương pháp GD KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM được thể hiện qua những biện pháp cụ thể. Đó là cách làm cụ thể của nhà GD nhằm hình thành ở trẻ MG 5 - 6 tuổi kĩ năng phát hiện vấn đề, thể hiện mong muốn, đề xuất giải pháp, lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá giải pháp GQVĐ với các vấn đề gặp phải trong hoạt động GD STEAM.
Quá trình giáo dục KNGQVĐ cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong hoạt động GD STEAM chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng tựu chung lại có thể nhắc đến 3 yếu tố cốt lõi: bản thân trẻ, môi trường giáo dục và nhà giáo dục.