Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA GIÁO DỤC KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC STEAM
1.3. Hoạt động giáo dục STEAM cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
1.3.2. Hoạt động giáo dục STEAM cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi ở trường mầm non
Hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi ở trường mầm non cần đảm bảo sự tích hợp từ ít nhất hai trong các hoạt động GD khoa học, công nghệ, toán học, nghệ thuật, kĩ thuật. Theo Nguyễn Văn Biên và cộng sự, điều quan trọng là trong quá trình tổ chức hoạt động GD lấy một lĩnh vực làm trọng tâm, GV cần linh hoạt lồng ghép các hoạt động GD khác để làm tăng giá trị của bài học, thúc đẩy sự tích cực của người học trong quá trình hoạt động [86]. Hoàng Thị Phương (2020) nhận định rằng, với những hạn chế về mặt lứa tuổi, nên việc tích hợp các thành tố STEAM trong hoạt động của trẻ nên được thực hiện linh hoạt, logic theo tự nhiên của quá trình giải quyết một vấn đề thực tiễn, không có một trình tự cố định hay bắt buộc nào cần phải tích hợp các thành tố của STEAM [78]. Đồng thuận với cách tiếp cận này, luận án cho rằng: Khi tổ chức hoạt động GD khoa học trong đó lồng ghép quy trình thiết kế kĩ thuật/hoặc sử dụng đồ dùng công nghệ để thu thập thông tin/hoặc vận dụng kiến thức, kĩ năng toán học vào việc phát hiện đặc điểm đối tượng và giải quyết các vấn đề thực tế, thì đó được coi là hoạt động GD STEAM trong trường mầm non. Khi tổ chức hoạt động GD kĩ thuật (quy trình thiết kế, chế tạo sản phẩm) có lồng ghép các hoạt động khám phá đặc điểm của đối tượng hoặc các hoạt động GD khác như công nghệ, toán học, nghệ thuật thì đều được coi là hoạt động GD STEAM… Theo Hoàng Thị Phương, sự phối hợp các thành tố trong GD STEAM phụ thuộc vào vấn đề GV lựa chọn trong dự án dạy học hoặc vấn đề mà trẻ quan tâm [78], có thể lấy một hoạt động là cốt lõi, các hoạt động GD khác có tính chất hỗ trợ, đòi hỏi sự linh hoạt sao cho phù hợp với thực tiễn từng vùng miền, từng lớp, từng tình huống và phụ thuộc vào mục đích, mục tiêu bài dạy mà GV muốn hướng đến. Theo Nguyễn Văn Biên và cộng sự, 2023, “Hoạt động GD STEAM trong giáo dục trẻ mầm non là hoạt động giáo dục được tổ chức có mục đích, có kế hoạch của GV đến trẻ dựa trên sự tích hợp kiến thức, kĩ năng của từ ít nhất hai trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học, nghệ thuật một cách hài hoà theo một dự án/chủ đề chung gắn với thực tiễn, phù hợp với nhận thức, nhu cầu, hứng thú của trẻ nhằm thực hiện mục tiêu GDMN và phát triển kĩ năng cần thiết cho cuộc sống thực của trẻ” [89, 7-8].
Từ những nghiên cứu trên, luận án đưa ra khái niệm hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi ở trường mầm non như sau:
Hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi ở trường mầm non là hoạt động giáo dục được tổ chức có mục đích, có kế hoạch theo hướng tích hợp hai hay nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, nghệ thuật, toán học nhằm giúp trẻ
MG 5 - 6 tuổi giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong điều kiện cụ thể thông qua những trải nghiệm chủ động của trẻ.
Có thể hiểu nội hàm khái niệm như sau:
- Mục đích của hoạt động GD STEAM cho trẻ 5 - 6 tuổi là giúp trẻ chủ động giải quyết được một số vấn đề nảy sinh trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường mầm non, qua đó hình thành KNGQVĐ trong cuộc sống và hoạt động.
- Hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi ở trường mầm non là hoạt động giáo dục tích hợp ít nhất từ hai trong các lĩnh vực giáo dục khoa học, công nghệ, kĩ thuật, nghệ thuật, toán học diễn ra trong những điều kiện cụ thể, phù hợp với khả năng của trẻ.
- Trong hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi ở trường mầm non, trẻ giữ vai trò chủ động, tích cực phát hiện vấn đề, thể hiện mong muốn GQVĐ, đề xuất ý tưởng, lập và thực hiện kế hoạch GQVĐ, tự đánh giá kết quả GQVĐ; GV là người tạo môi trường, tạo tình huống, tạo cơ hội và khuyến khích trẻ tự phát hiện và GQVĐ.
Theo Nguyễn Văn Biên [89, 8-9], Trần Thị Minh Huế [88, 73-79], Hồ Lam Hồng [204, 22-77; 30-31], trong chương trình GDMN hiện hành, có hai hoạt động GD STEAM chiếm ưu thế là hoạt động khám phá khoa học tổ chức theo quy trình tìm tòi khám phá (5E) và hoạt động tạo hình, thiết kế chế tạo tổ chức theo quy trình thiết kế kĩ thuật (EDP). Dựa trên các nghiên cứu này, luận án tiếp cận hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi tập trung vào hai hoạt động: hoạt động khám phá khoa học và hoạt động tạo hình, đây là hai hoạt động GD cốt lõi tích hợp với các hoạt động GD khác một cách tự nhiên, linh hoạt, phù hợp với logic của quá trình GQVĐ giúp trẻ phát triển KNGQVĐ.
1.3.2.2. Nội dung hoạt động giáo dục STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi
Dựa trên những nghiên cứu trên thế giới [7], [75], [80], [81] và ở Việt Nam [78], [98], [203], [205], nội dung của hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi đa dạng, phong phú gắn với nội dung của các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, nghệ thuật, toán học phù hợp với điều kiện thực tiễn tại trường, lớp, địa phương, nhận thức, nhu cầu, hứng thú của trẻ 5-6 tuổi và Chương trình GDMN Việt Nam dành cho độ tuổi 5 - 6 tuổi hiện hành như sau:
Nội dung liên quan đến lĩnh vực khoa học (Science) cho trẻ MG 5-6 tuổi gắn với nội dung khám phá khoa học của trẻ MG 5 - 6 tuổi trong chương trình giáo dục mầm non: Nền tảng của GD STEAM là GD khoa học [97, 23-24]. Khoa học được hiểu là hệ thống tri thức về các quy luật, hiện tượng trong tự nhiên có được thông qua sự quan sát (quan sát là cốt lõi của khám phá khoa học) và trải nghiệm (đặt giả thuyết và phán đoán; đặt câu hỏi và phát hiện, tò mò và thử nghiệm). Đối với trẻ MG 5- 6
tuổi, khoa học, nhấn mạnh đến cảm giác ngạc nhiên, sự tò mò, ở đó trẻ được khuyến khích, động viên, được quan sát, được đặt câu hỏi với những trải nghiệm hằng ngày của mình, và khi trẻ đưa ra lời giải thích cho một điều gì đó mà trẻ thấy, đó đã được coi là một giả thuyết khoa học. Nội dung hoạt động GD khoa học cho trẻ MG 5 - 6 tuổi tập trung vào việc cho trẻ khám phá về các bộ phận của cơ thể con người; đồ vật (đồ dùng, đồ chơi, phương tiện giao thông); động vật và thực vật; một số hiện tượng tự nhiên (thời tiết, mùa, ngày và đêm, mặt trời, mặt trăng, nước, không khí, ánh sáng, đất đá, cát, sỏi) được thể hiện chi tiết trong Chương trình GDMN [139].
Nội dung liên quan đến lĩnh vực công nghệ (Technology) cho trẻ MG 5 - 6 tuổi: Nội dung công nghệ được hiểu là những phương tiện giúp cung cấp cho trẻ những thông tin về thế giới, về môi trường xung quanh trẻ, đó là máy tính, điện thoại, máy ảnh, ti vi, robot… hay những thiết bị, công cụ hết sức gần gũi với trẻ nhỏ như các dụng cụ: bút, ghế, bàn, đồng hồ, ống nhòm, kính lúp, kéo, sáp màu… trẻ sử dụng nhằm thực hiện một mục đích nào đó.
Nội dung liên quan đến kĩ thuật (Engineering) cho trẻ MG 5-6 tuổi gắn với nội dung tạo hình chế tạo sản phẩm của trẻ MG 5 - 6 tuổi trong Chương trình giáo dục Mầm non: Nội dung này sẽ bao gồm việc trẻ sử dụng kĩ năng vận động tinh (vẽ, nặn, cắt, xé dán, xếp hình) để tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa giúp GQVĐ thực tiễn cuộc sống và sử dụng quy trình thiết kế kĩ thuật, bắt đầu từ việc xác định được vấn đề, suy nghĩ về các giải pháp và đưa ra lựa chọn giải pháp phù hợp, thử nghiệm các giải pháp, điều chỉnh (nếu cần) để tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa đối với cuộc sống của trẻ.
Nội dung liên quan đến lĩnh GD nghệ thuật (Art) cho trẻ MG 5 - 6 tuổi gắn với nội dung GD phát triển thẩm mỹ, bao gồm âm nhạc (đàn, hát, nhảy múa…), mỹ thuật (tạo hình, cắt dán, chắp ghép…), … nhằm phát triển tư duy sáng tạo, trí tưởng tượng, cao hơn là GD sự nhân văn cho trẻ (lĩnh vực tình cảm, kĩ năng xã hội) và những nét đặc trưng cá nhân của trẻ cho trẻ trong quá trình thực hiện các dự án khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học.
Nội dung liên quan đến lĩnh vực toán học (Mathematics) cho trẻ MG 5 - 6 tuổi gắn với nội dung Làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán: Nội dung này bao gồm phép đếm, tách/gộp trong phạm vi 10; khả năng ghép thành cặp với những đối tượng có mối liên quan; khả năng so sánh, sắp xếp theo quy tắc; khả năng đo lường;
nhận biết hình khối; định hướng được không gian, thời gian... Việc cho trẻ trải nghiệm và lĩnh hội các khái niệm toán học cơ bản dưới các hình thức như quan sát, chơi, khám phá, chế tạo là điều cần thiết. Quá trình GV tạo cơ hội cho trẻ MG 5 - 6 tuổi khám phá những khái niệm toán học và vận dụng kiến thức, kĩ năng toán học vào việc phát hiện đặc điểm đối tượng và giải quyết các vấn đề thực tế một cách chính xác [78].
1.3.3. Đặc trưng hoạt động giáo dục STEAM cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi ở trường mầm non.
Khi nhắc đến đặc trưng của hoạt động GD STEAM cho trẻ mầm non nói chung và cho trẻ MG 5 - 6 tuổi nói riêng, các nhà nghiên cứu Sharapan (2012), Ata Akturk, O. Demircan (2017), Meng Meng (2019), Hoàng Thị Phương (2020), Hồ Lam Hồng và cộng sự (2017), Nguyễn Văn Biên và cộng sự (2023), Trần Thị Minh Huế và cộng sự (2023) [7], [14], [75], [78], [87]–[89] có những cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều nhấn mạnh đến tính tích hợp trong hoạt động GD STEAM cho trẻ mầm non, và đều hướng đến việc kết nối lí thuyết hàn lâm với thực tiễn đời sống, gắn bài học với chính những nhu cầu, mong muốn của trẻ, dựa trên bối cảnh xã hội thực tế hoặc tương tự. Từ những nghiên cứu trên, nghiên cứu đưa ra 5 đặc trưng của hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi ở trường mầm non như sau:
Hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi mang tính tích hợp, sự tích hợp từ ít nhất hai yếu tố trong STEAM một cách hài hoà, tự nhiên, phù hợp với nhận thức, mục tiêu giáo dục đặt ra. Luận án nhấn mạnh vào hai yếu tố trung tâm: khoa học (bởi nền tảng của GD STEAM chính là GD khoa học [97, 22 - 23]) và thiết kế kĩ thuật (giúp trẻ dần làm quen với việc “lập kế hoạch” trước khi làm việc) [4], [105], việc tích hợp thêm các yếu tố còn lại trong STEAM sẽ phụ thuộc vào GV, bối cảnh cụ thể cũng như nội dung và mục tiêu của hoạt động giáo dục muốn hướng đến.
Hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi tập trung vào những tình huống và các vấn đề mang tính thực tiễn. Trẻ MG 5 - 6 tuổi đã tích lũy được kiến thức, kĩ năng nhiều hơn lứa tuổi trước, trẻ học khác nhau trong các tình huống khác nhau, do đó việc học có ý nghĩa chỉ có thể xảy ra nếu nó được gắn vào bối cảnh ứng dụng kiến thức có liên quan. Hoạt động GD STEAM khuyến khích GV đưa trẻ vào những tình huống thực tế phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ, sát với thực tế diễn ra tại lớp học, ngôi trường, địa phương nơi trẻ sinh sống, dựa trên kinh nghiệm, sự hiểu biết về khoa học, công nghệ, kĩ thuật, nghệ thuật, toán học mà trẻ đã có trước đó.
Những tình huống có vấn đề có thể có thực (tình huống thực) hoặc là một câu chuyện/tình huống do GV thiết kế theo dụng ý sư phạm gắn với nội dung trọng tâm của hoạt động GD STEAM để đạt được mục tiêu giáo dục đề ra, người ta gọi đây là tình huống giả định [164]–[166], [206]. Trong hoạt động GD STEAM, các vấn đề trẻ gặp phải có thể liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong STEAM như khoa học, công nghệ, kĩ thuật [4] [140], [167], [207], [208], toán học, nghệ thuật [209]. Tình huống có vấn đề có thể được thể hiện ở các hình thức khác nhau dưới dạng câu hỏi, bài toán, câu đố, câu chuyện, tình huống, trò chơi, nhiệm vụ, yêu cầu. Luận án tập trung vào các tình huống có vấn đề liên quan đến khoa học tự nhiên, đến việc sử dụng công nghệ, kĩ thuật tạo ra
sản phẩm để GQVĐ. Các tình huống được thiết kế theo tiêu chí an toàn, gần gũi với thực tiễn đời sống của trẻ MG 5 - 6 tuổi và phù hợp với nhận thức của trẻ, cũng như bám vào nội dung khám khá khoa học dành cho trẻ MG 5 - 6 tuổi trong Chương trình GDMN. Trên nền tảng hiểu biết của trẻ, GV thúc đẩy mong muốn, để trẻ có gắng vận dụng sự hiểu biết của mình về những lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, kĩ thuật, toán học, nghệ thuật vào giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình hoạt động GD STEAM.
Những nhiệm vụ được giao trong hoạt động GD STEAM hướng đến sự trải nghiệm chủ động, trẻ được tự mình đề xuất phương án, được thử - sai- chỉnh sửa trong quá trình hoạt động mà không có sự phán xét. Trong quá trình hoạt động đó, GV đóng vai trò là người quan sát, theo dõi, hỗ trợ, để trẻ có thể thực hiện hoạt động một cách hiệu quả. GV có thể cung cấp các nguyên vật liệu, trẻ dựa vào những nguyên vật liệu đó tự tìm ra hướng giải quyết, quy trình giải quyết của riêng mình, điều này giúp thúc đẩy sự suy nghĩ và hình thành KNGQVĐ trong những hoàn cảnh nhất định.
Hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi được thiết kế, tổ chức theo quy trình dạy học tích cực: Đề tổ chức một hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi có hiệu quả, GV cần lựa chọn nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực khác nhau như dạy học dự án, dạy học nêu vấn đề, dạy học tìm tòi khám phá, dạy học theo quy trình 5E, quy trình thiết kế kĩ thuật (EDP), quy trình 6E… Trong hoạt động GD STEAM trẻ được lĩnh hội kiến thức một cách chủ động thông qua những trải nghiệm thực tiễn, được định hướng vào thực hành, tạo ra sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn.
Trong quá trình đó trẻ được đi theo con đường của riêng mình, có thể thử - sai và điều chỉnh.
Ngoài những đặc trưng nổi bật nêu trên, hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi còn hướng đến quá trình làm việc nhóm và tính sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Tất cả những đặc trưng này được thể hiện linh hoạt, đan xen trong các hoạt động GD STEAM cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi [89].