Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA GIÁO DỤC KĨ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5 - 6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC STEAM
1.4. Quá trình giáo dục kĩ năng giải quyết vấn đề cho trẻ mẫu giáo 5 - 6
1.4.3. Các biểu hiện kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
Khi nhắc đến biểu hiện của KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi, các nghiên cứu Bapoğlu-Dümenci và cộng sự (2021), P. Heppner và cộng sự (2004) [13], [46] đưa ra 3 biểu hiện: (1) khả năng nhận thức vấn đề, (2) mong muốn GQVĐ, (3) KNGQVĐ. Trong khi, Nguyễn Thị Hoà, đưa ra chi tiết 5 biểu hiện KNGQVĐ ứng với 5 bước hoạt động để GQVĐ trong hoạt động vui chơi của trẻ MG [50]: biểu hiện 1. Nhận biết và phát hiện được tình huống có vấn đề trong khi chơi; biểu hiện 2. Mong muốn GQVĐ nảy sinh trong khi chơi; biểu hiện 3.
Tìm kiếm, đề xuất các ý tưởng để GQVĐ; biểu hiện 4. Tiến hành GQVĐ; biểu hiện 5. Đánh giá kết quả thực hiện GQVĐ. Bên cạnh đó, Hoàng Thanh Phương cùng cộng sự đưa ra 3 biểu hiện của KNGQVĐ ở trẻ mầm non: Nhận diện vấn đề, Tìm kiếm phương án GQVĐ; Thực hiện GQVĐ [51, 60-61].
Dựa vào tiến trình thực hiện hành động của chủ thể khi xử lý vấn đề, khái niệm, đặc điểm, cấu trúc KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 tuổi cùng khái niệm, đặc điểm, quy trình tổ chức của hoạt động GD STEAM cho trẻ MG 5 - 6 tuổi, luận án xác định các biểu hiện của KNGQVĐ của trẻ MG 5 - 6 trong hoạt động GD STEAM như sau:
Biểu hiện 1: Phát hiện vấn đề
Ở trẻ MG 5 - 6 tuổi, sự tò mò và ham muốn khám phá thế giới xung quanh phát triển rất mạnh [35]. Điều này thúc đẩy sự nhạy bén trong việc nhận biết sự khác biệt giữa trạng thái bình thường của vấn đề/tình huống và những gì xảy ra trong thực tại. Trẻ trình bày/chỉ ra được vấn đề, các tình huống không phù hợp, bất thường, khó khăn, những điểm cần cải thiện thông qua quan sát, lắng nghe, so sánh, đối chiếu, phán đoán. Trong mỗi tình huống cụ thể nảy sinh trong hoạt động GD STEAM, khi trẻ phát hiện vấn đề (chỉ ra được chi tiết bất thường), trẻ được khuyến khích trình bày, “nói to” vấn đề mà trẻ phát hiện.
Ví dụ: Trong hoạt động GD STEAM thiết kế bánh xe ô tô, trẻ nhận thấy rằng chiếc ô tô GV cung cấp không thể di chuyển được và thông qua quan sát, trẻ nhận ra rằng bánh xe bị hỏng. Trẻ nói với GV/các bạn về “chiếc bánh xe hỏng khiến xe không di chuyển được”. Việc trẻ phát hiện được vấn đề phụ thuộc vào vốn hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm mà trẻ đã tích luỹ, thu lượm được trong quá trình sống.
Biểu hiện 2: Thể hiện mong muốn GQVĐ
Trẻ MG 5 – 6 tuổi đã phát triển các kỹ năng thể hiện mong muốn và quyết tâm thông qua nhiều phương tiện bao gồm lời nói, hành động, và biểu hiện cảm xúc. Trẻ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với việc cải thiện tình huống có vấn đề đang diễn ra:
Trẻ thể hiện sự quan tâm bằng cách tập trung quan sát, lắng nghe một cách chăm chú khi người lớn nói hoặc thực hiện các hoạt động, theo dõi những hành động của người lớn để hiểu cách mọi việc diễn ra.
Trẻ chủ động tham gia vào các hoạt động khi có cơ hội, luôn tỏ ra sẵn sàng học hỏi và thử nghiệm, thể hiện mong muốn để tham gia và đóng góp vào việc giải quyết vấn đề đang xảy ra.
Trẻ biểu hiện cảm xúc tích cực và hào hứng thông qua lời nói, gương mặt, cử chỉ và cách tương tác với môi trường. Trẻ sử dụng cả lời nói và biểu đạt cơ thể để thể hiện niềm vui và mong muốn.
Trẻ cũng có thể tự tin giơ tay để tham gia vào cuộc trò chuyện hoặc để thể hiện ý kiến. Điều này thể hiện sự tự tin và quyết tâm trong việc chia sẻ ý kiến và mong muốn của mình với người khác.
Những biểu hiện này là một phần quá trình phát triển quan trọng, cho thấy sự sẵn sàng của trẻ tham gia vào thế giới xung quanh và mong muốn thay đổi và cải thiện tình huống theo cách họ hiểu và cảm nhận.
Ví dụ: Khi thấy chiếc xe bị hỏng bánh, trẻ nói với người lớn hoặc bạn bè rằng chiếc ô tô bị hỏng bánh và trẻ muốn ô tô di chuyển lại được bằng cách bắt tay luôn vào việc sửa chữa hoặc tìm cách thay thế bánh xe hỏng.
Biểu hiện 3: Đề xuất ý tưởng GQVĐ
Mỗi vấn đề sẽ có các cách giải quyết khác nhau, trẻ phải suy nghĩ và tìm ra cách giải quyết nhanh và hiệu quả nhất dựa trên những nguyên vật liệu sẵn có.
Trẻ có thể đề xuất các ý tưởng hoặc phương án để thay đổi tình huống hiện tại.
Việc đề xuất ý tưởng GQVĐ phụ thuộc vào kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của trẻ về thể giới xung quanh cũng như khả năng quan sát, phân tích, phán đoán, suy luận, để đề xuất giải pháp phù hợp. Trẻ trình bày các cách giải quyết mà trẻ nghĩ ra, từ đó cho trẻ lựa chọn cách mà trẻ cho là tối ưu nhất để GQVĐ.
Ví dụ: Trẻ tưởng tượng, lựa chọn giải pháp bằng cách đề xuất rằng có thể sử dụng băng keo để tạm thời sửa bánh xe hoặc nói với người lớn giúp sửa chữa, hoặc thay thế chiếc bánh xe bằng một bánh xe khác.
Biểu hiện 4: Lập kế hoạch GQVĐ
Trẻ xác định/nói rõ mục tiêu, các bước cụ thể để thực hiện dựa trên ý tưởng trước đó nhằm đạt được kết quả mong muốn. Trẻ có thể vẽ/sử dụng những logo, hình ảnh/sử dụng ngôn ngữ để mô tả các bước trẻ dự kiến thực hiện, liệt kê các nguyên vật liệu mình định sử dụng khi GQVĐ.
Ví dụ: Trẻ xác định mục tiêu cụ thể là "làm cho chiếc xe di chuyển được lại"
sau khi nhận thấy bánh xe của nó bị hỏng. Trẻ nói được các bước cụ thể: “Con cần một cái búa, một cái tua vít, và một chiếc bánh xe thay thế - Con dùng tua vít để mở các con ốc ở bánh xe cũ và sau đó lấy bánh xe ra - đặt bánh xe mới lên chỗ bánh xe cũ và sử dụng tua vít để buộc các con ốc lại...” hoặc “con lấy băng keo và dán bánh xe lại” hoặc xin sự giúp đỡ từ người lớn để sửa chữa hoặc trẻ thể hiện các bước, dụng cụ sử dụng bằng hình vẽ hoặc mô hình mini.
Biểu hiện 5: Thực hiện kế hoạch GQVĐ
Trẻ thực hiện các bước hành động cụ thể theo kế hoạch đề ra trước đó, theo dõi giải pháp để xác định tính hiệu quả. Hiệu quả của việc thực hiện giải pháp GQVĐ phụ thuộc vào những hiểu biết, kĩ năng trước đó ở trẻ, kĩ năng phối hợp vận động khéo léo, linh hoạt giữa các bộ phận trên cơ thể. Trẻ sử dụng các công cụ và nguyên liệu cần thiết để sửa chữa hoặc thay thế bánh xe. Trong quá trình này, trẻ có thể gặp khó khăn và cần phải áp dụng tư duy sáng tạo để giải quyết các vấn đề xuất hiện
Ví dụ: Trẻ thực hiện việc dán bánh xe lại bằng băng keo hoặc nói với người lớn để giúp sửa chữa.
Biểu hiện 6: Đánh giá giải pháp đã thực hiện
Sau khi thực hiện giải pháp GQVĐ, trẻ nhìn lại quá trình GQVĐ và so sánh kết quả với mục tiêu ban đầu đề ra. Trẻ tự mình nhắc lại những hoạt động trẻ đã trải qua và những hoạt động trẻ cần thay đổi để tốt hơn.
Ví dụ trẻ xem xét bánh xe sau khi được "sửa chữa" bằng băng keo hoặc khi người lớn đã sửa chữa... có thể di chuyển lại không. Nếu bánh xe đang hoạt động lại, trẻ sẽ thấy rằng giải pháp của trẻ đã thành công.