Các công trình khoa học đã công bố ở nước ngoài liên quan đến chủ đề luận án

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách khoa học và công nghệ đến hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học (Trang 24 - 30)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN CHỦ ĐỀ LUẬN ÁN

1.1. Các công trình khoa học đã công bố ở nước ngoài liên quan đến chủ đề luận án

Trước hết, phải kể đến công trình nghiên cứu có tên “National Science Policy and Universities” [70]. Công trình nghiên cứu này đã cho thấy khoa học từ chỗ bị bỏ quên được biết đến như một công cụ quản lý, ở giai đoạn khoa học bị bỏ quên, các trường ĐH nhận được tài trợ từ Chính phủ cho nghiên cứu như nhà ở, thiết bị và vật liệu nhưng trên thực tế không có một chính sách khoa học nào được tuyên bố, chỉ đến khi mối quan hệ giữa các trường ĐH với nhà nước và các ngành trong xã hội, đặc biệt là công nghiệp và thương mại ngày càng được khẳng định thì sự đổi mới, phát triển về công nghệ mới được nhìn nhận là phụ thuộc trực tiếp hơn và thường gắn liền với thực hành khoa học. Một chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường ĐH và các doanh nghiệp. Chính sách nhấn mạnh đến vai trò của các trường ĐH trong sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, được xem là nguồn đổi mới công nghệ và khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục cũng như nghiên cứu, một loạt mục tiêu lớn trong chính sách được thiết kế để đưa các trường ĐH và doanh nghiệp gần nhau hơn nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp chiếm phần lớn trong tài trợ cho nghiên cứu trong các trường ĐH để giảm sự phụ thuộc vào quỹ công. Các Chính phủ đã thiết lập hướng rõ ràng hơn cho chính sách GDĐH và khoa học: Yêu cầu các trường ĐH đệ trình các kế hoạch nghiên cứu và đã cho phép các viện nghiên cứu và trường ĐH được tự do hơn về vấn đề học thuật. Điều này được minh chứng bằng việc thay đổi trong Luật về Sở hữu trí tuệ, các trường ĐH được giải phóng, yêu cầu bồi thường quyền sở hữu trí tuệ đối với những kiến thức mới được phát triển trong tài trợ của nhà nước. Các chính sách khoa học dựa trên ý tưởng về kiến thức nền kinh tế đang ngày càng lan rộng khắp thế giới, bao gồm cả trong các nền kinh tế đang phát triển của Mỹ Latinh, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các chính sách khoa học này là những yếu tố chính gây nên sự thay đổi

trong chức năng của trường ĐH ở các quốc gia trên thế giới. Mặc dù, nghiên cứu đã cho thấy vai trò của nhà nước trong việc gắn kết trường ĐH với các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của trường ĐH nhưng lại chưa bàn tới sự tác động của các chính sách, nhất là chính sách KH&CN đến hoạt động KH&CN trong trường ĐH nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN của trường ĐH (nhất là hàm lượng NCKH) để từ đó thúc đẩy hình thành ĐHNC.

Công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của chính sách đến nghiên cứu của trường ĐH đó là nghiên cứu “The Impact of Scientific and Technological Policy Interventions on University Research: Evidence from the National Nano-Technology Initiative” [74]. Nghiên cứu này đã xem xét sáng kiến công nghệ Nano quốc gia (NNI) như là một sự can thiệp chính sách nhằm mục đích thương mại hóa công nghệ và một hướng nghiên cứu tập trung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nghiên cứu cũng cho thấy NNI có mang lại những hậu quả không lường trước được trong dòng chảy kiến thức của ngành ĐH và đặc điểm của nghiên cứu ĐH về công nghệ Nano, thông qua phân tích các bằng sáng chế về NNI của Hoa Kỳ được đệ trình từ năm 1996 đến năm 2007, các trường ĐH đã tăng đáng kể lưu lượng tri thức từ ngành công nghiệp, giảm sự phân nhánh nhưng NNI lại thu hẹp phạm vi nghiên cứu, và ít có khả năng tạo ra công nghệ. Nghiên cứu cũng đã cho thấy những phát hiện mới: Ít nhất trong trường hợp của NNI, các chương trình KH&CN của Chính phủ có thể làm tăng hiệu quả nghiên cứu của trường ĐH. Đây là nghiên cứu gần với chủ đề luận án, nghiên cứu đã đề cập đến sự tác động can thiệp của chính sách cụ thể (chính sách về NNI) vào nghiên cứu của trường ĐH, một số khái niệm liên quan đến chủ đề luận án cũng được đề cập trong nghiên cứu như: tác động; chính sách; chính sách KH&CN.

Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ tập trung phân tích sự tác động của chính sách về NNI đến bản chất nghiên cứu của trường ĐH, sự can thiệp của nhà nước bằng chính sách này nhằm thương mại hóa các sản phẩm công nghệ của trường ĐH mà chưa chỉ ra tác động của chính sách này đến việc hình thành ĐHNC. Hay nghiên cứu“Research Universities: The core of the US system of science and technology” [66]. Nghiên cứu này bàn về chính sách hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho nghiên cứu của trường ĐH từ năm 1950 đến giữa những năm 1970, thông qua việc thành lập các chương trình nhằm khuyến khích hợp tác NCKH với trường ĐH và coi đây như là một phương

tiện để thiết lập mối quan hệ giữa các trường ĐH và ngành công nghiệp, tuy nhiên lại phải đối mặt với một số thách thức đáng kể để có thể tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong việc tìm kiếm kiến thức. Có thể thấy, nghiên cứu mới chỉ tiếp cận dưới góc độ chính sách tài chính mà chưa bàn đến các chính sách khác có liên quan nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu của trường ĐH, tuy nhiên nghiên cứu cũng đã đề cập đến một số khái niệm liên quan đến chủ đề của luận án như KH&CN, chính sách tài chính. Nghiên cứu có tên “Policies and Universities in Knowledge in Developing Countries: Inclusive Development and" Developmental Universities” [67], lại đề cập đến loại chính sách được gọi là "dân chủ hóa các chính sách tri thức" và chỉ ra cách chính sách này hoạt động trong thực tiễn và khám phá cách mà trường ĐH, một phần quan trọng của bất kỳ hệ thống đổi mới quốc gia nào, có thể đóng một vai trò trong sự nổi lên và củng cố sự dân chủ hóa tri thức. Các trường ĐH nắm lấy vai trò đó có thể được coi là các trường ĐH phát triển. Nghiên cứu đã đi phân tích tại một trường hợp ở Uruguay minh họa một sự chuyển đổi liên tục hướng tới một trường ĐH phát triển. Kết quả đạt của nghiên cứu này đã chỉ ra được vai trò của chính sách dân chủ hóa tri thức của trường ĐH trong hệ thống đổi mới quốc gia nhưng nghiên cứu này lại chưa bàn đến tác động của chính sách KH&CN đến hoạt động KH&CN để thúc đẩy hiệu quả hoạt động KH&CN của trường ĐH.

Cũng đã có những công trình bàn về vai trò của trường ĐH trong hệ thống giáo dục quốc gia, đầu tiên phải kể đến công trình nghiên cứu có tên“Educational Activity of National Research Universities as a Basis for Integration of Science, Education and Industry in Regional Research and Educational Complexes” [72].

Nghiên cứu này đã bàn đến việc hội nhập các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, KH&CN ở Nga, thông qua nghiên cứu khảo sát trường hợp cụ thể về hoạt động giáo dục tại hai trường ĐH quốc gia - ĐH Tomsk và ĐH Bách khoa Tomsk. Nghiên cứu chỉ ra được sự gắn kết trường ĐH và các cơ sở nghiên cứu nhằm thực hiện cải cách hệ thống giáo dục của liên bang Nga và có đề cập đến một số khái niệm liên quan đến chủ đề của luận án như khái niệm khoa học; ĐHNC, nhưng lại không đề cập đến chính sách KH&CN nào, cũng như tác động của chính sách KH&CN đến trường ĐH để thúc đẩy hình thành thành ĐHNC. Hay“Research of university science and

technology innovation system based on low-carbon economy” [77], nghiên cứu này bàn về một số vấn đề đổi mới KH&CN của trường ĐH hiệu quả hơn, thông qua việc đề xuất xây dựng hệ thống đổi mới công nghệ quốc gia. Để làm được điều đó, các trường ĐH cần xây dựng đội ngũ sáng tạo và tổ chức học tập trên nền tảng phần cứng sáng tạo cũng như tăng cường nền tảng phần mềm để các trường ĐH là những hệ thống sáng tạo có sự tham gia của các nhà khoa học và quản lý tri thức. Nghiên cứu này đã có nhắc tới một số khái niệm liên quan đến chủ đề của luận án đó là KH&CN.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc xem xét hệ thống đổi mới KH&CN của các trường ĐH mà chưa có sự đánh giá tác động của hệ thống đổi mới KH&CN đến hoạt động nghiên cứu của trường ĐH. Ngoài ra, còn phải kể đến các tác giả Muskin J.A., Mody J.L., Jack Coteen (Anh), Wu.K.B (Korea), Paker. L, Cristopher John Hull (Hoa Kỳ)... Các công trình nghiên cứu của các tác giả kể trên tập trung vào các vấn đề: Chức năng của trường ĐH về KH&CN; đặc điểm công tác KH&CN trong trường ĐH, các hình thức tổ chức hoạt động KH&CN trong trường ĐH, các mối liên kết của trường ĐH với các khu vực công nghiệp qua việc xây dựng các khu khoa học, đặc khu công nghệ, dịch vụ tư vấn CGCN trong trường ĐH, các cơ sở và phương tiện cho NCKH, đánh giá chất lượng nghiên cứu, cơ chế hoạt động tự chủ của trường ĐH trong hoạt động KH&CN....

Cũng có những công trình nghiên cứu về ĐHNC, trước hết là nghiên cứu có tên “Research Assessment of Research-Oriented Universities in Taiwan from 1993 to 2003” [71]. Nghiên cứu này xem xét các hiệu suất ấn phẩm học thuật của các trường ĐH định hướng nghiên cứu và được minh họa bằng việc sử dụng số lượng trích dẫn, các trích dẫn trung bình bài báo. Sau đó, đánh giá số lượng ấn phẩm trong các lĩnh vực đó để chỉ ra những giá trị của các ấn phẩm khoa học của từng trường. Có thể nói, đây là công trình đã có cách tiếp cận khác về các tiêu chí đánh giá năng lực nghiên cứu của trường ĐH. Ngoài hai chỉ số quen thuộc thường được nhắc đến khi tiến hành đánh giá nghiên cứu là số lượng bài báo và số lượng trích dẫn, còn xem xét trên những chỉ số khác như: tỷ lệ trích dẫn trung bình hoặc tần số trích dẫn. Các chỉ số này dùng để kiểm tra tác động kết quả nghiên cứu của các trường ĐH. Tuy nhiên, nghiên cứu mới dừng lại ở việc đánh giá hiệu suất nghiên cứu của các trường ĐH

định hướng nghiên cứu trong một giai đoạn dài mà chưa thấy đề cập đến sự tác động của chính sách KH&CN đến trường ĐH. Hay nghiên cứu “Performance evaluation of research universities in Mainland China, Hong Kong and Taiwan: based on a two- dimensional approach” [73], nhấn mạnh đến một số tiêu chí để xác định ĐHNC đó là dùng chỉ số sản xuất nghiên cứu và các chỉ số chất lượng nghiên cứu. Theo đó, có 59 trường ĐHNC được phân thành ba loại, trong đó chỉ ra mức độ liên quan đến hoạt động nghiên cứu, ĐH Hong Kong, ĐH Quốc gia Đài Loan, ĐH Tsing Hua và ĐH Bắc Kinh dường như là trường ĐH hàng đầu trong hoạt động nghiên cứu. Bài viết “It is important for yield learning at research universities” [64], bàn đến việc đánh giá chất lượng của người học và khẳng định thước đo năng suất học tập của người học trong các trường ĐHNC không chỉ có việc được cho ý kiến của mình trong mỗi khóa học mà cần có thêm những thông số khác nữa. Nghiên cứu có tên “Knowledge management as a strategy for the administration of education in the Research University" [80], đã khẳng định văn hóa doanh nghiệp được coi là tiêu chuẩn mới để làm rõ các tiêu chí của trường ĐH cổ điển. Các nội dung cụ thể của văn hóa doanh nghiệp như là một tiêu chí mới của trường ĐH có liên quan đến các điều kiện của thông tin hay kiến thức xã hội. Văn hóa doanh nghiệp của các trường ĐHNC không chỉ cung cấp khả năng cạnh tranh của các chuyên gia, mà còn trong các đặc tính tâm linh và đạo đức. Cuối cùng, công trình cho rằng chiến lược mới về quản lý giáo dục ở các trường ĐHNC là quản lý tri thức.

Ngoài ra, cũng có một số công trình lại bàn về xu hướng tài trợ kinh phí cho các ĐHNC hay vai trò của ĐHNC trong sự phát triển nền kinh tế quốc gia như chẳng hạn công trình nghiên cứu “Funding trends of research universities in Malaysia”

[65]. Nghiên cứu này đã làm rõ thực trạng các xu hướng tài trợ cho năm trường ĐHNC ở Malaysia trong thời hạn 5 năm, kể từ năm 2006 cho đến năm 2011. Nghiên cứu cũng đã xác định các loại nguồn vốn và phân tích các xu hướng kinh phí của 5 ĐHNC ở Malaysia trong việc tài trợ các hoạt động vận hành và nghiên cứu của họ.

Hay “Universities/Research Institutes and Regional Innovation Systems: The Cases of Beijing and Shenzhen” [69], đã làm rõ vai trò của các trường ĐH và các viện nghiên cứu trong việc phát triển của nền kinh tế Trung Quốc thông qua việc so sánh

sự phát triển của Bắc Kinh và Thâm Quyến cụm công nghệ. Đối với trường hợp của Bắc Kinh, các trường ĐH và các viện nghiên cứu đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển các cụm công nghệ cao lớn nhất ở Trung Quốc. Ngược lại, ở Thâm Quyến, các nhà hoạch định chính sách có ý thức thiết lập và thu hút các tổ chức GDĐH. Nghiên cứu cũng đề xuất những kinh nghiệm của Trung Quốc để xây dựng một mô hình thú vị cho các quốc gia khác với các trường ĐH và các viện nghiên cứu mạnh. Tác giả Thulstrup E.W với công trình nghiên cứu“Higher education and research out Bolivia”[82], đã tóm tắt ngắn gọn những nội dung cho thấy sự phát triển của nền GDĐH ở Bolivia; đề cập đến vấn đề quản lý các trường ĐH cũng như nguyên nhân vì sao có sự tham gia của các tổ chức GDĐH tư nhân, việc các tổ chức GDĐH tư nhân sẽ thách thức sự độc quyền truyền thống của các tổ chức GDĐH công lập ở Bolivia như thế nào? Công trình cũng đã đề cập đến các nội dung như cải cách quản lý GDĐH; tài trợ nghiên cứu và cơ sở hạ tầng, gồm có thư viện; Năng lực nghiên cứu ở một số lĩnh vực cơ bản như năng lượng và vi trùng học;

tăng cường mối quan hệ giữa nghiên cứu và cuộc sống thực tế.

* Nhận xét, đánh giá: Qua tham khảo các công trình nghiên cứu được công bố ở nước ngoài cho thấy đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến chủ đề của luận án đó là: Một số thuật ngữ như chính sách, chính sách KH&CN; ĐHNC;

tác động của chính sách KH&CN dưới các cách tiếp cận khác nhau; Hệ thống đổi mới KH&CN của trường ĐH; Hiệu suất nghiên cứu, xu hướng tài trợ trong trường ĐHNC, vai trò của trường ĐHNC trong hệ thống GDĐH và quản lý các trường ĐHNC, nhưng góc độ tiếp cận mới dừng lại ở vai trò chính sách của nhà nước trong trường ĐH hay dưới góc độ quản lý giáo dục ĐH. Đã có 01 công trình nghiên cứu gần với chủ đề của luận án đó là: The Impact of Scientific and Technological Policy Interventions on University Research: Evidence from the National Nano-Technology Initiative”. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này mới dừng lại ở việc chỉ ra tác động của chính sách công nghệ Na nô đến bản chất nghiên cứu của trường ĐH, mà chưa đề cập đến tác động của chính sách KH&CN đến hoạt động KH&CN trong trường ĐH nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN (nhất là hàm lượng NCKH) để góp phần thúc đẩy hình thành ĐHNC.

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách khoa học và công nghệ đến hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học (Trang 24 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)