CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH
2.4. Lý luận về sự tác động của chính sách
2.4.6. Vai trò của chính sách khoa học và công nghệ đến hoạt động KH&CN trong trường ĐH để thúc đẩy hình thành đại học nghiên cứu
Chính sách KH&CN là một loại chính sách công được xây dựng để điều tiết các hoạt động KH&CN (tạo ra động năng phát triển xã hội), ngoài tác động cơ bản này, chính sách KH&CN cần tác động mạnh mẽ và đủ mạnh đến hoạt động KH&CN trong trường ĐH nhằm hoàn thiện chức năng NCKH, từ đó góp phần thúc đẩy các ĐH Việt Nam tiến dần đến ĐHNC thế giới.
Thứ nhất, chính sách KH&CN định hướng đầu tư cho hoạt động KH&CN trong trường ĐH Qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy, các nước Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ đều thể hiện định hướng mục tiêu xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế thông qua việc đầu tư cho KH&CN trong trường ĐH. Chẳng hạn: Chính sách của Pháp và Trung Quốc rất chú trọng việc xây dựng cơ sở vật chất cho trường ĐH, các nước này không chỉ tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về đào tạo, NCKH mà còn quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng của trường ĐH, xây dựng một môi trường thật tốt cho việc học tập và NCKH trong khuôn viên nhà trường.
Chính sách của Nga và Ấn Độ thì lại hướng tới coi trọng đầu tư cho các ĐH khoa học công nghệ (loại hình khoa học kĩ thuật), còn chính sách của Hàn Quốc tập trung vào việc tạo ra các trường ĐH chuyên môn hóa mang tính địa phương để hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa. Do đó, các chính sách KH&CN Việt Nam hiện nay ngoài vai trò
điều tiết hoạt động KH&CN nói chung, cần có cơ chế, chính sách cụ thể định hướng phát triển các ĐHNC thông qua tập trung đầu tư chiến lược cho hoạt động KH&CN trong trường ĐH, từ đó tạo uy tín và dần nâng thương hiệu của trường ĐH Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, chính sách KH&CN tạo động lực bằng vật chất và môi trường NCKH thuận lợi cho GV làm NCKH
Động lực NCKH của GV trong trường ĐH tùy thuộc vào mỗi người, có thể là niềm đam mê, ham nghiên cứu tìm tòi cái mới, khát vọng muốn khẳng định bản thân, muốn hơn người khác, học hàm, học vị, lợi ích kinh tế,... Tuy nhiên, trong bối cảnh mà thu nhập của đội ngũ GV là quá thấp, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của nhiều ngành nghề khác thì chính sách KH&CN cần tác động vào lợi ích kinh tế.
Nghĩa là GV làm nghiên cứu có chất lượng, có công bố quốc tế phải có thu nhập tốt hơn so với GV không làm nghiên cứu, sự chênh lệch về thu nhập theo cách này sẽ tạo ra động lực làm NCKH cho GV. Do vậy, chính sách KH&CN tập trung tác động bằng yếu tố vật chất có thể được coi là giải pháp kích thích nhu cầu, động lực làm NCKH của GV trong các trường ĐH hiện nay.
Một môi trường NCKH thuận lợi cũng được coi là một yếu tố tạo động lực làm NCKH cho GV ở các trường ĐH, môi trường NCKH có thể chia hai phần: Phần cứng và phần mền. Đối với các nhà khoa học thực nghiệm, phần cứng là phòng thí nghiệm, trang thiết bị, máy móc, thiếu sự hỗ trợ của các yếu tố phần cứng này thì khó lòng đạt được kết quả nghiên cứu như mong muốn, trong khi đó đối với người làm nghiên cứu lí thuyết thì phần cứng là hệ thống thư viện hiện đại và máy tính được kết nối tốt với các kho dữ liệu qua intenet là những điều kiện góp phần vào sự thành công của kết quả NCKH. Môi trường NCKH ở các trường ĐH còn thể hiện ở cơ chế tổ chức NCKH, các trường ĐH đẳng cấp quốc tế, NCKH thường được tổ chức làm việc theo nhóm (team working), còn ở các trường ĐH của Việt Nam mặc dù cũng đã hình thành những nhóm làm việc, nhưng về cơ bản vẫn là phương thức làm việc đơn độc, mỗi người theo đuổi một vấn đề riêng lẻ. Do vậy, các chính sách KH&CN cần tập trung tác động nhằm khuyến khích phát triển cả phần cứng và phần mền để tạo điều kiện thuận lợi cho GV làm NCKH từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng NCKH trong trường ĐH.
Thứ ba, chính sách KH&CN thúc đẩy sự hợp tác giữa trường ĐH với các doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN
Đối với trường ĐH việc hợp tác với doanh nghiệp sẽ giúp trường ĐH tiếp cận các nguồn tài chính bổ sung, tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất, hiểu hơn về những yêu cầu của doah nghiệp, còn đối với doanh nghiệp khi hợp tác với trường ĐH sẽ giúp họ nâng cao khả năng nghiên cứu, làm tăng hiệu quả kinh doanh. Như vậy, sự hợp tác giữa trường ĐH với doanh nghiệp có thể được nhìn nhận ở góc độ này thì doanh nghiệp có thể là “khách hàng” của trường ĐH trong việc áp dụng các sáng chế hay kết quả nghiên cứu còn ở góc độ khác trường ĐH lại là thành khách hàng của doanh nghiệp trong việc thuê các thiết bị kỹ thuật tiên tiến của doanh nghiệp đề làm nghiên cứu. Do vậy, chính sách KH&CN cũng cần tạo ra các cơ chế cụ thể gắn sự hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong trường ĐH.
Tóm lại, chính sách KH&CN có vai trò đặc biệt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN (nhất là tăng cường hàm lượng NCKH), nâng cao hàm lượng NCKH góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường ĐH mà đây lại là tiêu chí quan trọng của ĐHNC. Ngoài việc lựa chọn hai nhóm chính sách KH&CN, tác giả cho rằng nguồn lực tài chính cũng đóng một vai trò quyết định tạo nên sự thay đổi tích cực về cả số lượng và chất lượng của hoạt động KH&CN trong trường ĐH. Do vậy, các trường ĐH cũng nên quan tâm đến việc khai thác các quỹ như: Quỹ phát triển KH&CN; Quỹ đầu tư mạo hiểm; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia ở khía cạnh phối hợp với chính sách KH&CN để phát triển hoạt động KH&CN trong trường ĐH từ đó góp phần thúc đẩy hình thành ĐHNC ở Việt Nam.
- Quỹ phát triển KH&CN quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay để thực hiện nhiệm vụ KH&CN do tổ chức, cá nhân đề xuất.
- Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia: đây là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ để thúc đẩy hoạt động CGCN của trường.
- Quỹ đầu tư mạo hiểm: Các chương trình chia sẻ nợ và rủi ro nhằm vào mục đích giảm thiểu rủi ro của người cho nhà nghiên cứu thông qua cung cấp tài chính cho các dự án đổi mới có tính khả thi là một việc lằm vô cùng cần thiết cần quan tâm khi tiếp cận lĩnh vực hoạt động KH&CN. Như đã biết, một trong những đặc trưng của hoạt động NCKH là có tính rủi ro. Quá trình khám phá bản chất sự vật và sáng tạo sự vật mới hoàn toàn có thể gặp phải thất bại, đó là tính rủi ro của nghiên cứu. Tuy nhiên, thất bại trong nghiên cứu cũng được xem là một kết quả nghiên cứu -> kết quả nghiên cứu này giúp nhà nước không tiếp tục đầu tư từ đó tránh lãnh phí về tiền của và công sức vào hướng nghiên cứu không mang lại kết quả.
Kết luận chương 2
Chương 2 đã phân tích và làm rõ một số khái niệm cơ bản liên quan đến luận án: Hoạt động KH&CN; Chính sách; chính sách KH&CN, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; năng lực tự chủ; tinh thần tự chủ; ĐHNC; tác động của chính sách; đánh giá tác động của chính sách; luận giải cách tiếp cận và phương pháp tiếp cận đánh giá tác động của chính sách KH&CN. Qua phân tích đã cho thấy:
1. Cách tiếp cận và phương pháp đánh giá tác động của chính sách cần căn cứ vào thời điểm thực hiện đánh giá chính sách để xác định.
2. Việc xây dựng khung để đánh giá tác động của chính sách là cần thiết, do đó, luận án đã xây dựng được khung đánh giá và đưa ra các chỉ báo dùng để đánh giá tác động của hai nhóm chính sách KH&CN.
3. Chính sách KH&CN cần tác động để tăng cường hiệu quả hoạt động KH&CN trong trường ĐH: Đầu tư cho hoạt động KH&CN trong trường ĐH; tạo động lực và môi trường NCKH thuận lợi cho GV làm NCKH; thúc đẩy sự hợp tác giữa trường ĐH với các doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN. Ngoài ra, cũng cần phải phối hợp với các quỹ như: Quỹ phát triển KH&CN; Quỹ đầu tư mạo hiểm; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để phát triển hoạt động KH&CN trong trường ĐH, từ đó góp phần đưa các ĐH Việt Nam tiến dần đến ĐHNC thế giới.
CHƯƠNG 3