Cách tiếp cận và phương pháp đánh giá tác động chính sách

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách khoa học và công nghệ đến hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học (Trang 58 - 61)

CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH

2.4. Lý luận về sự tác động của chính sách

2.4.3. Cách tiếp cận và phương pháp đánh giá tác động chính sách

Có thể dễ dàng nhận thấy, đánh giá chính sách là một quá trình phức tạp, bởi có sự tham gia của rất nhiều nhóm lợi ích và các bên liên quan, cũng như tác động của chính sách có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Cách tiếp cận được sử dụng trong đánh giá chính sách gồm: Tiếp cận từ trên xuống (top – down) và tiếp cận từ dưới lên (bottom – up). Sự phân tích từ trên xuống có nghĩa là tập hợp các dữ liệu vĩ mô thứ cấp. Dữ liệu này được phân tích từ nhiều phương pháp thống kê khác nhau. Tiếp cận từ dưới lên là phương pháp tiếp cận được sử dụng trong mô hình thực chứng vì dữ liệu ở cấp độ vi mô được thu thập lại và khái quát thành tổng thể. Nội dung của việc đánh giá có thể thay đổi theo giai đoạn của chính sách nên có thể bao gồm đánh giá trước (trước khi có chính sách), trong (chính sách đang thực thi) và sau (sau khi kết thúc chính sách). Nếu căn cứ vào thời điểm thực hiện ĐGTĐ so với tiến độ thực hiện chính sách/dự án thì ĐGTĐ có cách tiếp cận là: (i)

đánh giá tiên nghiệm (ex-ante hoặc prospective evaluation); (ii) đánh giá hậu nghiệm (ex-post hoặc retrospective evaluation).

- Đánh giá tiên nghiệm thường được thực hiện trước hoặc vào cùng thời gian chương trình, chính sách được triển khai và hoạt động này cùng được đưa vào nội dung hoạt động của chương trình, chính sách. Theo World Bank (2010), ĐGTĐ tiên nghiệm là tìm cách định lượng các tác động dự kiến của các chính sách trong tương lai, dựa trên thực trạng của khu vực mục tiêu đã cho, trong đó có thể sử dụng các mô phỏng dựa trên giả định về tình hình kinh tế. Đánh giá tiên nghiệm cũng dựa trên các mô hình cấu trúc về điều kiện kinh tế của đối tượng. Chẳng hạn, có thể có các giả định liên quan đến mô hình cấu trúc như xác định các tác nhân kinh tế chính trong xây dựng chương trình (cá nhân, cộng đồng, chính quyền địa phương, trung ương), mối liên hệ giữa các tác nhân này và những thị trường khác nhau trong xác định kết quả từ chương trình.

- Đánh giá hậu nghiệm của chương trình, chính sách sau khi được triển khai.

Đánh giá hậu nghiệm tìm cách xác định những tác động thực tế tích luỹ ở các đối tượng thụ hưởng nhờ can thiệp của chương trình. Một hình thức đánh giá loại này là mô hình hiệu quả can thiệp. Đánh giá hậu nghiệm có lợi ích tức thời và phản ánh hiện thực. Nhưng những đánh giá này nhiều khi bỏ sót những cơ chế đằng sau tác động của chương trình đối với dân cư, là những cơ chế mà các mô hình cấu trúc tìm cách nắm bắt và có thể có vai trò rất quan trọng đối với quá trình tìm hiểu tác động của chương trình. Đánh giá hậu nghiệm cũng có thể tốn kém hơn so với đánh giá tiên nghiệm vì đòi hỏi phải thu thập dữ liệu về các kết quả thực tế ở các nhóm đối tượng tham gia và không tham gia, cũng như ở các yếu tố xã hội và kinh tế kèm theo khác có vai trò quyết định phương hướng can thiệp.

2.4.3.2. Phương pháp đánh giá tác động chính sách

Có rất nhiều phương pháp có thể được sử dụng để đánh giá chính sách. Hơn thế nữa thật khó có thể khẳng định phương pháp nào lợi thế hơn phương pháp nào.

Một phương pháp nào đó được lựa chọn bởi nó phù hợp với mục tiêu đề ra, không có phương pháp thay thế cho tất cả. Các phương pháp có thể bổ trợ cho nhau. Tuy

nhiên, để đánh giá một cách đầy đủ, rõ ràng và toàn diện thì người nghiên cứu phải sử dụng cả các phương pháp đinh tính và định lượng.

- Phương pháp định tính

Nghiên cứu định tính là làm rõ hành vi, thái độ và các lý do ẩn sâu hành vi, thái độ đó của đối tượng thụ hưởng chính sách. Ba phương pháp chính của nghiên cứu định tính là thảo luận nhóm tập trung, phỏng vấn sâu và quan sát. Người nghiên cứu nhận thức được thực trạng vấn đề một cách sâu sắc thông qua các câu hỏi tại sao, như thế nào. Các nhóm xã hội đặc thù được tập hợp lại với nhau, cùng trao đổi một vấn đề. Người nghiên cứu dễ dàng có được những chi tiết và trích dẫn thực, có sự so sánh đối chiếu thái độ, hành vi của những đối tượng cùng nhóm. Quá trình thu thập thông tin trong phương pháp này được thực hiện liên tục và lặp lại: những câu hỏi nghiên cứu được đặt ra, nhà nghiên cứu thu thập thông tin và hình thành các giả thuyết, tiếp đến họ thu thập thông tin bổ sung nhằm chứng minh cho giả thuyết.

- Phương pháp định lượng

Nghiên cứu định lượng là cách thức tìm hiểu có hệ thống về một hiện tượng/vấn đề thông qua thu thập, phân tích và trình bày số liệu. Thế mạnh của nghiên cứu định lượng thể hiện thông qua số liệu mang tính khách quan, dự liệu mang tính đại diện và tổng quát hơn thông qua việc chọn cỡ mẫu đủ đại diện cho nghiên cứu hoặc có khả năng suy rộng nếu dựa trên cách thức chọn mẫu ngẫu nhiên, hoặc có khả năng theo dõi được sự thay đổi khi chọn mẫu điều tra lập lại. Phương pháp này cũng cho phép người nghiên cứu phân tích được tương quan giữa các biến, phân tích được nguyên nhân-kết quả, mô hình hóa thành các sơ đồ, biểu đồ, bảng,... Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế mà người nghiên cứu cần nắm được để hạn chế được rủi ro trong quá trình sử dụng, đó là: chất lượng và độ tin cậy của số liệu khó kiểm chứng được mức độ thực, cso nhiều yếu tố không thể đo lường được, khó giải thích được tại sao, như thế nào đối với các tác động được phân tích, dễ bị đánh đồng các nhóm đối tượng, không tìm hiểu sâu và mô hình hóa được các mối quan hệ và tác động nhiều chiều. Ngoài các phương pháp định tính và định lượng, trong đánh giá chính sách người ta còn áp dụng phương pháp tham dự, phương pháp chuyên gia, phương pháp mô tả, v.v…

Một phần của tài liệu Tác động của chính sách khoa học và công nghệ đến hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)