CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH
2.1. Một số khái niệm cơ bản đƣợc sử dụng trong luận án
2.1.1. Hoạt động khoa học và công nghệ
Trong thời đại ngày nay, có lẽ không còn ai là không nhận thức được rằng KH&CN có vai trò rất quan trọng về nhiều mặt đối với sự phát triển, KH&CN là cái không thể thiếu được trong đời sống kinh tế - văn hóa của một quốc gia. Theo cách hiểu chung nhất, hoạt động KH&CN là tập hợp toàn bộ các hoạt động có hệ thống và sáng tạo nhằm phát triển kho tàng kiến thức liên quan đến con người, tự nhiên và xã hội, nhằm sử dụng những kiến thức đó để tạo ra những ứng dụng mới. Còn theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), hoạt động KH&CN là khái niệm được sử dụng để chỉ những hoạt động xã hội được thực hiện bởi một bộ phận xã hội rộng lớn (các nhà khoa học, các nhà công nghệ) có liên quan đến việc thực hiện công tác NCKH và CGCN, phát triển KH&CN [12, tr73]. Tại Khoản 3 Điều 3 Luật KH&CN năm 2013, có giải thích: Hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ [39]. KH&CN cùng với đào tạo được coi là hai hoạt động trọng tâm của một trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài về đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra các sản phẩm trí tuệ. Hoạt động KH&CN trong trường ĐH bao gồm những nội dung sau: Thực hiện các đề tài/dự án NCKH các cấp, đầu tư tăng cường năng lực cho NCKH, đầu tư xây dựng cơ bản cho NCKH, hợp tác quốc tế về NCKH, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN, tổ chức các hội nghị, hội thảo, thông tin KH&CN, tổ chức hoạt động NCKH của sinh viên, học viên cao học và NCS. Theo đó cho thấy trường ĐH đã thực hiện đa dạng về các loại hình nghiên cứu như từ NCCB đến NCƯD và NC&TK, cũng như các lĩnh vực nghiên cứu như
khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hộ và nhân văn, khoa học giáo dục.
2.1.2. Tổ chức khoa học và công nghệ
“Tổ chức khoa học và công nghệ là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật”[39]. Các loại hình tổ chức KH&CN, gồm: Tổ chức NCKH, tổ chức NCKH và phát triển công nghệ; Trường ĐH, học viện, trường cao đẳng; Tổ chức dịch vụ KH&CN. Tổ chức KH&CN có ba chức năng cơ bản sau: NCKH; phát triển công nghệ và hoạt động dịch vụ KH&CN.
* Về chức năng NCKH
- Nghiên cứu cơ bản (NCCB) là những nghiên cứu nhằm tìm ra các thuộc tính, cấu trúc, động thái của các đối tượng nghiên cứu, các sự vật và hiện tượng. Sản phẩm của NCCB là những phân tích lý luận, những kết luận về quy luật, định luật, định lý,…Trên cơ sở đó, hình thành nên các phát hiện, phát minh và các hệ thống lý thuyết mới.
- Nghiên cứu ứng dụng (NCƯD) là sự vận dụng các lý thuyết, quy luật thu được từ trong NCCB, tức là dựa trên cơ sở các kết quả, sản phẩm của NCCB, để đưa ra những mô tả, giải thích, dự báo hoặc những nguyên lý về các giải pháp (giải pháp được hiểu theo nghĩa rộng nhất của thuật ngữ này, có thể là các giải pháp về công nghệ, vật liệu, sản phẩm, giải pháp về xã hội, quản lý, tổ chức,…). NCƯD cũng có thể là nghiên cứu để áp dụng các kết quả nghiên cứu đã thành công ở một môi trường nhất định, vào trong một môi trường mới của sự vật, hiện tượng, sản phẩm của NCƯD có thể là một hệ thống tri thức về nhận dạng trạng thái của sự vật, hiện tượng trong hiện tại và tương lai, cũng có thể là một hệ thống tri thức về giải thích nguyên nhân, nguồn gốc, động thái, cấu trúc, tương tác, hậu quả, quy luật chi phối sự vật, hiện tượng. Sản phẩm của NCƯD cũng có thể là một giải pháp mới về công nghệ, vật liệu, sản phẩm, về xã hội, tổ chức và quản lý,…Trong đó, một sản phẩm đặc biệt của NCƯD là sáng chế - thành tựu trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
- Nghiên cứu và triển khai thực nghiệm (NC&TK): Hoạt động vận dụng các quy luật (sản phẩm của NCCB) và các nguyên lý, giải pháp (sản phẩm của NCƯD) để tạo ra vật mẫu và công nghệ sản xuất vật mẫu với các tham số kỹ thuật khả thi.
Triển khai bao gồm ba giai đoạn: Tạo ra vật mẫu (Prototype) là giai đoạn thực nghiệm nhằm tạo ra được sản phẩm mẫu hay còn gọi là vật mẫu chức năng (Functional Prototype), mà chưa quan tâm đến quy trình sản xuất ra vật mẫu và quy mô áp dụng vật mẫu đó; Tạo quy trình, công nghệ (Pilot) là giai đoạn tìm kiếm, thử nghiệm và tạo ra công nghệ để sản xuất sản phẩm mẫu mới vừa thành công ở giai đoạn trước; còn gọi là giai đoạn tạo vật mẫu kỹ thuật (Engineering Prototype); Sản xuât thử loạt đầu (sản xuất “Sê ri 0”) là giai đoạn kiểm chứng độ tin cậy của công nghệ trên quy mô nhỏ hay làm thí điểm, trong thực tế còn được gọi là sản xuất bán đại trà hay bán công nghiệp.
* Chức năng phát triển công nghệ
Phát triển công nghệ là sự mở rộng và/hoặc nâng cấp công nghệ, bao gồm hoạt động phát triển công nghệ chiều rộng là nhân rộng công nghệ, mở rộng công nghệ và hoạt động phát triển công nghệ theo chiều sâu là nâng cấp công nghệ hiện có. “Phát triển công nghệ” theo tiếng Anh cũng có chữ “Development” như “Triển khai”
nhưng có sự khác biệt về thời điểm thực hiện và tiêu chí quản lý như sau: Kết thúc
“Triển khai”, công nghệ được chuyển giao và vận hành trong sản xuất, lúc đó hoạt động “Phát triển công nghệ” (bao gồm nhân rộng công nghệ và nâng cấp công nghệ) mới bắt đầu. Quản lý hoạt động “Phát triển công nghệ” đòi hỏi quan tâm tới các đặc điểm tính lặp lại theo chu kỳ, tính tin cậy, tính xác định của sản phẩm, tính kinh tế,…
* Chức năng dịch vụ KH&CN
Dịch vụ KH&CN bao gồm: các loại hoạt động phục vụ cho nghiên cứu, triển khai, chuyển giao và phát triển công nghệ, như các dịch vụ tính toán, cung cấp thông tin tư liệu, môi giới, trợ giúp kỹ thuật (lắp đặt, cân chỉnh máy móc thiết bị; duy tu, bảo dưỡng kỹ thuật phần cứng và phần mềm; kiểm định đo lường, thử nghiệm, hiệu chuẩn; phân tích, kiểm định mẫu nguyên liệu, sản phẩm,…) và thực hiện các dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh, tổ chức, quản lý và phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
2.1.3. Chính sách
Theo nghĩa hẹp, chính sách có thể được thể hiện thông qua, một chương trình, một mục tiêu của chương trình hay sự tác động của chương trình lên một số vấn đề của xã hội, chẳng hạn như chính sách trợ cấp hay chính sách giải quyết yêu cầu của sinh viên về nhà ở, học bổng. Chính sách cũng có thể coi là một kế hoạch hoạt động.
Đó là một bản kế hoạch, được xây dựng công phu, cụ thể chứ không phải là những lời nói, tư duy suy nghĩ ban đầu. Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh, môi trường cụ thể mà nhà làm chính sách đã hình dung ra hoặc do chủ thể xác định (tổ chức, cá nhân, nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức quần chúng, các loại hình doanh nghiệp, v.v...) đưa ra.
Còn theo quan niệm của các nhà chính trị, chính sách là sự bày tỏ quan điểm chính trị của các tổ chức (theo nghĩa rộng của từ này) nhằm đạt được những mục tiêu nhất định, hay nói cách khác, đó là những quyết định của các tổ chức, cá nhân về những gì họ sẽ làm hay không làm. Còn những nhà quản lý vĩ mô của các tổ chức quan niệm, chính sách là những định hướng tư duy cho các nhà quản lý điều hành, tác nghiệp đưa ra những quyết định cần thiết trong những điều kiện cụ thể của môi trường sản xuất, kinh doanh. Như vậy, thực chất của chính sách theo cách này chỉ là những chỉ dẫn cần thiết cho các nhà quản lý tác nghiệp để họ vận dụng vào điều kiện cụ thể, không chỉ ra cách thức tiến hành (các tác nghiệp cụ thể). Theo các quan niệm, chính sách đó là một sự lựa chọn trong tập hợp các phương án khác nhau để đi đến mục tiêu.
Trong một cách tư duy khác cũng được nhiều người thừa nhận, chính sách là bước tiếp theo của chiến lược của các công ty, tập đoàn sản xuất, kinh doanh đề ra và đó là bước khởi đầu cho việc nghiên cứu những hoạt động cần thiết để đạt được những mục tiêu đề ra. Với tư duy này, chính sách là chỉ dẫn cụ thể của các nhà hoạch định đề ra các quyết định triển khai chiến lược; là bước nối giữa đường lối, chủ trương chiến lược (vĩ mô) và các hành động cụ thể (dự án, chương trình).
Theo quan niệm của các nhà quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính sách là đường lối lãnh đạo, định hướng tư duy cho các nhà quản lý theo mục tiêu cụ thể. Đó không phải là những quy tắc (với tư cách là các quy định cụ thể)
bắt buộc các nhà quản lý phải chấp hành. Nói cách khác, chính sách chỉ dẫn, hướng dẫn đưa ra quyết định, còn vấn đề quyết định vẫn thuộc các nhà quản lý điều hành.
Tổng hợp những quan niệm trên, tác giả Vũ Cao Đàm đã đưa ra định nghĩa về chính sách“Chính sách là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa, mà một chủ thể quyền lực hoặc chủ thể quản lý đưa ra, trong đó tạo sự ưu đãi một nhóm xã hội, kích thích vào động cơ hoạt động của nhóm này, định hướng hoạt động của họ nhằm thực hiện một mục tiêu ưu tiên nào đó trong chiến lược phát triển của một hệ thống xã hội” [13].
2.1.4. Chính sách công
Những chính sách do các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước ban hành nhằm giải quyết những vấn đề có tính cộng đồng được gọi là chính sách công. Chính sách công thường mang tính hành động, tập trung giải quyết một vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế – xã hội với mục tiêu xác định. Hiện có nhiều quan điểm về khái niệm này.
Jenkins William (1978) với tác phẩm Phân tích chính sách: quan điểm chính trị và tổ chức Chính sách công đã định nghĩa chính sách công “là một tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm các nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và các giải pháp để đạt các mục tiêu đó [85].
Dunn William N (1992) đã nêu quan điểm của mình trong tác phẩm Đánh giá tác động của phân tích chính sách lại định nghĩa “Chính sách công là một kết hợp phức tạp những sự lựa chọn liên quan lẫn nhau, bao gồm cả các quyết định không hành động, do các cơ quan nhà nước hay các quan chức nhà nước đề ra” [84].
Tóm lại: Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của Nhà nước có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân. Nó là một sự kết hợp phức tạp giữa những sự lựa chọn liên quan lẫn nhau do cơ quan Nhà nước đề ra (kể cả các quyết định không hành động).
2.1.5. Chính sách khoa học và công nghệ
Chính sách KH&CN là một loại chính sách công được xây dựng để điều tiết các hoạt động KH&CN (tạo ra động năng phát triển xã hội). Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) thì chính sách KH&CN là một tập hợp các biện pháp có quan hệ nhân quả nhằm thúc đẩy hoạt động tạo ra tri thức, truyền bá, phổ cập, ứng dụng các tri thức đó cho đổi mới.
Với mỗi cách tiếp cận khác nhau có các định nghĩa khác nhau về chính sách KH&CN. Có ý kiến cho rằng chính sách KH&CN là tập hợp các mục tiêu và hệ thống các biện pháp (tổ chức, hành chính, tài chính, kinh tế, xã hội,…) để thực hiện mục đích thúc đẩy hoạt động KH&CN. Trong đó, các mục tiêu được phân loại như sau: mục tiêu chiến lược (dài hạn), mục tiêu chiến thuật (ngắn hạn), mục tiêu tổng hợp và mục tiêu cụ thể, mục tiêu toàn cầu và mục tiêu cục bộ (quốc gia),…
Theo Vũ Cao Đàm “Chính sách phát triển KH&CN của một đất nước, một địa phương hoặc một hãng, trong đó có những lĩnh vực nghiên cứu và những công nghệ được ưu tiên phát triển theo hai hướng; KH&CN phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn về phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt là công nghệ phải phục vụ cho mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản xuất; Một mặt khác, KH&CN phải được phát triển đi trước, chuẩn bị cho những mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp hoặc mục tiêu dài hạn của kinh tế và xã hội, bên cạnh những lĩnh vực phải đáp ứng tức thời nhu cầu cạnh tranh của sản xuất” [13].
Trong khuôn khổ luận án này, chính sách KH&CN được hiểu là các chủ trưởng, biện pháp của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển KH&CN phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.