CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH
2.2. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức khoa học và công nghệ
Theo tác giả Vũ Cao Đàm, bản chất quyền tự chủ của các tổ chức KH&CN cần được thể hiện bằng các khía cạnh sau: (1) Tự quyết định phương hướng phát triển khoa học, (2) Tự tìm kiếm các nguồn tài trợ, (3) Xóa bỏ mọi ràng buộc hành chính, (4) Tự chuyển đổi tổ chức và (5) Xác định các tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả nghiên cứu dựa trên cơ sở các chuẩn mực khoa học.
Tự chủ phản ánh mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng để đáp ứng những thay đổi của môi trường, đáp ứng xu hướng phát triển. Trong tổ chức KH&CN, tự chủ thể hiện ở ba mặt: Tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc chuyên môn; Tự chủ về quản lý nhân sự; Tự chủ về quản lý tài chính. Nghị định 115 còn đề cập đến “Tự chịu trách nhiệm”, đó là sự tự đánh giá, tự giám sát việc thực hiện các
quyền và nghĩa vụ, sẵn sàng công khai hóa các hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền về tất cả kết quả của các hoạt động đó.
Từ cách hiểu trên, tác giả đề xuất cách hiểu tự chủ, tự chịu trách nhiệm về KH&CN được sử dụng trong luận án như sau: Tự chủ về KH&CN được hiểu là tự xác định nhiệm vụ nghiên cứu, còn tự chịu trách nhiệm về KH&CN được hiểu là tự đánh giá, tự giám sát việc thực hiện hoạt động KH&CN, sẵn sàng công khai hóa với cơ quan có thẩm quyền về tất cả các kết quả của việc thực hiện hoạt động KH&CN.
Quyền luôn luôn song hành với trách nhiệm nếu trách nhiệm không được đảm bảo thì quyền cũng không được đảm bảo. Như vậy, việc trao quyền tự chủ cũng gắn kèm với trách nhiệm thực hiên công việc được giao và để thực hiên tốt công việc được giao cần trao quyền tự trị và tự quản cho tổ chức đó. Cơ quan quản lý trao quyền tự chủ cho các chủ thể bị quản lý nhằm tạo sự chủ động cho chủ thể trong triển khai thực hiện mục tiêu đề ra, phát huy năng lực tối đa của tổ chức, cá nhân theo mục tiêu hoạt động. Tổ chức, cá nhân theo mức độ hoạt động của mình sẽ xác định mức độ tự chủ phù hợp và buộc phải tự chịu trách nhiệm các hoạt động của mình. “Tự chủ và tự chịu trách nhiệm tồn tại song song”.
2.2.2. Nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức khoa học và công nghệ Trong các tổ chức KH&CN, tự chủ, tự chịu trách nhiệm là quyền được chủ động thực hiện nhiệm vụ, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, tổ chức và biên chế, đồng thời chịu trách nhiệm về các vấn đề này. Khi tổ chức KH&CN áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của tổ chức, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa hoạt động KH&CN, sàng lọc và phát triển các đơn vị có năng lực.
Năm 2005, Nghị định 115 được ban hành đã mô tả một số khái niệm về tự chủ trong tổ chức KH&CN công lập ở Việt Nam như sau:
- Tự chủ về thực hiện nhiệm vụ KH&CN: Tổ chức KH&CN được tự quyết định việc tham gia tuyển chọn, đấu thầu thực hiện hoạt động KH&CN của Nhà nước và biện pháp thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Ngoài ra, tổ chức KH&CN tự chủ còn được quyền: Tự ký hợp đồng, hợp tác, liên doanh - liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động KH&CN, sản xuất
– kinh doanh hàng hoá; Tự quyết định việc mời chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử cán bộ ra nước ngoài công tác; Tự quyết định việc đầu tư phát triển từ vốn vay, vốn huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Chủ động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, thực hiện các dịch vụ thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn của mình và các lĩnh vực khác theo quy định; Chủ động phát triển công nghệ, xuất khẩu, nhập khẩu trực tiếp công nghệ (CGCN) và sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực hoạt động chuyên môn của mình theo quy định của pháp luật.
- Tự chủ về tài chính: Tổ chức KH&CN được tự chủ trong việc thu và sử dụng các nguồn thu từ phí và lệ phí theo quy định; từ hoạt động cung ứng dịch vụ; từ hợp đồng nghiên cứu và triển khai, hợp đồng CGCN; từ hoạt động sản xuất – kinh doanh; thu sự nghiệp khác (nếu có).
- Tự chủ về quản lý nhân sự: Tổ chức KH&CN được trao quyền tự chủ về quản lý nhân sự theo quy định của pháp luật nhằm phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN, tạo động lực về vật chất và tinh thần. Tổ chức KH&CN có quyền thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ cũng như thù lao, đãi ngộ theo mức độ cống hiến và các chính sách khuyến khích khác đối với cán bộ KH&CN đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Tự chủ hợp tác quốc tế về KH&CN: Tổ chức KH&CN được chủ động trong việc cử cán bộ ra nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài trực tiếp nghiên cứu, đào tạo, tư vấn KH&CN và đảm nhiệm chức vụ quản lý trong tổ chức KH&CN thuộc các lĩnh vực do Nhà nước quy định.
Năm 2006, Nghị định 43/2006/NĐ-CP được ban hành sau được thay thế bởi Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã mô tả một số khái niệm về tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có trường ĐH) như sau:
- Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ: Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động, gồm: Đối với nhiệm vụ nhà nước giao hoặc đặt hàng, được chủ động quyết định các biện pháp thực hiện để đảm bảo chất lượng, tiến độ; Đối với các hoạt động khác, được quyền tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh
vực chuyên môn; Liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo quy định của pháp luật.
- Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và nhân sự: Đơn vị sự nghiệp được quyền quyết định việc tuyển dụng cán bộ, viên chức theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển; Quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức (đối với chức danh tương đương chuyên viên chính trở xuống), ký hợp đồng làm việc với những người đã được tuyển dụng; Sắp xếp, bố trí và sử dụng cán bộ, viên chức phải phù hợp giữa nhiệm vụ được giao với ngạch viên chức và quy định của nhà nước về trách nhiệm thi hành nhiệm vụ, công vụ; Quyết định việc điều động, biệt phái, nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, viên chức thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật; Quyết định việc nâng bậc lương đúng thời hạn, trước thời hạn trong cùng ngạch và tiếp nhận, chuyển ngạch các chức danh tương đương chuyên viên chính trở xuống theo điều kiện và tiêu chuẩn do pháp luật quy định.
- Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp; Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp, đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động.
2.2.3. Năng lực tự chủ và tinh thần tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ
Năng lực tự chủ là những khả năng đảm bảo cho việc tự chủ. Đối với tự chủ trong tổ chức KH&CN thì năng lực tự chủ là những khả năng về nguồn lực, tiềm lực đảm bảo cho việc tự chủ. Trong đó:
Nguồn lực: là những yếu tố đầu vào đảm bảo cho hoạt động KH&CN như: nhân lực, tài lực; tổ chức; tin lực; vật lực (cơ cở vật chất). Cụ thể:
- Nhân lực KH&CN theo định nghĩa của UNESCO là toàn bộ những người đang trực tiếp tham gia vào hoạt động KH&CN trong các cơ quan, tổ chức được và được trả lương/tiền công, còn theo định nghĩa của OECD là toàn bộ những người có khả năng và nhu cầu lao động có bằng chuyên môn về một lĩnh vực KH&CN nào đó
từ cao đẳng trở lên, hoặc không có bằng cấp nhưng đảm nhiệm công việc đòi hỏi trình độ tương đương từ cao đẳng trở lên.
- Tài chính KH&CN là khoản tiền được sử dụng đầu tư cho hoạt động KH&CN gồm các nguồn: ngân sách nhà nước ; doanh nghiệp/cá nhân; quỹ KH&CN của doanh nghiệp; quỹ đầu tư mạo hiểm; quỹ cá nhân dành cho khoa học và các nguồn khác như: thu từ đơn đặt hàng , hợp đồng nghiên cứu/cung cấp dịch vụ KH&CN giữa bên đặt hàng và tổ chức/cá nhân thực hiện,...
- Thông tin KH&CN là các loại sản phẩm thông tin như: các hệ thống tra cứu, các tạp chí tóm tắt (là ấn phẩm thông tin đăng tải các bài tóm tắt các báo cáo kết quả nghiên cứu, các công trình khoa học, các bài đăng tạp chí,... được trình bày dưới dạng ấn phẩm định kỳ), các tổng luận (là bài trình bày cô đọng, có hệ thống các thông tin và sự tổng hợp khoa học về các vấn đề được đề cập bao gồm hiện trạng, mức độ và xu hướng phát triển của chúng).
Tiềm lực KH&CN: gồm những nhân tố cơ bản như các đơn vị NCKH, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, tri thức và kinh nghiệm tích luỹ được, công nghệ và các bí quyết công nghệ, các phòng thí nghiệm và các nguồn tài chính,... Như vậy, năng lực tự chủ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc tự chủ của tổ chức KH&CN.
Tinh thần tự chủ là nhận thức của con người trong tổ chức KH&CN về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của tổ chức thành tự chủ. Tinh thần tự chủ có nhiều trạng thái: sẵn sàng làm tới cùng, sẵn sàng nhưng đến đâu thì đến, không sẵn sàng đến đâu thì đến và không sẵn sàng phản đối thay đổi.