Nghiên cứu sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường hiện nay

Một phần của tài liệu Bảo vệ môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 30 - 35)

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.2.2. Nghiên cứu sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường hiện nay

Nguyễn Đình Hòa (2005) có bài “Sự vượt trước trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sống” [74]. Tác giả nêu trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và con người. Bởi vậy, Người cho rằng con người phải hiểu biết tự nhiên, phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phải biết chăm sóc, giữ gìn môi trường sống; coi đó là kế lâu dài để phát triển xã hội trong hiện tại và tương lai. Điều đó cho thấy những tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề này rất gần với quan niệm hiện đại về phát triển bền vững.

Tác giả Bùi Đình Phong (2007) với cuốn sách Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới [129] cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động trong thời đại nền kinh tế công nghiệp, nghĩa là chưa có nền tảng cho xu thế phát triển bền vững. Nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, những quan điểm của Người đã cho thấy một trí tuệ và tầm nhìn về phát triển bền vững theo 8 mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, đạt phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em, tăng cường sức khỏe bà mẹ, phòng chống sốt rét và các bệnh khác, bảo đảm bền vững về môi trường, thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển. Qua đó, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đã được tác giả nêu và đánh giá khá kỹ qua các kỳ Đại hội Đảng.

Tác giả Vũ Ngọc Lân (2012) trong bài viết “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về bảo vệ tài nguyên, môi trường” [88] khẳng định, một trong những vấn đề nổi cộm, quan trọng cần phải tiến hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, liên hệ một cách cụ thể, thiết thực với việc học tập

và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề môi trường, tài nguyên. Theo tác giả, nên tập trung vào một số khía cạnh cụ thể như: học tập tấm gương yêu thiên nhiên, đất nước, sống hòa hợp với thiên nhiên của Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục, nêu gương trong toàn Đảng, toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường, trồng cây gây rừng để đất nước phát triển bền vững; liên hệ với ý thức, tư tưởng sử dụng tiết kiệm, quản lý chặt chẽ tài nguyên thiên nhiên theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc, xử lý nghiêm minh để việc triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đạt được hiệu quả cao hơn, đặc biệt là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh nhân văn và phát triển của tác giả Nguyễn Đài Trang (2013) [142] có bài “Hồ Chí Minh và tết trồng cây”. Tác giả nêu lên quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các vấn đề môi trường, cụ thể là việc trồng cây. Khẳng định điều mà chúng ta học được từ phong trào tết trồng cây là tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh về việc sử dụng nhân lực hiện có để giải quyết các vấn đề thực tế đời sống, sản xuất nông nghiệp, chống thiên tai, qua đó nhằm tiến tới các mục tiêu phát triển về kinh tế, môi trường, văn hóa, cũng như mục tiêu chính trị trong việc trồng cây.

Tác giả Hà Huy Thông (2014) với bài “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường” [137] đã trình bày khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết dân tộc, khẳng định sức mạnh đoàn kết không chỉ chiến thắng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mà còn chiến thắng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, trong sự nghiệp phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Trong thời kỳ mới, đã đặt ra những nhiệm vụ mới, yêu cầu mới về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong nhiệm

vụ bảo vệ môi trường hiện nay là vô cùng hệ trọng và cấp thiết. Để vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, tác giả đưa ra một số giải pháp: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường; trồng rừng và bảo vệ rừng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại các cộng đồng dân cư.

Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về môi trường và bảo vệ môi trường để từ đó rút ra những bài học về bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, tác giả Vũ Thị Mạc Dung (2014) có bài “Quan điểm của Hồ Chí Minh về môi trường và sự vận dụng của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đai hóa” đăng trên Tạp chí Tuyên giáo [50]. Tác giả cho rằng, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững đã được cụ thể hóa trên một số nội dung: Để phát triển bền vững đất nước, cần phải có sự kết hợp cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người;

khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài; Từ đó tác giả đưa ra một số giải pháp để bảo vệ môi trường sinh thái trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Bài viết “Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường” của tác giả Nguyễn Thị Kim Dung (2014) [49] khẳng định giá trị to lớn của tác phẩm Di chúc do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Di chúc đã vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước, trong đó có vấn đề về xây dựng môi trường phát triển bền vững. Tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay theo nghị quyết

Đại hội lần thứ XI của Đảng như: đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư…

Nhấn mạnh tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường, tác giả Hoàng Diệu Thảo (2015) có bài “Tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường” [136]. Bằng những minh chứng cụ thể về lời nói và hành động của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường, đồng thời trước thực tế hành tinh của con người như đang kêu cứu vì bị tàn phá, quan điểm của Người càng có giá trị nhân văn, khoa học to lớn. Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh đối với vấn đề bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường trước thực trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng phức tạp.

Tác giả Nguyễn Tuyết Hạnh (2015) với bài viết Vấn đề phát triển bền vững trong tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo của Đảng đăng trong Kỷ yếu hội thảo Quốc gia [70]. Tác giả cho rằng, xuất phát từ vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, thuật ngữ phát triển bền vững ra đời, nhưng sau đó nội hàm của thuật ngữ này đã phát triển. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có một hệ giá trị cơ bản mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là độc lập, tự do, hạnh phúc. Hệ giá trị đó không chỉ là khát vọng sống, mục tiêu hướng tới mà còn là nội lực cho sự phát triển bền vững, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, từ năm 1960 đến nay, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng kế thừa, tiếp nối quan điểm phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh – phát triển bền vững theo hướng nhân văn đã được ban hành.

Bài viết “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển – nội dung và giá trị” [3]

của tác giả Phạm Ngọc Anh và Hoàng Diệu Thảo (2017) cho rằng, con đường phát triển của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phát triển dân tộc theo định hướng phát triển bền vững phải là sự phát triển đồng bộ trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường; phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Trong mối quan hệ giữa con người - tự nhiên - môi trường thì con người vẫn là chủ thể giữ vai trò quyết định. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế lấy con người làm trung tâm, phát triển kinh tế là cơ sở bảo đảm công bằng xã hội, tiến bộ về văn hóa. Nhưng phát triển kinh tế không đánh đổi bằng mọi giá, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh cần khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng khai thác cần có kế hoạch, gắn liền với sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bảo vệ tài nguyên môi trường. Bài viết khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển là rất to lớn.

Cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển do hai tác giả Phạm Ngọc Anh và Bùi Đình phong (Đồng chủ biên) (2018) [4], bằng những dẫn chứng cụ thể các tác giả đã phân tích mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và con người, bởi vậy, Hồ Chí Minh cho rằng con người phải hiểu biết tự nhiên, phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phải biết chăm sóc và giữ gìn môi trường sống, coi đó là kế lâu dài để phát triển xã hội trong hiện tại và tương lai. Qua đó, cuốn sách khẳng định những tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề này rất gần với quan niệm hiện đại về phát triển bền vững. Đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, khi phải đối mặt với những vấn đề môi trường, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc tầm vóc và ý nghĩa vượt trước thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường sống.

Một phần của tài liệu Bảo vệ môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)