Chương 4. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP VẬN DỤNG, PHÁT TRIỂN QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VÀO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
4.1. Những yếu tố tác động và định hướng bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam
4.2.1. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên cho nhân dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng
Theo Hồ Chí Minh, để nhân dân hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường tự nhiên, dẫn đến hành động đúng đắn và đem lại hiệu quả thiết thực thì biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho mỗi cá nhân có vai trò quan trọng. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt, triển khai sâu rộng các nội dung bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trong văn
kiện Đại hội XII, các quan điểm chỉ đạo, nội dung của các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Hồ Chí Minh cho rằng, tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm, vì vậy, phải trang bị cho người dân những kiến thức chung tối thiểu, cụ thể về bảo vệ môi trường tự nhiên để họ có thể ứng dụng những kiến thức đó trong sinh hoạt hàng ngày bằng những việc làm thiết thực nhất. Khi những kiến thức đó đã ăn sâu vào tiềm thức, nhận thức của mỗi người, hiểu được bảo vệ môi trường tự nhiên là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của chính mình thì sẽ tạo ra ý thức về bảo vệ môi trường tự nhiên của chính bản thân.
Phát triển quan điểm Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên trong thời kỳ mới, hiện nay, Nhà trường và gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, vì vậy cần đưa các nội dung giáo dục môi trường vào trường học. Phải xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng về giáo dục bảo vệ môi trường cho các cấp học và trình độ đào tạo là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân. Khuyến khích, thay đổi hành vi, xây dựng lối sống thân thiện đối với môi trường tự nhiên của người dân. Thực hiện các chương trình thúc đẩy người dân mua các sản phẩm có ít bao bì, tái sử dụng các túi đựng nhiều lần, sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy trong tự nhiên, nói không với túi nilon khó phân hủy. Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng sử dụng các đồ dùng, vật dụng một cách hiệu quả nhất.
Tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền đa dạng và phong phú, từng bước nâng cao nhận thức giáo dục về bảo vệ môi trường trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung. Cụ thể như: tổ chức các cuộc thi viết, thi vẽ, nhiếp ảnh và các tư liệu về môi trường và bảo vệ môi trường như cuộc thi “hành tinh xanh”, “cuộc sống xanh”, “hành động vì môi trường”, viết về bảo vệ môi trường dòng sông quê hương, tìm hiểu về
biến đổi khí hậu v.v.. Cần tổ chức tốt và sâu rộng hơn nữa tới các trường học, đặc biệt là các trường cao đẳng, đại học hưởng ứng các sự kiện môi trường như: hưởng ứng ngày trái đất, ngày đa dạng sinh học, ngày đất ngập mặn, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường với các hình thức tổ chức phong phú như mít tinh, treo băng rôn, pano, tổ chức làm sạch môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, khơi thông cống rãnh để tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia.
Các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường tự nhiên của Đoàn thanh niên cần đi vào chiều sâu, có những hành động cụ thể và thiết thực hơn nữa, phải luôn đổi mới về nội dung và hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm khí hậu, môi trường từng vùng, miền sẽ tạo sự lan tỏa lớn, tác động đến nhận thức và từng bước thay đổi hành vi của đoàn viên, thanh niên, từ đó tác động đến ý thức, thói quen, hành vi đối với vấn đề môi trường của cả cộng đồng. Nhiều hoạt động của đoàn thanh niên đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao như: chương trình truyền thông
“không sử dụng túi nilon”, “thanh niên ứng phó với bão lũ” v.v..
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ môi trường trước hết hướng tới các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trong sản xuất, các doanh nghiệp luôn tiêu thụ nguồn lực lớn nhiên liệu các yếu tố đầu vào. Nếu doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội thì họ sẽ tự nhận thức được các yếu tố đầu vào và sản phẩm sản xuất ra có sạch không, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên cả hai phương diện là sức khỏe và bảo vệ môi trường tự nhiên không để từ đó điều chỉnh quá trình sản xuất của mình theo hướng thân thiện với môi trường tự nhiên. Do vậy, cần tăng cường nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên cho các doanh nghiệp.
Trên thực tế trong nhiều trường hợp doanh nghiệp không cố tình thực hiện sai những quy định của pháp luật nhưng do thiếu hiểu biết mà có những hành vi vi phạm. Trong khi đó pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thực thi những quy định đó trên thực tế, bản thân doanh nghiệp phải hiểu hết được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, vấn đề “đạo đức trong kinh doanh”, những chế tài khắt khe nếu doanh nghiệp thực hiện sai. Thông qua hoạt động tuyên truyền, kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp tăng lên và sẽ có tác động làm thay đổi hành vi của doanh nghiệp theo hướng tích cực. Các cơ quan chức năng nên có các biện pháp để giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên trong quá trình sản xuất và kinh doanh cho các doanh nghiệp để từ đó biến ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của các doanh nghiệp từ chỗ tuân thủ theo pháp luật thành những đòi hỏi về đạo đức mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường xuyên tự giác, tự nguyện hành động.