Chương 2. QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên
2.2.2. Nội dung bảo vệ môi trường tự nhiên
2.2.2.1. Chăm sóc, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên
* Tài nguyên đất, nước, không khí
Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, tự nhiên là cơ sở và điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh, Người quý trọng từng tấc đất bởi vì tấc đất
cũng quý hóa như tấc vàng. Chăm sóc và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên đất, nước là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên. Theo Hồ Chí Minh, khi đất và nước bị suy thoái sẽ đe dọa đến sự sống còn và phát triển của con người. Đối với nước ta, kinh tế nông nghiệp lúa nước giữ vai trò chủ yếu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, trong khi khí hậu lại thất thường, bão lụt, hạn hán liên tiếp xảy ra, cho nên giải quyết vấn đề đất và nước có tầm quan trọng đặc biệt vì “có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh” [109; tr.283], chúng ta không nên bỏ hoang một tấc đất nào. Vì vậy, để cải thiện môi trường đất và nước, Hồ Chí Minh yêu cầu phải làm tốt công tác thủy lợi và coi đó là một trong những biện pháp quan trọng.
Để làm tốt công tác thủy lợi, theo Hồ Chí Minh: “Những nơi sẵn nước thì phải giữ lấy nước; nơi không sẵn nước phải ra sức làm nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Trên cơ sở thủy lợi hạng nhỏ là chính, cần giúp đỡ địa phương làm những công trình thủy lợi hạng vừa, tận dụng những công trình lớn sẵn có” [109; tr.13,14]. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phát triển thật nhiều công trình thủy lợi hạng nhỏ vì có thể làm được rộng khắp, hợp với sức dân, tốn ít mà có hiệu quả nhanh và nhiều. Ở những nơi thật cần thiết, nhà nước sẽ làm thêm một ít công trình hạng lớn. Trong công việc xây dựng thủy lợi cần phát động và dựa vào lực lượng quần chúng là chính. Hồ Chí Minh nhắc nhở nhân dân phải vừa học tập vận dụng kinh nghiệm làm thủy lợi của ông cha ta, vừa phải học tập kinh nghiệm làm thủy lợi của các nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, đồng thời phải chú ý theo dõi tình hình thời tiết hàng ngày, thời tiết các nước trong khu vực để chỉ đạo công tác này cho tốt. Người xác định:
“Làm thủy lợi là một công việc rất quan trọng, cán bộ thủy lợi trong mấy năm qua đã có cố gắng đạt nhiều thành tích. Nhưng cũng còn nhiều khuyết điểm, khuyết điểm lớn nhất là thiếu chí khí làm chủ nước nhà, thiếu tinh thần trách nhiệm” [109, tr.13].
Muốn làm tốt thủy lợi, theo Hồ Chí Minh: “nhất định phải dựa vào lực lượng to lớn của quần chúng nông dân, phải củng cố và phát triển tốt tổ đổi công và hợp tác xã. Cán bộ phải có kế hoạch chu đáo, phải ra sức tuyên truyền giải thích và khéo động viên nhân dân” [108; tr.576]. Đồng bào và cán bộ phải cố gắng phát động thành phong trào làm thủy lợi sôi nổi và là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau nên phải cùng làm, phải thảo luận, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác. Tóm lại, làm thuỷ lợi nhỏ thì nhân dân tự làm được, Chính phủ không phải tốn kém. Khi đạt kết quả tốt và đã có kinh nghiệm thì nhân dân có thể làm thuỷ lợi loại vừa và làm lớn nữa cũng được. Thủy lợi là việc quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp. Đội thủy lợi là quân chủ lực, có tác dụng quyết định đối với phong trào làm thủy lợi. Đó là đội quân chủ lực để thực hiện kế hoạch xây dựng thủy lợi vô cùng to lớn, các cấp ủy đảng và các hợp tác xã cần phải thành lập cho tốt và cho kịp thời. Muốn vậy, Hồ Chí Minh cho rằng: “lãnh đạo phải đi sát quần chúng, cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải xung phong gương mẫu, Đảng, đoàn đi trước, thì quần chúng nhất định tiến bước cùng đi” [111; tr.267].
Hồ Chí Minh xem lũ lụt, hạn hán cũng là những thứ giặc ghê gớm song song với giặc ngoại xâm. Đối với “giặc lũ lụt”, đây là loại giặc nguy hiểm, nó không chỉ tàn phá môi trường tự nhiên, mà còn đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhân dân, gây nên những thảm họa khủng khiếp. Thấy rõ sự phụ thuộc của việc sản xuất nông nghiệp vào điều kiện tự nhiên, Hồ Chí Minh khuyên: “mọi người không nên nằm chờ vào sự may rủi của thiên nhiên mà muốn sản xuất đạt kết quả thì con người cần phải chủ động làm nhiệm vụ
“chống trời”, chống lại sự khắc nghiệt và tàn phá của thiên nhiên” [110;
tr.272]. Từ đó, Người luôn căn dặn mọi người: “Phải đấu tranh chống lại những
tai nạn của thiên nhiên” [107, tr. 318]; “Làm ruộng thì phải ra sức bón phân, chăm lo này khác, đồng thời phải chống với thiên nhiên, chống lụt, chống bão,…” [107, tr.610]. Phải luôn chủ động trong công tác phòng chống lũ lụt.
Người cho rằng, chúng ta phải ra sức chống giặc lụt cũng như giặc ngoại xâm vì: “Mỗi năm, mùa mưa đến, thì giặc lụt lại uy hiếp. Giặc lụt là tiên phong của giặc đói. Nó là đồng minh của giặc ngoại xâm. Nó mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta” [106, tr.166].
Theo Người, vấn đề quan trọng trước hết của công tác phòng chống bão lụt là làm tốt công tác phòng hộ đê, chủ động chăm lo xây dựng hệ thống đê vững chắc. Đắp đê giữ đê là để chống giặc lụt và giặc đói, cho nên cũng như một chiến dịch. Vì nếu lụt thì lút cả làng, cho nên cần phải động viên tất cả đồng bào ở vùng có đê, hăng hái tham gia chiến dịch đắp đê giữ đê. Công tác đắp đê phòng lụt là công tác cần thiết và cần phải làm ngay: “việc trước mắt mà chúng ta phải lo, phải làm, nếu không kịp lo, không kịp làm sớm thì có hại.
Đó là việc đắp đê và chuẩn bị giữ đê…” [107, tr.575].
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng việc phòng lụt không phải là việc làm trong ngày một, ngày hai là xong, mà phòng lụt, chống lụt như một chiến dịch lớn, thực hiện trên một mặt trận dài và trong một thời gian khá lâu. Toàn thể đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm, vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ đắp đê, giữ đê, phòng lụt và chống lụt. Người luôn dặn phải sẵn sàng phòng chống bão lụt, các ủy ban phòng và chống bão lụt ở trung ương, tỉnh, huyện và xã phải có kế hoạch chu đáo, phân công rõ ràng, kiểm tra kỹ lưỡng. Nhân dân các địa phương phải tập dượt cho thành thạo việc chống lụt, phải canh gác cẩn thận đê điều. Các hợp tác xã và các nông hộ cần phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cần thiết, nhất là thuyền bè.
Tuyệt đối không nên chờ nước đến chân mới nhảy. Chính vì thấy được điều đó nên Người luôn giành thời gian theo sát công tác đắp đê phòng lụt và thường xuyên nhắc nhở mọi người tích cực trong công tác đắp đê phòng lụt.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai thường đi liền với địch họa, sự
“phá hoại kép” này luôn gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh chỉ thị: “Các ngành và các địa phương cần coi trọng hơn nữa việc phòng và chống lụt, bão, chống địch đánh phá đê kè” [112; tr.
470]. Thực hiện lời dạy của Người, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, lao động quên mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đê, kè trong các mùa mưa bão.
Cùng với lũ lụt, Hồ Chí Minh xác định: “hạn hán là loại giặc nguy hiểm ảnh hưởng đến đất và nước. Vì vậy, chống lụt, phòng hạn cho kịp thời, nếu không thì mất mùa, nhân dân bị đói rét. Để chống hạn, thì ta ra sức đào kênh, xẻ mương, lấy nước vào ruộng, phải làm thuỷ nông cho tốt để chống hạn, chống úng, chống mặn” [107; tr.165]. Bên cạnh đó, chống hạn là phải tùy từng địa phương mà làm các việc đào mương, đào giếng, tát nước, giữ nước. Mỗi xã phải có kế hoạch nhỏ của xã mình, huyện, tỉnh phải có kế hoạch chung để điều hòa, phối hợp cùng nhau chống hạn. Muốn chống hạn có kết quả, phải học kinh nghiệm của các nước anh em, nhất là Trung Quốc.
Người nêu dẫn chứng, từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, Trung Quốc dự định phát triển thủy nông cho 6 triệu mẫu tây mà mới đến tháng 3- 1958 họ đã làm được 18 triệu mẫu tây. Về kỹ thuật, chú trọng tiểu thủy nông trước, tiến dần đến trung thủy nông và đại thủy nông. Mọi người góp sức, góp của, góp kinh nghiệm, quyết thực hiện cho kỳ được “chứa nước mưa, trữ nước sông, moi nước dưới đất lên” và “trồng cây trên núi, vỡ ruộng bậc thang, cải biến chất đất”.
Hồ Chí Minh nhắc nhở một số nơi chưa chủ động trong công tác phòng hạn: “có một số cán bộ và đồng bào còn tính ỷ lại, chờ trời mưa, chờ máy bơm, chờ nước tự chảy vào ruộng, không kịp thời khơi nguồn nước, những nơi có nước cũng không ra sức tát. Như thế là không đúng” [111; tr.22]. Hạn,
lụt là kẻ địch của nông dân ta. Để chống hạn, thì ta ra sức đào kênh, xẻ mương, lấy nước vào ruộng. Để chống lụt, thì ta ra sức đắp đê, giữ đê. Hồ Chí Minh luôn động viên nhân dân tin vào sức mạnh của con người có thể khắc phục thiên tai, nhân định thắng thiên, lo lắng đến mọi sự thay đổi của thời tiết có thể ảnh hưởng tới cuộc sống người dân lao động và nhắc nhở mọi người phải sẵn sàng để ứng phó với thời tiết.
Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân luôn được Hồ Chí Minh quan tâm. Người tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc, thực dân gây ô nhiễm môi trường sống của nhân dân các nước thuộc địa: “Tất cả nhà cửa đều bị đốt cháy ra tro. Tất cả súc vật, gà, vịt đều bị giết sạch. Vườn tược bị cướp phá, cây cối đều bị chặt trụi. Đồng ruộng và thóc lúa cũng đều bị đốt cháy… khói đen của các đám cháy che kín cả một bầu trời” [104; tr. 303-304]. Không những thế chúng còn có những hành động tàn phá, hủy diệt môi trường khi sử dụng thuốc độc, chất hóa học, các loại bom trong các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa. Chỉ trong một năm 1963, máy bay quân sự Mỹ đã bay 30 vạn lượt, 226.000 tiếng đồng hồ, xối 10 triệu bom đạn xuống thôn xóm và nhân dân miền Nam.
Trong Thư trả lời giáo sư Mỹ Lai Bớt Bô Linh, (17/11/1965), Người viết: “Hiện nay, bọn xâm lược Mỹ đang dồn phương tiện chiến tranh cực kỳ dã man để giết hại đồng bào miền Nam tôi như bom napan, bom lân tinh, chất độc hóa học, hơi độc. Chúng cho hạm đội thứ 7 và máy bay chiến lược B52 ném bom, bắn phá, triệt hạ xóm làng” [111; tr.661]. Tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai là sự hủy hoại tàn khốc đối với môi trường tự nhiên: “Năm 1966, không quân Mỹ ném xuống nhiều địa phương tỉnh Tây Ninh 15 tấn bột rất mịn có màu ngà voi. Nhiều người bị chết hoặc bị nhiễm độc. Gia súc và gia cầm chết rất nhiều” [112; tr.239]. Chỉ một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta.
Không chỉ tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh còn lên tiếng ủng hộ việc đấu tranh loại bỏ việc sử dụng bom nguyên tử và vũ khí hạt nhân.
Trong Điện gửi Hội nghị thế giới lần thứ 13 chống bom nguyên tử và bom khinh khí, Người viết: “Nhân dân Việt Nam hoàn toàn đồng tình và nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nhật Bản anh em đòi triệt để chống bom nguyên tử và bom khinh khí” [112, tr.360]. Thư gửi Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình, Hồ Chí Minh yêu cầu đấu tranh đòi cho được giảm quân bị, ngừng thử và cấm dùng các thứ vũ khí nguyên tử và khinh khí. Người kêu gọi nhân loại phải kiên quyết đòi triệt để cấm vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học hủy diệt môi trường, ô nhiễm không khí, gây thảm họa cho nhân dân thế giới.
* Tài nguyên khoáng sản
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, tài nguyên khoáng sản có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, phát triển đất nước. Trong buổi nói chuyện với các đại biểu công nhân và cán bộ ngành than, Người nói: “Người ta thường gọi than là “vàng đen”. Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống của nhân dân. Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội càng cần rất nhiều than” [112; tr.516]. Mục đích xây dựng đất nước là sản xuất thật nhiều than để phục vụ sản xuất nhưng phải tổ chức và quản lý thật tốt, không để khai thác tự phát vừa không kiểm soát được, vừa ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Vì vậy, những người làm trong ngành than phải luôn luôn cố gắng hơn nữa để mức sản xuất than tăng nhanh và vững chắc.
Hồ Chí Minh luôn khuyến khích mỗi người lao động phải thi đua tăng năng suất, cải tiến kỹ thuật, đặc biệt ở miền núi. Người nói: “Ở các mỏ apatít Lào Cai, mỏ thiếc Cao Bằng, khu gang thép Thái Nguyên, công nhân là người dân tộc rất đông. Hồi trước, mấy cô bé dân tộc còn hay xấu hổ. Bây giờ đã lái được xe, lái được máy xúc, không kém gì công nhân nam giới”[111; tr.164].
Đồng thời, phải tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, trong đó tiết kiệm của cải, tài nguyên. Trong Bài nói với cán bộ và công nhân công trường Đèo Nai, Cẩm Phả, Người yêu cầu: “Phải đào than nhiều, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm nguyên liệu vật liệu” [109; tr.145]. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay nhà máy điện Uông Bí và mỏ Vàng Danh đều là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp. Các cán bộ, công nhân hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ đồng thời phải tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Hồ Chí Minh biểu dương những nhà máy, công trường đã sản xuất vượt kế hoạch, đồng thời tiết kiệm được nguyên vật liệu, như: “Công ty than Hòn Gai đã sản xuất vượt kế hoạch 20 vạn tấn, tổ sửa chữa của mỏ thiếc Cao Bằng, trước kia một tuần chỉ sửa chữa được 15 xe goòng, nay sửa chữa được 35 xe, nhà máy Trần Hưng Đạo tiết kiệm được 3 vạn đồng về tiền phạt do lãng phí điện, bộ phận cấp phát thu nhặt được 135 tấn gang thép” [111; tr.440].
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng phê phán những một số xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu chưa hợp lý. Từ đó, làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên. Người nói:
“Nếu ai cũng tùy tiện dùng xi măng, sắt, thép, gỗ, than, dầu, v.v., "quá mức một chút", thì chúng ta sẽ lâm vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, vật liệu, và công cuộc xây dựng kinh tế của chúng ta sẽ gặp thêm biết bao nhiêu khó khăn” [109; tr.429].
Người cũng chứng kiến tận mắt sự tàn phá của chiến tranh mà chủ nghĩa thực dân gây ra đối với đất nước Việt Nam, khi chúng tiến hành khai thác tài nguyên cạn kiệt, bừa bãi, không có quy hoạch. Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết tố cáo thực dân Pháp đã ra sức vơ vét, cướp bóc những nguồn tài nguyên khoáng sản quý ở Đông Dương như: than, sắt, vàng xuất khẩu để kiếm lời mà không có ý thức gây dựng lại: “Họ chỉ vơ vét những cái gì dễ vơ vét, như một kẻ vội khoắng sạch những cái gì tiện tay để chuồn đi cho nhanh”[98, tr.380].
* Tài nguyên rừng
Hồ Chí Minh đã sớm thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với sự sống của vạn vật và con người. Người thường nói: “Rừng vàng”, “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” [111, tr.165]. Rừng là một yếu tố quan trọng trong tổng thể tự nhiên, một bộ phận cơ bản của môi trường sống, chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố khác như địa hình, khí hậu, thủy văn, đất đai. Rừng giữ vai trò điều hòa khí hậu, giữ đất, giữ nước, giúp cho việc bảo vệ và cân bằng môi trường tự nhiên, đảm bảo sự sống trên trái đất. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của rừng và công tác trồng cây gây rừng đồng thời, gắn với phát triển kinh tế. Trong Bài nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu (Sơn La), Người nói: “Chừng 150 cây gỗ hay 200 cây gỗ chúng ta đưa ra nước ngoài bán, đổi được máy cày, cày được cả vùng này. Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả” [109; tr.209].
Người nhận thấy rằng việc khai thác bừa bãi, khai thác mang tính bóc lột, tước đoạt tài nguyên rừng thì sẽ để lại hậu quả to lớn. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Phá rừng nhiều sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, môi trường tự nhiên và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi nên tham gia phát triển kinh tế, phải gắn với bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của chính mình, phải bảo vệ “vàng”
của chúng ta.
Hồ Chí Minh cho rằng, phá rừng thì dễ nhưng gây lại rừng thì phải mất hàng chục năm. Người luôn kêu gọi nhân dân không nên khai thác bừa bãi, phải ra sức trồng cây gây rừng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người” [108; tr.528]. Sự nghiệp trồng cây được xem