Chương 2. QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên
2.2.3. Các biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên
2.2.3.1. Tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên
Tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Nó góp phần nâng cao
nhận thức của người dân, khơi dậy tính sáng tạo của quần chúng, động viên quần chúng tham gia vào các phong trào cách mạng. Công tác tuyên truyền góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh.
Ngay từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức được rất rõ tầm quan trọng của tài nguyên, môi trường đối với sự sống của con người, nên nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên là kế lâu dài để duy trì sự tồn tại và phát triển của chính bản thân con người trong hiện tại và tương lai.
Mỗi người phải nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về vai trò của môi trường tự nhiên đối với sự sống của chính mình, phải khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý, do vậy, cần phải thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống.
Hồ Chí Minh cho rằng: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, làm cho đồng bào hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ môi trường tự nhiên” [110; tr.82]. Để làm cho mọi người dân hiểu hết được tác hại của việc xâm hại đến môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống thì biện pháp quan trọng đó là tăng cường giáo dục, thuyết phục, làm cho già, trẻ, gái trai ai cũng hiểu và tích cực tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên một cách hiệu quả. Phải coi công tác bảo vệ môi trường tự nhiên là việc của toàn dân, huy động sức dân, chỉ có lòng tin và sức mạnh của nhân dân thì sự nghiệp đó mới thành công.Trong Thư gửi đồng bào Trung du và Hạ du chống lụt, Người viết:
“Toàn thể đồng bào phải hăng hái giúp Chính phủ trong công việc hộ đê cũng như đang giúp Chính phủ trong công việc kháng chiến. Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc thiết thân của mình” [102, tr188].
Để thay đổi nếp sống, cách sinh hoạt của người dân đã tồn tại lâu đời trong xã hội phong kiến thực dân là một quá trình lâu dài và khó khăn. Hồ Chí Minh hết sức kiên trì trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân, bởi lẽ việc thay đổi thói quen sinh hoạt lâu đời của người dân là việc rất khó, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, phải liên tục phân tích, vận động, thuyết phục để người dân hiểu mà làm theo, dần hình thành nếp sống mới. Cần chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ để lớp trẻ có nhận thức đúng đắn, có thái độ và hành vi đối xử phù hợp với môi trường tự nhiên, để môi trường phát triển bền vững. Để thực hiện tốt điều này, cách thức tuyên truyền, giáo dục luôn được Người nhắc nhở phải khéo vận động nhân dân. Đặc biệt là:
“Các cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tự nhiên, vì chỉ trên cơ sở hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về thiên nhiên, con người mới có thể chinh phục và bảo vệ được nó” [107; tr.596].
Đồng thời, sử dụng phương pháp giáo dục thuyết phục kết hợp với kỷ luật cũng được Hồ Chí Minh đưa ra và xem đó là biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường tự nhiên. Người rất coi trọng việc làm gương để người dân làm theo. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh là một tấm gương điển hình của một con người có nếp sống giản dị, gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh.
Ngày nay, trong xu thế phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít những thách thức. Tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, đi kèm với nó là ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Con người đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật.
2.2.3.2. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và các tổ chức chức đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trách nhiệm của Đảng, Nhà nước chính là: “Phải cải tiến kỹ thuật, không thể cứ làm theo lối cũ để ngồi chờ 5
năm, 10 năm được, phải coi trọng hội nhập quốc tế, học tập công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường” [109; tr.209] mà ngay từ những năm 60, Người đã nhấn mạnh phải học tập các nước anh em như Liên Xô, Trung Quốc, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành về bảo vệ môi trường tự nhiên. Người đã khái quát nhiệm vụ bảo vệ môi trường tự nhiên của mỗi ngành như: Đối với sản xuất nông nghiệp, phải làm tốt công tác thủy lợi và coi đó là biện pháp quan trọng hàng đầu; đối với lâm nghiệp phải quan tâm đến việc trồng cây gây rừng; đối với các ngành đòi hỏi sự phát triển của khoa học – kỹ thuật v.v.. Tuy nhiên, những công việc ấy không thể tiến hành một cách tùy tiện, mà phải có kế hoạch, có sự kiểm tra và giám sát chặt chẽ. Có như vậy sự nghiệp bảo vệ môi trường tự nhiên mới có thể thành công.
Đảng là lực lượng lãnh đạo phải có đường lối bảo vệ môi trường tự nhiên đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương trong cả nước và trên thế giới. Hồ Chí Minh cho rằng, công tác chỉ đạo phải thật thiết thực, cán bộ, nhân dân, tổ chức đảng phải phối hợp thật chặt chẽ. Toàn thể đảng viên phải gương mẫu để nhân dân học tập và làm theo. Tuyệt đối chống cách khoán trắng, chống quan liêu, mệnh lệnh. Để phong trào trồng cây gây rừng đem lại hiệu quả cao, Người yêu cầu ủy ban hành chính và chi bộ đảng phải đặt kế hoạch chung cho mỗi xã, mỗi xóm, phải đôn đốc và kiểm tra đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy. Làm như vậy thì trong bốn hoặc năm năm nữa sẽ có đủ tre gỗ để làm nhà và nông thôn sẽ trở nên xinh xắn và vui tươi, xứng đáng là nông thôn xã hội chủ nghĩa. Khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng trong bảo vệ môi trường tự nhiên nói chung, đẩy mạnh phong trào tết trồng cây nói riêng, Hồ Chí Minh nói:
Nơi nào mà các cấp đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm, v.v..), có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo
dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và thanh niên, nhi đồng, thì nơi đó phong trào tết trồng cây phát triển tốt. Kinh nghiệm đã chứng tỏ điều đó [111; tr. 446].
Nhà nước quản lý công tác bảo vệ môi trường tự nhiên thông qua đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước phải có chính sách đúng, kế hoạch phù hợp và đem lại hiệu quả cao. Các cán bộ làm công tác quản lý, giám sát, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường phải nâng cao trách nhiệm, quản lý gắn liền với hiểu biết, theo sát các hoạt động trong lĩnh vực mình quản lý từ đầu cho đến cuối, có kế hoạch cụ thể, dám làm, dám chịu trách nhiệm và gương mẫu trong công việc.
Cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân. Nhân dân và cán bộ phải kết hợp công việc phòng lụt, phòng bão, chống lụt, chống bão, đẩy mạnh sản xuất. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu, đồng thời đặt ra yêu cầu vì lợi ích thiết thân của đồng bào, các cấp ủy đảng và các ủy ban hành chính từ tỉnh, huyện đến xã cần phải gấp rút động viên nhân dân kịp thời hoàn thành kế hoạch đê điều, và làm tốt công việc giữ đê và phòng lụt, chống lụt. Và khi không hoàn thành nhiệm vụ phải thẳng thắn phê bình: “Việc giữ đê làm chưa được cẩn thận. Các ban chỉ huy chống lụt chưa hoạt động đều đặn. Việc kiểm tra đôn đốc làm chưa tốt. Tình hình các tỉnh Sơn Tây, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình cũng như vậy” [110; tr.411, 412].
Mặt trận và các đoàn thể quần chúng là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tự nhiên phải phát huy dân chủ cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân thấy được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường tự nhiên. Trong công tác chống hạn, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các hợp tác xã và tổ đổi công phải hăng hái làm chủ lực, thanh niên phải là những đột kích xung phong” [109; tr.352]. Hợp tác xã
nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai. Trong phòng, chống bão lụt, các chi bộ đảng và chi đoàn thanh niên có nhiệm vụ là phải làm tốt việc đôn đốc và giúp đỡ nhân dân. Các ủy ban phòng và chống bão lụt ở trung ương, các tỉnh, huyện và xã phải có kế hoạch chu đáo, phân công rõ ràng, đồng thời kiểm tra thật kỹ lưỡng. Hồ Chí Minh cũng rất vui mừng: “Có nhiều cụ ông, cụ bà ngoài 70, 80 tuổi vẫn hăng hái học tập và lao động, lập ra những đội “bạch đầu quân” trồng cây gây rừng, đôn đốc phong trào bình dân học vụ và vận động vệ sinh phòng bệnh” [111; tr.276].
Như vậy, Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong bảo vệ môi trường tự nhiên. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi sự quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở nước ta hiện nay còn chưa tốt, hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao.
2.2.3.3. Tổ chức các phong trào thi đua bảo vệ môi trường tự nhiên
Để khuyến khích nhân dân có ý thức hơn nữa và có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường tự nhiên, Hồ Chí Minh chủ trương phát động các phong trào thi đua bởi Người cho rằng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” [104;
tr.407]. Các phong trào bảo vệ môi trường tự nhiên không chỉ dừng lại ở hình thức mà phải chú trọng thực hiện có hiệu quả, có chất lượng thông qua các phong trào thi đua, mọi người dân, từ già đến trẻ, gái đến trai, mọi cấp, mọi ngành đều hiểu và tích cực tham gia. Bởi vì, đó là công việc không phải của riêng một cá nhân, một tổ chức nào mà là công việc, nhiệm vụ của toàn xã hội và toàn nhân loại.
Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể
hăng hái tham gia. Họ là lực lượng tham gia góp phần khá vào công việc này:
“Kinh nghiệm cho thấy rằng: Mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực”[112; tr.551]. Trừ trẻ em thơ ấu, còn lại đều có thể huy động sức mạnh của toàn dân, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của chính quyền địa phương, cán bộ, ban ngành, đặc biệt là các đoàn thể quần chúng tham gia. Việc cả nước tham gia trồng cây thể hiện sự nhất trí, đồng lòng của nhân dân cả nước từ trên xuống dưới, từ già trẻ, gái trai tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước. Đó là ý nghĩa chính trị to lớn của việc trồng cây gây rừng.
Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào lực lượng thanh niên, xem đó là lực lượng làm chủ của phong trào. Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên sáng ngày 5/2/1961 tại vườn hoa Thanh niên, Công viên Thống Nhất, Hồ Chí Minh nói: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. 5 năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây” [110; tr.541], và kết quả của quá trình trồng cây có kế hoạch, trồng cây nào tốt cây ấy sẽ đem lại hiệu quả cao: “Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên con đường nối liền Hà Nội – Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi”[110; tr.541].
Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, thực hiện "Tết trồng cây" (cùng với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước) một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc, thì độ trong 5, 7 năm sau, khi kinh tế và văn hóa miền Bắc nước ta đã tiến đến chủ nghĩa xã hội, đồng thời phong cảnh của ta cũng thật sự là non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng. Không chỉ hô hào thanh niên đóng góp, mà Người còn chỉ rõ lợi ích mà họ được hưởng khi làm tốt công tác trồng cây gây rừng. Việc trồng cây là công việc của mỗi người chứ không chỉ của Chính phủ hay một tổ chức quần chúng nào đó.
Bên cạnh việc phát động phong trào, Hồ Chí Minh luôn luôn theo dõi sát sao, khuyến khích tinh thần thi đua trong công tác trồng cây gây rừng ở mỗi địa phương trên cả nước nhằm đưa phong trào thực hiện hiệu quả trên thực tế: “Các địa phương cần học tập và thi đua với những nơi có phong trào trồng cây khá. Chúng ta phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa” [112;
tr. 550]. Đi đến đâu Người cũng nhắc nhở mọi người trong công tác trồng cây bảo vệ rừng, phải xem trồng cây cũng là một nghề và cần đẩy mạnh nghề rừng hơn nữa.
Để phòng chống lũ lụt, hạn hán, bảo vệ môi trường tự nhiên, Hồ Chí Minh kêu gọi mọi lực lượng, mọi lứa tuổi đồng lòng, đồng sức tham gia chống hạn, bảo vệ sản xuất, ai cũng thi đua tham gia chống hạn nhưng lực lượng chính phải do tất cả đảng viên, đoàn viên, dân quân và thanh niên xung phong là lực lượng chủ chốt, là đầu tàu để lôi cuốn toàn thể nông dân làm theo. Khi mọi lực lượng, mọi lứa tuổi đều phải tham gia chống hạn, mỗi người phải ra sức chống hạn, ai ai cũng thi đua tham gia chống hạn từ các cụ già có kinh nghiệm, thanh niên có sức mạnh làm đầu tàu đến các cháu thiếu nhi ra động viên, nấu nước cho đồng bào uống. Mỗi người một tay, già trẻ góp sức thì nhất định chống hạn sẽ thắng lợi. Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, với ý chí, quyết tâm, với sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định nhiệm vụ chống hạn sẽ thắng lợi: “Hiện nay, chúng ta đang kháng chiến chống hạn, chống thiên tai. Chúng ta phải kiên quyết phấn đấu, chúng ta nhất định sẽ thắng” [109; tr.587].
Theo Hồ Chí Minh: “Cán bộ các ngành, các cấp phải thi đua làm tròn nhiệm vụ chống hạn, chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kế hoạch chống hạn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất với tinh thần trách nhiệm và tinh thần đấu tranh khắc phục mọi khó khăn” [108; tr.222]. Cán bộ phải lãnh đạo một cách thiết thực, chu đáo, liên tục, toàn diện. Để lãnh đạo tốt, cán bộ phải tham gia vào một tổ
đổi công hoặc một hợp tác xã nông nghiệp, phải lao động thật sự để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Cán bộ từ tỉnh đến xã phải đi xem xét tận ruộng đồng, phải cùng quần chúng bàn bạc, đặt kế hoạch cho sát và theo dõi đôn đốc nhân dân trong sản xuất. Cần tổ chức tham quan những xã điển hình tốt, để học hỏi lẫn nhau, các nơi ra sức thi đua chống hạn.
Người đã khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” và được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Đối với phong trào vệ sinh yêu nước, Hồ Chí Minh cho rằng: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết” [108; tr.487]. Đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột nhân dân, chúng ta đã làm cách mạng và kháng chiến để đánh đổ chúng. Người cho rằng: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột, nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế” [108; tr.487]. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, phải làm thường xuyên và liên tục.
2.2.3.4. Nêu gương người tốt, việc tốt và góp ý phê bình những tổ chức, cá nhân vi phạm trong bảo vệ môi trường tự nhiên
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tự nhiên đối với cuộc sống con người, đồng thời Người cũng đưa ra những quan điểm bảo vệ môi trường tự nhiên, chỉ ra những biện pháp nhằm bảo vệ và phát triển môi trường bền vững.
Để làm cho mọi người dân hiểu hết được tác hại của việc xâm hại đến môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống thì một trong những biện pháp quan trọng đó là thường xuyên biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, đồng