Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên

Một phần của tài liệu Bảo vệ môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 144 - 148)

Chương 4. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP VẬN DỤNG, PHÁT TRIỂN QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VÀO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

4.1. Những yếu tố tác động và định hướng bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam

4.2.6. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên

Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm quan trọng của pháp luật trong quản lý xã hội của Nhà nước. Vì vậy, để khuyến khích bảo vệ môi trường tự nhiên, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tăng trưởng phải xây dựng được hệ thống pháp luật, chính sách và chiến lược đồng bộ. Để công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên đạt được hiệu quả cao hơn, tác giả mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cần được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2014; xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển dịch vụ môi trường; điều chỉnh, bổ sung các văn bản, quy định về thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đặc thù, các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành còn thiếu; đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ kinh tế (thuế, phí, các hình thức đặt cọc, ký quỹ môi trường) và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn thu này;

nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các Quỹ bảo vệ môi trường trung ương và địa phương. Nghiên cứu đánh giá toàn diện tác động của Luật đa dạng sinh học 2008 nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đa dạng sinh học theo hướng thống nhất đầu mối cơ quan quản lý và bổ sung một số nội dung về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, phát triển các công cụ kinh tế trong công tác bảo tồn, phát triển quản lý hành lang đa dạng sinh học, điều tra, quan trắc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương phải được kiện toàn, trọng tâm là các địa phương, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc

Trung ương tập trung xử lý triệt để, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý môi trường, đặc biệt là cán bộ ở cấp huyện, xã.

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các khu đô thị, khu dân cư đông người, hoàn thành việc phê duyệt và rà soát phê duyệt lại theo thẩm quyền quy hoạch quản lý chất thải rắn. Tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực gần hoặc nằm trong khu vực dân cư, đô thị.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản cần được tổ chức thường xuyên; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu, máy móc, phương tiện, thiết bị đã qua sử dụng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý xuất nhập khẩu và lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; chấm dứt tình trạng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc vận chuyển chất thải qua biên giới không đúng quy định.

Kiểm tra, rà soát các cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường trên phạm vi cả nước, tiến hành phân loại theo mức độ gây ô nhiễm, tác động xấu và thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát phù hợp. Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000; các quy

định về hướng dẫn sử dụng hạn ngạch phát thải và hình thành thị trường chuyển nhượng hạn ngạch phát thải; quy định về kiểm toán chất thải và đánh giá vòng đời sản phẩm. Thực hiện nghiêm Quyết định số 1788/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nghiên cứu, đưa công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường vào làng nghề; phát triển các mô hình sản xuất sử dụng khí sinh học từ chất thải chăn nuôi.

Vai trò quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên cần được phát huy hiệu quả, thể hiện qua việc kịp thời hiện thực hóa những chủ trương của Đảng thành chiến lược, chính sách, pháp luật để quản lý xã hội và xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực để hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân hơn nữa thông qua việc nắm bắt kịp thời nhu cầu, lợi ích chính đáng của họ, phát hiện những sáng tạo, kinh nghiệm và giải pháp hay, đem lại hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường tự nhiên.

Nhà nước cần phải phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ đối với từng bộ phận quản lý. Như vậy sẽ tránh được sự chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, các cấp với nhau, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của từng bộ phận, từng cơ quan để đảm bảo cho cả bộ máy hoạt động đạt được hiệu quả cao. Để duy trì sự hoạt động có hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý chuyên trách làm công tác quản lý, thực hiện có hiệu quả trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường tự nhiên. Trong bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan và cán bộ quản lý chuyên trách có trách nhiệm và quyền hạn được luật hóa, đồng thời phải bị ràng buộc trách nhiệm nếu không hoàn thành chức

trách và nhiệm vụ được giao và phải lấy kết quả bảo vệ môi trường tự nhiên làm thước đo.

Một phần của tài liệu Bảo vệ môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 144 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)