Chương 3. VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VÀO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN Ở VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
3.1. Thực trạng vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh vào bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam
3.1.2. Thực trạng thành tựu, hạn chế và nguyên nhân vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh vào bảo vệ môi trường tự nhiên ở Việt Nam
3.1.2.1. Thành tựu đạt được và nguyên nhân
Thứ nhất, nhận thức, ý thức trách nhiệm của đại đa số các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về bảo vệ môi trường tự nhiên đã được nâng lên
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên, từ rất sớm, khi môi trường chưa bị xâm hại nghiêm trọng như bây
giờ. Điều đó phản ánh tầm nhìn xa trông rộng của Người. Dưới ánh sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách và hành động của Hồ Chí Minh, đã có nhiều phong trào thực tiễn bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng với những chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cộng đồng và các doanh nghiệp.
Người dân đã quan tâm nhiều hơn tới bảo vệ môi trường, đến những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, hoạt động sinh hoạt sản xuất và ngày càng có ý thức hơn đối với công tác bảo vệ môi trường. Đối với các doanh nghiệp, từ chỗ không quan tâm đến cải thiện môi trường, đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường doanh nghiệp chỉ mang tính chất đối phó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã từng bước được cải thiện. Trong định hướng phát triển chung, không ít các doanh nghiệp đã hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp tư nhân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động cung ứng các dịch vụ môi trường, như dịch vụ cấp thoát nước, xử lý nước thải, khí thải, thu gom chất rắn, chất thải nguy hại, hoạt động tư vấn, thiết kế. Việc phát huy những chuyển biến tích cực, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường là một cơ hội để công tác quản lý môi trường nước ta ngày càng hiệu quả hơn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức và ý thức của người dân về môi trường tự nhiên và bảo vệ môi trường tự nhiên được phổ biến sâu rộng, đa dạng hóa về hình thức góp phần quan trọng vào việc thay đổi hành vi bảo vệ môi trường tự nhiên của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ở các địa bàn dân cư. Trong những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhân dân trong cả nước, đặc biệt là đông đảo thanh niên đã ngày càng tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện chương trình Giờ Trái đất bằng các hành động cụ thể là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết.
Người dân ngày càng tham gia nhiều hơn vào giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn dân cư. Nhờ đó, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường đã được nhân dân kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hàng năm, các phong trào bảo vệ môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ 3 tháng 9), Ngày trái đất (22/4), Ngày đa dạng sinh học thế giới (22/5), Giải thưởng Môi trường Việt Nam, v.v.. ngày càng được triển khai sâu rộng, thu hút được nhiều tổ chức và cá nhân tham gia hưởng ứng với các hoạt động tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hình thức phong phú, hấp dẫn. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho nhân dân, qua đó sẽ có những hành động cụ thể góp phần bảo vệ môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp.
Việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên trong các trường học tiếp tục được chú trọng thông qua triển khai Đề án “Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân”. Việt Nam đã xây dựng được các chương trình, giáo trình, tài liệu tích hợp với các nội dung bảo vệ môi trường, xây dựng các băng hình, truyện tranh, pano, áp phích về giáo dục bảo vệ môi trường phục vụ công tác giảng dạy, học tập trong các trường học trên phạm vi toàn quốc.
Ở các khu dân cư, đã xây dựng mô hình tổ tự quản môi trường, điểm bảo vệ môi trường, góp phần làm thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực; hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong sinh hoạt, thói quen sử dụng nguồn nước sạch, xây các bể chứa nước, nhà tắm, công trình vệ sinh của hộ gia đình hợp lý; nước thải, rác thải được thu gom và xử lý đúng quy trình, quy định; đóng đầy đủ các loại phí bảo vệ môi trường. Các chiến
dịch truyền thông đại chúng thường xuyên được tổ chức với nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phong phú thông qua các phương tiện truyền thông và hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Tuyên truyền và phát động các phong trào bảo vệ môi trường nhân các ngày đặc biệt hằng năm như:
Ngày Nước Thế giới (22/3), ngày Môi trường Thế giới (5/6), ngày Đất ngập nước (22/2), ngày Đa dạng sinh học (22/5), Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có những hoạt động tích cực hưởng ứng phát động các phong trào bảo vệ môi trường như: tổ chức mít tinh, treo băng rôn, pano, áp phích, phát tờ rơi tuyên truyền, cổ động, tổ chức làm sạch môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, khơi thông cống rãnh, dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia với những phong trào đem lại ý nghĩa thiết thực như: “Nói không với xả rác”; phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư; phong trào “Xanh – sạch – đẹp”; phong trào “Sử dụng bao giấy thay cho túi nilon”.
Nhiều lớp tập huấn về kiến thức môi trường chuyên ngành cho các cán bộ làm công tác môi trường được tổ chức thường xuyên. Việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào trong chương trình giáo dục các cấp đã bước đầu được triển khai thực hiện. Với những nỗ lực trong tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường tự nhiên nói riêng, nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này ngày càng được nâng cao, đã tạo được những chuyển biến về hành vi bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Thứ hai, quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ môi trường tự nhiên từng bước được hoàn thiện
Ngay từ những năm đầu tiên của công cuộc kiến thiết, xây dựng miền Bắc, Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, nhiệm vụ quan trọng của chúng ta
không chỉ là phát triển kinh tế, mà còn là đấu tranh chống lại sự khắc nghiệt của tự nhiên. Do đó cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và hoạt động quản lý của Nhà nước để cùng với nhân dân bảo vệ môi trường nói chung, môi trường tự nhiên nói riêng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Phòng lụt, chống lụt là công việc của toàn Đảng, toàn dân. Do các cấp đảng ủy lãnh đạo chặt chẽ và do sự cố gắng vượt bậc của cán bộ và nhân dân” [110; tr.146].
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta được nghiên cứu, bổ sung và ngày càng hoàn thiện nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học v.v.. phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hiện nay. Hệ thống văn bản pháp luật từng bước được bổ sung hoàn thiện là cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý công tác bảo vệ môi trường hiệu quả. Đã có sự phân rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo giữa các bộ ngành đối với việc bảo vệ môi trường trước đây. Năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập. Năm 2008, Tổng cục Môi trường được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các bộ, ngành đã có các đơn vị trực thuộc chuyên trách công tác bảo vệ môi trường. Chi cục bảo vệ môi trường và lực lượng cảnh sát môi trường được thành lập ở các tỉnh bước đầu hoạt động có hiệu quả góp phần thực hiện các chủ trương, biện pháp trong bảo vệ môi trường; ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2017, đã có 185 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 34 khu công nghiệp đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tổng số 219 khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước [29; tr.32]. Các khu công nghiệp còn lại
đang xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan tại một số địa phương đã cơ bản được khắc phục, hạn chế tình trạng thất thoát tài nguyên, công tác bảo vệ môi trường tại các dự án khai thác khoáng sản ngày càng được hoàn thiện.
Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã bị xử lý triệt để.
Tính đến nay, đã có 392/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định số 64/2003/QĐ-TTg cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đạt tỷ lệ 89,29%); 140/184 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thời hạn xử lý đến ngày 31/12/2015 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 76,09%) [25, tr.37].
Việc kiểm tra việc khắc phục vi phạm pháp luật về môi trường tại nhiều “điểm nóng” như: Công ty cổ phần hóa học Vedan Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Tàu biển Huyndai - Vinashin, Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Miwon thuộc tỉnh Phú Thọ; kiểm tra việc cung cấp nước sạch cho “làng ung thư” thuộc xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; việc triển khai các dự án khai thác quặng bauxite tại Tây Nguyên, theo chỉ đạo của Chính phủ, đã thành lập Tổ giám sát môi trường đối với dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ và dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng; đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra việc khắc phục vi phạm của Công ty Vedan và việc bồi thường thiệt hại cho nhân dân trên lưu vực sông Thị Vải.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2016 đến cuối năm 2017, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 5374 cuộc
thanh tra, kiểm tra đối với 6411 tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Qua thanh tra, kiểm tra, toàn ngành đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 58 tỷ đồng; thu hồi hơn 5348 ha đất [phụ lục 10].
Thứ ba, nguồn lực tài chính bảo vệ môi trường tự nhiên; xã hội hóa bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực
Quán triệt quan điểm “Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững”, trong những năm qua, đầu tư cho bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2010, tổng chi sự nghiệp môi trường là 6230 tỷ đồng; năm 2011, tổng chi sự nghiệp môi trường là 7600 tỷ đồng; năm 2012, tổng chi sự nghiệp môi trường là 9050 tỷ đồng; năm 2013, tổng chi sự nghiệp môi trường là 9772 tỷ đồng; năm 2014, tổng chi sự nghiệp môi trường là 9928 tỷ đồng; năm 2015 là 11400 tỷ đồng (tăng 14,2% so với năm 2014) [25; tr.12]. Trong những năm gần đây, việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam có những bước tiến đáng kể. Các nguồn vốn huy động được đã đóng góp một phần quan trọng cho đầu tư các công trình xử lý môi trường tập trung ở các địa phương (bãi chôn lấp chất rắn tập trung, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, lò đốt chất thải y tế). Trong giai đoạn 2009 – 2015 nguồn vốn ODA dành cho các dự án có liên quan đến môi trường đạt khoảng 3739 triệu USD; trong đó vốn vay là 3514 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 225 triệu USD [25; tr.13].
Theo Hồ Chí Minh, bảo vệ môi trường tự nhiên không chỉ là công việc của một số tổ chức hay cá nhân. Vì thế, Người luôn luôn kêu gọi động viên, huy động mọi người trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh, hiện nay, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy nguồn vốn xã hội
hóa cho công tác bảo vệ môi trường, huy động nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân. Đến nay, đã có nhiều tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực môi trường từ nhiều nguồn vốn, bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích. Một số lĩnh vực dịch vụ môi trường đã có sự phát triển như: thu gom, vận chuyển rác thải, xử lý rác thải; thu gom, vận chuyển chất thải rắn nguy hại.
Tại nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng được nhiều mô hình và phát động phong trào, chương trình bảo vệ môi trường như: Mô hình gia đình thân thiện với môi trường; thí điểm phân loại rác tại nguồn; công trình thanh niên bảo vệ môi trường; xây dựng các đoạn đường thanh niên tự quản, phụ nữ tự quản; triển khai trình diễn mô hình “ba sạch” (ăn sạch, ở sạch và sản xuất sạch); thành lập các nhóm tình nguyện xanh; chương trình khoan giếng, các công trình cấp nước cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa; thành lập tổ chức thanh niên tình nguyện vì môi trường xanh - sạch - đẹp.
Thứ tư, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường được chú trọng
Hồ Chí Minh đã từng nói: “Ra sức học tập để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật; khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em” [107; tr.280]. Theo Người, phải học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm lẫn cho nhau. Không nên tưởng mình có vài kinh nghiệm là giỏi lắm rồi, phải học lẫn nhau, học kinh nghiệm của các đồng chí Trung Quốc cũng như các đồng chí Trung Quốc học kinh nghiệm của Liên Xô. Liên Xô ngày một tiến và vẫn tìm tòi để tiến hơn nữa.
Vận dụng và phát triển quan điểm của Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về bảo vệ môi trường đã được triển khai sâu rộng ở Trung ương và địa phương, qua đó góp
phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhiều chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ đã được thực hiện. Các kết quả nghiên cứu đã có nhiều đóng góp và áp dụng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều văn bản quan trọng: Luật Bảo vệ môi trường 2014, Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khung Bộ luật Môi trường.
Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia 20 điều ước quốc tế về môi trường, từ đó tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường. Nhiều chương trình dự án lớn về bảo vệ môi trường đã và đang được thực hiện với các đối tác chính là Nhật Bản, Hàn Quốc và với sự tài trợ thực hiện của các tổ chức quốc tế khác như:
UNDP, UNEP, WB, GEF. Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp một phần đáng kể trong việc huy động nguồn vốn tăng cường năng lực khoa học công nghệ cho ngành; tiếp cận được phương pháp luận hiện đại, tiếp thu kinh nghiệm của các nước vào công tác quản lý môi trường ở Việt Nam.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, mặc dù việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới nền kinh tế xanh đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường nhưng cũng đồng thời là một cơ hội lớn. Việc học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, tận dụng các nguồn hỗ trợ, cơ hội hợp tác với các quốc gia khác sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác quản lý môi trường Việt Nam trong giai đoạn mới. Việc cùng tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên quốc gia về môi trường sẽ là một cơ hội không nhỏ để Việt Nam huy động được nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.