Chương 3. VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VÀO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN Ở VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
3.2. Những vấn đề đặt ra
3.2.1. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp và nhân dân đối với bảo vệ môi trường tự nhiên
Hiện nay dân số nước ta đã vượt mốc 90 triệu người, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 3 Đông Nam Á. Trong
5 năm qua, dân số Việt Nam đã tăng thêm khoảng hơn 4,5 triệu người, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1 triệu người. Quá trình gia tăng dân số nhanh chóng kéo theo những yêu cầu đáp ứng các nhu cầu về sinh hoạt, giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, giao thông vận tải, nhà ở, việc làm v.v.. làm gia tăng sức ép đối với môi truờng tự nhiên và môi trường xã hội. Sự chuyển đổi mô hình kinh tế thành công trong thời gian vừa qua đã đưa nước ta từ một nền kinh tế kém phát triển, chuyển tiếp sang một quốc gia có thu nhập trung bình.
Điều này diễn ra đồng thời với quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính đô thị, dẫn tới dân số thành thị tăng theo.
Tính đến ngày 27 tháng 5 năm 2019, cả nước có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V, tỉ lệ đô thị hóa đạt 38,5% [33]. Các đô thị chiếm 2/3 tổng nhu cầu năng lượng và phỏt thải ắ lượng khớ thải cacbon (cú nguồn gốc từ giao thụng, công nghiệp, các hoạt động xây dựng và công trình). Đô thị hoá nhanh đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam, đặc biệt các đô thị ven biển đã có nhiều thành phố bị ngập úng vào mùa mưa, triều cường. Ngoài Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế ngập úng thường xuyên về mùa mưa, còn nhiều đô thị khác bị ngập do triều cường, mưa lớn, lũ quét, như: Cần Thơ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Cà Mau, Hà Tĩnh. Gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh, kéo theo gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân, tiếp tục gây áp lực lên môi trường không khí tại các đô thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bụi và khí thải từ hoạt động giao thông đô thị vẫn là một trong những nguồn ô nhiễm chính đối với môi trường không khí các khu vực này. Bên cạnh đó, chất lượng các phương tiện tham gia giao
thông còn hạn chế (xe cũ, không được bảo dưỡng thường xuyên) đã làm gia tăng đáng kể nồng độ các chất khí ô nhiễm trong không khí.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá, hoạt động xây dựng công nghiệp, xây dựng nhà dân dụng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn đã diễn ra hết sức mạnh mẽ ở tất cả các vùng miền của đất nước. Mặc dù đã có quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng như vận chuyển nguyên vật liệu, che chắn bụi, xả thải chất thải đối với thi công các công trình xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, nhưng việc phát thải chất ô nhiễm từ các hoạt động này vẫn là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước rất lớn. Những bức xúc về giao thông, đặc biệt là vấn đề tắc đường ở các thành phố lớn vẫn chưa được giải quyết triệt để đã tạo sức ép lớn đến môi trường không khí nước ta. Do tốc độ phát triển nhanh chóng và việc gia tăng lượng khách du lịch, tăng cường hoạt động xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch; gia tăng nhu cầu sử dụng các nguồn nước, cảnh quan tự nhiên, bãi biển, hồ nước, đã làm cho môi trường bị ô nhiễm được thể hiện rõ nét nhất là vấn đề rác thải, nước thải, chất thải độc hại và vấn đề vệ sinh môi trường từ hoạt động du lịch.
Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho đến nay vẫn còn dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và gắn liền với đó là sức ép ngày càng tăng lên đối với môi trường tự nhiên từ hoạt động khai thác. Hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp, làng nghề, du lịch đã ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Nguồn thải từ các khu công nghiệp mặc dù tập trung nhưng thải lượng rất lớn, trong khi đó công tác quản lý cũng như xử lý chất thải khu công nghiệp còn nhiều hạn chế. Các hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải phát sinh. Lượng nước thải còn lại, một phần do các cơ sở đã được miễn trừ đầu nối và tự xử lý, một phần không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường.
Do phải đầu tư chi phí lớn để xử lý chất thải nên nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xả thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tuy có giảm song vẫn xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường như: vụ công ty Nicotex Thanh Thái chôn lấp chất thải nguy hại ở Thanh Hóa, tình trạng mất an toàn tại các bãi thải khai thác than tại Thái Nguyên, Quảng Ninh v.v.. Một số sự cố môi trường nghiêm trọng về nổ, rò rỉ hóa chất, ngạt khí đã xảy ra gần đây như vụ nổ hóa chất Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Công ty cổ phần Photpho vàng Lào Cai gây rất nhiều thiệt hại cho kinh tế xã hội và môi trường. Sự cố nổ, rò rỉ hóa chất, ngạt khí có tính độc hại cao, khi xâm nhập vào môi trường sẽ hủy hoại sinh vật trong tự nhiên và tác động xấu đến sức khỏe con người, có thể gây tử vong.
Các cơ sở sản xuất ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, phát thải hóa chất, các chất độc hại khó phân hủy ra môi trường với chi phí xử lý cao. Vấn đề này lại càng là thách thức lớn khi trên thế giới hiện đang có xu thế dịch chuyển các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển để giảm chi phí xử lý môi trường, khiến các nước đang phát triển phải gánh chịu những hậu quả về ô nhiễm môi trường do các loại hình sản xuất này gây ra. Sản xuất theo mô hình làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của một bộ phận lớn người dân trong các khu vực này và vùng lân cận.
Trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội chưa cao. Chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường tự nhiên đối với sự sống của con người, chưa có những chỉ thị, hành động quyết liệt. Đảng chưa thật quyết liệt trong việc định hướng Nhà nước sửa đổi Luật Môi trường, trong khi có nhiều nội dung của luật không
còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Ví dụ như luật bảo vệ môi trường được ban hành từ năm 1993, nhưng đến năm 1996 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 26-NĐ/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường và trên thực tế, nghị định này không áp dụng được. Đến năm 2003, Nghị định số 67/2003/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường thay thế cho Nghi định cố 26-NĐ/CP mới áp dụng được. Như vậy, sau 10 năm thực hiện luật bảo vệ môi trường, công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở nước ta mới được áp dụng theo nguyên tắc kinh tế thị trường là “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Nhận thức của các cấp ủy về công tác bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường còn thiếu thường xuyên, quyết liệt. Một số nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường chưa được tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc. Kết luận 02- KL/TW ngày 25/4/2016 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị xác định nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém trong bảo vệ môi trường là do “Nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa đầy đủ” [66; tr.1].
Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ trong nhân dân còn nhận thức sai lệch về giá trị trường tồn của môi trường tự nhiên khi quan niệm tài nguyên thiên nhiên là vô tận nên mặc sức khai thác, không nghĩ tới việc phải tái tạo hoặc phục hồi. Tình trạng xả rác thải ra nơi công cộng, khu du lịch, vui chơi, giải trí diễn ra khá phổ biến, phần lớn là do ý thức kém cùng với thói quen tùy tiện nên nơi nào cũng bị xả rác. Việc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, đồng thời gây tắc nghẽn cống thoát nước khiến tình trạng ngập nước thêm trầm trọng. Nhiều hộ gia đình xả nước thải sinh hoạt không đúng quy định làm cho hầu hết các ao, hồ, kênh, mương, sông chảy qua các đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm, có nơi nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống và môi trường xung quanh.
Người dân chưa có thói quen tự giác bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất như phân loại rác trong gia đình. Tình trạng phóng uế bừa bãi, sử dụng các đồ dùng không thân thiện với môi trường chưa được thay đổi như việc dùng túi giấy thay cho túi ni lon, sử dụng các phương tiện công cộng trong quá trình di chuyển, hạn chế sử dụng đồ nhựa. Những nơi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn về kinh tế, vì mưu sinh, nhiều người cố tình khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, tàn phá môi trường sinh thái. Tình trạng phá rừng làm rẫy để trồng trọt, phương thức du canh du cư dẫn tới hủy hoại môi trường sinh thái đang diễn ra khá phổ biến chủ yếu ở miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên. Người dân ở vùng biển thì lại sử dụng những phương tiện đánh bắt thô sơ, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trong khi năng suất và chất lượng khai thác không cao.
Như vậy, việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên của doanh nghiệp và nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền phải có những biện pháp thiết thực, hiệu quả.