Quản lý của nhà nước và hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường tự nhiên

Một phần của tài liệu Bảo vệ môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 113 - 116)

Chương 3. VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VÀO BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN Ở VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

3.2. Những vấn đề đặt ra

3.2.2. Quản lý của nhà nước và hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường tự nhiên

Hiện nay, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của nước ta chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, thiếu tính khả thi.

Các quy định còn nằm phân tán ở nhiều lĩnh vực, thiếu tính gắn kết, nhiều nội dung còn bị bỏ ngỏ như các quy định về quản lý, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn; vấn đề thu phí và lệ phí trong quản lý chất thải nông nghiệp, làng nghề v.v.. Ngoài ra, tính ổn định của hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, hoạt động kinh tế trong việc bảo vệ môi

trường. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hiện nay được phân công cho nhiều bộ, ngành dẫn đến khi triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp thiếu đồng bộ, sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm không rõ ràng. Đặc biệt trong ngành luật môi trường và các ngành luật có liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên, thì hầu như chưa có ngành luật nào đề cập đến vấn đề lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích tập đoàn và các chế tài xử phạt tương ứng trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường tự nhiên.

Quyền hạn pháp lý của các tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa thực sự đủ mạnh, nên đã hạn chế hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm hại môi trường. Rất ít trường hợp gây ô nhiễm môi trường bị xử lý hình sự; còn các biện pháp xử lý khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉ hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, doanh nghiệp chây ỳ nên cũng không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, chính sự quan liêu, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đang tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường. Đối với các cơ quan công quyền và quản lý nhà nước, do năng lực làm việc và đạo đức xuống cấp nên một bộ phận cán bộ, đảng viên tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát

về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất vẫn mang tính hình thức. Hoạt động thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa cho đủ thủ tục dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.

Nhà nước và các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả với những vấn đề ô nhiễm môi trường do sự tác động trong hoạt động khai thác, sản xuất của các quốc gia trong khu vực như ô nhiễm lưu vực sông Mê Công, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp;

nước ta đang phải gánh chịu nhiều tác động xấu tới môi trường nước bởi chất thải của các quốc gia đầu nguồn đổ xuống lưu vực. Bên cạnh đó, việc gia tăng xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Công sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước, nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học. Ô nhiễm trên biển Đông diễn biến phức tạp, đặc biệt nổi lên là ô nhiễm dầu từ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí, giao thông vận tải trên biển và sự cố tràn dầu trên biển Đông ảnh hưởng tới các vùng ven biển ở nước ta.

Do năng lực pháp lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế và lỗ hổng, không bám sát thực tế nên khi phát hiện những vi phạm pháp luật về môi trường, các cơ quan chức năng thường bị động, không đủ căn cứ pháp lý để xử lý. Vì còn nhiều kẽ hở nên việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu, phương tiện, thiết bị đã qua sử dụng vào nước ta, biến Việt Nam có nguy cơ thành bãi rác công nghệ của thế giới trong khi các phương tiện, thiết bị cũ phải xử lý về mặt môi trường hoặc phải tiêu hủy rất tốn kém diễn ra phức tạp. Ngoài ra, do chưa có cơ chế quản lý hữu hiệu nên lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều gây ô nhiễm bầu không khí. Có rất nhiều phương tiện đang được tham gia lưu thông trên đường đã quá hạn sử dụng, các loại xe này tiêu thụ lượng nhiên liệu cao

hơn và thải ra nhiều khí độc hại hơn, nhưng vẫn chưa có nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này, ngay cả những chiếc xe công cộng như xe buýt đã quá cũ và luôn tạo ra một làn khói phía sau khi di chuyển.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề lớn và phức tạp, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, tự giác của các tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Do đó, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường, giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Nhiều quy định về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, thiếu cơ chế phù hợp để thực hiện nên chưa phát huy được hiệu quả. Vai trò của các tổ chức đoàn thể tham gia bảo vệ môi trường chưa được rõ nét, chưa tạo ra được sự đồng thuận giữa các quy định pháp luật, chính sách của nhà nước và các tổ chức đoàn thể. Trong hệ thống các ngành luật liên quan tới bảo vệ môi trường chỉ có một số ít ngành luật như Luật tài nguyên nước, luật bảo vệ môi trường là có điều quy định về vai trò giám sát, về trách nhiệm của Mặt trận, các tổ chức thành viên và nhân dân trong bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu Bảo vệ môi trường tự nhiên ở việt nam hiện nay (Trang 113 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)