Chương 2. QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên
2.2.1. Vai trò của môi trường tự nhiên và tầm quan trọng bảo vệ môi trường tự nhiên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tập trung nhiều vào nghiên cứu lý luận về môi trường, mà Người cho rằng, để phát triển xã hội, xây dựng một cuộc sống thực sự tốt đẹp và hạnh phúc cho nhân dân, một mặt, con người phải đấu tranh nhằm cải tạo xã hội; mặt khác, đấu tranh để cải biến tự nhiên vì lợi ích của mình.
Xuất phát điểm kinh tế thấp, đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hồ Chí Minh đã sớm thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với sự phát triển của quốc gia. Với Người, môi trường tự nhiên có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống cũng như trong việc xây dựng, phát triển đất nước như đất, nước, khoáng sản, rừng v.v.. Con người không thể sống thiếu nước, ánh sáng, không khí và đất đai, khi những thứ này thiếu hụt sẽ đe dọa đến sự sống còn và phát triển của con người. Hồ Chí Minh cho rằng: “Rừng vàng vì rừng có nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa…; núi bạc vì núi non có nhiều quặng có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế” [109, tr.230].
Hồ Chí Minh không chỉ thấy được vai trò quan trọng của tự nhiên đó là mang lại cho con người những của cải quý giá, mà Người còn thấy được
những tác hại mà môi trường tự nhiên gây ra cho con người đó là: hạn hán, lũ lụt, động đất và hậu quả của nó gây ra thật khó lường. Nếu môi trường, cơ sở tồn tại của con người bị phá hủy thì không những sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Bảo vệ môi trường chính là một trong những điều kiện quan trọng cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng ta là phải làm nhiều việc, trong đó làm cả việc bảo vệ tài nguyên môi trường. Cụ thể hơn đó là:
Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Chủ nghĩa xã hội [109, tr.283].
Sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, chủ trương sống hài hoà với thiên nhiên, con người và đất nước đã thể hiện tầm nhìn, nhận thức sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với thế giới tự nhiên. Người khẳng định vai trò chủ động, tích cực của con người trong tiến trình biến “Cái Tự nhiên tự nó” thành
“Cái Tự nhiên cho ta”. Đấy vừa là một tình cảm cao quí, vừa là một bài học lịch sử mà trước lúc đi xa Người muốn để lại cho các thế hệ mai sau.
Theo quan điểm phương Đông, Hồ Chí Minh cho rằng: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó “Thiên thời, địa lợi” là những cái con người có thể tranh thủ được, nếu cùng lúc mà có được ba yếu tố đó là điều tốt nhất, nhưng yếu tố giữ vai trò quyết định là “nhân hòa”. Vì vậy, khai thác và sử dụng hợp lý đi đôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường là việc mà con người có thể chủ động. Khẳng định vai trò vô cùng to lớn của môi trường tự nhiên đối với con người trong sinh hoạt và sản xuất, Hồ Chí Minh còn nhìn thấy vai trò của bảo vệ môi trường tự nhiên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người cho rằng, môi trường tự nhiên là vô giá nhưng không là vô tận nên con người cần phải tôn trọng tự nhiên, khai thác hợp lý, có quy hoạch đi đôi với tái tạo và bảo vệ môi trường tự nhiên để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho chính con người.
Trong thời kỳ đất nước bị đế quốc bên ngoài xâm lược, Hồ Chí Minh nhận định, các nước đế quốc không chỉ đàn áp, bóc lột nhân dân các nước thuộc địa, gây cho họ bao đau thương cực khổ, mà còn tàn phá môi trường, ảnh hưởng xấu đến con người và thiên nhiên. Do đó, Người đã viết nhiều bài báo lên án tố cáo mạnh mẽ cuộc chiến tranh của bọn đế quốc, thực dân đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc, đã hủy diệt từng ngọn cây, lá cỏ, hủy diệt sự sống của con người. Tội ác của chúng là không thể nào tha thứ được.
Hồ Chí Minh có một tư duy nhạy bén, sâu rộng về các vấn đề môi trường. Trong bối cảnh đất nước vừa mới độc lập sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chính phủ vừa mới được thành lập, nhiệm vụ lãnh đạo một đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ suốt gần một thế kỷ của thực dân Pháp đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết như giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Vấn đề môi trường trở nên thứ yếu, không cấp bách. Nhưng cũng chính năm 1945, Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 69, ngày 1/12/1945 về sáp nhập vào Bộ canh – nông tất cả các cơ quan canh – nông, thú – y, mục – súc, ngư – nghiệp, lâm – chính và nông nghiệp tín dụng. Đây là văn bản đầu tiên về lâm nghiệp, bảo vệ môi trường.
Thấy được vai trò quan trọng của môi trường tự nhiên nên Hồ Chí Minh chủ trương sống hòa hợp với môi trường thiên nhiên. Những năm Người hoạt động ở Thái Lan (1928-1929), Hồ Chí Minh đã mượn đất của chính quyền làm một căn nhà nhỏ với sự giúp đỡ của bà con Việt kiều. Xung quanh nhà trồng cây râm bụt làm hàng rào, trong vườn, Người trồng các loại cây ăn quả như xoài, mít, dừa, vừa có bóng mát, vừa có quả ăn. Cách sống giản dị, hòa hợp với tự nhiên của Người còn được thể hiện trong lần trả lời các nhà báo: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em
trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” [101, tr.187]. Trong “Di chúc” Người viết: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão” [112; tr. 615].
Những quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của môi trường, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường tự nhiên là cơ sở để Đảng ta kế thừa và phát triển trong công cuộc đổi mới hiện nay, thể hiện qua các Nghị quyết, chỉ thị của Đại hội Đảng. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa thành pháp luật. Pháp luật là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì việc xây dựng đạo đức sinh thái theo quan điểm Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng.
Hiện nay, môi trường tự nhiên ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng đe dọa sự sống của con người. Nhiều loại bệnh tật xuất hiện, sức khỏe con người ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, đi kèm với nó là ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Do đó, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển quan điểm Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của đất nước.