Chương 2. QUAN ĐIỂM HỒ CHÍ MINH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.1. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài
2.1.5. Quan niệm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên
Kế thừa và phát triển quan điểm của Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, chủ nghĩa Mác – Lênin về tính thống nhất vật chất của thế giới, về quan hệ hữu cơ giữa con người và tự nhiên, Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định con người và tự nhiên có quan hệ thống nhất và chặt chẽ với nhau. Tự nhiên biểu hiện như là một trong những tiền đề, cơ sở quan trọng để thỏa mãn nhu cầu tồn tại và phát triển của con người như đất, nước, không khí...
Phật giáo nhìn nhận mọi sự vật tồn tại đều có Phật tính, bản thân cơ thể con người cũng được hình thành từ các yếu tố tự nhiên, là sự kết hợp của các yếu tố vật chất như lửa, đất, nước, không khí. Phật giáo luôn lấy từ bi làm gốc, khuyên con người không sát sinh, từ bỏ lòng ham muốn vật chất. Đức Phật tôn trọng sự sống, nên khuyên con người phải có thái độ tôn trọng đối với các loài động vật và với cỏ cây. Trong Phật giáo, chủ trương một nếp
sống hài hòa với thiên nhiên, hài hòa với loài người, khích lệ thương người thương vật, đề cao lối sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường sống xanh và sạch.
Nho giáo cũng đã thấy được vai trò quan trọng của tự nhiên đối với đời sống con người, được thể hiện qua quan niệm của Mạnh Tử khi ông nói về cách cai trị. Ông đã nói lên mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa con người với tự nhiên, yêu cầu con người cũng phải nắm được quy luật của tự nhiên trong hoạt động sản xuất, hướng dẫn nhân dân về đạo lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên đồng thời cũng thể hiện sự nhân ái của con người đối với cây cối, loài vật.
Lão giáo cho rằng, tự nhiên vận hành có quy luật của nó và tự nhiên cũng có tính tự điều tiết. Tự nhiên có lợi chứ không có hại nên cứ để cho tự nhiên vận hành theo đúng quy luật của nó, không nên đảo lộn trật tự của giới tự nhiên. Sự vận hành của xã hội thuận theo tự nhiên, con người phải cư xử không thái quá, không bất cập trong quan hệ giữa người với tự nhiên mà trong tự nhiên trời đất và vạn vật sinh ra, rau cỏ, chim muông, nhân loại không phải để chúng có thể ăn thịt nhau nhưng các sinh vật đều được dùng cái nó thích để sống. Con người phải sống theo tự nhiên nên trong cuộc sống không nên thiên quá về vấn đề vật chất, phải tiết chế lòng ham muốn, chú trọng tinh thần, lấy tâm đè nén khí, thà bỏ cái thân này mà giữ được đạo và đức.
Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, con người nằm trong lòng tự nhiên, nhưng con người lại cải tạo và chinh phục tự nhiên. Xã hội ngày càng phát triển thì sự cải tạo chinh phục tự nhiên của con người ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong quá trình cải tạo chinh phục tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình, con người không được phá vỡ sự cân bằng động của hệ thống con người – tự nhiên. Bởi vì nếu phá vỡ sự cân bằng động của hệ thống này thì con người phải gánh chịu những hậu quả tai hại khó lường.
Tuy cách diễn đạt có khác nhau nhưng giữa các tư tưởng đó có điểm chung là tôn trọng thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên. Hồ Chí Minh đã kế thừa những tư tưởng này một cách chọn lọc và nâng lên một tầm cao mới, đặc biệt với những hành động cụ thể trong bảo vệ môi trường tự nhiên nhằm đem lại hạnh phúc bền vững cho con người.
Giới tự nhiên thể hiện trong tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh không phải là đối tượng để con người chinh phục theo kiểu bóc lột, tước đoạt và khai thác đến cùng kiệt, mà là một bộ phận gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại, phát triển của con người, là nơi cung cấp năng lượng cũng như nguồn cảm hứng, là đối tượng thưởng ngoạn, là người bạn tâm tình.
Hồ Chí Minh cho rằng tác động qua lại giữa con người và tự nhiên là mối quan hệ hai chiều, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Tự nhiên có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt hoạt động của con người và xã hội, song sự tác động ấy hoàn toàn mang tính chất tự phát. Con người bằng hoạt động thực tiễn cũng không ngừng tác động vào tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu của bản thân và đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển xã hội. Trong quá trình hoạt động đó, nếu con người hiểu biết, tác động có ý thức, khai thác, sử dụng và tái tạo hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người sẽ tác động tích cực làm phong phú tự nhiên và mang lại hiệu quả trong hoạt động thực tiễn của mình.
Trong quá trình lao động sản xuất, con người đã tiến hành khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho sự sống của mình, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội như “lấy gỗ làm nhà”, khai thác than, đánh bắt thủy hải sản. Nhưng tự nhiên có tính hai mặt: một mặt, cho con người phát triển nhưng mặt khác, cũng tạo ra những thử thách khắc nghiệt: thiên tai, lũ lụt, hạn hán. Đối với một đất nước mà nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu như nước ta thì sự phụ thuộc vào tự nhiên là rất lớn vì nếu trời tốt thì thu
hoạch được nhiều và ngược lại nếu trời xấu thì thu hoạch sút kém, “những trận bão, trận lụt và hạn hán làm mùa màng của ta kém sút, nên nhiều nơi nhân dân bị đói kém” [106; tr.437].
Do vậy, con người cần sống hài hòa với thiên nhiên, nương theo tự nhiên, “hiểu biết thiên nhiên để buộc thiên nhiên phục vụ hạnh phúc loài người” [109; tr.314] để hưởng cái gọi là “Trời cho”, nhưng đồng thời cũng cần phải biết chế ngự, cải tạo và chinh phục tự nhiên, “phải đề phòng lụt như đề phòng giặc. Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng, thì dù bão lụt to mấy cũng không sợ” [111; tr.586] vì nước muốn mạnh thì dân phải giàu. Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tuyên truyền trong quần chúng nhân dân để xây dựng ý thức bảo vệ môi trường; ban hành các chính sách, thực hiện các chương trình nhằm bảo vệ môi trường. Với Người, bảo vệ môi trường chính là chăm lo cuộc sống của người dân lao động. Hồ Chí Minh có tình cảm đặc biệt sâu sắc với thiên nhiên. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có sự hòa quyện giữa quan điểm sống hài hòa, hòa đồng với thiên nhiên của phương Đông và quan điểm “chế thiên” của phương Tây.
Như vậy, quan điểm Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên là một hệ thống luận điểm về vai trò của môi trường tự nhiên, tầm quan trọng phải bảo vệ môi trường tự nhiên, nội dung bảo vệ môi trường tự nhiên, biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, nhằm xây dựng một môi trường trong lành, bền vững, phục vụ tốt cuộc sống của con người.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên đã làm rõ được:
Một là, khẳng định môi trường tự nhiên có vai trò quan trọng đối với sự sống của con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việc bảo vệ môi trường tự nhiên là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm môi trường hiện nay.
Hai là, để bảo vệ môi trường tự nhiên cần có sự lãnh đạo, quản lý, chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện một cách đồng bộ từ chăm sóc, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên đến giữ gìn, vệ sinh môi trường tự nhiên trong sạch, bền vững.
Ba là, để bảo vệ môi trường tự nhiên cần thực hiện hữu hiệu các giải pháp từ tuyên truyền, giáo dục đến tổ chức, thực hiện; phát động các phong trào thi đua; kiểm tra, giám sát; nêu gương người tốt, việc tốt.