Chương 2 KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THÔNG QUA
2.1.2. Cơ sở của việc kiểm soát quyền lực nhà nước
Quyền lực nhà nước không phải là thứ quyền lực từ trên trời rơi xuống mà do nhân dân uỷ nhiệm. Nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực nhà nước, là người uỷ quyền, còn nhà nước là người được uỷ quyền, là người thừa hành, thực hiện những gì mà nhân dân giao cho. Nói cách khác, nhân dân với tư cách là một tập thể đông người, lại không thể tự mình thực hiện quyền lực ấy mà phải uỷ quyền cho đại diện của mình (một số người) - bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, người được uỷ quyền lại luôn luôn có xu hướng lạm quyền, tự mở
rộng và tự tăng cường vai trò của mình. Quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ quyền lực nhân dân nhưng luôn có xu hướng trở nên quan liêu, xa lạ, thậm chí đứng trên nhân dân, áp bức nhân dân, làm tha hoá bản chất quyền lực vốn của nhân dân. Rút xô, nhà tư tưởng vĩ đại thời kỳ khai sáng đã cho rằng "Các thứ Chính phủ trên đời, một khi nắm được quyền lực công cộng đều tìm cách lạm dụng, thoán đoạt quyền lực tối cao của nhân dân. Do vậy ý chí riêng thường hay tác động ngược lại ý chí chung, cho nên Chính phủ cũng thường hay có hướng làm trái với quyền lực tối cao của dân chúng" [62, tr.163]. C.Mác cũng cho rằng, cho dù nhà nước xã hội chủ nghĩa chăng nữa cũng không thoát khỏi xu thế này. Khi Phê phán Cương lĩnh của Đảng công nhân Đức năm 1785 ông đã cảnh báo "dù có ghép từ nhân dân với nhà nước đến một nghìn lần thì người ta cũng không làm cho vấn đề nhích lên một chút nào" [1, tr.491]. Do đó, để chủ thể uỷ quyền giữ vai trò chi phối người được uỷ quyền, buộc người được uỷ quyền hành động theo những cách thức mà chủ thể mong muốn, tức là quyền lực nhà nước luôn thực sự thuộc về nhân dân, hành động vì lợi ích của nhân dân thì phải kiểm soát quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước không phải là một đại lượng có thể cân, đong, đo, đếm xác định một cách chính xác. Để biết được nhà nước có thực hiện đúng điều mình đã uỷ nhiệm, đã thoả thuận hay không, hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền thì người dân phải kiểm soát quyền lực này.
Locke cho rằng nhân dân là khởi nguồn và chủ thể tối cao quyết định sự tồn vong của nhà nước nói chung, quyền lực nhà nước nói riêng. Tuy nhiên nhân dân không chuyển giao toàn bộ quyền tự nhiên của mình cho chính quyền khi tham gia khế ước xã hội mà bằng lý trí và phù hợp với luật tự nhiên, trong cộng đồng vẫn lưu giữ và luôn tồn tại một quyền lực lực quan trọng - quyền chủ thể của mọi quyền lực chính trị. Cho nên nhân dân hoàn toàn có quyền giải thể chính quyền khi nó trở nên bất chính, nhân dân lấy lại quyền lực đã uỷ thác và thiết lập một chính quyền mới tiến bộ hơn. Locke viết
"nhân dân có quyền hành động với tư cách quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp, hoặc dựng lên một hình thức chính phủ mới, hoặc vẫn theo hình thức cũ đó nhưng được đặt vào tay những con người mới, theo những gì họ cho là tốt đẹp" [32, tr.313, 314]. Locke cho rằng với địa vị của mình, đương nhiên nhân dân có "một quyền lực tối cao để xoá bỏ hay thay đổi cơ quan lập pháp, khi họ thấy cơ quan lập pháp hành động trái ngược với sự ủy thác được đặt vào" [32, tr.203]. Locke rất coi trọng việc kiểm soát quyền lực của chủ thể quyền lực đích thực với người được uỷ quyền "nhất thiết phải tìm ra cách thức để kiềm chế những thái quá và ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực, khi mà quyền lực vốn được họ giao phó vào tay người khác chỉ để có được điều tốt lành cho chính họ nhưng nay lại nhận ra rằng nó đã được dùng để gây phương hại cho họ" [32, tr.159-160]. Một khi nhà nước không đảm bảo an ninh cho công dân - cái lý do duy nhất để nó tồn tại, người dân sẽ không còn bị ràng buộc vào khế ước và sẽ giành lại quyền tự nhiên hay tìm kiếm một nhà nước khác để được bảo vệ.
2.1.2.2. Quyền lực nhà nước do một số người nắm giữ, nên nó rất dễ bị các lợi ích cá nhân thao túng
Quyền lực nhà nước trong một xã hội dân chủ về nguyên tắc là ý chí chung của số đông, được giao cho một nhóm người nắm giữ. Mác, Locke và Hobbes đều cho rằng, bản chất của con người là có thể thay đổi được. Do bản chất này, không thể khẳng định người được uỷ quyền luôn luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng, hành động vì lợi ích của cộng đồng. Con người luôn có sẵn bản tính tư lợi, chịu ảnh hưởng bởi các loại tình cảm, dục vọng khác nhau nên rất dễ dẫn đến xu hướng sử dụng quyền lợi chung để phục vụ lợi ích cá nhân. Đặc tính vị kỷ và khát vọng quyền lực của con người đã được các nhà tư tưởng chính trị từ trước đến nay đề cập đến như một nội dung quan trọng trong quá trình phân tích về hành vi chính trị. Hobbes nhấn mạnh "Tinh thần vị kỷ trong loài người là một khát vọng không ngừng đối với
quyền lực và điều này chỉ mất đi khi con người chết" [97]. Hobbes đã miêu tả con người như là những thực thể tư lợi thâm căn cố đế, luôn tìm kiếm cho mình những những vị thế mạnh mẽ để bảo đảm được các lợi ích của mình. Từ thế kỷ XVII, Montesquieu cũng đã viết "Bất cứ ai có quyền đều có xu hướng lạm quyền và họ cứ sử dụng quyền đến khi nào gặp phải giới hạn". Còn nhà sử học người Anh, Lord Action lại khẳng định "Quyền lực luôn có xu hướng đồi bại, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự đồi bại tuyệt đối. Tại sao phải kiểm soát quyền lực nhà nước, James - Madison, cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ đã có sự giải thích "Nếu con người là những thiên thần thì sẽ không cần thiết phải có chính quyền. Nếu các thiên thần cai quản thì không cần thiết phải có sự kiểm soát đối với chính quyền dù từ bên ngoài hay bên trong" [62, tr.55]. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước là một cách để chống lại sự tha hoá quyền lực nhà nước, chống lại xu hướng quyền lực nhà nước bị sử dụng vì lợi ích cá nhân.
2.1.2.3. Quyền lực nhà nước là ý chí chung của xã hội, nhưng lại được giao cho một số người với những khả năng hữu hạn thực hiện, do vậy nó luôn chứa đựng nguy cơ mắc sai lầm
Những đòi hỏi về tính hợp lý của quyền lực nhà nước là vô hạn trong khi khả năng hoạt động của bộ máy chính quyền nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân lại hữu hạn. Vì quyền lực nhà nước do một số cá nhân nắm giữ nên họ hoàn toàn có thể bị mắc sai lầm. Khả năng của con người là hữu hạn bắt nguồn từ sự hữu hạn của lý tính, trí tuệ của mình. Một người dù có trí tuệ siêu phàm đến đây thì khả năng sai lầm vẫn có thể xảy ra "Loài người không phải là thánh thần không bao giờ sai lầm, chân lý của họ phần nhiều chỉ là các chân- lý - một - nửa" [102, tr.131]. Khi tham gia soạn thảo ra bản Hiến pháp đầu tiên trên thế giới, Hiến pháp Mỹ năm 1787, J. Madison cũng từng nói về điều đó: Chính phủ không phải là những thiên thần, nên Chính phủ cũng có thể mắc sai lầm. Đây là nhận thức căn bản của ông khi đề xuất hệ thống kiềm chế và đối trọng trong Bản Hiến pháp này.
Do vậy, khả năng sai lệch trong nhận thức và thực thi quyền lực nhà nước, khả năng sử dụng quyền lực thiếu hiệu quả là có thể xảy ra. Có thể nói, không có thể chế nào của con người có thể miễn dịch khỏi sự sai lầm. Những sai lầm mang tính cá nhân ở những người nắm giữ quyền lực nhà nước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân. Do đó, cần thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo cho các quyết định, chính sách của Nhà nước được trao đổi, bàn bạc, thảo luận kỹ trước khi ban hành nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa ra những quyết định sai lầm, không hiệu quả, gây cản trở cho sự phát triển của xã hội. Điều này có nghĩa là thông qua hoạt động kiểm soát quyền lực, ý chí chung sẽ được kiểm định xem có phù hợp với ý chí của người dân hay không, có tính khả thi hay không. Cũng thông qua hoạt động này, các quy định không hợp lý của pháp luật sẽ được sửa chữa, bổ sung kịp thời, những quyết định, văn bản pháp luật không hợp pháp hoặc không còn phù hợp với thực tiễn sẽ bị huỷ bỏ, hoạt động xây dựng pháp luật sẽ tránh được tình trạng quan liêu, chủ quan duy ý chí.
2.1.2.4. Nhà nước là chủ thể thực thi quyền lực có độc quyền cưỡng chế Nhà nước có quyền cưỡng chế tức là quyền đè bẹp bất cứ một vật cản nào gây trở ngại cho việc thực hiện lợi ích của nhà nước, trên danh nghĩa lợi ích của nhân dân. Tính độc quyền cưỡng chế tạo cho nhà nước sức mạnh hợp pháp duy nhất và lớn nhất trong xã hội. Đó là một yêu cầu khách quan. Thuộc tính cưỡng chế mang lại cho Nhà nước quyền lực can thiệp một cách hiệu quả vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Song "chẳng có đảm bảo nào cho rằng, mọi can thiệp của nhà nước sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Độc quyền của nhà nước về cưỡng chế, cái mang lại cho nhà nước quyền lực can thiệp một cách có hiệu lực vào hoạt động kinh tế, cũng mang lại cho nhà nước can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền. Với độc quyền này, Nhà nước sẽ có thể can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người. "Quyền này cộng với bất bình đẳng về thông tin giữa dân
chúng và nhà nước tạo ra những cơ hội cho các công chức xúc tiến những lợi ích của riêng họ hay những bạn bè đồng minh của họ, làm thiệt hại cho lợi ích chung. Những khả năng kiếm lợi và tham nhũng là rất lớn" [51, tr.126].
Chính vì tính độc quyền cưỡng chế này của nhà nước, có người đã ví, ví ở thời điểm chuẩn bị và tiến hành tội phạm, nhà nước và kẻ cướp có rất nhiều chỗ giống nhau. Cùng đều phải mang vũ khi, nhưng nguy hiểm ở chỗ, nhà nước được công khai mang vũ khí, còn kẻ cướp thì lại không được công khai. Chính đặc điểm công khai này làm cho nhà nước có một sức mạnh ghê gớm hơn nhiều kẻ cướp. Thực tế cho thấy, không phải bao giờ sự can thiệp của nhà nước cũng đúng đắn và hiệu quả. Do tính nhạy cảm và dễ bị lạm dụng, quyền lực này cần đặt dưới sự giám sát thường xuyên để có thể đưa ra những phản hồi, điều chỉnh kịp thời trước khi chúng gây ra những tồn thất to lớn cho xã hội.
Như vậy, một trong những mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước là nhằm kiểm soát "độc quyền cưỡng chế" sao cho đặc quyền này của nhà nước nằm trong phạm vi "cưỡng chế hợp pháp", giới hạn hoạt động của nhà nước trong ranh giới không vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân; tăng tính trách nhiệm, tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực nhà nước và đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân.
Như vậy, nội dung của kiểm soát quyền lực nhà nước là đảm bảo cho quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích, vì lợi ích của nhân dân và đảm bảo cho quyền lực nhà nước thực thi có hiệu lực, hiệu quả.