Chương 2 KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THÔNG QUA
2.2.4. Những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội
Hiệu lực thường được hiểu theo khía cạnh thực thi các quy định, quyết định, yêu cầu mang tính quyền lực nhà nước. Hiệu lực chất vấn thể hiện ở chỗ những yêu cầu chất vấn của đại biểu Quốc hội buộc các đối tượng bị chất vấn phải nghiêm túc giải trình, làm rõ trách nhiệm cá nhân, chỉ ra nguyên nhân của những yếu kém và đưa ra được giải pháp khắc phục. Sau đó, đối tượng bị chất vấn nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đưa ra trước Quốc hội. Hiệu quả chất vấn là việc thực hiện các giải pháp, lời hứa của đối tượng bị chất vấn trước Quốc hội đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực tiễn, hạn chế và xoá bỏ những yếu kém trong lĩnh vực mà người bị chất vấn quản lý, phụ trách. Như vậy, hiệu lực là điều kiện, tiền đề của hiệu quả; nghĩa là, trước hết phải đảm bảo được hiệu lực đã mới có được hiệu quả.
Hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của chất vấn phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có những nhân tố chính sau
2.2.4.1. Sự hoàn thiện của cơ sở pháp lý cho hoạt động chất vấn Hệ thống pháp luật về chất vấn có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kiểm
soát quyền lực nhà nước của chất vấn. Bởi lẽ, đó là cơ sở pháp lý cho hoạt động chất vấn. Hoạt động chất vấn phải có một cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng, chi tiết làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn. Đó là vì nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, mọi cơ quan, cán bộ công chức chỉ được làm theo những gì pháp luật cho phép, đại biểu Quốc hội cũng vậy. Họ không thể thực hiện hoạt động chất vấn có hiệu quả nếu pháp luật không đưa ra được quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động này một cách chi tiết, đầy đủ, không trao đủ quyền lực cho các đại biểu Quốc hội thực hiện hoạt động này như là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Thiếu cơ sở pháp lý, các đại biểu Quốc hội rơi vào tình trạng "lực bất tòng tâm", muốn thực hiện mà không thể thực hiện được. Ví dụ như nếu pháp luật thiếu các quy định cụ thể để đại biểu Quốc hội thể hiện thái độ của mình đối với việc trả lời chất vấn, hay thiếu các chế tài để buộc người trả lời chất vấn phải thực hiện các giải pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm cũng như nếu không thay đổi thì sẽ có các hình thức xử lý như thế nào thì chắc chắn hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước của chất vấn chỉ diễn ra ở trong hội trường.
2.2.4.2. Năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội
Năng lực thực hiện hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội ảnh hưởng rất quan trọng đến hiệu lực kiểm soát quyền lực nhà nước của hoạt động này. Cơ sở pháp lý mới là điều kiện cần cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của phương thức giám sát này, điều kiện đủ là năng lực thực tiễn của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động chất vấn. Dù pháp luật có hoàn thiện đến đâu nhưng các đại biểu Quốc hội không có đủ năng lực để thực hiện hoạt động này thì những quy định pháp luật đó cũng trở nên thừa, không được các đại biểu sử dụng hết. Ví dụ như các đại biểu không có đủ dẫn chứng và lý lẽ để truy đuổi trách nhiệm cá nhân của người bị chất vấn đến cùng thì sẽ dễ dàng bị người trả lời chất vấn múa con số. Nếu những vấn đề mà đại biểu đưa ra chỉ là những vấn đề cụ thể, không phát hiện được những
vấn đề, những hạn chế yếu kém bức xúc, quan trọng nhất trong quản lý nhà nước để buộc những người đứng đầu bộ máy nhà nước phải có những giải pháp khắc phục thì không thể góp phần tạo sự chuyển biến thực sự, rõ rệt trong hoạt động quản lý nhà nước.
2.2.4.3. Khả năng áp dụng các phương tiện hiện đại
Quốc hội đang hướng đến một Quốc hội thông minh của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời kỳ số hoá. Các đại biểu Quốc hội muốn hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng cần có kỹ năng, tri thức và cần cả khả năng sử dụng các phương tiện hiện đại. Gần đây Quốc hội nước ta đã đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế sử dụng văn bản giấy mà tăng cường văn bản điện tử trong các dự luật. Các đại biểu Quốc hội ngày càng quen hơn với việc sử dụng các phương tiện hiện đại, thay đổi cách tư duy, cách sử dụng các văn bản truyền thống mà chuyển sang văn bản điện tử và số hoá. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn đồng thời nâng cao hiệu quả của việc kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động nói chung của các đại biểu Quốc hội nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng.
Tiểu kết chương 2
Ở chương này, tác giả đã nêu những vấn đề lý luận chung về kiểm soát quyền lực nhà nước như khái niệm, tính tất yếu khách quan của kiểm soát quyền lực nhà nước. Tác giả trình bày khái quát cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam bao gồm có kiểm soát quyền lực bên trong, giữa các nhánh quyền lực (luận án tập trung làm rõ các hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước của Quốc hội - lập pháp với hành pháp và tư pháp), kiểm soát quyền lực nhà nước ở bên ngoài (kiểm soát của đảng chính trị, bầu cử, phương tiện truyền thông đại chúng, các tổ chức xã hội dân sự).
Cùng với những vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực nhà nước, tác giả cũng làm rõ những vấn đề lý luận về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tác giả làm rõ khái niệm về chất vấn theo quy định pháp luật, sự phát triển về quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội qua các bản Hiến pháp, qua các quy định pháp luật Việt Nam. Từ đó, tác giả phân tích làm rõ yêu cầu, nội dung và hậu quả pháp lý của chất vấn để phân biệt với các hoạt động khác như hỏi lấy thông tin, điều tra...
Như vậy, những vấn đề lý luận chung về kiểm soát quyền lực nhà nước, về hoạt động chất vấn đã được chương 2 phân tích và làm rõ. Đây là khung lý thuyết quan trọng để tác giả đánh giá về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội như là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước hữu hiệu ở Chương 3.
Chương 3
THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM
3.1. MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI Ở NƯỚC TA