Chương 2 KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THÔNG QUA
3.2.1. Thực trạng nội dung chất vấn
Các chất vấn của đại biểu Quốc hội Việt Nam thời gian qua đã thể hiện các đại biểu đã có sự đầu tư công sức để cập nhật các thông tin cụ thể, chính xác, khá phong phú, đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra những nhận định, đánh giá, những yêu cầu cấp thiết, xác đáng. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vẫn bắt gặp những câu hỏi không rõ ý hoặc dựa vào dư luận chung, từ những cảm nhận chủ quan của người chất vấn, thiếu thông tin thực trạng tình hình cụ thể từ các cơ quan, người có trách nhiệm cung cấp chính thức. Nhiều thông tin còn thiếu tính chọn lọc. Đầu tiên là các câu hỏi mang tính giải đáp, cung cấp thông tin. Các câu hỏi này có thể giải đáp nhanh chóng tại Trung tâm Thông tin của Văn phòng Quốc hội, nhưng nhiều đại biểu vẫn dùng để đưa vào chất vấn. Thậm chí, có thể đưa các câu hỏi về các vụ án cụ thể để Trung tâm Thông tin tìm hồ sơ trước khi chất vấn. Ví dụ như tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc chất vấn bộ trưởng Vương Đình Huệ: "Xin hỏi Bộ trưởng rằng Bộ trưởng đã có phương án cùng các bộ, ngành trình lên Thủ tướng về kế hoạch, cơ cấu, ở đây tôi quan tâm nhất là cơ cấu về tài chính, quan trọng nhất là thời gian nào chúng ta làm việc đó. Đó là thứ nhất. Thứ hai, sau khi chúng ta cơ cấu rồi và các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong một vài năm tới nếu tiếp tục thua lỗ thì về phía Bộ tài chính có quan điểm gì về vấn
đền này, tiếp tục cơ cấu hay chúng ta cho giải thể" [3, 20]. Trong khi đó, vấn đề này đã có Báo cáo của Thủ tướng về Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và cũng nằm ngoài chủ đề chất vấn. Điều tối kỵ khi chất vấn là chất vấn khi chưa đủ thông tin. Điều này làm lãng phí thời gian của Quốc hội và làm người trả lời chất vấn lúng túng.
+ Về nội dung các vấn đề chất vấn
Có thể nói, nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội hiện nay đã có trọng tâm, trọng điểm phản ánh được những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có nhiều vấn đề vướng mắc, hạn chế trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm. Các chất vấn tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng giao thông vận tải, y tế, giáo dục, đất đai, môi trường… cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội với hoạt động nghị trường, giữa ý kiến cử tri với chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Ví dụ như hoạt động Quốc hội khoá XIII cũng tập trung vào những vấn đề bức xúc như giải pháp hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc giao thông, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giải pháp giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, công tác quản lý giá, nợ công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, chống lạm phát.
Tuy nhiên, nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng còn một số hạn chế. Trước hết đó là tính dàn trải của các chất vấn. Các chất vấn đề cập rộng rãi đến nhiều mặt tổ chức và hoạt động trong nền kinh tế - xã hội của đất nước, từ việc xét xử những vụ án dân sự cụ thể đến những vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề bảo vệ môi trường, toàn cầu hoá … rất khó thống kê được số lượng theo nhóm vấn đề như các vấn đề về chủ trương, chính sách, các vấn đề mang tầm vĩ mô rộng lớn và lâu dài với các vấn đề cụ thể. Bởi lẽ, đa số các chất vấn của đại biểu Quốc hội là chất vấn gộp các vấn đề, lại chỉ thiên về phân tích, diễn giải, đôi khi có cả hình thức bình luận. Nhiều chất vấn chỉ xuất
phát trên bình diện địa phương, ngành mình. Ví dụ như triển khai Chương trình 135 người trả lời chất vấn khó nắm được hết về mức độ triển khai, tiến độ, về khó khăn, kinh phí… đến từng xã, huyện miền núi, do vậy khó trả lời xác đáng được các chất vấn đối với việc triển khai chương trình ở một địa phương cụ thể.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội sử dụng hình thức chất vấn để điều tra, xem xét những vấn đề mang tính vi mô làm cho hoạt động chất vấn mang tính sự vụ, tản mạn, thiếu tập trung ở tầm vĩ mô. Điều này thể hiện rõ nhất trong các chất vấn với Viện trưởng viện Kiếm sát nhân dân tối cao và Chánh Toà án nhân dân tối cao về các vụ án cụ thể, liên quan đến nhiều tình tiết nhỏ nhặt, vụn vặt nên Viện trưởng Viện trưởng viện Kiếm sát nhân dân tối cao và Chánh Toà án nhân dân tối cao không thể kiểm soát được vụ việc để trả lời cho đại biểu chất vấn. Sự dàn trải của các chất vấn gây khó khăn cho người trả lời chất vấn. Vì là trả lời trực tiếp nên người trả lời chất vấn rất khó phân loại nhóm vấn đề để trả lời. Ví dụ. Chánh toà án nhân dân tối cao đang trả lời về những vấn đề lớn của ngành mình như tồn đọng án, năng lực và số lượng Thẩm phán, chủ trương tăng thẩm quyền xét cử cho Toà án nhân dân cấp huyện, thì phải trả lời ngay đến những vụ án rất cụ thể mà hồ sơ một vụ án như vậy có thể dài tới hàng ngàn trang với hàng trăm tình tiết và cách lập luận.
Còn tồn tại chất vấn không đúng chủ thể có thẩm quyền. Ví dụ như tại phiên họp thứ 6 của UBTVQH phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Quốc hội khoá XIII, đại biểu Lê Nam - Đoàn đại biểu Thành Hoá hỏi mà đáng lẽ vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục "Vào hồi 11h30 phút ngày 4 tháng 12 năm 2011 trên kênh VTV1 trong mục đối thoại với Lê Hoàng có kể câu chuyện có gặp một bé trai và bé gái 13 tuổi đến gặp bác sĩ, bé gái rất thản nhiên hỏi: Cô ơi con lại dính bầu". Vấn đề đó cho thấy một thực trạng đau lòng và nhức nhối hiện nay. Xin Bộ trường cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trước thực trạng trên, sắp tới Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục [18, tr.11].
Nhiều chất vấn được nêu ra không đúng đối tượng chịu sự chất vấn hoặc nêu chất vấn cho một đối tượng nhưng lại liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau. Ví dụ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII có vị đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn là "Theo Bộ trưởng, làm thế nào để hạn chế tình trạng được mùa mất giá". Câu hỏi này không thuộc phạm vi quản lý của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mà đúng nhất nên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Bộ Công Thương. Hoặc có những câu hỏi thật chung chung mà việc trả lời các câu hỏi này đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong một thời gian dài. Ví dụ "Nguyên nhân và biện pháp phòng trừ tội phạm trên cả nước" "xin cho biết ý kiến của mình trước thực trạng cần phải giảm khoảng cách giàu nghèo". Hoặc có những vấn đề cụ thể như tai nạn giao thông đang tăng thì trách nhiệm lại không chỉ của một ngành. Nó liên quan đến việc nhập khẩu phương tiện (Bộ Thương mại), sản xuất và lắp ráp phương tiện giao thông (Bộ Công Thương ), hệ thống hạ tầng cho Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), thi hành luật lệ giao thông (Bộ Công an). Mỗi bộ chỉ chịu trách nhiệm một phần và trả lời chất vấn theo phạm vi trách nhiệm đó. Nhưng trong một kỳ họp, không phải bộ nào cũng được trả lời trực tiếp trước Quốc hội vì lý do thời gian. Chính vì vậy, rất có thể việc trả lời chất vấn không đáp ứng được yêu cầu của chất vấn.
+ Về thời gian
Thời gian để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn còn nhiều bất cập.
Với khoảng trung bình hơn 200 chất vấn nêu tại kỳ họp, Quốc hội chỉ có 3 ngày thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Mỗi ngày Quốc hội chỉ làm việc 6 tiếng (trừ giải lao) nên 3 ngày chỉ có 18 tiếng dành cho hoạt động này. Thời gian dành cho các phiên chất vấn còn ít, chưa đáp ứng hết nhu cầu, nguyện vọng của đại đa số cử tri muốn giải đáp nhiều vấn đề. Với 11 bộ, ngành trả lời chất vấn bằng văn bản trước khi nhận chất vấn trực tiếp, đã mất khoảng 10 -11 tiếng, còn khoảng 7 tiếng đại biểu Quốc
hội chất vấn và nghe trả lời chất vấn. Nếu trả lời hết chất vấn thì mỗi chất vấn chỉ có hai phút để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Thật eo hẹp nếu đại biểu Quốc hội và người trả lời lại còn phải thưa gửi, cảm ơn. Trên thực tế tồn tại rất nhiều bức xúc đòi hỏi các vị lãnh đạo phải giải trình cụ thể và nhận rõ trách nhiệm nhưng thời gian có hạn nền nhiều câu trả lời của người bị chất vấn trả lời 1 cách hình thức, qua loa, thiếu trọng tâm, không đúng vấn đề. Người hỏi chỉ có 1,5 đến 2 phút cũng làm đại biểu ít có điều kiện để tranh luận lại, truy vấn đến cùng nhiều vấn đề, thậm chí không diễn đạt được hết ý mình.
+ Chuẩn bị chất vấn và chất vấn
Bộ máy giúp việc của Quốc hội chưa thực sự phát huy hết khả năng để phục vụ cho đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chức năng của mình. Việc cung cấp thông tin, tài liệu, tư liệu cho các đại biểu Quốc hội chưa thực sự đều đặn, chuyên nghiệp, đúng chủ đề cần thiết nên đại biểu Quốc hội khó có thể nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời và đầy đủ. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều tài liệu phục vụ cho hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội gần đến khi Quốc hội họp mới gửi cho đại biểu Quốc hội nên đại biểu Quốc hội không có thời gian để nghiên cứu kỹ tài liệu, việc nắm bắt thông tin trở nên qua loa, chiếu lệ. Tình trạng giữa 2 kỳ họp của Quốc hội có rất ít chất vấn được gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà chất vấn chỉ tập trung trong kỳ họp của Quốc hội đã nói lên thực tế khi Quốc hội không họp thì đại biểu Quốc hội không được cung cấp đầy đủ thông tin nên không thể thực hiện chất vấn được. Chỉ đến khi Quốc hội họp thì đại biểu Quốc hội mới được cung cấp thông tin để thực hiện chức năng giám sát, chất vấn. Do thời gian để đại biểu Quốc hội dành cho việc xử lý thông tin không nhiều nên gây khó khăn cho đại biểu trong việc chuẩn bị câu hỏi và ý kiến phát biểu, chất lượng chất vấn không có hiệu quả. Hơn nữa, trong thời gian giữa 2 kỳ họp, các đại biểu thường không dành nhiều thời gian cho công tác đại biểu (trừ một số đại biểu Quốc hội chuyên trách). Hầu hết các đại biểu kiêm nhiệm dành thời gian cho công tác
chuyên môn mà họ đang đảm nhiệm ở cơ quan. Do đó họ cũng chưa dành nhiều thời gian thu thập thông tin và xử lý các thông tin phục vụ cho hoạt động chất vấn.