Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Một phần của tài liệu Giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên thông qua dạy học chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh tại trường đại học công nghiệp thành phố hồ chí minh (Trang 21 - 26)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC CHO SINH VIÊN THÔNG QUA DẠY HỌC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC

1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Vấn đề giáo dục đạo đức con người nói chung và giáo dục truyền thống dân tộc (GDTTDT) nói riêng đã được một số nhà tư tưởng giáo dục bàn luận từ khá sớm. Khổng Tử (551-479 TCN) nhà giáo dục tiêu biểu của Trung Quốc cổ đại luôn luôn đề cao vài trò của việc giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho con người.

Tư tưởng về giáo dục của ông được nhìn nhận là “Khổng tử đánh giá cao vai trò của giáo dục; Coi trọng giáo dục đạo đức trong nhân cách con người”(Bùi Minh Hiền và Nguyễn Quốc Trị, 2016) Soocrat nhà tư tưởng giáo dục cổ đại Hy Lạp cũng được coi là “rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức”. (Bùi Minh Hiền và Nguyễn Quốc Trị, 2016).

J.A.Cômenxki (1592 – 1670), nhà giáo dục người Cộng hòa Séc đã đóng góp rất nhiều cho lí luận về công tác giáo dục đạo đức nói chung và truyền thống cho trẻ em. Ông chia ba nhóm đạo đức cần giáo dục đạo đức cho học sinh đó là: những nét đạo đức nhân đạo; những nét đạo đức gắn liền với thực tiễn đời sống; những quy tắc hành vi có văn hóa. Trong tác phẩm “Những quy tắc hành vi soạn cho thanh niên”

ông đã phân tích rất tỉ mỉ những yêu cầu về đạo đức và nội dung giáo dục đạo đức.

(Bùi Minh Hiền và Nguyễn Quốc Trị, 2016).

Sau Cách mạng tháng Mười Nga, các nhà giáo dục Xô Viết đã xây dựng cơ sở phương pháp luận trong giáo dục và đề xuất những phương pháp giáo dục mới.

A.S.Makarenko cho rằng giáo dục là một công việc không được phép sai lầm. Cụ thể ông đã đưa ra những nguyên tắc giáo dục đầy ý nghĩa đó là phải tôn trọng và yêu cầu cao đối với con người.

GDTTDT được các quốc gia trên thế giới rất quan tâm và thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, song chủ yếu được thực hiện bằng việc chú trọng giảng

dạy chương trình Lịch sử trong các trường học. Mỗi một dân tộc trên thế giới không phân biệt chủng tộc, màu da, dân tộc, tôn giáo, hay chế độ chính trị đều có hệ thống giáo dục TTDT cho riêng mình. Các học giả cũng cho rằng, sự phát triển của các giá trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần yêu nước, tinh thần yêu dân tộc và sự hội nhập đã tạo ra một nền văn hóa đặc sắc, phong phú và đa dạng trong lịch sử dân tộc. Điển hình như ở Mỹ, từ đầu thập niên 1960, các nhà giáo dục mới có cách nhìn mới toàn diện, đầy đủ hơn về bộ chương trình Lịch sử trong nhà trường. Sự thiếu hụt kiến thức lịch sử của học sinh, sinh viên đặc biệt là kiến thức về lịch sử xã hội và lịch sử văn hóa đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải xem xét lại công tác dạy và học lịch sử trong các trường phổ thông. Tại Canada, chính phủ đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường kiến thức lịch sử cho học sinh trong nhà trường nói riêng và cho công dân Canada nói chung, trong đó có việc kiểm tra kiến thức lịch sử bắt buộc đối với những người nhập cư muốn trở thành công dân Canada nhằm giáo dục truyền thống dân tộc cho từng công dân của mình.

Một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Singapore và nhiều quốc gia khác đều đưa nội dung GDTT cho công dân của mình qua chương trình Lịch sử và một số chương trình khác, đặc biệt thể hiện rõ nét trong cấu trúc chương trình giáo dục của họ, luôn hướng đến việc giáo dục nét riêng theo đặc trưng theo nguồn gốc dân tộc của mỗi công dân.

Như vậy, GDTTDT là một phần không thể thiếu để phát triển đạo đức, nhân cách người học. Tư tưởng giáo dục của các nhà giáo dục tiêu biểu trong lich sử và nội dung giáo dục của các nước trên thế giới đã đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu về vấn đề này khá sớm, hiện tại các nội dung này đang được các quốc gia đưa vào trong chương trình giáo dục và đào tạo cho HS, SV của mình.

1.1.2. Tại Việt Nam

Truyền thống dân tộc là một trong những giá trị cao đẹp nhất trong nền tảng đạo đức của con người Việt Nam. Từ trước tới nay, vấn đề này luôn được các nhà khoa học tìm hiểu và nghiên cứu. Có nhiều giá trị TTDT được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, phân tích trong đó nổi bật là những giá trị: yêu nước, bất khuất, anh hùng trong dựng nước và giữ nước; uống nước nhớ nguồn, đoàn kết, nhân hậu, cần

cù, lao động sáng tạo; hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài; hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình (Hồ Chí Minh toàn tập, 2000).

Qua nghiên cứu về các công trình của nhiều tác giả về vấn đề GDTTDT cho thanh niên và HS, SV, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tác giả nghiên cứu ở những khía cạnh tương đối đa dạng, từ khoa học Triết học; Tâm lí học; Văn hóa học; Giáo dục học;…..trong phạm vi nghiên cứu luận văn thạc sĩ của mình, chúng tôi chỉ khái quát những công trình của các nhà nghiên cứu tiêu biểu sau:

Tác giả Trần Văn Giàu là một trong những nhà khoa học có nhiều nghiên cứu sâu sắc về giá trị tinh thần TTDT cũng như công tác giáo dục về các giá trị này. Trong tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” năm 1980 Ông cho rằng: trong các giá trị văn hóa tinh thần TTDT ta thì chủ nghĩa yêu nước luôn được xếp ở vị trí đầu tiên. Nó trở thành “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” là “động lực tình cảm lớn nhất, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc.” (Trần Văn Giàu, 1980).

Tác giả Thái Duy Tuyên và cộng sự đã có những nghiên cứu sâu sắc về định hướng giá trị của thanh niên Việt Nam giai đoạn những năm đầu 1990 đã xác định hệ thống các giá trị thanh niên Việt Nam, trong đó xem giá trị TTDT là nền tảng cốt lõi của các nội dung mà giáo dục cần hình thành, nhóm tác giả cũng đã xác định các tiêu chí và các giá trị cụ thể của TTDT Việt Nam cần giáo dục và phát triển cho thanh niên trong thời kì hội nhập (Thái Duy Tuyên et al., 1993).

Trong công trình nghiên cứu đề tài cấp nhà nước, nhóm tác giả Nguyễn Quang Uẩn, Mạc Văn Trang đã phân tích sâu sắc tính cấp thiết về giá trị cũng như nội dung cơ bản của lý luận về giá trị, định hướng giá trị. Từ đó tác giả đã đưa ra nhưng nguyên tắc, nội dung, con đường giáo dục giá trị đạo đức của Việt Nam hiện tại.

(Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thạc Mạc Văn Trang, 1995).

Công trình “Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hoá” do Nguyễn Trọng Chuẩn và Nguyễn Văn Huyên đồng chủ biên, đã tổng hợp các bài viết của nhiều tác giả trình bày trong Hội thảo Quốc tế “Giá trị truyền thống trước những thách thức của toàn cầu hóa” được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5/2001.

Các bài tham luận đều tập trung làm rõ các vấn đề giá trị và giá trị truyền thống, về

nội dung, vị thế của giá trị dân tộc trước thách thức của toàn cầu hoá, đồng thời chỉ ra việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong xu thế toàn cầu hoá. (Nguyễn Trọng Chuẩn và Nguyễn Văn Huyên, 2002). Cùng với những vấn đề này còn có những công trình như “Giá trị truyền thống Việt Nam trước thách thức của toàn cầu hóa” (2002) của Đỗ Huy. Với bài viết “Tác động của toàn cầu hóa đến truyền thống cần cù, tiết kiệm của dân tộc Việt Nam” (Mai Thị Quý. 2007).

Trong công trình Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ ngày nay tác giả Nghiêm Đình Vỳ và cộng sự đã xem vấn đề truyền thống yêu nước là cốt lõi của truyền thống dân tộc, được hình thành và bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó trở thành sức mạnh tinh thần và vật chất của nhân dân trong lao động sản xuất, sáng tạo và đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Nghiêm Đình Vỳ, 2010).

Luận án tiến sĩ Triết học “Giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay” Tác giả xác định rõ tầm quan trọng của giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng lối sống mới cho SV Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay (Nguyễn Thị Thanh Hà, 2014)

Từ những thành quả nghiên cứu công trình cấp nhà nước, nhóm tác giả Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tuyên đã xuất bản công trình công trình rất công phu về “định hướng giá trị con người Việt Nam thời kì đổi mới và hội nhập”. Trong tác phẩm này, nhóm tác giả đã tập trung phân tích rất chi tiết về thực trạng định hướng giá trị của con người Việt Nam, những tiêu chí đánh giá các giá trị, trong đó các giá trị về TTDT được nhóm nghiên cứu phân tích và đặt lên hàng đầu trong các giá trị quan trọng khác (Phạm Minh Hạc và Thái Duy Tuyên, 2012). “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay” con người Việt Nam, mục tiêu và động lực phát triển kinh tế xã hội “Tác giả cho rằng truyền thống được hình thành do những yếu tố thường xuyên tác động đến cuộc sống của con người Việt Nam. (Phan Huy Lê và Vũ Minh Giang, 1996). “Về phát triển toàn diện con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cuấn sách đi sâu phân tích cơ sở khoa học của chiến lược phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. (Phạm Minh Hạc, 2002).

Năm 2015, công trình nghiên cứu luận án của Bùi Thanh Thủy về “Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần TTDT với việc hình thành và phát triển nhân cách SV Việt Nam hiện nay” đã phân tích và làm sáng tỏ vai trò và ý nghĩa của giáo dục giá trị văn hóa tinh thần TTDT tới việc hình thành và phát triển nhân cách cho SV Việt Nam hiện nay cũng như đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục này (Bùi Thanh Thủy, 2015).

Nhóm tác giả Lương Gia Ban và Nguyễn Thế Kiệt đã phân tích tầm quan trọng và nội dung phát huy giá trị văn hóa TTDT trong xây dựng nhân cách SV;

đồng thời khái quát thực trạng và những vấn đề đặt ra trong việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống xây dựng nhân cách SV trong công trình “Phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay” (Lương Gia Ban và Nguyễn Thế Kiệt, 2017). Cùng với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, hiếu học trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. “Hiếu học - một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam”. (Trần Thị Trâm, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông. 2012).

Nhìn chung các công trình nghiên cứu, các bài viết của các tác giả có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự kế thừa và phát huy những giá trị giáo dục đạo đức TTDT ở nước ta hiện nay. Những công trình này là nền tảng đặc biệt quan trọng để chúng ta xây dựng những giải pháp giáo dục TTDT cho thế hệ trẻ. Mặc dù công trình nghiên cứu về giá trị TTDT và TTDT cho thế hệ trẻ tương đối nhiều tuy nhiên các công trình nghiên cứu trên vẫn còn một số những hạn chế trong việc GDTTDT cho sinh viên Việt Nam trong giai đoạn CNH, HĐH. Đặc biệt, đối với đặc trưng chương trình GDQP&AN trong trường đại học là chương trình học bắt buộc, có tác dụng lớn trong GDTT này, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu sâu sắc về nội dung này.

Trên cơ sở tiếp thu những thành quả các công trình nghiên cứu của các tác giả đã để lại, chúng tôi kế thừa và nghiên cứu hoạt động GDTTDT cho SV Trường ĐHCN TP. Hồ Chí Minh qua dạy học chương trình GDQP&AN nhằm đề xuất một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động GDTTDT cho SV tại Trường ĐHCN TP. Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu mới.

Một phần của tài liệu Giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên thông qua dạy học chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh tại trường đại học công nghiệp thành phố hồ chí minh (Trang 21 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)