Các khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu Giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên thông qua dạy học chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh tại trường đại học công nghiệp thành phố hồ chí minh (Trang 26 - 29)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC CHO SINH VIÊN THÔNG QUA DẠY HỌC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC

1.2. Các khái niệm cơ bản

Truyền thống:

Theo Từ điển Giáo dục học: “Truyền thống là các yếu tố di sản văn hóa và xã hội được lưu truyền từ đời này sang đời khác và được lưu giữ trong từng xã hội, cộng đồng, khu vực và các nhóm xã hội trong thời gian lâu dài. Truyền thống được thể hiện dưới dạng các định chế xã hội, các chuẩn mực hành động, các giá trị tư tưởng – văn hóa, các phong tục, tập quán, các nghi thức, lễ hội dân gian và tôn giáo.v.v. Trong truyền thống có cái đã lỗi thời, không còn giá trị, có cái vẫn giữ nguyên giá trị và có tác dụng thúc đẩy xã hội tiến bộ lên mãi”. (Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh và Vũ Văn Tảo, 2001) Còn tác giả Thái Duy Tuyên cho rằng: Truyền thống là cái ổn định, trường tồn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (Thái Duy Tuyên, 2005). Theo tác giả Trần Văn Giàu cho rằng: “Truyền thống thì có cái tốt, cái xấu nhưng khi chúng ta nói đến giá trị truyền thống thì ở đây chỉ có cái tốt mà thôi vì chỉ có cái tốt mới được gọi là giá trị. Thậm chí, không phải mỗi cái gì tốt thì đều được gọi là giá trị mà phải là những cái tốt phổ biến, cơ bản, tác dụng tích cực cho đạo đức, luân lý, có cả tác dụng hướng dẫn sự nhận định và hướng dẫn sự hành động thì mới được mang danh nghĩa là giá trị truyền thống”.(Trần Văn Giàu, 2000).

Như vậy, cơ bản các tác giả đều thống nhất xu hướng tiếp cận khái niệm xem truyền thống là những giá trị xã hội tương đối ổn định được lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trên cơ sở gìn giữ phát huy những giá trị đó. Những giá trị xã hội đó là những kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu chống giặc ngoại xâm và cũng có thể là những lối sống, nếp sống, phong tục tập quán, những chuẩn mực về đạo đức. Truyền thống được lưu giữ dưới nhiều hình thức rất khác nhau như:

hiện vật, tài liệu, tranh ảnh, di tích lịch sử, văn hóa, trong sinh hoạt, lối sống, trong các tác phẩm văn học nghệ thuật… Có những giá trị truyền thống tinh thần đã được đúc kết thành chân lý, tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc.

Từ những nghiên cứu về khái niệm truyền thống của các tác giả và những phân tích trên, trong luận văn này, chúng tôi xác định khái niệm truyền thống như

sau: “Theo nghĩa tổng quát nhất, truyền thống đó là những yếu tố di tồn của văn hóa, xã hội thể hiện trong chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục tập quán, thói quen, lối sống và cách ứng xử của một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được truyền từ đời này sang đời khác và được giữ lâu dài” (Nguyễn Trọng Chuẩn và Nguyễn Văn Huyên, 2002).

Truyền thống dân tộc:

Truyền thống dân tộc ngày nay, khi xét trên giá trị của TTDT được các nhà nghiên cứu phân tích và tranh luận theo hai xu hướng:

Thứ nhất: Xu hướng xác định TTDT là những giá trị tốt đẹp, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của một dân tộc

Thứ hai: Xu hướng cho rằng TTDT là những giá trị, di tồn của văn hóa, xã hội có thể mang tính tích cực nhưng cũng có thể mang tính tiêu cực, giá trị đó gây ra những kìm hãm cho sự phát triển của dân tộc.

Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi tiếp cận khái niệm TTDT theo ý nghĩa tích cực, chúng tôi cho rằng: Truyền thống dân tộc đó là những giá trị tốt đẹp của một dân tộc, một quốc gia lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ thế này sang thế hệ khác, tạo nên bản sắc riêng về giá trị văn hóa, xã hội của một dân tộc, tạo ra sức mạnh và sản sinh ra các giá trị mới đem lại lợi ích cho dân tộc và con người trong xã hội đó.

1.2.2. Giáo dục truyền thống dân tộc

Theo tác giả Trần Thị Hương: Hoạt động giáo dục là một bộ phận của hoạt động giáo dục tổng thể nhằm tổ chức hướng dẫn người được giáo dục hình thành thế giới quan khoa học, tư tưởng chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, lao động, phát triển thể lực, những hành vi, thói quen ứng xử. (Trần Thị Hương, 2017). Như vậy, có thể hiểu giáo dục truyền thống dân tộc là một nội dung giáo dục phẩm chất cho học sinh, sinh viên được thực hiện trong nhà trường.

Giáo dục truyền thống dân tộc:

Hoạt động giáo dục (theo nghĩa hẹp) là hoạt động trong đó, dưới tác động chủ đạo của nhà giáo dục, người được giáo dục tự giác, tích cực, chủ động tự giáo dục nhằm hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách phù hợp với yêu cầu

của xã hội. (Trần Thị Hương, 2017). Giáo dục TTDT cho HS, SV là một trong những hoạt động giáo dục (theo nghĩa hẹp) đặc biệt quan trọng ngày nay. Từ điển Giáo dục học giải thích: Giáo dục truyền thống là một bộ phận quan trọng của giáo dục nhằm cung cấp những hiểu biết về những suy nghĩ, hành động, thói quen hình thành từ tâm linh, lối sống lâu đời còn lưu giữ tới ngày nay, để thế hệ trẻ trân trọng; gìn giữ và phát huy mãi. Nội dung giáo dục truyền thống chỉ bao hàm những giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc, có tác dụng đoàn kết, gắn bó đồng bào để nhân lên sức mạnh đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao et al., 2001).

Giáo dục TTDT cho SV Trường đại học là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà giáo dục TTDT nhằm hình thành thế giới quan khoa học.

Giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên.

Chúng tôi cho rằng giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên là: Giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên là hoạt động có tổ chức, mục đích của giảng viên tới sinh viên để hình thành nhận thức, thái độ, hành vi và thói quen phù hợp với các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc theo mục tiêu, yêu cầu của nhà trường và xã hội đề ra.

1.2.3. Giáo dục TTDT cho SV thông qua dạy học chương trình GDQP&AN Chương trình GDQP&AN có nhiều ưu việt trong giáo dục phẩm chất chính trị và TTDT cho SV. Từ những khái niệm công cụ trình bày trên, chúng tôi cho rằng:

Giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên thông qua dạy học chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh là hoạt động dưới vai trò chủ đạo của giảng viên giảng dạy chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh, sinh viên chủ động, tự giác, tích cực hình thành nhận thức, thái độ, hành vi và thói quen hành vi tương ứng với các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc thông qua việc dạy học chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh vừa đáp ứng được mục tiêu dạy học chương trình học nói chung vừa đạt được mục tiêu giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên.

TTDT Việt Nam có rất nhiều giá trị, do đó giảng viên căn cứ vào mục tiêu và nội dung dạy học chương trình GDQP&AN để lựa chọn những mục tiêu và nội dung nhằm tổ chức GDTTDT cho hợp lí. Trong hoạt động giáo dục này luôn phải

đảm bảo nguyên tắc vừa đáp ứng mục tiêu và nội dung TTDT vừa phải đạt các mục tiêu và nội dung của chương trình đưa ra.

Hoạt động giáo dục TTDT cho SV thông qua dạy học chương trình GDQP&AN được thực hiện qua các con đường sau: dạy học trên lớp, hoạt động ngoại khóa chương trình học và quá trình tự giáo dục của học sinh sau khi học tập chương trình này. Người GV dạy chương trình GDQP&AN cần phải linh hoạt sử dụng các phương pháp và hình thức dạy học đa dạng để chuyển tài những nội dung giáo dục TTDT cho SV.

Kết quả của quá trình giáo dục TTDT cho SV qua chương trình GDQP&AN là hình thành được tri thức về các giá trị TTDT, biết tự hào, trân trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị đó, đặc biệt là phải vận dụng linh hoạt các giá trị TTDT trong đời sống, học tập, rèn luyện và trong công tác sau khi tốt nghiệp.

Một phần của tài liệu Giáo dục truyền thống dân tộc cho sinh viên thông qua dạy học chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh tại trường đại học công nghiệp thành phố hồ chí minh (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)