CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KIỂM SOÁT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1.2 KHÁI QUÁT VỀ KIỂM SOÁT NỘI BỘ
Theo Chuẩn mực Kiểm toán số 315 – Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị được Bộ Tài chính ban hành theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06/12/2012, thì: “Kiểm soát nội bộ: Là quy trình do Ban quản trị, Ban Giám đốc và các cá nhân khác trong đơn vị thiết kế, thực hiện và duy trì để tạo ra sự đảm bảo hợp lý về khả năng đạt được mục tiêu của đơn vị trong việc đảm bảo độ tin cậy của báo cáo tài chính, đảm bảo hiệu quả, hiệu suất hoạt động, tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan. Thuật ngữ “kiểm soát” được
hiểu là bất cứ khía cạnh nào của một hoặc nhiều thành phần của kiểm soát nội bộ”. Theo quan điểm này, kiểm soát nội bộ hướng tới đảm bảo khả năng đạt được các mục tiêu độ tin cậy của báo cáo tài chính, tuân thủ pháp luật và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, chuẩn mực chưa xác định các yếu tố cấu thành kiểm soát nội bộ của đơn vị.
Theo quan điểm trong Báo cáo COSO năm 2013: Kiểm soát nội bộ là
một quá trình bị chi phối bởi Hội đồng quản trị, người quản lý và các nhân viên của đơn vị, nó được thiết lập về cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu:
Độ tin cậy của báo cáo tài chính
Tính hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động
Tuân thủ luật lệ và quy định
Vậy kiểm soát nội bộ là việc kiểm soát những thủ tục, chính sách, quy định và nguyên tắc trong một hệ thống được công nhận và áp dụng rộng rãi, phổ biến. Hệ thống kiểm soát nội bộ là việc kiểm soát những thủ tục, các chính sách và các bước kiểm soát được xây dựng bởi lãnh đạo của đơn vị bao gồm tất cả các lĩnh vực của đơn vị.
1.2.2 Các yếu tố của hệ thống kiểm soát nội bộ
Theo COSO năm 2013, các yếu tố cấu thành nên kiểm soát nội bộ: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, hoạt động kiểm soát, thông tin và trao đổi thông tin, giám sát.
- Môi trường kiểm soát
Môi trường kiểm soát là tập hợp các tiêu chuẩn, quy trình, và cấu trúc làm nền tảng cho việc thiết kế và vận hành trong kiểm soát nội bộ trong một đơn vị. Các nhân tố ảnh hưởng đến môi trường kiểm soát tại đơn vị: Tính chính trực và các giá trị đạo đức; Cam kết về năng lực; Hội đồng quản trị và Uỷ ban kiểm toán; Triết lý và phong cách điều hành; Cơ cấu tổ chức; Phân định quyền hạn và trách nhiệm; Chính sách nhân sự.
Tổ chức thiết lập quyền lực và trách nhiệm trong công việc trong đơn vị:
đây là việc cụ thể hóa trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên trong các hoạt động của đơn vị, trách nhiệm báo cáo các vấn đề đối với các cấp có liên quan.
Chính sách nhân sự: Chính sách nhân sự hiệu quả, đúng đắn thì sẽ ảnh
hưởng tới sự hữu hiệu của môi trường kiểm soát thông qua các nhân tố như tính chính trực, hành vi đạo đức và năng lực của nhân viên.
Môi trường kiểm soát có tác động lan tỏa đến toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức.
- Đánh giá rủi ro
Các tổ chức, cá nhân đều phải đối mặt với các rủi ro khác nhau đến từ môi trường bên trong và môi trường kinh doanh bên ngoài của tổ chức. Rủi ro được hiểu là những sự kiện sẽ làm suy giảm mục tiêu hoạt động của tổ chức.
Đánh giá rủi ro là quá trình nhận diện và phân tích những rủi ro ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu, từ đó có thể quản trị được rủi ro. Vì vậy các nhà quản trị luôn quan tâm đến công tác đánh giá rủi ro để giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp đến ngưỡng chấp nhận và cần thiết phải thiết lập thủ tục kiểm soát phù hợp với những rủi ro đã được nhận diện và phân loại .
Rủi ro của doanh nghiệp được phân loại thành 2 nhóm chính. Nhóm rủi ro từ môi trường kinh doanh và nhóm rủi ro từ bên trong doanh nghiệp
Hoạt động kiểm soát
Hoạt động kiểm soát là tập hợp các chính sách và thủ tục đảm bảo cho các chỉ thị của nhà quản lý được thực hiện. Và là các hoạt động cần thiết để thực hiện đối với các rủi ro đe dọa đến việc đạt được mục tiêu của tổ chức.
Hoạt động kiểm soát của doanh nghiệp được cụ thể hóa bởi các thủ tục kiểm soát. Các thủ tục này được tạo ra từ các nhà quản lý của các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và phát hiện ra các hành vi gian lận, sai xót, đảm bảo việc thực hiện đúng mục tiêu của đơn vị đề ra. Mục đích của hoạt động kiểm soát nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động, tài chính và tuân thủ Hoạt động của kiểm soát nội bộ có thể được chia thành 2 hoạt động chính là kiểm tra trước (ngăn ngừa) và kiểm tra sau (phát hiện).
- Thông tin và truyền thông
Thông tin là những tin tức cần thiết lập giúp cá nhân, bộ phận thực hiện trách nhiệm. Những thông tin cần thiết phải được xác định, thu thập và truyền đạt tới những cá nhân, bộ phận một cách kịp thời và thích hợp.
Truyền thông là thuộc tính của hệ thống thông tin. Là việc trao đổi và truyền đạt các thông tin cần thiết tới các bên có liên quan đến cả trong lẫn ngoài doanh nghiệp.
Thông tin và truyền thông là hai phần gắn kết chặt chẽ với nhau. Là một hệ thống ghi nhận, ghi chép và xử lý thông tin bao gồm các báo cáo nội bộ.
- Giám sát
Giám sát là việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện việc kiểm soát nội bộ. Giám sát giúp cho KSNB duy trì sự hữu hiệu của mình qua những thời kỳ khác nhau nên luôn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nội bộ. Hoạt động giám sát gồm 2 loại là giám sát thường xuyên và chương trình đánh giá độc lập.