Thâm hụt ngân sách Nhà nước

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 21 - 24)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu

1.2.2. Thâm hụt ngân sách Nhà nước

NSNN luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Tình trạng của NSNN có thể giúp Chính phủ đánh giá được một phần sức khỏe của nền kinh tế và đưa ra các chính sách để giải quyết các vấn đề trong toàn xã hội. Chính vì vậy, NSNN luôn được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu với mọi điều kiện quốc gia, trong mọi giai đoạn phát triển. Mỗi đề tài nghiên cứu sẽ tập trung giải quyết một vấn đề nhất định, có ý nghĩa trong từng giai đoạn phát triển khác nhau của mỗi nền kinh tế. Sau đây là một số nghiên cứu đã được công bố về vấn đề THNSNN.

1.2.2.1. Công trình nghiên cứu các nhân tố tác động đến THNSNN

Phạm Thị Hoàng Phương trong luận án tiến sĩ năm 2013 với đề tài “Đổi mới cơ cấu chi ngân sách nhà nước góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 – 2020 ở Việt Nam” cho rằng về tổng thế, tồn tại mối quan hệ biện chứng giữa quy mô và cơ cấu kinh tế với cơ cấu thu, chi NSNN. Bên cạnh đó, NSNN mà cụ thể là chi NSNN cũng chịu tác động bởi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, trình độ phát triển của kinh tế thị trường, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Công trình nghiên cứu tập trung về chi NSNN, không đánh giá các vấn đề liên quan đến thu NSNN và THNSNN. Vì vậy, các phân tích tác động cũng không bàn về THNSNN, tuy nhiên có thể cung cấp cho người đọc một phần kiến thức liên quan để từ đó có những suy luận xa hơn.

Tác giả Bùi Đường Nghiêu năm 2009 trong nghiên cứu “Bội chi và thâm hụt ngân sách” đã phân tích các vấn đề cơ bản liên quan đến khái niệm, cách xác định bội chi, ngưỡng bội chi, các biện pháp bù đắp bội chi. Trong các biện pháp và công cụ tài chính để huy động nguồn bù đắp thâm hụt, tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa bội chi ngân sách và nợ công. Theo tác giả, ngày nay các chính phủ thường ưu tiên chọn các giải pháp vay trong nước và vay nước ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, càng tăng cường đi vay, cả nợ gốc và lãi đều ngày càng gia tăng, chính phủ càng chất thêm gánh nặng nợ và càng làm giảm quyền lực tài chính của mình bởi phải dành ra một phần tài chính để chi trả cho các khoản nghĩa vụ nợ đáo hạn bắt buộc. Nợ công tăng lên sẽ kéo theo lãi phải trả tăng; đến lượt nó, lãi phải trả tăng sẽ chất thêm gánh nặng lên thâm hụt ngân sách. Vòng luẩn

quẩn này sẽ càng trầm trọng hơn trong bối cảnh lãi suất cao, tăng trưởng thấp, hiệu quả sử dụng NSNN thấp.

1.2.2.2. Công trình nghiên cứu tác động của THNSNN đến nền kinh tế vĩ mô TS Mai Đình Lâm đã đi sâu vào nghiên cứu tác động của việc phân công trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích giữa các cấp trung ương và địa phương về quản lý và thực hiện NSNN đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Nghiên cứu cho trường hợp của Việt Nam đã chỉ ra rằng (i) phân cấp tài khóa có tác động dương lên tăng trưởng kinh tế địa phương; (ii) trong cấu phần của biến phân cấp chi (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên), biến chi thường xuyên có hiệu ứng dương lên tăng trưởng kinh tế địa phương, ngược lại, nghiên cứu chưa phát hiện hiệu ứng của chi đầu tư địa phương lên tăng trưởng kinh tế địa phương; (iii) trợ cấp tài khóa và thu thuế không có tác động lên tăng trưởng kinh tế địa phương. Trong nghiên cứu “Tác động của phân cấp tài khóa đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam”, TS Mai Đình Lâm khẳng định phân cấp tài khóa sẽ làm tăng tính năng động và chủ động của địa phương, tạo điều kiện cho địa phương có thể khai thác phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế và tăng quy mô ngân sách địa phương, đồng thời làm cho trung ương không sa đà vào những công việc cụ thể của địa phương, tập trung quản lý kinh tế vĩ mô và thực hiện các chiến lược tăng trưởng kinh tế của quốc gia trong từng thời kỳ.

Nguyễn Thị Lan đã nhắc đến vai trò ổn định kinh tế vĩ mô của NSNN trong luận án tiến sĩ năm 2006 của mình: “Giải pháp nhằm cân bằng ngân sách Nhà nước đến năm 2010”. Luận án mô tả một cách xơ xài, tóm lược về việc giữ NSNN ở trạng thái ổn định, hoặc tiến tới cân bằng NSNN là điều kiện quan trọng, quyết định đến ổn định kinh tế vĩ mô. Thông thường, khi NSNN thâm hụt và có xu hướng thâm hụt lớn, buộc Nhà nước phải tăng thuế, tăng vay nợ để bù đắp thiếu hụt NSNN. Nếu tăng thuế sẽ làm cho thu nhập khả dụng giảm xuống, dẫn đến sức mua xã hội giảm, cầu hiệu nghiệm giảm, đó là áp lực giảm cung làm nền kinh tế đi vào trì trệ và suy thoái. Đồng thời, tăng thuế sẽ làm giảm thu nhập khả dụng và giảm tiết kiệm. Từ đó giảm đầu tư và tất yếu là giảm tăng trưởng kinh tế.

Trong luận án tiến sĩ năm 2013 của Phạm Thị Hoàng Phương với đề tài “Đổi mới cơ cấu chi ngân sách nhà nước góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn

2011 – 2020 ở Việt Nam”, tác giả phân tích về bội chi NSNN ảnh hưởng đến cơ cấu chi NSNN và tăng trưởng kinh tế. Tác giả nhấn mạnh rằng, ngoại trừ trường hợp Chính phủ lựa chọn chính sách cố ý thâm hụt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì bội chi NSNN (đặc biệt là bội chi cao) đã trở thành gánh nặng cho NSNN, gây khó khăn trong bố trí nguồn lực cho năm tài khóa tiếp theo. Thực tế, Việt Nam đã lựa chọn chính sách tài khóa nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lựa chọn tỷ lệ bội chi NSNN là 5% để làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả phát triển kinh tế chưa đạt được mà lạm phát luôn nằm trong nhưỡng cần kiểm soát.

Nếu tiếp tục kéo dài quá trình này sẽ dẫn đến tình trạng vay nợ lớn, nợ xấu cũng như lạm phát tăng, ảnh hưởng không tốt đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.

1.2.2.3. Công trình đề xuất giải pháp cải thiện NSNN

Luận án tiến sĩ năm 2006 của Nguyễn Thị Lan với đề tài “Giải pháp nhằm cân bằng ngân sách Nhà nước đến năm 2010” đi từ những phân tích về diễn biến hoạt động thu, chi NSNN và các động thái, chính sách của Nhà nước để đưa ra được đánh giá về hiệu quả cân bằng NSNN của Việt Nam giai đoạn 1990 – 2005. Trên cơ sở các đánh giá đó, tác giả đề xuất hai nhóm giải pháp: kinh tế và tài chính, với 9 giải pháp cụ thể nhằm tiến tới cân bằng NSNN. Các giải pháp được tác giả đề xuất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu suất hiệu quả nền kinh tế, ổn định tiền tệ và hoàn thiện môi trường pháp lý về quản lý giá, nâng cao hiệu quả thu chi NSNN, xác định lại các khoản thu chi trong bảng cân đối NSNN, nâng cao hiệu quả tài chính doanh nghiệp.

Trong đề tài luận án tiến sĩ “Phát huy vai trò của ngân sách nhà nước góp phần phát triển kinh tế Việt Nam” năm 2007, tác giả Nguyễn Ngọc Thao coi thuế là công cụ quan trọng để chính phủ điều tiết nền kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề về ngân sách. Thuế nhập khẩu cần được xây dựng một lộ trình giảm thuế hợp lý với đặc thù nền kinh tế Việt Nam và tuân thủ các quy ước quốc tế. Tác giả khuyến khích giảm tỷ trọng thuế gián thu trong thuế nội địa, tăng dần tỷ trọng thuế trực thu.

Bên cạnh đó, theo tác giả, chính phủ cũng cần đổi mới, hoàn thiện công tác quản lý, xây dựng chính sách, nghiêm túc thực thi các quy định liên quan đến NSNN.

Hoàng Thị Kim Thanh trong đề tài luận án “Giải pháp hạn chế thâm hụt ngân sách nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” năm 2013 đề đề xuất các giải

pháp như tăng thu NSNN, hợp lý hóa, hạn chế tăng chi NSNN, cân đối NSNN và tăng cường quản lý hiệu quả NSNN. Những giải pháp đề xuất trước hết khắc phục các hạn chế hiện tại, đồng thời hướng tới các thông lệ chung, trên cơ sở tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính – ngân sách, cải thiện hiệu quả, hiệu lực quản lý NSNN.

Bên cạnh các giải pháp hạn chế THNSNN lâu dài, hướng tới phát triển NSNN bền vững, tác giả cũng đề xuất các giải pháp trực tiếp hạn chế các nhu cầu chi NSNN quá khả năng của nền kinh tế và kiểm soát môi trường kinh tế tài chính lành mạnh, hạn chế các tác động tiêu cực tới hoạt động thu – chi và cân đối NSNN.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế thâm hụt kép tại việt nam thực trạng và giải pháp (Trang 21 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(216 trang)