CHƯƠNG 2: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THÂM HỤT KÉP
2.5. Thâm hụt kép tại một số quốc gia trên thế giới
2.5.1. Thâm hụt kép tại Malaysia
Từ những năm 1980, nền sản xuất hàng hóa của Malaysia đã thay đổi từ hàng hóa thô, sơ cấp sang hàng hóa qua sản xuất, chế biến và hàng dệt may. Sau đó, Malaysia đã bắt đầu đa dạng hóa ngành sản xuất và xuất khẩu của mình. Đồng thời, Chính phủ đã chuyển chính sách kinh tế vĩ mô sang thúc đẩy nền kinh tế hướng tới ngành công nghiệp nặng. Việc chuyển hướng đã yêu cầu Malaysia tập trung nguồn đầu tư lớn cả ở khu vực đầu tư trực tiếp lẫn các doanh nghiệp Nhà nước vào lĩnh vực này. Điều này dẫn đến tăng nhanh tỷ trọng đầu tư công trong tổng sản phẩm quốc nội GDP, mở rộng thâm hụt ngân sách Nhà nước từ 6,6% GDP năm 1980 lên trên 17% GDP vào năm 1982. Chính phủ đã thực hiện vay nước ngoài để tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Thêm vào đó, suy thoái kinh tế thế giới làm tăng lãi suất nước ngoài thực, tỷ giá hối đoái thực bị đánh giá cao và do đó làm suy giảm tăng trưởng thương mại. Những điều này làm thâm hụt kép xảy ra ở Malaysia vào năm 1982.
Những năm 1990, một lần nữa Malaysia lại trải qua giai đoạn thâm hụt tài khoản vãng lai. Tình hình kinh tế vĩ mô những năm 90 đã thay đổi so với thập kỷ trước đó. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao do bùng nổ đầu tư tư nhân đã khuyến khích gia tăng nhập khẩu với tốc độ cao, đặc biệt là nhập khẩu hàng hóa trung gian và nhập khẩu vốn. Năm 1991, Malaysia gặp phải tình trạng thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai lớn. Năm 1992 và 1993, dòng vốn ngắn hạn tăng lên đáng kể đã làm tăng tỷ giá hối đoái. Năm 1994, các dòng vốn ngắn hạn không được khuyến khích làm cho tài khoản vãng lai bị thâm hụt. Sau đó, mất cân đối tài khoản vãng lai tiếp tục mở rộng vào năm 1995 do sự tăng trưởng liên tục và bùng nổ đầu tư trong năm này. Kết quả là Malaysia đối mặt với mức thâm hụt lớn.
Malaysia là một thị trường tương đối mở cửa, trong đó thương mại đóng một vai trò quan trọng, tình hình thị trường nước ngoài ảnh hưởng một mức độ nhất định đến sự phát triển trong nước. Nhu cầu thế giới tăng làm giá xuất khẩu hoặc khối lượng xuất khẩu tăng lên sẽ không chỉ giúp tăng thu nhập từ xuất khẩu và cải thiện tài khoản vãng lai, mà còn làm giảm thâm hụt ngân sách, do thuế đối với thu nhập từ xuất khẩu và phần đáng kể trong các khoản thu của Chính phủ một nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Malaysia.
Hình 3: Cán cân vãng lai của Malaysia giai đoạn 1980 – 2020
Nguồn: Actualitix.com
Những năm gần đây, cán cân vãng lai của Malaysia đang có xu hướng thặng dư giảm dần do thặng dư cán cân thương mại bị thu hẹp, thâm hụt cán cân dịch vụ tăng lên và cán cân thu nhập luôn thâm hụt do kiều hối của người nước ngoài làm việc tại Malaysia chuyển về nước. XK của Malaysia gần như không có đột biến, trong khi nhu cầu NK tăng cao nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành một số công trình và các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc giá khí hóa lỏng (LNG) giảm cũng góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị XK của Malaysia. Malaysia đang đối mặt với việc thâm hụt kép quay lại nền kinh tế này trong thời gian tới. Cũng giống như giai đoạn THK trước, Malaysia ưu tiên giải quyết vấn đề của CCVL, giúp cán cân này thặng dự, trong khi NSNN vẫn tiếp tục cải thiện và sẽ được khắc phụ dần dần.
Các giải pháp ưu tiên là cắt giảm lãi suất tại các ngân hàng trong nước, Chính phủ đưa ra các gói kích cầu nhằm thúc đẩy nền kinh tế, khuyến khích tiêu dùng cá nhân.
Tuy nhiên, mức độ áp dụng các giải pháp này được cân nhắc dựa trên khả năng tài chính của Chính phủ Malaysia mà không tạo áp lực gia tăng vay nợ của Chính phủ.
Hình 4: Ngân sách Nhà nước và nợ công Malaysia giai đoạn 2001 - 2015 Nguồn: Bank Negara Malaysia (BNM) và FocusEconomics Consensus Forecast
Về NSNN, tuy Malaysia vẫn đang thâm hụt nhưng tính trên GDP thì mức thâm hụt có xu hướng giảm dần. Việc sử dụng ngân sách để hoàn thành các mục tiêu kinh tế luôn được Malaysia cân nhắc trong mức năng lực tài chính của Chính
phủ, hạn chế việc gia tăng áp lực vay nợ. Malaysia đã triển khai chương trình hợp lý hóa trợ cấp, với mục tiêu đánh giá lại các loại trợ cấp Chính phủ, điều chỉnh các mức trợ cấp hợp lý nhằm gia tăng hiệu quả tài chính và giảm chi ngân sách. Chính phủ Malaysia đã loại bỏ hoàn toàn trợ cấp nhiên liệu, giá nhiên liệu được niêm yết cố định trên hệ thống toàn quốc và điều chỉnh giá theo lãi suất thị trường.