CHƯƠNG 2: LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ THÂM HỤT KÉP
2.5. Thâm hụt kép tại một số quốc gia trên thế giới
2.5.4. Bài học kinh nghiệm
2.5.4.1. THK là hiện tượng kinh tế hiện đại phổ biến và khó để xử lý triệt để THNSNN là tình trạng phổ biến đối với mọi quốc gia, mặc dù các Chính phủ luôn cố gắng đưa NSNN về tình trạng cân bằng, nhưng đồng thời vẫn đề xuất ngưỡng thâm hụt của quốc gia. Điều này cũng thể hiện rằng cân bằng hay thặng dư NSNN là mục tiêu khó đạt được và thường chỉ mang tính thời điểm. Chính vì thế, khi nền kinh tế rơi vào THCCVL thì gần như nền kinh tế đó rơi vào tình trạng THK.
Nhìn vào bảng 3 có thể thấy THK là một hiện tượng kinh tế hiện đại phổ biến đối với cả các nước phát triển và đang phát triển.
THCCVL và THNSNN đều là hai vấn đề kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Một nền kinh tế khi gặp một trong hai vấn đề trên đều phải vận dụng phối hợp nhiều chính sách mới có cơ hội cải thiện tình hình. Vì vậy, khi THK diễn ra thì quốc gia phải đối mặt với vấn đề kinh tế vĩ mô phức tạp, khó để có thể xử lý hoàn toàn hiện tượng này. Có thể thấy điều này rõ nhất thông qua trường hợp của Hoa Kỳ.
Thâm hụt kép kéo dài đã dẫn đến sự biến dạng lớn về tài chính, tích lũy nợ và hạn chế sự phát triển của nền kinh tế. Những xu hướng không phù hợp của ngân sách Nhà nước và thâm hụt tài khoản vãng lai có thể tạo ra những căng thẳng chính sách mới, đặt ra những thách thức đối với việc ra quyết định kinh tế vĩ mô ở bất kỳ quốc gia nào.
Nghiên cứ của Rubin (2004) tại Hoa Kỳ chỉ ra rằng thâm hụt kép kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ vọng và sự tự tin của của các nhà đầu tư. Những người tham gia thị trường ngoại hối và thị trường tín dụng quốc tế lo lắng khi ngân sách Nhà nước và cán cân vãng lai cùng thâm hụt liên tục. Khi đó, các nhà đầu tư và các chủ nợ có thể di dời các quỹ đầu tư dựa trên đồng nội tệ, gây ra mất giá tiền tệ, và do đó lãi suất nợ Chính phủ sẽ tăng cao.
2.5.4.2. Nên thực hiện lần lượt từng mục tiêu giảm THCCVL và giảm THNSNN Để xử lý hoàn toàn hiện tượng THK cần các biện pháp đưa CCVL thặng dư và NSNN cân bằng hoặc bội thu. Tuy nhiên, đạt được đồng thời 2 mục tiêu này là nhiệm vụ tương đối bất khả thi. Khi CCVL thâm hụt, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp cải thiện thông qua thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu, đưa ra các gói kích cầu, giảm thuế,… Những biện pháp này lại làm cho NSNN thâm hụt sâu hơn.
Không thể đồng thời đạt được giảm THCCVL và giảm THNSNN, các Chính phủ thường lựa chọn xử lý lần lượt từng mục tiêu.
Sau khi cải thiện CCVL và NSNN, các Chính phủ cần duy trì được tình trạng tích cực của các cán cân này. Việc duy trì này phụ thuộc phần lớn vào tình hình và năng lực thực tế của từng quốc gia. Thị trường thế giới liên tục biến động, nền kinh tế các quốc gia cũng vì thế mà thay đổi theo từng thời kỳ. Các vấn đề như dịch bệnh, thiên tai, việc làm, chính sách đối ngoại, các hiệp định thương mại song phương và đa phương, xu hướng thị trường… sẽ tác động đến phát triển kinh tế, lạm phát, thu nhập… Tùy từng giai đoạn, Chính phủ với nguồn lực giới hạn, sẽ quyết định các mục tiêu ưu tiên, có thể hy sinh một số mục tiêu vĩ mô trong ngắn hạn. Khi đó, THK có nguy cơ quay trở lại, điển hình như trường hợp của Malaysia.
Đối mặt với tình trạng đó, Chính phủ cần lựa chọn mục tiêu ưu tiên để thực hiện trước, tránh hướng đến đa mục tiêu với các biện pháp mâu thuẫn nhau, làm giảm
hiệu quả của các chính sách kinh tế. Trên thực tế, các Chính phủ ưu tiên cải thiện CCVL trước và giảm bội chi NSNN sau.
2.5.4.3. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, THK xuất hiện
Thực tế nghiên cứu các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy khi khủng hoảng xảy ra thì THK cũng xuất hiện. Khủng hoảng tài chính ảnh hưởng mạnh mẽ đến giao dịch quốc tế, cán cân thanh toán quốc tế và đặc biệt là cán cân vãng lai.
CCVL bị tác động tiêu cực, thâm hụt gia tăng nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng. Chính phủ, bằng ngân sách quốc gia, đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết tức thời THCCVL và các tác động tiêu cực khác của khủng hoảng. Một số tiền lớn được sử dụng cũng đồng nghĩa với việc NSNN gia tăng thâm hụt nặng nề. Đó là lý do THK thường xuất hiện cùng với khủng hoảng tài chính.
Trường hợp của Mexico chỉ ra rằng việc phụ thuộc vào danh mục vốn đầu tư ngắn hạn từ nước ngoài để phát triển kinh tế và tài trợ THCCVL sẽ tạo nên rủi ro lớn cho thị trường vì đây là dòng vốn dễ đảo chiều và chịu sự chi phối lớn từ cảm tính của các nhà đầu tư có xu hướng hành xử theo tâm lý đám đông. Thay vào đó, quốc gia nên dựa vào nguồn tiết kiệm nội địa và các dòng vốn đầu tư quốc tế dài hạn.
Đối với trường hợp của Thái Lan, có thể thấy tự do hóa tài chính là con dao hai lưỡi. Khi hệ thống tài chính còn yếu kém, tự do hóa tài chính sẽ dẫn đến khủng hoảng tiền tệ và tài chính. Tự do hóa tài chính cần có lộ trình từng bước, hệ thống tài chính quốc gia cần phải được xây dựng vững chắc trước khi tiến hành tự do hóa tài chính.
Trong trường hợp của Arghentina, tỷ giá hối đoái cố định làm cho hệ thống chính sách bị cứng nhắc, phải hy sinh các mục tiêu kinh tế khác để neo giữ tỷ giá, làm cho nền kinh tế bị phụ thuộc rất nhiều vào biến động của đồng tiền tham chiếu.
Việc vay nợ nước ngoài của chính phủ phải có cơ chế giám sát hiệu quả, không thể áp dụng các chính sách thiếu cân nhắc và đồng bộ.