Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ DẠY HỌC TÍCH HỢP MODUN THIẾT KẾ RẬP CÔNG NGHIỆP
1.7. Hình thức tổ chức dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp
Dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp đòi hỏi phải kết hợp dạy lý thuyết và thực hành trong cùng một nội dung dạy học. Vì vậy, hình thức dạy học modun Thiết kế rập công nghiệp phải đa dạng mới có thể đáp ứng được yêu cầu cũng như mục tiêu học tập modun. Do đó, người giáo viên phải sử dụng phối hợp nhiều hình thức trong cùng một bài học để tổ chức dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp như: dạy học toàn lớp, dạy học theo nhóm và dạy học cá nhân. Hơn nữa, môi trường dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp không chỉ diễn ra trong phạm vi phòng học lý thuyết mà có thể diễn ra ở phòng dạy thực hành, trong khuôn viên nhà trường hay môi trường học tập ở nhà v.v. Như vậy, các hình thức dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp được đề tài áp dụng như sau:
* Dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp ở hình thức toàn lớp: là
một trong những hình thức tổ chức dạy học dưới sự tổ chức, hướng dẫn, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học khác nhau của giáo viên để dạy modun Thiết kế rập công nghiệp, với nội dung hoạt động được thiết kế gắn liền với thực tiễn, đa dạng, phong phú phù hợp với nội dung chương trình dạy học thiết kế theo hướng
tích hợp, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu người học, giúp họ phát triển năng lực, giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Theo Nguyễn Đức Trí – Hồ Ngọc Vinh (2013), hoạt động dạy học toàn lớp được tiến hành theo tiết giảng, ca thực tập hay theo đề mục [30].
Đối với dạy lý thuyết: Mỗi tiết giảng có thời gian từ 45 – 60 phút. Bài lý thuyết có thể thực hiện trong thời gian từ 1 – 3 tiết
Hoạt động dạy: Người dạy trực tiếp tổ chức, điều khiển hoạt động lĩnh hội của người học cho cả lớp, đồng thời chú ý tới từng HS.
* Dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp theo nhóm: Các hình
thức tổ chức học tập nhóm rất thích hợp với các nhiệm vụ học tập lý thuyết, thực hành. Có rất nhiều hình thức học tập nhóm, tùy vào nội dung và yêu cầu của bài học mà giáo viên có thể áp dụng linh hoạt hình thức học tập này để giúp người học lĩnh hội tri thức một cách thuận lợi nhất. Khi áp dụng hình thức dạy học này, giáo viên có thể đưa ra rất nhiều tình huống hay nhiệm vụ có vấn đề yêu cầu các nhóm kết hợp với nhau để giải quyết. Hoạt động học tập nhóm sẽ làm cho các thành viên quen dần với sự phân công lao động trong xã hội, phát triển tình bạn,
ý thức tổ chức kỹ luật, ý thức cộng đồng. Thông qua học tập nhóm, học sinh trao đổi ý kiến, tranh luận và hợp tác, sẽ giúp phát triển tư duy, hình thành năng lực đáp ứng yêu cầu của mục tiêu modun bài học.
Nguyễn Đức Trí – Hồ Ngọc Vinh (2013) đưa ra phương thức dạy học tổ chức nhóm diễn ra theo trình tự như sau [30, tr.179]:
- Giáo viên hướng dẫn, giải thích các nhiệm vụ học tập cho học sinh ở phạm vi toàn lớp.
- Phân chia lớp thành các nhóm học tập
- Giao nhiệm vụ học tập cho từng nhóm
- Giáo viên chuẩn bị sẵn các nội dung cần tư vấn và điều kiện để giúp đỡ cho từng nhóm
- Kết quả học tập được phân tích và tổng hợp hóa Cũng theo các tác giả này, dạy học theo nhóm được tổ chức thành ba giai đoạn [30, tr.180]:
- Giai đoạn 1: Giáo viên giới thiệu nội dung học tập. Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm, phân chia lớp thành các nhóm nhỏ.
- Giai đoạn 2: Các nhóm thực hiện công việc. Giáo viên quan sát và tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ người học
- Giai đoạn 3: Các nhóm trình bài bài báo của nhóm trước toàn lớp
* Dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp theo hình thức cá nhân:
Dạy học cá nhân là một hình thức dạy học được sử dụng rất phổ biến trong dạy học thực hành nghề giai đoạn hướng dẫn thường xuyên. Hình thức dạy học này là phù hợp và có hiệu quả nhất, vì người học vừa học vừa làm, họ phải tự rèn luyện những kỹ năng hành động theo nghề nghiệp của họ. Dạy học theo cá nhân là hình thức dạy học tại chỗ với sự giúp đỡ ở mức độ nào đó của giáo viên đối với người học. Đây là hình thức dạy học thiết thực và hiệu quả.
Mục đích sư phạm của hình thức dạy học cá nhân là: Cá biệt hóa về khả năng học tập: Học sinh tự tổ chức quá trình học của mình; Cá biệt hóa về tốc độ học: Học sinh tự xác định tốc độ học phù hợp với đặc điểm của mình [34].
Dạy học cá nhân được vận dụng vào dạy học ở các giai đoạn:
1. Chuẩn bị bài học mới: Học sinh được nhận nhiệm vụ tự học nào đó về bài
học mới. Ví dụ: Học sinh đọc tài liệu và rút ra những kết luận về sự khác nhau giữa phương pháp đo lấy thông số kích thước cho sản phẩm công nghiệp và sản phẩm gia đình trong bài học “Thiết kế rập mẫu” modun Thiết kế rập công nghiệp.
2. Tiếp tục phát triển: Học sinh vận dụng những kiến thức đã học để tự tìm ra những kiến thức mới. Ví dụ: Chỉnh sửa đường thiết kế để các thông số kích thước giữa các chi tiết sản phẩm thống nhất nhau và giống thông số của tài liệu kỹ thuật.
3. Vận dụng và cũng cố: Khi học sinh đã có kiến thức, học sinh thực hành và có hướng dẫn của giáo viên.
Như vậy, dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp phải kết hợp cả ba hình thức tổ chức dạy học toàn lớp, dạy học theo nhóm và dạy học cá nhân. Có như vậy thì nội dụng dạy học mới được truyền tải đến người học một cách sâu sắc và trọn vẹn. Khi người học được tham gia nhiều môi trường học tập khác nhau sẽ giúp người học lĩnh hội tri thức một cách tốt nhất, những kiến thức lý thuyết được thực tiễn thông qua thực hành chứng minh. Dạy học nhóm
giúp phát triển kỹ năng tư duy, giao tiếp thông qua đó phát triển kỹ năng mềm, người học sẽ phát triển một cách toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng dạy học cho nhà trường.