Hình thức tổ chức dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp tại trường Cao đẳng Tiền Giang

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp tại trường Cao đẳng Tiền Giang (Trang 97 - 100)

Chương 2: THỰC TRẠNG DẠY HỌC TÍCH HỢP MODUN THIẾT KẾ RẬP CÔNG NGHIỆP TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG TIỀN GIANG

2.3. Thực trạng hoạt động dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp trường Cao đẳng Tiền Giang

2.3.4. Hình thức tổ chức dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp tại trường Cao đẳng Tiền Giang

Hình thức tổ chức dạy học là phương thức tổ chức, điều khiển hoạt động học tập của HS theo kế hoạch và định hướng của GV phù hợp với mục tiêu, nội dung học tập, thời gian, điều kiện lớp học làm cho quá trình dạy học đạt kết quả cao. Kết

quả thống kê về hình thức tổ chức dạy học modun Thiết kế rập công nghiệp tại trường Cao đẳng Tiền Giang được GV áp dụng thể hiện trong nội dung phỏng vấn GV mà đề tài thực hiện. Gồm có các hình thức như sau: Hình thức toàn lớp, hình thức làm việc nhóm, hình thức cá nhân.

Theo kết quả phỏng vấn GV cho thấy, tổ chức dạy học theo hình thức toàn lớp được lựa chọn cao nhất với 5/5 GV chọn mức độ thường xuyên. Như vậy, phần lớn GV vẫn tổ chức dạy học theo lối truyền thống, tổ chức theo hình thức này đảm

bảo dạy và học tiến hành có mục tiêu, có kế hoạch, có hệ thống, đảm bảo sự thống nhất. Tuy nhiên, với hình thức tổ chức này, GV ít có thời gian chú ý tới từng HS cá biệt, HS dễ thụ động trong việc nắm bắt tri thức, làm cho lớp học không sinh động, không phát huy được tính tích cực và sáng tạo cho HS.

Với hình thức làm việc nhóm, có 2/5 GV đồng ý với mức độ thường xuyên và 2/5 GV cho rằng thình thoảng có sử dụng, 1/5 GV cho rằng rất hiếm khi thực

hiện. Thực tế qua quan sát, đề tài nhận thấy đa số GV chủ yếu vẫn tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp là chính, trong đó hoạt động nhóm chưa được triển khai nhiều và nếu có triển khai thì kết quả làm việc nhóm của HS cũng chưa hiệu quả, HS khi làm nhóm thường ỷ lại vào một vài bạn trong nhóm, công việc trong nhóm phân công không đồng đều, có những HS yếu kém và lười thường xuyên không tham gia hoạt động nhóm. Tuy nhiên, điểm bài tập nhóm thường được GV chấm chung và các thành viên đều có điểm như nhau dựa vào kết quả sản phẩm của nhóm. Điều này dẫn đến tình trạng không công bằng vì những HS không làm bài vẫn có điểm,

HS không tham gia hoạt động nhóm nên không hiểu bài. Tuy nhiên đối với các em điều này không quan trọng vì HS chỉ cần điểm qua môn.

Lý giải cho việc ít sử dụng hình thức dạy học đa dạng hoặc có sử dụng nhưng không sát sao với các hoạt động của lớp, các GV cho rằng thời gian dạy trên lớp ít mà nội dung bài dạy nhiều nên GV chủ động dạy tập trung toàn lớp để HS nắm đủ kiến thức cơ bản. Hình thức này cũng phù hợp với PPDH truyền thống mà GV thường xuyên sử dụng. GV 3 cho biết: “Làm nhóm rất tốn thời gian ở khâu chia nhóm, cho HS thảo luận thời gian chết rất nhiều. Khi làm nhóm, thường xảy ra tình trạng có HS làm nhiều, HS làm ít cũng có những HS không làm mà ỷ lại vào bạn khác. Vì vậy, điểm số đánh giá sẽ không khách quan và công bằng. Đồng thời khi dạy học toàn lớp, mình dễ quan sát chung tình hình lớp về khả năng tiếp thu và ghi bài. Còn tổ chức các hình thức khác hay nhưng GV khó kiểm soát mức độ tham gia học tập của HS”.

Với hình thức tổ chức dạy học cá nhân thì rất phù hợp với dạy học thực hành, tuy nhiên số lượng GV sử dụng thường xuyên không nhiều, chỉ có 2/5 GV đồng ý.

Trao đổi với một số GV về việc áp dụng hình thức tổ chức dạy học cá nhân, các GV cho biết: “Trong quá trình dạy học lý thuyết, thường các GV sẽ tổ chức dạy học toàn lớp để có thể triển khai hết tất cả các nội dung dạy học mà đề cương modun yêu cầu. Tuy nhiên, khi dạy học thực hành, vì lớp cũng đông HS nên GV khó có thể hổ trợ cho tất cả HS trong lớp vì thời gian không có nhiều. Mặt khác, khi hướng dẫn thao tác mẫu và hướng dẫn kỹ năng thực hành, GV cũng chỉ hướng dẫn toàn lớp để đảm bảo đủ thời gian cho chương trình thôi”.

Từ kết quả phỏng vấn và quan sát GV cho thấy, đa số các GV đều nhận thức được rằng trong dạy học nghề nghiệp với tính chất dạy học thực hành rèn luyện kỹ năng là chủ yếu thì các hình thức tổ chức dạy học nên phát huy là dạy học theo nhóm, dạy học cá nhân. Một số GV còn lựa chọn dạy học theo phiếu học tập, dạy học có sự trợ giúp của mô hình, vật thật sẽ giúp HS hiểu tốt nội dung bài học, phát huy được vai trò bản thân, biết phối hợp với người khác để hoàn thành công việc tốt hơn và thêm nữa là rèn luyện những năng lực cần thiết đáp ứng được công việc thực tiễn sau khi ra trường. Tuy nhiên, các hình thức dạy học này vẫn chưa được áp dụng để dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp. Lý giải cho điều này, phần lớn GV cho rằng thời gian dạy không đủ, tâm lý ngại đổi mới. Chủ yếu

GV ưu tiên tổ chức dạy tập trung cả lớp để HS cùng đạt một lượng kiến thức nhất định, nắm được những kỹ năng cơ bản của môn học và rèn luyện kỹ năng nghề qua thực hành. Đa số GV hiểu rằng áp dụng đa dạng các hình thức dạy học trong DHTH modun Thiết kế rập công nghiệp mang lại nhiều lợi ích tuy nhiên khi tổ chức mất rất nhiều thời gian và chỉ phù hợp với đối tượng HS có tâm thế sẵn sàng với việc học, muốn học và chịu hợp tác với GV kết hợp với trình độ của người

học. Vì vậy, mặc dù rất muốn tổ chức nhưng vì nhiều lý do khách quan nên vẫn chưa thực hiện được.

Như vậy, hình thức tổ chức dạy học được các GV sử dụng hiện nay để dạy học modun Thiết kế rập công nghiệp là hình thức toàn lớp. Các hình thức tổ chức lớp giúp HS trải nghiệm, tích cực chủ động xây dựng kiến thức, phát triển kỹ năng nghề nghiệp như dạy học theo nhóm, dạy học cá nhân vẫn chưa được phổ biến.

Chính vì vậy, khi học tập modun Thiết kế rập công nghiệp, HS không thấy hứng thú, khó phát triển được các kỹ năng, năng lực cần thiết cho bản thân, góp phần làm cho HS không phát huy tính độc lập, tích cực sáng tạo trong học tập, đây cũng là cơ sở để đề tài đề xuất tổ chức dạy học theo định hướng mới trong chương 3.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Dạy học tích hợp modun Thiết kế rập công nghiệp tại trường Cao đẳng Tiền Giang (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(276 trang)