Khái quát về các tập đoàn kinh tế nhà nước

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế Nghiên cứu trường hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Trang 67 - 73)

Chương 3: THỰC TRẠNG HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TẠI CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TẠI TẬP ĐOÀN

3.1. CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM

3.1.1. Khái quát về các tập đoàn kinh tế nhà nước

3.1.1.1. Lược sử hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước

Nhằm tạo động lực và tập trung lực lượng cho sự đột phá trong phát triển kinh tế, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 91/TTg, ngày 7/3/1994 về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các Tổng Công ty Nhà nước đã có. Tuy nhiên, các tổ chức kinh doanh của Nhà nước được hình thành trong giai đoạn này mới chỉ được gọi là các Tổng công ty 91 và chưa thể phát triển theo mô hình TĐKT. Nhận thức được những hạn chế về khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế cũng như trước thực tế bất cập của các tổng công ty, Chính phủ đã ban hành Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 và Nghị định 153/2004/NĐ-CP về tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước theo mô hình công ty mẹ - con. Trong thời gian này, hệ thống các văn bản pháp lý về TĐKT được bổ sung hoàn thiện dần. Như vậy, quá trình hình thành các TĐKTNN ở Việt Nam bắt đầu từ việc chuyển đổi, tổ chức lại các Tổng Công ty Nhà nước kéo dài trong suốt 20 năm mới trở nên rõ nét.

Trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2012, đã có 13 TĐKT được Thủ Chính phủ ký quyết định thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, một số tập đoàn như Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC); Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD); Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam sau thời gian thí điểm thành lập và hoạt động đã không hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nên đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình tổng công ty. Đến nay, theo thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 10 tập đoàn bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn

59

Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Bảo Việt và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Các TĐKTNN ở Việt Nam hoạt động theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số: 69/2014/QH13, ngày 26/11/2014), Luật Doanh nghiệp (Luật số 59/2020/QH14, ngày 7/6/2020), Nghị định 23/2022/NĐ-CP, ngày 5/4/2022 và các Nghị định khác quy định chi tiết về điều lệ tổ chức và hoạt động riêng.

3.1.1.2. Mô hình cơ cấu tổ chức của tập đoàn kinh tế nhà nước

Nguyên tắc quản lý, điều hành của các TĐKTNN hiện nay ở Việt Nam sẽ thực hiện theo các quy định riêng trong những Nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn (Ví dụ: Nghị định Nghị định 25/2016/NĐ-CP;

Nghị định 101/2014/NĐ-CP; Nghị định 28/2014/NĐ-CP…). Nhìn chung, mô hình tổ chức bộ máy của các TĐKTNN đều xây dựng dựa trên quản lý, điều hành “qua công ty mẹ (tổ chức hoạt động theo hình thức công ty mẹ - con) hoặc thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; thoả thuận, hợp tác, sử dụng dịch vụ chung trong toàn TĐKT, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường”. Trong đó, “công ty mẹ đại diện cho TĐKTNN thực hiện các hoạt động chung của tập đoàn trong quan hệ với bên thứ ba ở trong và ngoài nước hoặc các hoạt động khác theo thỏa thuận với DN thành viên và quy định của pháp luật có liên quan.

3.1.1.3. Lĩnh vực hoạt động và quy mô của các tập đoàn kinh tế nhà nước

1) Lĩnh vực hoạt động

Hiện nay, tất cả 10 TĐKTNN đều đang hoạt động chủ yếu trong các ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo mục tiêu, chiến lược phát triển của từng tập đoàn mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác khó có thể thực hiện được do hạn chế về năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm quản lý như năng lượng, điện lực, viễn thông. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện (Bảng 3.1).

60

Bảng 3.1. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của các tập đoàn kinh tế

nhà nước tại Việt Nam

TT Tên tập đoàn Lĩnh vực hoạt động chủ yếu

1 Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN)

Các hoạt động dầu từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí.

2 Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)

Sản xuất, điều độ, mua bán buôn điện năng, xuất nhập khẩu điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.

3 Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Đầu tư, xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, lọc - hóa dầu,

4 Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT)

Kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.

5 Tập đoàn hoá chất Việt Nam (Vinachem)

Sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác mỏ.

6 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)

Trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ cao su; Chế biến, sản phẩm các loại gỗ; Sản xuất sản phẩm công nghiệp từ nguyên liệu cao su; Đầu tư phát triển khu công nghiệp trên đất cao su; Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

7 Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

Phát triển công nghiệp than, khoáng sản như thăm dò, khai thác, chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu…

8 Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex)

Phát triển công nghiệp dệt may gồm nguyên phụ liệu, hoá chất và các sản phẩm dệt may.

9 Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)

Ngành dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin;

ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số.

10 Tập đoàn Bảo Việt Kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm, hoạt động

trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Nguồn: Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (2023)

61

2) Quy mô của các tập đoàn

Quy mô về vốn của các TĐKTNN hiện nay khá khác nhau, có những tập đoàn vốn rất lớn trong khi có tập đoàn vốn không lớn. Tập đoàn có vốn lớn như PVN và EVN với số vốn lần lượt là 281,5 và 221,3 nghìn tỷ đồng; tiếp đến là hai TĐKTNN phát triển ngành dịch vụ hiện đại là VNPT (72,2 nghìn tỷ đồng) và Viettel (160 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam quy mô vốn lại rất nhỏ là 6,05 nghìn tỷ. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam có số vốn chỉ là 13,7 nghìn tỷ hay Tập đoàn xăng dầu Việt Nam với số vốn là 12,9 nghìn tỷ đồng. Các TĐKTNN khác mức vốn ở khoảng hơn 40 nghìn tỷ đồng.

Bảng 3.2. Quy mô vốn và lao động của các TĐKTNN Việt Nam năm 2022

TT Tên tập đoàn

Quy mô vốn (nghìn tỷ đồng)

Quy mô lao động (người)

1 Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) 281,5 60.000

2 Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) 221,3 97.000

3 Tập đoàn xăng dầu Việt Nam

(Petrolimex) 12,9 18.623

4 Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN

(VNPT) 72,2 22.754

5 Tập đoàn hoá chất Việt Nam

(Vinachem) 13,7 19.000

6 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt

Nam (VRG) 51,94 85.000

7 Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam

(Vinacomin) 44,2 94.000

8 Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) 6,05 150.000

9 Tập đoàn Viễn thông quân đội

(Viettel) 160 50.000

10 Tập đoàn Bảo Việt 18,5

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, báo cáo thường niên năm 2022 của các TĐKTNN

62

Các TĐKTNN cũng là những DN giải quyết lượng công ăn việc làm lớn cho nền kinh tế. Nhiều nhất phải kể đến là Tập đoàn dệt may Việt Nam với hơn 150 nghìn người do đặc thù lĩnh vực kinh doanh chính. Các TĐKTNN trong lĩnh vực công nghiệp cũng sử dụng nhiều lao động như PVN, EVN, VRG, Vinacomin với quy mô khoảng 80 - 90 nghìn người. Những TĐKTNN trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao thì sử dụng ít lao động hơn như VNPT, Vinachem, Petrolimex chưa tới 20 nghìn người. Riêng Viettel có số lượng lao động lên tới hơn 50 nghìn người. Có thể thấy, các TĐKTNN ở Việt Nam chia thành nhóm ngành nghề khác nhau, đặc thù lĩnh vực hoạt động đã ảnh hưởng hình thành sự khác biệt về quy mô vốn và lao động (Bảng 3.2).

3.1.1.4. Kết quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước

Phần lớn các TĐKTNN ở Việt Nam có kết quả hoạt động với xu hướng tiếp tục mở rộng về doanh thu trong giai đoạn 2017-2022. Các TĐKTNN vẫn đóng vai trò là những “người dẫn đường” của nền kinh tế và có đóng góp quan trọng vào GDP cả nước cũng như tạo ra hàng triệu việc làm hay thực hiện các công việc điều tiết thị trường khác.

Có thể thấy, tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho đến nay luôn dẫn đầu toàn bộ khối DNNN. Năm 2021, doanh thu của Tập đoàn tại Công ty mẹ là 375,8 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận lên tới 33,3 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, khi đại dịch Covid được đẩy lùi thì doanh thu hợp nhất đã tăng lên là 931,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận gấp đôi 2021 lên 61,65 nghìn tỷ đồng. Đứng thứ hai về doanh thu là Tập đoàn điện lực Việt Nam với 330,2 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 456,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2022. Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam có doanh thu đứng thứ ba vào năm 2021 nhưng lại xếp thứ 5 vào năm 2022 sau sự tăng trưởng mạnh mẽ của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (doanh thu 300 nghìn tỷ năm 2022) và Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (doanh thu 165,9 nghìn tỷ năm 2022).

Các TĐKTNN khác có quy mô doanh thu khiêm tốn hơn nhưng vẫn đạt mức hàng tỷ USD, ngoại trừ Tập đoàn dệt may Việt Nam (với mức doanh thu có 1,3 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 1,896 nghìn tỷ năm 2022) – chưa thể đạt được đến ngưỡng thu kỳ vọng.

Năm 2021 là năm nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Đại dịch Covid-19 nhưng năm 2022 lại có nhiều biến chuyển tích cực. Chính vì thế, quy mô doanh thu năm 2022 có sự khác biệt rất lớn so với 2021. Tập đoàn dầu

63

khí Việt Nam đã có mức doanh thu tiệm cận 1 triệu tỷ đồng vào năm 2022 (nộp thuế chiếm tới 9,6% tổng thu ngân sách). Các Tập đoàn khác đều có sự tăng trưởng doanh thu như EVN (tăng 38,4%), Petrolimex (tăng 78%), Viettel (tăng 6,5%), Vinacomin (tăng 46,6%), Vinatex (tăng 45,8%), Vinachem (tăng 26,3%).

Tuy vậy, mức tăng của VNPT lại khá thấp, chỉ 3,4% so với 2021. Thậm chí VRG còn giảm 0,1%. Trong khi hầu hết các TĐKTNN đạt lợi nhuận sau thuế tăng vào năm 2022 thì riêng EVN báo lỗ tới 26,23 nghìn tỷ đồng (xem Bảng 3.3).

Bảng 3.3. Kết quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước

năm 2021 - 2022

Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

TT Tên tập đoàn

2021 2022

Doanh thu

Lợi nhuận sau thuế

Doanh thu

Lợi nhuận sau thuế

1 Tập đoàn dầu khí Việt Nam

(PVN) 375,8 61,65 931,2 61,65

2 Tập đoàn điện lực Việt Nam

(EVN) 330,2 5,8 456,97 - 26,23

3 Tập đoàn xăng dầu Việt Nam

(Petrolimex) 169 3,8 300 1,55

4 Tập đoàn Bưu chính viễn thông

VN (VNPT) 53,4 5,05 55,209 6,629

5 Tập đoàn hoá chất Việt Nam

(Vinachem) 49,3 3,5 62,26 6,023

6 Tập đoàn Công nghiệp Cao su

Việt Nam (VRG) 28,35 5,3 28,308 4,75

7 Tập đoàn than khoáng sản Việt

Nam (Vinacomin) 113,2 4,5 165,9 8,1

8 Tập đoàn dệt may Việt Nam

(Vinatex) 1,3 0,31 1,896 0,15

9 Tập đoàn Viễn thông quân đội

(Viettel) 153,8 30,07 163,8 32,32

10 Tập đoàn Bảo Việt 50,4 2 54,459 2,6

Nguồn: Tác giả tập hợp từ báo cáo tài chính, báo cáo thường niên năm 2021 và 2022 của các TĐKTNN tại Việt Nam

64

3.1.1.5. Cơ quan chủ quản các tập đoàn kinh tế nhà nước

Trước năm 2018, các Bộ, ngành là cơ quan chủ quản của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Với hình thức này, chức năng quản lý nhà nước có sự trùng lắp với chức năng chủ sở hữu dẫn đến thiếu tính minh bạch trong quan lý, chưa thực sự phù hợp với xu hướng của hội nhập quốc tế. Do đó, để phù hợp với các yêu cầu của hội nhập quốc tế, đồng thời tách bạch chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu, năm 2018, Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3 tháng 2 năm 2018).

Kể từ đây, các TĐKTNN có cùng chung cơ quan chủ quản, cơ quan đại diện chủ sở hữu đó là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Như vậy, các TĐKTNN trước đây trực thuộc sự quản lý của các Bộ, ngành được chuyển về trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước. Có 7 TĐKTNN là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được chuyển giao vốn về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Ngay sau khi Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời, các TĐKTNN thực hiện chuyển giao vốn nhà nước đầu tư và có phương án cơ cấu lại DN.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm nhiệm hai nhóm nhiệm vụ và quyền hạn chính: Một là, với tư cách một cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban trực tiếp quản lý hoạt động của các TĐKTNN;… Hai là, với tư cách một cơ quan đại diện chủ sở hữu. Ủy ban quy định và điều chỉnh vốn điều lệ của DN, sửa đổi, ban hành điều lệ DN, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển…theo quy định của pháp luật,… Như vậy, Ủy ban chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan đại diện chủ sở hữu, còn các bộ quản lý ngành tiếp tục chủ trì các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với DN theo ngành, lĩnh vực được phân công.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế Nghiên cứu trường hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)