Ngôn ngữ kể chuyện

Một phần của tài liệu luận văn nghệ thuật kể chuyện trong phim rừng nauy của trần anh hùng và tiểu thuyết cùng tên của haruki murak (Trang 121 - 133)

D. Sau khi Naoko chết

1.Ngôn ngữ kể chuyện

Nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ trần thuật là một trong những đặc trưng không thể thiếu. Đối với văn học và điện ảnh, đó ngôn ngữ chính là phương thức để thể hiện thái độ, tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn, nhà biên kịch với hiện tượng được miêu tả. Phim Rừng Nauy của Trần Anh Hùng với tiết tấu chậm kể về một câu chuyện buồn nhưng đẹp bằng giọng điệu chủ quan của người kể chuyển xưng “tôi”.

Trong phim Rừng Nauy có ba ngôn ngữ trần thuật đó là ngôn ngữ dẫn chuyện của người kể chuyện xưng “tôi”, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ của nhân vật qua thư. Ba dạng ngôn ngữ này đan xen vào nhau, hỗ trợ cho nhau nhằm thể hiện câu chuyện một cách toàn diện nhất.

Tiểu thuyết Rừng Nauy là câu chuyện của những dòng ý thức, dòng hồi ức đan xen giữa thực và mơ khiến câu chuyện bàng bạc trở nên huyền ảo. Tác phẩm là lời bộc bạch những tâm trạng của nhân vật, cách nhìn của nhân vật với mọi thứ xung quanh anh. Để chuyển thể tiểu thuyết lên màn ảnh, Trần Anh Hùng đã viện tới lời dẫn chuyện của nhân vật xưng tôi. Việc sử dụng lời dẫn chuyện trên phim vừa là cách đưa khán giả đi sâu vào khám phá câu chuyện,

vừa là cách đạo diễn làm rõ hơn nữa những hình ảnh sinh động trên phim. Với bất cứ một đạo diễn nào đảm nhiệm vai trò chuyển thể Rừng Nauy cũng sẽ sử dụng cách này. Lời dẫn chuyện trong phim Rừng Nauy mang một giọng điệu chủ quan của người kể chuyện và được đan xen trong phim rất hợp lý.

Một ngôn ngữ không thể thiếu trong bất kỳ bộ phim nào (ngoại trừ phim câm) dù ít hay nhiều là ngôn ngữ đối thoại. Cũng giống với các bộ phim trước của đạo diễn Trần Anh Hùng, phim Rừng Nauy sử dụng hạn chế lời đối thoại, những lời thoại không thừa không thiếu, cô đọng và hàm súc trong chính những chủ đề của câu chuyện. Đạo diễn đã lược bỏ, cải biên đi khá nhiều những lời đối thoại. Bởi phim của Trần Anh Hùng mang đậm tính thị giác của hình ảnh nên ngôn ngữ hình ảnh đã thể hiện được khá nhiều điều mà ngôn ngữ không thể diễn đạt. Đó là những đối thoại giữa các nhân vật. Thông qua những ngôn ngữ đối thoại giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính cách cũng như quan điểm của các nhân vật đó. Lời đối thoại trong phim có khi được sử dụng chính những lời nói có trong tiểu thuyết như của Naoko “Mình gọi cậu thứ bảy tới được chứ?”, “Sau tuổi mười tám là tuổi mười chín, và sau mười chín lại đến mười tám”, “cậu thật may mắn! Vẫn mười chín tuổi”. Lời thoại của Midori “Cậu có phải là Toru Watanabe không?” “Mình là Midori" trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Toru. Có khi đó là nhưng lời thoại đã được cải biên cho phù hợp với phim.

Một ngôn ngữ được sử dụng trong phim và trong tiểu thuyết đó là ngôn ngữ của những bức thư. Thư là hình thức trao đổi thông tin với nhau giữa các nhân vật. Viết thư là hình thức đặc biệt mà Haruki Murakami lựa chọn để giải toả cho nhân vật của mình. Trong tiểu thuyết có mười bức thư của các nhân vật gửi cho nhau. Thế giới trong bức thư làm nên một phần cho câu chuyện. Khi nhân vật bế tắc không thể diễn đạt trực tiếp bằng lời, họ đã mượn ngôn ngữ viết để giãi bày. Qua thư, các nhân vật hiểu nhau hơn những suy nghĩ của nhau. Mỗi lá thư là một câu chuyện. Có những bức thư lên đến mười trang, nhiều khi là sự thuật lại những câu chuyện, kể về những vấn đề, những mối quan hệ trong cuộc sống của các nhân vật. Những lá thư đã kéo các nhân vật của Murakami gần nhau

hơn, làm nên những dấu mốc trong cuộc đời họ. Khi chuyển thể lên phim, do hạn chế thời gian trình chiếu cũng những bức thư đó được nêu lên trên phim chỉ là những câu nói mô tả tâm trạng, những lời nói ngắn gọn nhưng súc tích, bao quát được nội dung. Thay cho những lời văn mô tả cảm xúc trong thư, đạo diễn Trần Anh Hùng đã xen kẽ trong việc xuất hiện những bức thư là những hình ảnh sinh động trên màn hình để cụ thể hoá hơn nữa câu chuyện.

Có thể thấy, ba ngôn ngữ kể chuyện trong phim Rừng Nauy đã được đạo diễn khai thác đầy đủ ở các khía cạnh góp phần tạo nên một cách cảm nhận câu chuyện Rừng Nauy trên màn ảnh. Đó chính là khả năng của Trần Anh Hùng trong việc kể chuyện bằng những hình ảnh thị giác.

Tuy nhiên, với phong cách làm phim “kể chuyện không hướng nhiều đến nội dung mà hướng nhiều đến cảm giác” đã hình thành nên trong phim của Trần Anh Hùng một hình thức đối thoại mới. Đó là sự đối thoại thông qua ánh mắt, cử chỉ, hành động,… mà không cần phải phát ngôn nhưng các nhân vật cũng như người xem ngầm hiểu được vấn đề tạo nên những đối thoại mang tính cảm giác. Vì vậy khi xem phim Rừng Nauy khán giả không thể nhắm mắt mà hiểu được như các bộ phim lời thoại chiếm ưu thế mà chúng ta phải dùng con mắt và tâm hồn để cảm nhận câu chuyện được kể trong đó.

Xây dựng phim với những tiết tấu chậm, trầm lắng và đầy suy tư là một đặc điểm trong phong cách làm phim của Trần Anh Hùng. Xem phim của anh, khán giả luôn tìm cho mình một khoảng lặng để ở đó chiêm nghiệm về cuộc sống của chính bản thân mình với những cái đã qua. Điều đó lý giải vì sao đạo diễn lại nói “Đừng hỏi tôi nhiều sau khi bộ phim này kết thúc, bạn hãy gọi ngay cho người mình yêu và nếu ai chưa có người yêu thì hãy yêu ngay khi còn có thể” [ http://vtv.vn/Article/Get/Cam-nhan-Rung-Na-Uy-cb3f7630fd.html ] về bộ phim Rừng Nauy. Đạo diễn muốn người xem phải tự mình khám phá câu chuyện bằng chính những giác quan, bằng chính ngôn ngữ cơ thể của mình.

Tuy nhiên, điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp với đặc trưng ngôn ngữ thể hiện là ngôn ngữ của hình ảnh nên hình ảnh trong phim bên cạnh việc cung

cấp thông tin còn gợi cho mỗi người một trường liên tưởng. Trong trường liên tưởng đó, khán giả có thể tự cảm thấy những trạng thái tâm lý, tình cảm mà nhà làm phim muốn diễn đạt. Dàn cảnh của Trần Anh Hùng luôn là những khuôn hình mang tính thị giác với sự kết hợp của các yếu tố bối cảnh, ánh sáng, phục trang, chất lượng diễn xuất của diễn viên cùng một số hình ảnh và nhân vật khác trong một cảnh quay. Dàn cảnh của Rừng Nauy luôn tạo ra sự tương phản về ánh sáng, cùng bố cục của không gian mất cân bằng. Trần Anh Hùng đặc biệt chú ý đến ánh sáng trong mỗi cảnh quay như một công cụ tác động đến tâm lý nhân vật cùng các tầng ý nghĩa của bộ phim. Ánh sáng đã tạo nên những màu sắc trong phim, và cùng màu sắc đó nó tham gia kể câu chuyện với những quyền năng riêng. Ánh sáng sử dụng có thể được lấy từ nguồn tự nhiên cũng có thể là nhân tạo nhưng tựu chung đều mang đến cho người xem những ngầm hiểu về ý nghĩa ẩn dụ trong mỗi cảnh phim. Trong mỗi cảnh đó, phục trang của nhân vật cho chúng ta biết về nhân vật đó là người như thế nào, tính cách và đời sống nội tâm của nhân vật.

Như phân tích ở trên, nhân vật trong tiểu thuyết Rừng Nauy là những con người méo mó trong tâm hồn đang cố gắng đi tìm bản ngã cá nhân của mình trong chính xã hội đầy biến đổi. Mỗi cảnh quay là sự dàn dựng đầy dụng ý thể hiện những biến chuyển trong tâm lý của các nhân vật. Trong các khuôn hình của ông là sự tương phản tương đối rõ nét giữa động và tĩnh, tương phản của ánh sáng, hay sự tương phản giữa những chuyển động của nhân vật với không gian bối cảnh.

Ánh sáng được xem là một yếu tố đặc trưng trong dàn cảnh “nó cho phép nhà làm phim điều khiển sự chú ý của người xem theo cách nào đó hoặc tạo ra một bầu không khí nào đó” [25; 124]. Trong bộ phim, ánh sáng luôn được đặt trong sự tương phản với bóng tối. Trần Anh Hùng sử dụng ánh sáng của nến, của đèn trong sự phản chiếu trực tiếp lên khuôn mặt đối lập với bóng tối bao trùm xung quanh tạo nên một điểm nhấn vào những trải nghiệm của nhân vật. Đó là những con người có tâm hồn méo mó, dị biệt đang cô lập mình với thế

giới xung quanh. Ánh nến trong đêm sinh nhật Naoko, ánh nến bao trùm ba con người Naoko, Reiko, Toru cùng giai điệu nhẹ nhàng của Rừng Nauy là sự nhấn

mạnh vào chính nội tâm còn phức tạp, đầy huyền ảo của nội tâm con người. Ánh đèn trong những đêm đọc sách, ánh đèn khi Toru và Naoko viết thư cho nhau hay khi Toru đang bóc tách vết thương của mình, ánh đèn trong đêm huyền ảo Toru đối thoại ngầm với Kizuki,… đều là những ánh sáng trong một tụ điểm không đủ mạnh để phát quang ra toàn bộ bóng tối bao trùm, xua tan đi những mảng u tối trong cõi lòng của nhân vật. Bên cạnh đó, ánh sáng được sử dụng như sự tương phản với chính tâm trạng của nhân vật. Sau đêm làm tình với Toru, ánh sáng tràn vào nhà qua những khung cửa sổ trong khi Naoko nhắm mắt giam mình trong màn đêm đen của cõi lòng. Đặc biệt, ánh sáng còn tạo nên sự đối lập trong không gian của Naoko và Midori đã biểu hiện tính cách của con người. Với Naoko ánh sáng dường như không được thể hiện trong sự đồng hiện với nhân vật mà luôn ở thế đối lập. Nhân vật xuất hiện trong khuôn hình ngược sáng, máy quay lúc này quay những cảnh quay ngược sáng là cách thể hiện đời sống nội tâm của Naoko đầy u uất chưa thể giải toả, cô chưa sẵn sàng hoà nhập vào cuộc sống. Đối lập với các cảnh quay ngược sáng, khuôn hình xuất hiện của Midori luôn trong khung cảnh tươi mát và rực sáng.

Sự đối lập động và tĩnh còn được thể hiện trong bố cục khung hình mất cân bằng. Có thể nhận thấy, Trần Anh Hùng luôn tạo ra những bức tranh toàn cảnh rộng lớn. Không gian càng mở rộng, con người càng nhỏ bé, những chuyển động trong đó dần dần chìm sâu trong sự tĩnh lặng. Trong những khung hình đó con người luôn hiện lên ở một góc nhỏ tạo nên một thế chênh vênh, mất cân bằng hay đó chính là sự chơi vơi mất cân bằng trong lòng nhân vật. Trong khung cảnh của dòng thác chảy giữa núi rừng Toru hiện lên trong những suy tư về bức thư của Naoko. Nhân vật im lặng trong dòng suy tưởng của mình trong khi thác nước đang kêu lên những âm thanh của dòng nước đổ, con người bé nhỏ giữa cái bao la của thiên nhiên tạo nên sự cô đơn. Đó còn là một khung cảnh một cánh đồng màu xanh đang chuyển động như một làn sóng hay trong

cánh đồng tuyết ngập tràn màu trắng hiện lên hai con người nhỏ bé ở một góc nhỏ của khuôn hình. Trong những cảnh toàn này, đạo diễn đã vận dụng thành công sự di chuyển của máy quay tạo nên những thước phim có độ zoom êm mượt, nhẹ nhàng từ rộng đến hẹp hoặc ngược lại. Tất cả đã tạo nên một dấu ấn sâu đậm trong những thước phim về độ sâu của hình ảnh. Trần Anh Hùng khi mô tả nỗi đau của Toru trước sự ra đi của Naoko cũng đặt nhân vật của mình trong thế đối lập với không gian của biển với những con sóng đang cuộn trào đã tạo nên một cảm giác cô đơn, mất phương hướng. Nhân vật trong phim dù xuất hiện ở những khung hình nào đều được xây dựng trong bố cục lệch. Hình ảnh đôi chân của Naoko khi chọn cách kết thúc cuộc đời mình bằng cách tự tử được sắp xếp ở góc trái màn hình.

Mỗi một tác phẩm văn học được hình thành trên sự sắp xếp các tình tiết, sự kiện, biến cố trong bối cảnh không gian thời gian dưới hình thức của ngôn từ. Nhưng với tác phẩm điện ảnh, sau sự dàn dựng của các cảnh quay nhà đạo diễn phải bắt tay vào dựng phim. Dựng phim là “sự gắn kết giữa hai đoạn phim (hai cảnh quay khác nhau)” [25; 144]. Phụ thuộc vào mục đích xây dựng phim mà mỗi nhà đạo diễn sẽ có cách dựng khác nhau. Có thể nói, dựng phim là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật kể chuyện của điện ảnh.

Tiểu thuyết Rừng Nauy được kể trong sự đan xen giữa thực và hư, giữa quá khứ và hiện tại đảo lộn xoay chiều trong dòng ý thức của người kể chuyện. Độc giả say đắm đi vào mê cung của câu chuyện kể đó. Nhưng đến với phim Rừng Nauy, đạo diễn Trần Anh Hùng đã vận dụng tất cả những kỹ năng điện ảnh để

xây dựng lên một câu chuyện trong hành trình đi tìm hạnh phúc của bản thân trong tình dục và tình yêu. Với mục đích đó, những cảnh quay ngắn, cắt cảnh đột ngột đan xen tưởng chừng gây rối khuôn hình nhưng đó lại chính là sự sắp xếp đầy dụng ý của đạo diễn. Người xem không khỏi bỡ ngỡ khi hình ảnh Toru đứng tựa lưng vào bức tường trong bể bơi sau cảnh quay thăm Naoko trở về đan xen với những cảnh quay ngắn giữa anh và Naoko và cuối cùng là khung cảnh gặp gỡ với Midori. Đây là một cách sắp xếp mang ý nghĩa về những nỗi lòng

của Toru khi anh đứng giữa hai người con gái một Naoko với những kí ức gợi về quá khứ đẹp còn Midori là hiện tại đang tồn tại trong cuộc sống. Hay cách sắp xếp các tình tiết, khung cảnh sau khi Naoko đã chết. Sự ra đi của Naoko để lại trong Toru một vết thương quá lớn. Mọi kỉ niệm dường như vẫn của ngày hôm qua, hơi ấm của cơ thể Naoko vẫn hiện hình một cách rõ nét trong Toru. Đan xen các khung hình mô tả sự đau đớn tột cùng của Toru là hình ảnh của những phút giây Toru có khi ở bên Naoko. Sau tất cả những mất mát thương đau, Toru cùng Naoko và Reiko trở về hoà nhập với cuộc sống trong khung hình dựng ở cuối phim. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã tạo cho kết thúc của mình một kết thúc mở như tiểu thuyết nhưng kết thúc mở này đã thể hiện được cách nhìn của chính đạo diễn trong khát khao muốn hoà nhập với cuộc đời của các nhân vật.

Đóng góp lớn trong việc kể câu chuyện trên màn ảnh không thể kể đến âm thanh. Âm thanh là những tiếng động tự nhiên hoặc nhân tạo, là âm nhạc được sử dụng trên phim “quyết định việc chúng ta tiếp nhận và diễn giải hình ảnh như thế nào” [3; 420]. Việc tạo ra đường âm thanh cũng như dựng đường dây hình ảnh, nhà làm phim phải chọn những âm thanh phù hợp với câu chuyện cũng như tâm trạng nhân vật. Giới thuyết về tác phẩm điện ảnh thứ 5 này của mình, đạo diễn Trần Anh Hùng đã nói rằng: “Phim có những hình ảnh giàu cảm xúc. Từng bước đi của các nhân vật, tiếng gió thổi, âm nhạc và nhiều yếu tố khác đã tạo những căng thẳng kịch tính trong Rừng Nauy” [http://laodong.com.vn/Tin- Tuc/Rung-Nauy-va-giac-mo-Su-tu-vang/12171 ]. Đạo diễn Trần Anh Hùng đặc biệt chú ý đến âm thanh trong việc xây dựng phim, anh không chỉ cầu kỳ trong việc dựng lên các chi tiết giàu tính ẩn dụ, đạo diễn còn rất chú trọng trong việc tạo ra những âm thanh chân thực cho bộ phim.

Cuộc sống trong phim Rừng Nauy ít tạp âm. Cuộc sống lắng đọng. Những âm thanh chân thực, gần gũi, đó là tiếng mưa rơi, tiếng bàn tay Toru miết trên thành lan can, tiếng con cá đang quẫy đạp trong một hồ nước tù đọng, tiếng gió thổi ào ạt trên đồng cỏ, tiếng bước chân, tiếng đồ đạc va vào nhau,

tiếng bàn chân chạy trên cầu thang, tiếng sóng vỗ tan tác… Tất cả đều chân thật

Một phần của tài liệu luận văn nghệ thuật kể chuyện trong phim rừng nauy của trần anh hùng và tiểu thuyết cùng tên của haruki murak (Trang 121 - 133)