2. Cơ sở thực tiễn.
CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU 1 Cốt truyện.
Cốt truyện trong phim chuyển thể.
Nhắc đến văn bản tự sự không thể không nhắc đến cốt truyện. Và trong điện ảnh cũng vậy, cốt truyện là yêú tố làm lên thành công cho một bộ phim. Như đã nói ở trên, chất liệu cơ bản tạo nên cốt truyện trong văn bản tự sự là các sự kiện, các biến cố, các tình tiết, chi tiết hiện diện ngay trên từng trang văn bản. Nhưng trong điện ảnh, cốt truyện không chỉ là những sự kiện của câu chuyện mà còn là những tư liệu nằm ngoài thế giới câu chuyện. Các nhà làm phim, khi tiếp thu cốt truyện từ các tác phẩm văn học phải hiểu rõ nét đặc trưng này của điện ảnh để có sự lựa chọn phù hợp cho ý tưởng của mình khi dựng thành phim, đưa câu chuyện lên màn ảnh.
Xét trên phương diện kết cấu và quy mô nội dung ta có thể chia cốt truyện trong tác phẩm tự sự ra làm hai loại: cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến. Nhưng với cốt truyện của tác phẩm điện ảnh ta phải chia ra đường dây chính và đường dây phụ.
Đường dây chính nói ở đây, không phải là quá trình của một sự việc nào đó được diễn tả trong truyện phim mà là quan hệ và mâu thuẫn giữa nhân vật và nhân vật trong truyện phim. Đường dây chính phần lớn được xây dựng dựa trên hành động của nhân vật trung tâm và các động lực thúc đẩy hành động phim tiến lên, phát triển lên cao trào, làm bật lên tư tưởng.
Đường dây phụ cũng là quan hệ và mâu thuẫn giữa nhân vật và nhân vật trong phim cùng phát triển song song với đường dây chính, bổ sung cho đường dây chính trong việc làm nổi bật tư tưởng. “Những đường dây phụ này phải có con đường phát triển riêng, có mục đích và màu sắc riêng, nhưng quan trọng hơn là sự tồn tại của những đường dây phụ này phải là để tô đậm và làm nổi bật đường dây chính, trong quá trình phát triển kịch tính, phải luôn chú ý những đường dây phụ này không được cắt đứt đường dây chính, không được phân tán và xóa mất đường dây chính” [21; 17].
Mỗi bộ phim có thể có nhiều đường dây phụ xung quanh đường dây chính tuỳ thuộc vào mục đích truyền tải của bộ phim. Do đặc trưng riêng của loại hình
điện ảnh, trong phim chuyển thể, nhà làm phim phải cẩn thận trong việc lựa chọn trong cốt truyện tác phẩm văn học chọn một đường dây chính trung tâm và đường dây phụ xung quanh. Các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn học sẽ được nhà làm phim lựa chọn thật kỹ lưỡng sao cho phù hợp với tư tưởng chuyển thể. Các chi tiết có thể được lược bỏ hay bổ sung thêm nhưng tất cả đều nhằm chuyển tải nội dung tư tưởng của tác phẩm văn học lên màn ảnh. Đó là lý do vì sao mà phim chuyển thể dù có bám sát nguyên tác cũng không thể giữ lại nguyên dạng cốt truyện ban đầu.
Trong phim truyện điện ảnh, với những nỗ lực cải biên tác phẩm nhà đạo diễn đã tạo cho câu chuyện được thể hiện trong một môi trường mới. Đó không phải là những câu văn trên trang giấy mà là những hình ảnh chuyển động trên màn ảnh. Cốt truyện phim được tạo nên nhờ sự lắp ráp của các hình ảnh, các cảnh, các trường đoạn. “Cảnh” là một đoạn phim quay từ lúc mở máy đến khi tắt máy quay phim, cảnh là toàn thể những hình ảnh được khuôn hình theo cùng một cách (Benac). Đó là “một hình ảnh đơn lẻ mà bạn nhìn thấy trên màn ảnh trước khi bộ phim cắt để chuyển sang hình ảnh khác”, ở đó “chứa rất nhiều hoạt động hay chuyển động và khuôn hình chứa hình ảnh thậm chí có thể di chuyển được” [25; 130]. Còn “trường đoạn” (sequence) lại là tính thống nhất hành động “khi những cảnh quay này mô tả nhiều hành động hơn, ở nhiều thời điểm và địa điểm hơn thì tập hợp những cảnh quay (shot) hoặc cảnh phim (scene) thống nhất và gắn kết nhau” [25; 146]. Trong mỗi cảnh, mỗi trường đoạn đó được dựng lên nhằm thể hiện một ý đồ, sự kiện, hành động,... trong hệ thống câu chuyện phim. Đặc biệt, trong phim chuyển thể nó là sự thể hiện cho một đoạn miêu tả hoặc hành động đã được diễn tả trong tác phẩm văn học. Vì vậy để nhận biết được cốt truyện trong phim khi chuyển thể đã giữ lại, cải biên hay bổ sung chi tiết nào cần phải theo dõi từng cảnh, từng sự kiện.
Từ cốt truyện tiểu thuyết Rừng Nauy đến cốt truyện phim Rừng Nauy.
Bộ phim Rừng Nauy (Noweigian Wood) của đạo diễn Trần Anh Hùng được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Haruki Murakami. Đây là một
bộ phim chuyển thể khá sát với nguyên tác từ cấu tứ câu chuyện, tình tiết, diễn biến tính cách của các nhân vật cùng những ý đồ tư tưởng trong tiểu thuyết. Nhưng cũng giống như các bộ phim chuyển thể khác, Rừng Nauy khi được công chiếu đã nằm trong sự đối chiếu so sánh với tiểu thuyết. Những khán giả đã từng đọc tiểu thuyết đều không tránh khỏi điều đó, dù muốn hay không. Họ muốn biết những tư tưởng của câu chuyện khi lên màn ảnh hiện lên như thế nào? Và trong đó, yếu tố cốt truyện là một trong những yếu tố đầu tiên được đem ra so sánh, đối chiếu. Hơn nữa, đây lại là một tiểu thuyết nổi tiếng, cuốn sách gối đầu giường của các bạn trẻ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Đó là cuốn sách đã chia sẻ những thương tổn với các bạn trẻ trên thế giới. Vậy, với trên 500 trang truyện, đạo diễn Trần Anh Hùng đã làm thế nào dựng lên thành một bộ phim điện ảnh hơn hai tiếng đồng hồ nhưng lại rất thành công mặc dù không ít lời phê bình. Để giải thích được, chúng ta cần phải lập một bảng so sánh giữa sơ đồ cốt truyện cho tiểu thuyết Rừng Nauy của nhà văn Haruki Murakami và phân đoạn cốt truyện đối với phim Rừng Nauy của đạo diễn Trần Anh Hùng. Để qua đó nhận ra đạo diễn đã vận dụng, lược bỏ và bổ sung những chi tiết, sự kiện, hình ảnh,…nào để làm nên một bộ phim hoàn chỉnh không chỉ nội dung mà cả hình thức thể hiện:
Sơ đồ cốt truyện tiểu thuyết “Rừng Nauy”
Phân đoạn cốt truyện phim “Rừng Nauy”