Nhân vật Naoko

Một phần của tài liệu luận văn nghệ thuật kể chuyện trong phim rừng nauy của trần anh hùng và tiểu thuyết cùng tên của haruki murak (Trang 89 - 94)

D. Sau khi Naoko chết

2.2.2Nhân vật Naoko

E. Danh sách diễn viên, đạo diễn ở cuối phim.

2.2.2Nhân vật Naoko

Cũng như Toru Watanabe, Naoko là một nhân vật có tâm hồn méo mó, một đại diện tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Nhật Bản của những năm 60 của thế kỷ trước. Naoko trong tiểu thuyết Rừng Nauy của Haruki Murakami hiện lên với những tâm trạng phức tạp, một tâm hồn luôn chìm trong những cơn điên mê muội. Hiện lên trên trang sách, Naoko không phải là nhân vật gây ồn ào bằng những lời thoại nhưng lại để trong lòng người đọc bởi những thanh âm trầm buồn. Đây là một vai diễn khó, đầy thách thức với bất kỳ một diễn viên nào đảm nhiệm khi chuyển thể tác phẩm Rừng Nauy lên màn ảnh. Vai diễn này đã được trao cho nữ diễn viên Nhật đã từng góp mặt trong tác phẩm đoạt giải Oscar – Babel- Rinko Kikuchi. “Đạo diễn Trần Anh Hùng thực sự hài lòng với sự lựa chọn của mình. Anh tâm sự rằng không mất đến ba giây để đưa ra quết định sau khi xem cuộn băng diễn xuất của Kikuchi” [49].

Naoko là một cô gái có những xúc cảm mong manh, chới với giữa quá khứ và thực tại, giữa Kizuki và Toru, giữa hồi tưởng đau thương của quá khứ và khát vọng bấu víu vào thực tại. Đây là một tâm hồn có quá nhiều nỗi đau. Cũng như Toru, Naoko đã từng có những tháng ngày vui vẻ bên cạnh người yêu thời trung học, Kizuki. Mối quan hệ giữa Naoko và Kizuki thân thiết với nhau tới mức giữa họ “có một không khí cởi mở rất thoải mái và họ thấy chẳng cần phải được ở bên nhau một mình” [9; 59]. Naoko yêu Kizuki, một tình yêu trong sáng. Với cô, Kizuki là tất cả, mọi thứ xung quanh dường như vô nghĩa. Cô chia sẻ với Kizuki tất cả những khúc mắc mà mình gặp phải. Trong lần chia sẻ về mối quan hệ giữa cô và Kizuki với Toru, cô nói “lần đầu thấy kinh, mình đã chạy ù đến chỗ cậu ấy và khóc như một đứa bé con” [9; 219]. Khi Kizuki chết, trái tim cũng như tình yêu trong Naoko cũng chết theo. Kizuki chết để lại trong cô là một lỗ hổng của tâm hồn. Cũng như Toru, cô muốn chốn chạy quá khứ,

muốn đến một nơi xa lại không quen biết ai để bắt đầu một cuộc sống mới “Khi thấy phòng nàng ở, tôi nhận ra rằng cũng như tôi, nàng muốn đi đại học để bắt đầu một cuộc sống mới, thật xa những người mà nàng biết” [9; 67].

Naoko gần như mất thăng bằng giữa cuộc đời. Naoko rời Kobe lên Tokyo mang theo bên mình là hành trang của những nỗi đau. Ở nơi đó, một mình cô chống trọi với tất cả những sóng gió cuộc đời. Trong tiểu thuyết, Naoko được mô tả bằng những kí ức ghép nối của Toru từ ngoại hình đến đời sống nội tâm. Những biến động trong nội tâm của Naoko có thể được thông qua chính những cảm nhận của Toru, cũng có khi qua những trang thư được viết bởi Reiko. Ngòi bút của Haruki Murakami đã khắc sâu được tất cả mọi ngóc ngách trong cõi sâu tâm hồn cô.

Naoko bước từ trang sách của Haruki Murakami vào những khuôn hình của đạo diễn Trần Anh Hùng là một Naoko hiện lên với đầy đủ vẻ đẹp của hình thể cũng như đời sống nội tâm. Xuất hiện trước những khuôn hình, Naoko luôn hiện lên với đôi mắt trong veo, trống rỗng bên cạnh sự góp mặt đắc lực của không gian thiên nhiên. Khác với Naoko của tiểu thuyết xuất hiện trong những dòng hồi ức của Toru Watanabe gắn với cái “giếng đồng” như “một dấu hiệu chỉ tồn tại trong con người Naoko”. Naoko của Trần Anh Hùng xuất hiện ngay từ khung hình đầu tiên của bộ phim trong cuộc vui thời trung học với tiếng cười hồn nhiên, ánh mắt của niềm hạnh phúc bên người yêu và Naoko đó biến mất theo cái chết của người yêu, Kizuki.

Có thể nói, Rinko Kikuchi được sinh ra để trở thành Naoko trong lòng bạn đọc cũng như khán giả hâm mộ câu chuyện Rừng Nauy. Cô đã diễn quá đạt đến mức không thể hơn nội tâm sâu thẳm của Naoko. Từ khuôn mặt trong lần đầu gặp gỡ Toru ở công viên đến khuôn mặt thất thần khi nhận ra mình ở một nơi xa lạ, từ ánh mắt rưng rưng lệ trong đêm sinh nhật tròn hai mươi tuổi đến ánh mắt cô nhìn Toru trong lần anh đến khu nhà nghỉ Ami thăm cô hay cách cô diễn đạt những bước ngoặt tâm lý của Naoko… Tất cả đã làm lên một Naoko trọn vẹn với một tâm hồn hoang mang. Anh Hùng luôn biết khai thác tối đa sức

biểu cảm từ đôi mắt của diễn viên làm ngôn ngữ diễn đạt đời sống nội tâm của nhân vật.

Cuộc gặp gỡ với Toru và những cuộc bộ hành của cô cùng anh trong những ngày ở Tokyo như một điều dĩ nhiên để xoa dịu vết thương lòng của cả hai. Ngày hôm đó, Naoko đã cùng Toru đi dạo dưới màu xanh của thiên nhiên. Đây là một ẩn dụ mà Trần Anh Hùng đã dựng lên thay cho hành trình đi qua các con phố Tokyo trong tiểu thuyết của Murakami. Trần Anh Hùng đã để cho đôi bạn trẻ cùng đi dưới ánh nắng của buổi sớm mai trong cánh rừng xanh mướt, bạt ngàn. Hình ảnh những cánh rừng xanh mướt được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong phim. Dường như màu xanh là màu gắn liền với Naoko. Đây là màu sắc biểu trưng cho tuổi trẻ, cho thời kỳ tươi sắc nhất của những thanh niên tuổi ngoài hai mươi. Hình ảnh Naoko và Toru cứ đi mãi xuyên qua cánh rừng tươi xanh rợn ngợp không biết đi đâu về đâu. Đó là tiếng than u uất cho cả một thế hệ thanh niên thời đó. Đôi bạn trẻ đi qua rừng thẳm cô đơn và lạc lối là sự đi qua tuổi thanh xuân sầu bi, lạc lối.

Những mảnh vỡ tâm hồn trong con người Naoko không chỉ bởi những mất mát mà Kizuki mang đến, đó còn do chính bi kịch của tình dục mang lại. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã từng chia sẻ, bi kịch của những thanh niên trong

Rừng Nauy là bi kịch của tình dục. Toru tìm đến tình dục để lấp đầy lỗ hổng

trong con người mình nhưng lại không thể vì sau những lần qua đêm với các cô gái anh cảm thấy đó là một việc làm vô nghĩa. Bi kịch của Naoko là không thể quan hệ với Kizuki mặc dù đã cố rất nhiều lần nhưng “hai đứa mình không thể làm được chuyện đó” mặc dù cô yêu Kizuki, cô sẵn sàng cho anh tất cả mà không sợ mất trinh. Nhưng Naoko lại có thể làm được điều đó với Toru. Với Kizuki cô “không thể nào ướt được”, “không bao giờ mở được mình” nhưng lại ướt ngay khi Toru bước vào phòng trong đêm sinh nhật tròn hai mươi tuổi của mình. Đó là bi kịch lớn đối với cô, bi kịch khiến cô không thể vượt qua được nỗi đau. Cô thực sự yêu Kizuki, nhưng cô lại không thể quan hệ được với Kizuki. Câu hỏi của Toru về việc tại sao cô chưa bao giờ ngủ với Kizuki đã

chạm vào vết thương còn rỉ máu của cô. Cô oà khóc trong vô vọng, trong sự tuyệt vọng và đau khổ. Nhịp thở hổn hển khi cô đón nhận Toru trong cái lần đầu ấy là nhịp thở của cuộc sống. Tiếng khóc nấc nghẹn của cô là tiếng nấc của những âm vang quá khứ vọng về, tiếng khóc cho Kizuki, cho chính bản thân mình. Cô chìm sâu vào giấc ngủ, hay đó chỉ là sự nhắm mắt để tránh đi sự đối diện với thực tại. Sau cơn mưa trời lại sáng, sau màn đêm bao phủ là ánh sáng của tạo hoá xuất hiện, nhưng sau những mất mát, đau đớn của Naoko thì điều gì sẽ xảy ra? Sáng hôm sau có lẽ Naoko muốn mở mắt ra để đón nhận ngày mới bởi việc của ngày hôm qua là việc của quá khứ, con người ta phải hướng đến tương lai, nhưng cô lại quá yếu đuối đến mức không thể vượt qua được nỗi đau đó. Việc dựng lên cảnh Naoko nằm quay mặt về phía cánh cửa đang đóng sập lại như một điều bào hiệu cho việc đóng lại khả năng làm tình của cô. Đây là một hình ảnh mang tính ẩn dụ hết sức đặc sắc của Trần Anh Hùng trong việc chuyển thể. Cô biến mất, chạy trốn không để lại một lời nhắn cho Toru, cô chỉ để lại cho Toru là những hụt hẫng.

Naoko chạy trốn đến nơi cách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài “NHÀ NGHỈ AMI”. Đây là nơi dành cho những tâm hồn méo mó an dưỡng, nơi con người sống trong sự bao bọc chở che lẫn nhau, sống một cuộc sống tự cung tự cấp. Naoko đến đây để nơi đây giúp cô xoa dịu đi những mất mát. Ở nơi đây, cô tìm thấy người bạn tri kỷ, Reiko. Cô chia sẻ với Reiko tất cả, nói với Reiko tất cả. Những gì mà “chẳng bao giờ mình có thể nói được điều mình muốn nói” [9; 57] thì giờ đây cô đã “sẵn sàng cởi mở” [9; 194].

Cũng như khi xây dựng nhân vật Toru, Trần Anh Hùng khi đưa Naoko lên màn ảnh đã tập trung vào những biến đổi rõ nhất trong cuộc đời của cô. Hình ảnh Naoko áp má vào Toru trong lần đầu tiên Toru tới thăm cô là cách để cô cảm nhận sự tồn tại của mình, là cách cô chào đón thế giới bên ngoài, một thế giới qua những câu chuyện kể của Toru. Naoko đã thực sự vui trước sự xuất hiện của Toru, cô nhìn anh bằng ánh mắt của sự sống, của niềm tin. Hình ảnh Naoko, Toru, Reiko cùng những con người ở khu nhà nghỉ Ami bên đống lửa

trại bập bùng như đó chính là ánh lửa của cõi lòng những con người méo mó về tâm hồn đang bùng cháy giữa đêm đen, nó bùng lên để hoà nhập với cuộc sống.

Người xem cũng không thể quên được khung cảnh giữa ba người Reiko, Toru, Naoko trong giai điệu nhẹ nhàng của ca khúc Rừng Nauy, một bầu không khí mang ba tâm trạng hoà trộn. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã xây dựng ba điểm nhìn cho một khung cảnh, điểm nhìn của Toru, điểm nhìn của Reiko và điểm nhìn khách quan của máy quay di chuyển. Với ba điểm nhìn, ba hướng quay đã mang đến cái nhìn toàn diễn về chính những mảnh hồn trong khung cảnh đó. Đêm đó, Naoko khóc khi nghe bản nhạc Rừng Nauy, cô thấy mình cô đơn lạc lõng và tuyệt vọng, cô muốn tìm đến một cảm giác xác thịt để sưởi ấm cõi lòng mình. Cô hôn Toru và có những động chạm với Toru ngay chính đêm hôm đó.

Đạo diễn Trần Anh Hùng đã có những cải biên đầy lý thú và dụng ý so với tiểu thuyết trong đoạn này. Naoko không khoả thân trong ánh trăng trước Toru mà trong phim cô tìm đến cảm giác muốn va chạm xác thịt với Toru. Đó là cách để cô chạm vào cuộc sống. Với chi tiết này, Trần Anh Hùng cho thấy khát khao tình dục, qua tình dục con người tìm đến hạnh phúc. Naoko không bộc lộ về mối quan hệ với Kizuki trong đêm hôm đầu tiên Toru tới thăm mà anh dành riêng cho cung bậc cảm xúc đó một cảnh độc lập vào sớm mai. Naoko một lần nữa nghẹn ngào trong tiếng khóc bộc lộ tâm trạng của mình. Giữa cánh đồng cỏ xanh mướt còn ướt đẫm sương của buổi sáng sớm khi ánh nắng chưa làm tan đi những đọt sương sớm, anh nắng chỉ như một thứ ánh sáng soi chiếu vào hai tâm hồn đang vật lộn đi tìm cho mình câu trả lời mà thôi. Dường như một lần nữa Trần Anh Hùng thành công trong việc mô tả cảm xúc của Naoko. Naoko thực sự hoang mang và đau đớn bởi những điều mà cô không thể mang lại cho Kizuki. Đây là một cú máy quay dài, máy quay di chuyển theo những bước chân nhanh và mạnh của Naoko dẫm đạp trên cỏ như thể cô cố tình dẫm nát những thứ vô hình đang níu kéo bước chân mình. Bước chân của cô cứ quay đi quay lại như đó là sự trở đi trở lại của quá khứ ở trong lòng cô. Sau đó, cô vùng chạy ra khỏi vòng tròn, con đường mòn đó, cô gào khóc, cô muốn thoát khỏi

những u uất trong lòng. Với cảnh này, Trần Anh Hùng đã không cần phải mất quá nhiều trang tiểu thuyết như nhà văn Haruki Murakami để bộc lộ những khúc mắc mà Naoko đang trải qua. Đến đây đã cho ta cảm giác Naoko luôn dẫn trước và Toru hụt hẫng bước theo sau và giữa họ luôn lạc nhịp bước.

Với Murakami, bi kịch của những nhân vật trong Rừng Nauy gặp phải xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa hơn - thời cuộc của nước Nhật khi đó. Với Trần Anh Hùng anh muốn nhấn mạnh đến yếu tố sex là nguyên nhân của mọi bi kịch của con người nhưng sex của anh là “những khoảnh khắc mang màu sắc tình dục bằng những hình ảnh cảm xúc chứ không đơn thuần chỉ là những khoái lạc dục tính mang tính dung tục” [53]. Điều đó lý giải vì sao mật độ cảnh sex trong Rừng Nauy nhiều như vậy nhưng sau mỗi cảnh sex là những biến chuyển tâm lý của nhân vật. Lần thứ hai Naoko gần gũi với nhau về xác thịt nhưng cô lại không thể hòa hợp. Naoko đau đớn, chới với giữa Toru và Kizuki. Cô tiễn Toru trong niềm nuối tiếc, ánh mắt cô dõi theo bước chân anh trên nền tuyết trắng như đó là sự nuối tiếc về những ước muốn giờ đã đóng băng. Cô nhìn theo anh, tiễn anh và cô chào tạm biệt anh. Naoko chết. Những cố gắng của cô trong sự vùng vẫy với giông bão đã không cứu nổi cô. Cô đã lựa chọn cái chết, lựa chọn sự ra đi, cô đến với Kizuki. Ánh mắt cuả Naoko cho đến lúc chết vẫn trống rỗng và hoang mang đến sợ hãi.

Có thể nói, Naoko hiện lên trên màn ảnh của Trần Anh Hùng hết sức sinh động. Đạo diễn đã rất ưu ái cho Naoko và Toru khi diễn tả những cung bậc cảm xúc trong cuộc đời. Xây dựng Naoko, đạo diễn muốn xây dựng cô như một người tình, một mảnh hồn dễ vỡ cần được nâng niu nhưng khó nắm bắt. Ta nhận thấy, Naoko của Murakami nhẹ nhàng và trầm uất hơn, Naoko của Trần Anh Hùng quyết liệt hơn trong những cung bậc cảm xúc dâng trào.

Một phần của tài liệu luận văn nghệ thuật kể chuyện trong phim rừng nauy của trần anh hùng và tiểu thuyết cùng tên của haruki murak (Trang 89 - 94)