2.2. Tình hình xây dựng và phát triển thương hiệu Biti’s
2.2.1. Xây dựng chiến lược thương hiệu tổng thể của Biti’s
a. Xác lập tầm nhìn và sứ mạng thương hiệu.
Một doanh nghiệp muốn xây dựng được thương hiệu tốt thì điều đầu tiên là phải xác định được tầm nhìn thương hiệu cho mình. Tầm nhìn thương hiệu gợi ra một định hướng cho tương lai, một khát vọng của một thương hiệu về những điều mà nó muốn đạt tới. Một doanh nghiệp không xác định được tầm nhìn thương hiệu thì không thể thành công trong lòng người tiêu dùng. Biti’s đã xác định tầm nhìn thương hiệu của mình là: “Trở thành thương hiệu giày dép được người tiêu dùng ưa chuộng và tin cậy nhất”.
Tầm nhìn thương hiệu Biti’s thể hiện một khát vọng về tương lai, hình ảnh trong tương lai mà họ muốn hướng tới đó là một thương hiệu giày dép chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng. Một thương hiệu thành công là được nhiều người biết đến và có được lòng trung thành từ họ. Tầm nhìn thương hiệu của Biti’s chỉ là một thông điệp ngắn gọn nhưng lại xuyên suốt định hướng hoạt động đường dài cho thương hiệu Biti’s. Tầm nhìn của Biti’s bao hàm ý nghĩa của một tiêu chuẩn tuyệt hảo, một điều lý tưởng. Nó mang tính lựa chọn một trong những giá trị tuyệt vời nhất của Biti’s. Tầm nhìn còn có tính chất của một sự độc đáo, đặc biệt như giày dép Biti’s không chỉ tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã kiểu dáng màu sắc, giá cả thì phải chăng mà nó còn cung cấp chất lượng dịch vụ tốt, với mạng lưới phân phối khắp cả nước, với đội ngũ nhiệt tình và sáng tạo…Các nhà lãnh đạo của thương hiệu Biti’s đã truyền tải tầm nhìn này đến tất cả các thành viên của mình, và được chia sẻ bởi tất cả các thành viên trong suốt quá trình hoạt động. Điều này đã làm cho thương hiệu Biti’s luôn thống nhất được mục tiêu xuyên suốt của công ty, tạo sự nhất quán và minh bạch đồng thời động viên tinh thần tất cả các thành viên của họ cùng góp sức. Có thể nói, tầm nhìn thương hiệu của Biti’s tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện được khát vọng trở thành một tiêu chuẩn tuyệt hảo trong lòng người tiêu dùng và chiếm vị thế đứng đầu trong ngành giày dép không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở các thị trường quốc tế khác.
Doanh nghiệp không chỉ cần xác lập tầm nhìn thương hiệu mà còn cần phải xác định được cả sứ mạng thương hiệu. Nếu như tầm nhìn thương hiệu là một khát vọng một hình ảnh trong tương lai mà thương hiệu muốn có được thì sứ mạng thương hiệu dùng để chỉ mục đích của thương hiệu đó, lý do và ý nghĩa của sự ra đời và tồn tại của nó. Việc xác định một bản tuyên bố sứ mạng đúng đắn đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của một thương hiệu. Bản tuyên bố sứ mạng của thương hiệu Biti’s là: “Phục vụ nhu cầu khách hàng là sự tồn tại của chúng tôi”. Trước hết, bản tuyên bố này là cơ sở quan trọng cho việc lựa chọn đúng đắn các mục tiêu và chiến lược của Biti’s, mặt khác nó có tác dụng tạo lập và củng cố hình ảnh của thương hiệu Biti’s trước công chúng xã hội, cũng như tạo ra sự hấp dấn đến các đối tượng liên quan. Biti’s muốn đưa tới khách hàng tất cả sự lựa chọn tốt nhất, làm hài lòng khách hàng về sản phẩm, dịch vụ…Bản sứ mạng cũng là một
lời cam kết với khách hàng về những gì Biti’s đã và sẽ cung cấp tới khách hàng.
Nếu Biti’s phục vụ khách hàng không tốt thì sẽ không tồn tại được trên thị trường.
Với bản tuyên bố sứ mạng của Biti’s, nhóm khách hàng mà họ muốn phục vụ là tất cả các khách hàng ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hiện nay nhóm khách hàng chính vẫn là trẻ em và người già, Biti’s đang nghiên cứu tìm hiểu sở thích của giới trẻ để hướng đến phục vụ thị hiếu của giới trẻ một cách tốt nhất. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của mình nhưng với Biti’s việc quan tâm, coi trọng sự tồn tại cũng như phục vụ nhu cầu khách hàng đã được thể hiện trong bản sứ mạng. Để tồn tại được tức là phải làm thỏa mãn khách hàng, mà làm thỏa mãn được khách hàng tức là phải cho khách hàng thấy được lợi ích, ý nghĩa của sản phẩm giày dép và khách hàng sẽ đánh giá qua tiêu dùng sản phẩm đó.
Có thể nói, sự thành công của Biti’s ngày nay là nhờ vào việc xác định tầm nhìn thương hiệu và sứ mạng thương hiệu một cách đúng đắn và được thực hiện xuyên suốt quá trình hoạt động. Tuy tầm nhìn và sứ mạng thương hiệu được thể hiện ngắn gọn nhưng nó cũng đủ cô đọng để tất cả khách hàng hiểu được những thông điệp mà họ muốn gửi đến.
b. Phân tích SWOT.
* Điểm mạnh.
Thứ nhất, Biti’s là doanh nghiệp có điểm mạnh về sản phẩm. Sản phẩm của Biti’s có chất lượng cao và độ bền cao. Hơn nữa, chúng rất đa dạng và phong phú có thể phục vụ nhu cầu cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Thường thì một sản phẩm của Biti’s có thời gian sử dụng từ 2 đến 3 năm. Giá sản phẩm Biti’s cao hơn so với các sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, giá cả và chất lượng luôn có quan hệ mật thiết với nhau, giá sản phẩm cao cũng phần nào thể hiện chất lượng cao của sản phẩm.
Người tiêu dùng thường có tâm lý “giá cao tức là chất lượng tốt”. Thêm vào đó, sản phẩm Biti’s lại rất bền phù hợp với tâm lý “ăn chắc mặc bền” của người dân Việt Nam.
Thứ hai, Biti’s có một hệ thống kênh phân phối rộng khắp rất thuận lợi cho việc mua hàng. Ngoài các đại lý, cửa hàng thì Biti’s còn phân phối tại các siêu thị, trung tâm Thương mại và trung tâm Kinh doanh. Hiện nay, Biti’s có 3 trung tâm Thương mại và 1 trung tâm Kinh doanh và hơn 4500 đại lý xuyên suốt từ Bắc vào
Nam, rất thuận tiện phục vụ nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Ngoài ra, tại Trung Quốc Biti’s có 4 văn phòng đại diện, 25 Tổng kinh tiêu và hơn 300 nhà kinh tiêu. Cùng với chiến lược xúc tiến và truyền thông, Biti’s đã đạt được nhiều thành công trên con đường chinh phục khách hàng.
Thứ ba, Biti’s có một đội ngũ cán bộ trẻ năng động đầy nhiệt tình. Hiện nay, Biti’s có gần 10000 cán bộ công nhân viên trong đó có hơn 15% có trình độ đại học và sau đại học. Biti’s đã thành lập Viện đào tạo Biti's và các trung tâm đào tạo của các chi nhánh trên toàn quốc để đào tạo và đào tạo lại cán bộ công nhân viên, đáp ứng được những yêu cầu cập nhật nhất trong tiến trình hội nhập ra thế giới của hàng Việt Nam. Phương châm đào tạo của Biti’s là: “Người mới hãy mau cũ, người cũ hãy mau cũ hơn” nhờ vậy mà những người mới rất mau có tay nghề và thành thạo.
Biti’s đã xây dựng một mái nhà chung trong đó mọi thành viên đều tâm niệm “Hãy làm việc để công ty cần chúng ta, chứ không phải chúng ta cần công ty”. Với việc khen thưởng chính đáng và công bằng, Biti’s đã tiếp sức và khuyến khích nhân viên sáng tạo và làm việc một cách hiệu quả nhất có thể.
Thứ tư, Biti’s có dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Ngay từ khi mới thành lập ông Vưu Khải Thành đã sang Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm sản xuất giày dép để thay thế cho công nghệ sản xuất thủ công. Riêng công ty Dona Biti’s có công nghệ sản xuất hoàn toàn của Đài Loan do được chuyển giao từ công ty liên doanh của Biti’s với công ty Pouchen của Đài Loan.
Thứ năm, Biti’s có điểm mạnh nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh là uy tín thương hiệu. Với hệ thống dây chuyền công nghệ từ Đài Loan, Biti’s là doanh nghiệp đầu tiên tung ra thị trường loại sản phẩm giày dép có chất lượng cao. Cùng với chiến lược quảng bá và xúc tiến sản phẩm, Biti’s đã khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng và được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Uy tín của Biti’s không chỉ được công nhận ở thị trường trong nước mà còn được công nhận về chất lượng từ các tổ chức nước ngoài như BVQI…
* Điểm yếu.
Thứ nhất, giá cả giày dép của Biti’s cao hơn so với đối thủ cạnh tranh khác.
Tuy giá cao đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm tốt nhưng đây là một khe hở để các đối thủ cạnh tranh lợi dụng. Nếu như các hãng Nike, Reebok…hướng đến
khách hàng cao cấp thì giá cả đắt đấy là thể hiện đẳng cấp của người tiêu dùng.
Nhưng với Btiti’s, khách hàng họ hướng tới đó là tầng lớp bình dân với mọi khách hàng ở mọi lứa tuổi, thì giá cao hơn so với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh là điều bất lợi. Ngày nay, nhu cầu làm đẹp của người tiêu dùng càng tăng cao họ không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn cả kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc. Mỗi năm có một xu hướng thời trang khác nhau nên sản phẩm có thể chỉ tồn tại và tiêu dùng trong 1 năm. Vì thế việc tạo ra sản phẩm có độ bền từ 2 đến 3 năm như Biti’s là không cần thiết.
Thứ hai, sản phẩm của Biti’s ít mẫu mã, kiểu dáng chưa đẹp, chất lượng và mẫu mã không đi kèm. Với các sản phẩm giày dép của Trung Quốc không chỉ đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc mà họ còn nắm bắt được tâm lý thời trang của khách hàng và nhất là giới trẻ. Biti’s chưa làm được điều này, khách hàng sử dụng sản phẩm nhiều nhất của Biti’s vẫn là trẻ em và người già, cả nhóm khách hàng giới trẻ Biti’s vẫn chưa đáp ứng được.
Thứ ba, nguyên liệu để sản xuất phải nhập khẩu nhiều. Biti’s cũng như các doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước bị thụ động về nguồn nguyên phụ liệu, theo thống kê thì tỷ lệ nội địa hóa trên mỗi sản phẩm chỉ đạt 20-30%. Do đó, Biti’s không thể linh hoạt thay đổi mẫu mã, kiểu dáng làm cho các sản phẩm thường có giá cao lại ít chủng loại mẫu mã.
Thứ tư, Biti’s chưa có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp. Đội ngũ thiết kế còn non nớt, thiếu sáng tạo, trong khi đội ngũ điều tra nghiên cứu thị trường chưa chuyên nghiệp, chưa nhiệt tình, không có nhiều kinh nghiệm. Đây cũng chính là lý do mẫu mã giày dép của Biti’s thua kém nhiều so với nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc.
Thứ năm, chiến lược truyền thông chưa hiệu quả, bộ phận bán hàng và chăm sóc khách hàng chưa được chú trọng. Các chương trình quảng bá còn quá đơn giản, ít thay đổi, lặp đi lặp lại nên các đối thủ cạnh tranh dễ nhận biết và đưa ra các chương trình quảng bá khác hấp dẫn hơn thu hút khách hàng. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ luôn đi kèm cùng nhau, một dịch vụ tốt sẽ luôn tạo cho khách hàng tâm lý thoải mái lựa chọn và tiêu dùng. Tuy nhiên đội ngũ bán hàng và chăm sóc khách hàng lại chưa được đào tạo tốt và chưa nhiệt tình với khách hàng.
* Cơ hội.
Thứ nhất, thu nhập đầu người tăng qua từng năm. Mà thu nhập tăng thì nhu cầu mua sắm các sản phẩm cũng tăng nhất là đối với các sản phẩm thời trang. Biti’s là thương hiệu đã có uy tín từ lâu tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí người tiêu dùng. Gần đây, xu hướng của người tiêu dùng là “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” do các sản phẩm Việt Nam đã có nhiều thay đổi khẳng định chất lượng không thua kém gì các sản phẩm đến từ nước ngoài. Nếu Biti’s có thể khắc phục điểm yếu của mình về kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm thì chắc chắn sẽ nhận được sự ưa chuộng và tin dùng của khách hàng. Các sản phẩm của Trung Quốc có kiểu dáng mẫu mã đẹp và thời trang tuy nhiên chất lượng lại kém. Với việc sớm tạo được uy tín về chất lượng trong lòng người tiêu dùng thì Biti’s chỉ cần cải tiến về thiết kế mẫu mã, nghiên cứu và tìm hiểu sở thích của người tiêu dùng thì hoàn toàn có thể đánh bại được các sản phẩm của Trung Quốc. So với các doanh nghiệp sản xuất giày dép ở thị trường nội địa, Biti’s vẫn có lợi thế hơn nếu đưa ra các sản phẩm mới trên thị trường và nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.
Thứ hai, với hệ thống phân phối lớn Biti’s rất thành công trong chiến lược quảng cáo với khẩu hiệu “Nâng niu bàn chân Việt”. Điều này cho thấy, Biti’s có khả năng giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua kênh phân phối và truyền thông. Vì vậy, việc đưa sản phẩm mới cũng như những dịch vụ mới đến với người tiêu dùng sẽ rất dễ dàng và hiệu quả.
Thứ ba, việc cải tiến mẫu mã kiểu dáng không cần đầu tư nhiều vào máy móc, trang thiết bị dây chuyền sản xuất tốn kém mà chỉ cần chú trọng đến nhân viên thiết kế có trình độ cao và đội ngũ điều tra thị trường chuyên nghiệp. Với nguồn lực tài chính của Biti’s thì họ không chỉ có được những nhà thiết kế trẻ tài năng của Việt Nam mà còn cả những nhà thiết kế nước ngoài.
Thứ tư, đó là việc mở rộng ra thị trường quốc tế. Ngày nay, thương hiệu Biti’s không chỉ nổi tiếng ở thị trường trong nước mà còn được rất nhiều nước trên thế giới biết đến và công nhận về chất lượng. Hiện nay, Biti’s đã có mặt hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới và được sự tin dùng của nhiều thị trường khó tính như:
Nga, Ukraine, Tiểu các Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain…
* Thách thức.
Thứ nhất, bên cạnh những cơ hội, Biti’s sẽ phải chịu thêm nhiều sức ép từ đối thủ cạnh tranh. Một số doanh nghiệp giày dép trong nước cũng là đối thủ cạnh tranh rất lớn của Biti’s như: Bita’s, Vina Giầy, Asian…Hơn nữa, Biti’s còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất ở các nước trong khu vực, nơi tập trung sản xuất 75% tổng sản lượng giày dép trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc với rất nhiều chủng loại, mẫu mã, thích nghi nhanh với thị hiếu, giá thấp phù hợp với người tiêu dùng bình dân. Hiện nay, giày dép Trung Quốc đang ngập tràn thị trường Việt Nam gây nhiều khó khăn cho Biti’s nói riêng và các doanh nghiệp giày dép trong nước nói chung. Ngoài ra, các công ty đa quốc gia và các nhãn hiệu giày nổi tiếng như Nike, Adidas, Reebok…đang ngày một chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Thứ hai, là thách thức xuất phát từ bản thân ngành giày dép Việt Nam. Để đầu tư một khuôn giày mất khoảng 300 triệu. Để bù đắp được chi phí này thì mỗi doanh nghiệp phải tiêu thụ được khoảng 50000 đôi giày một năm. Việc tiêu thụ như thế không phải là dễ ở trong thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất giày dép trong nước cũng như Biti’s.
Thứ ba, nạn ăn cắp bản quyền, mẫu mã, kiểu dáng công nghiệp đang diễn ra phổ biến ở nước ta. Biti’s phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm giày dép làm giả làm nhái mẫu mã kiểu dáng của Biti’s đang được bầy bán ở nhiều nơi với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá các chủng loại sản phẩm của Biti’s.
Thứ tư, người tiêu dùng Việt Nam thường ưa chuộng hàng ngoại hơn đây là thách thức lớn đòi hỏi Biti’s phải cải tiến chất lượng, thiết kế sáng tạo mẫu mã sản phẩm đồng thời xây dựng hình ảnh trong lòng người tiêu dùng thông qua các phương tiện quảng bá, các chương trình khuyến mãi…
c. Xây dựng mục tiêu và kế hoạch chiến lược thương hiệu.
* Mô hình thương hiệu.
Sau khi phân tích điểm mạnh - điểm yếu, cơ hội - thách thức thì Biti’s đã xây dựng mục tiêu và kế hoạch chiến lược thương hiệu của mình. Trong xây dựng chiến
lược thương hiệu, một trong những nội dung rất quan trọng là lựa chọn mô hình xây dựng thương hiệu.
Mô hình xây dựng thương hiệu của Biti’s là: Biti’s đã lựa chọn mô hình thương hiệu gia đình để xây dựng thương hiệu cho mình. Trong suốt quá trình phát triển của mình, Biti’s đã nhất quán đi theo mô hình này.
Hình 2.1: Mô hình thương hiệu Biti’s
(Nguồn: Phòng Kế hoạch-Công ty Biti’s)
Với mô hình này, thương hiệu Biti’s sẽ được dùng chung cho mọi loại sản phẩm ở mọi loại thị trường nhưng mỗi loại sản phẩm lại có cách thức quảng bá và cam kết riêng trước khách hàng và các đối tượng liên quan.
Ví dụ: Loại sản phẩm giày tây được cam kết là mang lại sự sang trọng, thanh lịch, thoải mái cho người sử dụng thích hợp trong công sở, tiệc tùng, khiêu vũ…
Hay loại sản phẩm xốp eva cam kết với khách hàng sẽ mang lại sự nhẹ nhàng, khả năng chịu lực đàn hồi cao, kháng gấp gãy, mài mòn phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính…(3)
Sử dụng mô hình thương hiệu gia đình giúp cho Biti’s thu được những thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm đến khách hàng, công chúng nhưng cũng chính nó cũng là trở ngại cho việc khuếch trương sản phẩm. Sử dụng mô hình thương hiệu gia đình giúp Biti’s có được một số ưu điểm và nhược điểm như sau:
(3) Nguồn: http://www.bitis.com.vn/default.aspx?mod=consulting&id=15.
Thương hiệu Biti’s
- Nhóm dép lưới - Nhóm dép nữ thời trang - Nhóm giày
da nam - Nhóm dép
da - Nhóm giày
thể thao - Nhóm sandal PU, TPR
- Nhóm sản phẩm xốp, eva.
- Nhóm hài