PHẦN 2 THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CÔNG TY TNHH NAM HẢI
2.2. Thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
2.2.1. Môi trường kinh doanh của doanh nghiệp
2.2.1.1. Môi trường vĩ mô
a. Môi trường kinh tế.
Ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam phát triển nở rộ từ những năm đầu của thế kỷ 21 với một số dẫn chứng như sau:
Trong 3 năm liên tiếp từ 2001- 2003, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng xuất khẩu đỗ gỗ là 53%, 30% và 30,3%. Riêng tại thị trường Mỹ, năm 2003 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đạt 155 triệu USD, tăng 155%. [20]
Việt Nam nằm trong số 25 nước đứng đầu trong danh sách nhập cảng gỗ vào Hoa Kỳ. Năm 2003, tổng số hàng gỗ Việt Nam được nhập cảng vào Mỹ tăng 155%, đạt 155 triệu đô la. [20]
Thị trường chủ yếu của mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, một số nước châu Âu và những năm gần đây là Nhật Bản.
Mặc dù Mỹ là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nhưng đến những năm đầu thế kỷ 20 Việt Nam vẫn có thể tham gia vào thị trường này và từng bước khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong những năm tiếp theo là do:
Vào những năm 2000, 2001 các nhà sản xuất gỗ gặp khó khăn do giá lao động tăng và đồng thời tỷ giá đồng đô la cũng tăng làm cho giá thành sản phẩm cũng tăng cao, để khắc phục tình trạng này nhiều công ty kinh doanh mặt hàng này tại Mỹ đã nhập khẩu từ các nước có giá thấp hơn trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Năm 2003, mặt hàng xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc bị đánh thuế bán phá giá, làm cho giá thành sản phẩm sau khi nhập vào Mỹ tăng lên. Trong khi đó thuế nhập khẩu đồ gỗ áp dụng với Việt Nam giảm mạnh (trung bình từ 50% - 55% xuống còn 0% - 3%); điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.[2]
Nhờ có hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ từ cuối năm 2001, Việt Nam đã thâm nhập thị trường Mỹ cũng được xếp vào danh sách 15 nước xuất khẩu lớn nhất vào Mỹ
Thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh.
Năm 2007 đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện đang hưởng thuế GSP với mức thuế suất chủ yếu là 0% (một số mã hàng chịu thuế 2,1%) đã giúp Việt Nam có một lợi thế nhất định khi chen chân vào thị trường EU so với Trung Quốc, Indonesia, Brazil, Malaysia..., do các nước này không được hưởng GSP [3].
Kim ngạch xuất khẩu hàng gỗ Việt Nam vào EU trong thời gian qua có mức tăng trưởng trung bình 15%/năm, tập trung vào đồ gỗ nội thất và
đồ dùng ngoài trời. Trong năm 2006 đạt 501,9 triệu USD, chiếm 26,4%
tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước
Mặc dù năm 2007 ngành xuất khẩu đồ gỗ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng đến những quý đầu năm 2008 có phần trững lại do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặc dù đến cuối năm 2008 kim ngạch xuất khẩu có tăng trở lại nhưng điều đó cũng không đem lại niềm tin cho các doanh nghiệp trong năm 2009. Những tháng đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều làm ăn kém hiệu quả và thậm trí là thua lỗ.
Ngày 13/9/2008 Bộ Tài Chính áp thuế xuất khẩu 10% cho doanh nghiệp chế biến gỗ theo công văn số 11270/BTC-CST [Sở công thương Tỉnh Bình Dương], điều này càng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ.
b. Môi trường chính trị xã hội trong nước.
Việt Nam hiện nay là một trong những nước có nền chính trị ổn định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển đồng thời cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hợp tác làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Bên cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, các chính sách ngoại giao với các nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành hợp tác đầu tư và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.
Năm 2007 sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, ngành gỗ nói riêng có những điều kiện cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Indonesia, Brazil, Malaysia...,
Trong những năm gần đây, thủ tục giấy tờ và hành lang pháp lý đang được chính phủ quan tâm sửa đổi và ngày càng hoàn thiện nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp thuận tiện trong xuất khẩu đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp.
Việc hình thành các hiệp hội về xuất khẩu đồ gỗ như Hội đồ gỗ & mỹ nghệ T.p Hồ Chí Minh (HAWA) đã giúp cho các doanh nghiệp mau chóng thâm nhập thị trường cũng như đứng vững được trên thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc hiệp hội đứng ra tổ chức các đợt hội trợ trưng bày sản phẩm đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết được khó khăn về thiếu đơn đặt trong năm 2009.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, khu công nghiệp và ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng có những chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển: như chính sách về thuế, về lao động, về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp phát triển,…
Vì doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, nên bên cạnh việc tuân thủ luật pháp trong nước còn phải tuân thủ luật pháp quốc tế như luật thuế, hải quan, và đặc biệt khi xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ cần tìm hiểu kỹ luật lệ của Hoa Kỳ về chống bán phá giá. Tuy mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam chưa bị kiện chống bán phá giá nhưng mặt hàng này của Trung Quốc đã bị kiện vì vậy công ty cũng phải tìm hiểu kỹ những quy định này để có hướng khắc phục.
Đối với hoạt động xúc tiến bán hàng chịu ảnh hưởng của các quy định pháp luật về xúc tiến bán hàng như: chi phí quảng cáo chỉ được nhỏ hơn hoặc bằng 10% tổng chi phí hợp lý của doanh nghiệp, quy định về các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, về nhãn hàng hóa [18], nghị định về quảng cáo [17], luật giao dịch điện tử [15]… những điều luật này công ty cần nắm chắc trong quá trình thực hiện các hoạt động quảng cáo của mình để đảm bảo không vi phạm
c. Môi trường kinh tế quốc tế:
Hiện sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại khoảng 120 quốc gia, với thị trường chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản [Sở công thương Tỉnh Bình Dương]...Do nhu cầu của thị trường Mỹ và Châu Âu đang giảm
do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên toàn cầu, khả năng duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao của ngành chế biến gỗ của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009 bị ảnh hưởng lớn.
“Khoảng 95% doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn do đối tác hủy hoặc cắt giảm hợp đồng. Đa số khách chỉ đặt hàng bằng 30-60%
so với các hợp đồng cũ” [Sở công thương Tỉnh Bình Dương]. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, do chi phí vốn quá cao, giá hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam cao hơn các nước khác, khó cạnh tranh để giành đơn hàng. Thậm chí đến nay, giá một số mặt hàng xuất khẩu gỗ Việt Nam còn đắt hơn cả hàng gỗ sản xuất ngay tại Mỹ.
Xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn cụ thể: các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU có sự kiểm soát chất lượng, nguồn gỗ gỗ với các luật lệ mới được ban hành như: đạo luật LACEY của Mỹ, căn cứ vào đạo luật này, hành động lấy gỗ khai thác, sử dụng, vận chuyển, bán hoặc xuất khẩu không tuân thủ quy định của luật pháp bất kỳ quốc gia nào được xem là vi phạm luật tại Hoa Kỳ. Hay ở EU sẽ thực hiện Hiệp định “Tăng cường thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT). Theo Hiệp định này tất cả các chuyến hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của các lô hàng thông qua các bằng chứng gốc [12].
d. Môi trường văn hóa:
Đối với mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ được người trong nghề gọi là “những tác phẩm nghệ thuật” nhưng nó cũng là những đồ dùng quen thuộc hàng ngày. Vì vậy khi sản xuất các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ và thiết kế các loại mặt hàng này nhà sản xuất cần chú ý rất nhiều đến thị hiếu và văn hóa của
khách hàng cuối cùng. Vì Việt Nam là một nước phương Đông các hàng hóa truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa Á Đông, nhưng khách hàng cuối của công ty xuất nhập khẩu là các nước phương tây (châu Âu, châu Mỹ) vì vậy sản phẩm phải được thiết kế phù hợp với văn hóa của nước nhập khẩu và cũng phải có nét đặc sắc Á Đông trên sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ.
e. Môi trường tự nhiên
Nguyên liệu cho sản xuất chế biến gỗ chủ yếu có từ hai nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu. Hiện nay, diện tích rừng toàn quốc là 12,61 triệu ha (độ che phủ rừng 37%), trong đó 10,28 triệu ha rừng tự nhiên và 2,33 triệu ha rừng trồng, được phân loại theo chức năng sử dụng thành ba loại rừng: rừng đặc dụng 1,93 triệu ha, rừng phòng hộ 6,2 triệu ha và rừng sản xuất 4,48 triệu ha [32].
Trong những năm trước đây, sản lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên có năm đã đạt đến mức cao nhất 1,8 triệu m3 gỗ tròn/năm, sau đó lượng gỗ khai thác giảm dần chỉ còn 500.000 m3/năm (từ năm 2000-2003), đến năm 2004 là 300.000 m3/năm và năm 2005 chỉ khai thác 150.000 m3/năm. Chỉ tiêu kế hoạch sản lượng khai thác gỗ rừng tự nhiên năm 2008 là 180.000 m3. Nhưng nhu cầu nguyên liệu gỗ từ rừng tự nhiên là rất lớn, bình quân khoảng trên 3 triệu m3/năm, trong khi đó nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, còn lại 80% phải nhập khẩu (khoảng 250 - 500 triệu USD) [26]
Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất đồ mộc xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu cụ thể là nguyên liệu gỗ phải nhập khẩu chiếm đến 80% [22]. Hàng năm ngành chế biến gỗ xuất khẩu phải nhập từ 2-2.5 triệu m3 gỗ tròn. Dự báo đến năm 2010 để đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu chúng ta phải nhập từ 10-11 triệu m3 gỗ tròn [22]. Nguồn gỗ nhập khẩu từ
các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia thường không ổn định do chính sách lâm sản của các quốc gia này luôn thay đổi, trong khi nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác như New Zealand, Australia, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Mỹ, Châu Phi lại cách xa nên chi phí vận chuyển cao làm cho giá thành nguyên liệu tăng, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Ngoài ra chúng ta vẫn phải nhập các loại nguyên liệu khác như sơn phủ, vecni và máy móc thiết bị, công cụ gia công gỗ. Đây là dấu hiệu khẳng định sự phát triển không bền vững và lợi nhuận thấp của ngành chế biến gỗ.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có khu rừng nào có chứng chỉ rừng (FSC), trong khi đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm có chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ ngày càng cao ở hầu hết các thị trường lớn. Điều này là do tại Việt Nam chưa xây dựng được các tiêu chuẩn về chất lượng gỗ rừng trồng phù hợp với các tiêu chuẩn Quốc tế, làm cơ sở cho việc xuất khẩu hàng hoá có xuất xứ và cấp chứng chỉ rừng FSC.
2.2.1.2. Môi trường vi mô