Giọng triết lý, suy tư

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 98)

Trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá, bên cạnh giọng hài hước hoạt kê, giọng tỉnh táo khách quan thì đi theo chiều dài của tiểu thuyết ta còn bắt gặp một giọng điệu chủ đạo chi phối nghệ thuật tác phẩm là giọng điệu triết lý, suy tư về cuộc sống, về lẽ đời, về con người thông qua lời của nhân vật và cả lời của người kể chuyện.

Bản chất thực dụng, tham lam giả dối của những kẻ có chức quyền trong xã hội được nhà văn phơi bày trên từng trang viết với những đúc kết rất gần với chân lý: “Ai biết mình sẽ còn ở đây bao lâu. Cái chính là với một lực lượng thiết bị và con người sẵn có như vậy, anh sử dụng nó như thế nào, bóc nó như thế nào để cầm cự và vừa cầm cự vừa biến thiết bị, tàu, cầu cảng, kho lạnh thành tiền, thành vàng, thành đô la của mình, những thứ dễ cầm, dễ mang theo, dễ cất trong tủ…” [3, tr.455]. Đã có nhận xét cho rằng Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn nhưng chất báo chí vẫn len lỏi trong từng trang viết của ông. Thái độ của nhà văn trước những xô bồ của cuộc sống thường rất kín đáo, rộng lượng nhưng không phải không thấm đẫm nỗi buồn. Bùi Ngọc Tấn thấu hiểu và đồng cảm với số phận của

những người lao động, những kiếp người bé nhỏ bị xóa sổ, bị tước đoạt niềm vui, niềm hạnh phúc tương lai để đổi lấy quyền lợi vật chất xa hoa của một nhóm nhỏ người. Sự lên ngôi của đồng tiền trong xã hội làm mọi giá trị truyền thống bị đảo lộn và đẩy những con người lương thiện xuống đáy của khổ đau, bất hạnh. Nhân vật nhà tư bản Robert Lee đã có những đúc rút xương máu về sức mạnh của đồng tiền: “vấn đề là phải có nhiều tiền ông Thuyền ạ. Tôi đã rút ra được điều ấy. Ai có tiền người ấy là chủ xã hội. Tiền mua được tất cả. Có tiền người ta sẽ phải phủ phục dưới chân ông. Không có tiền ông chỉ là cục cứt” [3, tr.323]. Chất báo chí ngấm trong từng trang văn Bùi Ngọc Tấn là ở chỗ đó.

Bên cạnh giọng văn triết lý đúc kết về giá trị của đồng tiền và những mặt trái xấu xa của xã hội, Bùi Ngọc Tấn còn dành những trang viết để nhận xét, đánh giá về bản chất của con người trong xã hội. Câu nói của bác Sỹ với chú bé Phong về cái chết của những con cá mang đầy tính chất triết lý, chiêm nghiệm về lẽ hiện sinh trong cuộc đời: “Mày ạ. Con cá to nào cũng quay về chết ở nơi nó đã ra đi. Nó về chết ở nhà của nó”, “Cá hiên không bao giờ vào lưới một con. Bao giờ cũng một đôi. Cá vợ cá chồng. Giống cá hiên đi đâu cũng có đôi”. Đó dường như là những lời ca ngợi về vẻ đẹp trong phẩm chất, tâm hồn con người. Tuy nhiên Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn đủ sâu sắc và tinh tế để hiểu rằng những đức tính quý báu ấy có thể bị đổi thay bởi hoàn cảnh, con người có thể bị chai sạn đi, cùn mòn đi, tha hóa đi trong hành trình vật lộn để mưu sinh. Nếu như trước kia trong mắt chú bé Phong, cha cậu cùng với bác Sỹ, chú Hồng… là thần tượng để cậu kính phục, tôn thờ thì giờ đây, những tượng đài trong lòng cậu đã hoàn toàn sụp đổ: “Điều tôi vẫn nhận thấy ở mọi người dưới tàu từ trước đến nay hóa ra chỉ là lớp vỏ ngoài. Mỗi người đều có hai khuôn mặt. Bác Suất, chú Hồng, chú Đỉnh, chú Quẹn, bác Sỹ… không còn là những người như tôi vẫn nghĩ…chắc chắc bố cũng có hai khuôn mặt. Như mọi người trên tàu có hai khuôn mặt. Bây giờ mình tin rằng tất cả người lớn đều có hai khuôn mặt” [3, tr.215]. Từ chỗ đầy tự hào kính phục tin yêu, Phong đã phải đau đớn tự rút ra cho mình một chân lý khi nghĩ về bố: “Bố không còn là thần tượng của tôi nữa… Bây giờ là một người

bố khác… Một người bố có nhiều thói hư tật xấu. Quá thất vọng, tôi tự nhủ: có lẽ phải quan niệm lại thế nào là bố chăng?” [3, tr.237]. Giọng văn triết lý suy tư có tác dụng hiệu quả trong việc thể hiện tâm trạng day dứt, thất vọng của chú bé khi lần đầu tiên nhận ra những gồ ghề phức tạp, những mặt trái khuất lấp của cuộc đời.

Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư triết lí cũng là một trong những giọng điệu chủ đạo của tiểu thuyết Gã tép riu. Trong tác phẩm, giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí suy tư được thể hiện chủ yếu qua suy nghĩ, cái nhìn cuộc đời, và những lời đối thoại, độc thoại của nhân vật, đặc biệt là những đoạn nhân vật Tùng tranh luận về chuyện đời, chuyện công việc với Diệu Thủy ở gia đình và phản biện với đối tác trong công việc ở cơ quan. Những đoạn văn nhân vật lí giải, suy tư, tranh luận về cuộc đời, về công việc… thể hiện sự hiểu biết thông tuệ, uyên bác của người trí thức có bề dày kinh nghiệm, có khi là cả những dự báo về các vấn đề văn hóa như vấn đề quản lí chùa chiền, cơ chế chính sách xã hội. Đó là những vấn đề mà nhà văn Nguyễn Bắc Sơn - người công dân có trách nhiệm sâu sắc trước các vấn đề của đời sống xã hội thường trăn trở, day dứt. Những đoạn mà Tùng phản biện đối thoại với những nhân vật khác, mà có khi đó là đội quân “binh hùng tướng mạnh” định đè bẹp đối phương, nhưng kết cục lại thất trận bẽ bàng, cho thấy Tùng là con người trí thức tuy tép riu nhưng có tài năng, bản lĩnh và nghị lực sống. Đó cũng là những dẫn chứng cho thấy chất công dân thể hiện rất rõ trong con người nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, khi ông gửi gắm suy nghĩ của chính mình trong đó. Tiểu thuyết Gã tép riu tuy đã chuyển đề tài thuộc tâm lí xã hội nhưng vẫn là tác phẩm nối tiếp dòng tiểu thuyết luận đề của ông từ Luật đời và cha conLửa đắng. Trong tác phẩm, có nhiều đoạn nhân vật Tùng nói về các vấn đề xã hội trong và ngoài nước, đông tây kim cổ với giọng điệu vừa có tính chất tự sự vừa là lời triết lí, suy tư về đối tượng nói tới, thể hiện tầm hiểu biết và sự trải đời của anh ở nhiều lĩnh vực, đồng thời cũng thể hiện một “vốn sống khổng lồ”của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Giọng điệu triết lý suy tư đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tính cách nhân vật, thể hiện

rõ dụng ý nghệ thuật của nhà văn trong việc tái hiện đời sống và xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Qua đó, góp phần thể hiện rõ nét hơn phong cách nghệ thuật nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Rõ ràng, khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc Sơn đã rất chú ý đến việc xây dựng một giọng điệu riêng cho tác phẩm của mình. Chính giọng điệu trần thuật hấp dẫn, lôi cuốn là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của Biển và chim bói cáGã tép riu, là sợi dây neo giữ tác phẩm trong tâm hồn người đọc văn chương bao thế hệ.

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh văn hóa mới, văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng với ưu thế đặc biệt trong khả năng thâm nhập và khám phá đời sống đã có những thành tựu đáng kể và xác lập vai trò chủ đạo trong diện mạo của văn học Việt Nam đương đại. Hành trình hòa nhập với văn học thế giới đã mang đến cho văn học nước nhà sự thay đổi cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện.

Trong nền văn học mới, các đề tài luôn có sự đan xen, hòa phối xoay quanh một cảm hứng chủ đạo, một đề tài trung tâm. Trong những đề tài đó thì đề tài thế sự nổi lên như một hướng đi giàu tiềm năng không chỉ đối với những người cầm bút mà còn gợi mở rất nhiều vấn đề đối với những người làm công tác nghiên cứu. Vì vậy, nghiên cứu đề tài thế sự trong văn học nói chung, trong tiểu thuyết Việt Nam nói riêng có một ý nghĩa quan trọng và cho phép ta có một cái nhìn, sự đánh giá về xã hội nói chung và về sự vận động của văn học cũng như thể loại tiểu thuyết nói riêng.

Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc Sơn tuy không phải là những cây bút tiểu thuyết xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại nhưng cũng là hai trong số những tên tuổi nổi tiếng mà tác phẩm đã để lại một dấu ấn sâu đậm khó phai trong lòng người đọc. Nhắc đến Bùi Ngọc Tấn, người ta nghĩ đến một nhà văn với nụ cười khoan dung, mái tóc điểm bạc và ánh mắt đượm suy tư, kết quả của cả một đời lăn lộn với nghề, yêu nghề tha thiết nhưng cũng phải nếm trải bao đắng cay của số phận, của nghề nghiệp…còn Nguyễn Bắc Sơn lại là chân dung của một nhà văn đầy trải nghiệm với đời và tha thiết với nghề, khát khao mang tiếng nói văn chương góp phần xây dựng sự trong sạch của chế độ… hiện lên qua ánh mắt nghiêm khắc và gương mặt cương trực, đầy vẻ dứt khoát, tự tin. Hai cuốn tiểu thuyết Biển và chim bói cáGã tép riu là kết quả của cả cuộc đời người cầm bút hăng say lao động, miệt mài quan sát và tìm tòi cuộc sống. Một tác phẩm viết về xí nghiệp đánh cá quốc doanh thời kỳ cuối bao cấp, tác phẩm kia là đời sống công chức trong xã hội hiện đại, một tác phẩm dài hơn 500 trang

với ngồn ngộn chi tiết và tầng tầng lớp lớp nhân vật trải dài trong biên độ thời gian – không gian rộng lớn, tác phẩm kia chỉ vỏn vẹn xoay quanh ba nhân vật chính với những bối cảnh hẹp liên quan đến lĩnh vực văn hóa xã hội…nhưng đã gặp nhau trong việc dựng nên bức tranh thế sự hấp dẫn và sinh động với những mảng màu sáng tối cúa xã hội Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Nếu như đời sống thế sự trong tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn hiện lên qua sự lạc hậu trong mô hình kinh tế mang tính chất quan liêu bao cấp và những bi kịch đau đớn của kiếp nhân sinh – kết quả của cơ chế xã hội cũ thì đời sống thế sự trong tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn lại là những bất cập, mặt trái trong cơ chế nhà nước cùng các vấn đề xã hội thời kỳ mở cửa. Để chuyển tải thành công nội dung thế sự rộng lớn muôn màu ấy, Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc Sơn đã lựa chọn cho tác phẩm của mình những hình thức thể hiện đặc sắc, bộc lộ qua cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu. Người đọc nhớ đến Biển và chim bói cá qua những đặc sắc trong cốt truyện lồng ghép và song hành, qua nghệ thuật xây dựng ngoại hình nhân vật sinh động và nội tâm tinh tế, qua ngôn ngữ thông tục hài hước và mang đặc thù nghề biển, qua giọng điệu vừa giễu nhại vừa khách quan vừa trĩu nặng suy tư… đồng thời cũng biết đến Gã tép riu với nét đặc trưng của cốt truyện tuyến tính, với sự khéo léo trong nghệ thuật khắc họa nhân vật, với ngôn ngữ mang đậm tính chất chính trị xã hội và với một giọng văn hài hước mà rất triết lý, lạnh lùng mà vẫn suy tư… Tất cả hòa quyện trong một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất, thể hiện được cái tài của người cầm bút và cái tâm của người nghệ sĩ luôn gắn bó với cuộc đời.

Như vậy, qua việc nghiên cứu hai tiểu thuyết Biển và chim bói cá tép riu, chúng tôi đã nhận ra những nét đặc trưng của đề tài thế sự trong hai tác phẩm nói riêng, trong tiểu thuyết Việt Nam nói chung. Hơn thế, qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng bước đầu nhận diện được phong cách nghệ thuật đồng thời đánh giá được những đóng góp cũng như vị trí của hai nhà văn trong dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 98)