Gã tép riu – tiểu thuyết hấp dẫn của Nguyễn Bắc Sơn.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 25 - 30)

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn có tên khai sinh là Nguyễn Công Bác, sinh năm 1941, quê quán: Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội. Sinh ra ở Nam Định, kháng chiến chống Pháp gai đình ông tản cư lên Phú Thọ, ở xã Tân Hòa, huyện Hạ Hòa. Ở đây ngay từ tuổi thiếu niên, ông đã tham gia đoàn thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước, trong trại Thiếu nhi Bác Hồ, biểu diễn múa hát phục vụ kháng chiến. Năm 1955 ông trở về Hà Nội, tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1962 trở thành thầy giáo dạy văn trường THPT Hoàn Kiếm trong 10 năm. Ông kể hồi còn học phổ thông, cũng đã từng ấp ủ mộng văn chương vì cũng có chút năng khiếu nhưng rồi theo thời gian, cái mộng văn chương ấy cũng tắt ngấm. Năm 1972 ông vào bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1981 đến 1992 là phó hiệu trưởng trường Chu Văn An danh tiếng, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhưng ông từ chối sau đó vui vẻ về làm trưởng phòng quản lý báo chí, xuất bản của Sở văn hóa thông tin Hà Nội, bởi vì “nghề báo chí xuất bản, gắn với sách vở chữ nghĩa” là niềm đam mê từ lâu của ông. Chính trong quãng thời gian mười năm ở sở văn hóa thông tin Hà Nội, ông đã

đến với thực tế đời sống, cọ xát và va đập đến tận cùng với cuộc đời của một anh công chức ngành văn hóa, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong tiến trình đổi mới đất nước. Cơ chế thị trường đang xuất hiện, nhiều giá trị bị đảo lộn, đời sống con người, tư duy và bản lĩnh cũng phải đổi thay chóng mặt để thích ứng với thời cuộc, vì thế có biết bao bi kịch đau đớn trong cái đời sống phức tạp ấy. Nguyễn Bắc Sơn đã sống đến tận cùng cuộc sống đang sở hữu, làm việc hết mình và tích lũy vốn sống hết mình.

Nguyễn Bắc Sơn là một nhà văn đa tài. Ông đã thử bút với nhiều thể loại văn học, từ bút ký, đến truyện ngắn, truyện vừa rồi tiểu thuyết. Ở thể loại nào ông cũng gặt hái được những thành công nhất định

Là một người viết không chỉ dựa vào khả năng thiên bẩm mà còn luôn quan sát và suy nghĩ về chính công việc của mình và đồng nghiệp, Nguyễn Bắc Sơn đã hình thành ý thức nghệ thuật nhất quán trong hành trình sáng tạo của mình. Hành trình sáng tác của Nguyễn Bắc Sơn là cả một quá trình dài tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sống, kinh nghiệm viết. Trong bài trả lời phỏng vấn nhà thơ Vũ Duy Thông trên báo Văn Nghệ khi được hỏi ông mê văn từ bao giờ và viết như thế nào, Nguyễn Bắc Sơn đã tâm sự: cái mộng văn chương bắt đầu từ hồi học phổ thông nhưng rồi tắt ngấm bởi học xong đi dạy học, đi bộ đội lại về dạy học, làm cán bộ quản lý ở một trường cấp 3, hơn chục năm cuối mới sang ngành văn hóa – thông tin. Nhưng cuối cùng “rồi thấy nhiều chuyện quá, không viết không được. Lúc đầu, ký là hấp dẫn tôi nhất. Bao nhiêu chuyện người, chuyện đời, chuyện quê hương đất nước dồn cho ký. Đi máy bay viết về người lái máy bay, người dẫn đường máy bay, xuống nước gặp anh thợ lặn, viết gian nan nghề thợ lặn. Bước ra Bờ Hồ, gặp cây lộc vừng liền viết về cây lộc vừng chín gốc bên Hồ Gươm. Thế rồi sang truyện ngắn, tiểu thuyết lúc nào không hay. Năm 1999, tôi ra cùng lúc 4 cuốn sách với gần 1.700 trang. Báo Văn Nghệ Trẻ khen và đặt câu hỏi: Phải chăng đây là hiện tượng xuất bản của năm nay? Tôi thành “nhà văn trẻ tóc bạc” từ đấy” [42, tr.10]. Đến với văn chương khá muộn nên Nguyễn Bắc Sơn chỉ thực sự thành danh khi mái đầu đã pha sương, ông cũng lý giải điều này: “Đến khi nghỉ hưu, thời gian là của mình, được sống theo sở thích,

sống cho mình, lúc ấy cái chí viết văn mới thực sự trỗi dậy. Thế là lao vào viết. Càng viết càng ham. Viết chí chết. Mình là một người của cơ chế, cơ chế ấy do mình góp phần đẻ ra. Là người của cơ chế nhưng lại thấy cơ chế nhiều bất cập quá. Nó buộc mình phải viết, phải mổ xẻ” [42, tr.10]. Ông cũng khẳng định mục đích viết văn và khuynh hướng viết tiểu thuyết cho mình: “Với tôi, viết văn là sự giải tỏa những bức xúc cuộc đời, là góp một tiếng nói cho đời. Tôi, anh hay nhiều người khác, thất bại trong việc này, không thành công trong việc kia, kém cỏi so với thiên hạ ở nhiều việc khác, là bởi mình không làm đúng luật, ứng xử không đúng luật. Thế nên trời còn cho viết được, thì những cuốn khác của tôi dù đặt tên là gì, vẫn nằm trong bộ Luật Đời” [42, tr.10]. Và “có viết tiểu thuyết mới có cơ hội lôi được vốn sống trực tiếp, gián tiếp, vốn hiểu biết của mình vào trang viết. Cũng là nhờ tính tò mò, hay quan sát, năng nhặt chặt bị” [42, tr.10].

Những ý kiến của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trên các báo đã cho chúng ta thấy rõ quan niệm nghệ thuật của ông, Đối với ông viết văn là một sự giải tỏa để bộc lộ những điều mắt thấy tai nghe, để mổ xẻ sự bất cập của cơ chế nhằm mục đích tháo gỡ, xây dựng theo chiều hướng tích cực hơn. Theo ông văn chương chính là ngọn lửa đắng – ngọn lửa ấy “là thuốc đắng, là liều kháng sinh đặc trị những căn bệnh xã hội trầm kha, tưởng như không thuốc nào chữa khỏi” [27, tr.597]. Hơn nữa nhà văn lại viết tác phẩm bằng “trái tim của một nhà văn đảng viên, một người trong cuộc với tâm thế xây dựng rất có ích cho đất nước, cho Đảng không chỉ ngày hôm nay” [11]. Tất cả cho thấy quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn rất mới mẻ, táo bạo, nó có ý nghĩa khích lệ, động viên tinh thần người cầm bút dũng cảm dấn thân vào những vấn đề gai góc, nhức nhối trong xã hội.

Gã tép riu là tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bắc Sơn (NXB Hội Nhà văn - 2013), sau hai tiểu thuyết nổi tiếng là Luật đời và cha con, Lửa đắng. Vẫn tiếp tục bám sát những vấn đề thời sự của cuộc sống nhưng lần này tác phẩm của ông xoáy sâu vào lĩnh vực văn hóa, báo chí để từ đó làm nổi bật triết lý sống của một trí thức có tâm, có tài.

Trần Xuân Tùng - một nhà báo tên tuổi - được mời về làm Trưởng phòng quản lý báo chí, xuất bản ở Sở Văn hóa Thông tin của Thủ đô. Là người có kiến thức rộng, tư duy sắc sảo lại hay đấu tranh, phản biện nên Tùng thẳng thắn góp ý, phê bình những bất cập, sai sót trong lĩnh vực quản lý văn hóa của các cơ quan chức năng. Vợ anh là Diệu Thủy, dù năng lực kém nhưng do biết nắm bắt cơ hội, tận dụng nhan sắc trời cho và các mối quan hệ nên sự nghiệp lên như diều gặp gió. Quyền lực càng cao, Diệu Thủy càng lơ là gia đình và coi thường chồng. Khi Tùng liên tiếp phát hiện và chỉ ra những sai sót trong công văn, thông tư, nghị định… do cơ quan Thủy soạn thảo, ban hành, cô cho rằng anh cố tình chơi nổi, làm cô bẽ mặt nên chủ động ly thân. Tùng gặp Dự - một học sinh giỏi văn cấp tỉnh nhưng thi rớt đại học, đi làm kiếm tiền luyện thi rồi bị lừa, sa chân lỡ bước vào con đường làm gái. Tùng giúp Dự thoát khỏi cuộc sống nhơ nhớp và cùng cô xây dựng cuộc sống mới. Thủy biết chuyện, đánh ghen và hai người ly dị…

Cốt truyện chỉ có thế nhưng điều lôi cuốn ở Gã tép riu là quan điểm sống, cách ứng xử của nhân vật. Tùng có thể sống như bao người khác: làm ngơ trước sai trái để giữ gìn hạnh phúc gia đình và dễ dàng thăng tiến nhưng anh đã không làm vậy. Anh cho rằng: "Đã là trí thức thì phải biết phản biện, thậm chí phản bác, đối lập, chống lại những cái ác, cái xấu, những gì sai trái, miễn là với động cơ xây dựng chứ không phá hoại là được rồi" [28, tr.363]. Chính sự đấu tranh không khoan nhượng của anh đã làm phật ý nhiều lãnh đạo, mà trực tiếp là mất lòng vợ, dẫn đến những rạn nứt không thể cứu vãn trong hôn nhân. Đấu tranh vì lẽ phải nhưng cuối cùng những gì anh nhận được chính là gia đình tan nát, bị cách chức, kỷ luật… Bi kịch đó sẽ khiến người khác phải nản lòng nhưng với Tùng thì không. Anh mừng vì đã được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đi vào ngõ cụt; còn sự nghiệp, anh cho rằng mình chỉ là "gã tép riu" không màng danh lợi nên không có gì để tiếc. Tưởng rằng mất tất cả nhưng thật ra, Tùng lại có tất cả. Đó là một gia đình mới với người vợ biết yêu thương, tôn trọng mình; anh có được sự ủng hộ của dư luận khi nói đúng; có sự quan tâm, giúp đỡ của bạn

bè, đồng nghiệp khi gặp khó khăn. Quan trọng nhất là những ý kiến đóng góp của anh cuối cùng được công nhận. Anh đã đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân và tự hào là mình đã sống đúng với lương tâm, trách nhiệm của một trí thức.

Gã tép riu còn hấp dẫn người đọc ở những màn đối đầu, đấu trí căng thẳng giữa Tùng với một số kẻ hám danh bất tài, giữa Thủy và Dự - hai người phụ nữ có xuất thân, địa vị khác biệt. Điều thú vị như tác giả nói ngay trước khi vào sách là bối cảnh cuốn sách phần lớn là có thật, hầu hết sự việc đều có thực, nhưng không hề ám chỉ một ai. Vậy thì vì sao Gã tép riu hấp dẫn người đọc? Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã lý giải: “Sức mạnh của tác giả là ở khả năng tinh nhạy nắm bắt những vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra trong đời sống hằng ngày”

Người đọc có thể dễ dàng nhận ra trong đội ngũ nhân vật của ông bóng dáng số phận của những con người có thật ngoài đời. Cuộc sống và trang sách nhiều khi không còn khoảng cách - bởi thế tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn thường rất hấp dẫn. Hấp dẫn cũng bởi nó rất thật. Đấy là cái tài của Nguyễn Bắc Sơn, cũng là sự đóng góp rất cần được ghi nhận của ông trong văn học đương đại.

Tiểu kết:

Tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975, nhất là từ những năm đổi mới đã đi qua một chặng đường dài thay da đổi thịt. Trong suốt quãng đường ấy, có lúc nó như một dòng nước lũ ào ạt dâng trào, có khi lại trôi chảy êm đềm nhưng vẫn không ngừng tiến về phía trước. Trên con đường đổi mới và phát triền, tiểu thuyết Việt Nam tìm đến đề tài thế sự như là một nhu cầu tất yếu trên con đường đổi mới về tư duy nghệ thuật và hình thức thể hiện để hòa nhập chung vào quỹ đạo của văn chương thế giới. Trong xu hướng đó, Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc Sơn đã đóng góp cho đề tài thế sự của tiểu thuyết Việt Nam hai tác phẩm xuất sắc là Biển và chim bói cáGã tép riu. Nội dung hiện thực phong phú, mới mẻ, sinh động cùng với hình thức nghệ thuật điêu luyện là nét đặc sắc làm nên thành công ở cả hai tác phẩm. Qua hai tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn và Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, ta thấy rõ vị trí, tầm quan trọng của đề

tài thế sự trong văn học Việt Nam hiện đại cũng như sự phát triển của đề tài này trong tiến trình đổi mới nền văn học nước nhà.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 25 - 30)