Khắc họa nhân vật thông qua nội tâm

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 79 - 84)

Độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [23, tr.122]. Cùng với lời đối thoại, độc thoại nội tâm là thủ pháp nghệ thuật cơ bản và hiệu quả để miêu tả tâm lí nhân vật. Hình thức biểu hiện của nó rất phong phú: Thứ nhất là độc thoại hướng tới người khác. Loại này có thể nói thầm, nói thành tiếng hay viết thành văn. Đối tượng có thể là một người hay đám đông, không yêu cầu đáp lại tức

thời. Thứ hai là độc thoại một mình. Đây là những phát ngôn trong cô đơn hay trong trạng thái tâm lí cô độc như ghi nhật kí, nói thầm một mình,...Lời độc thoại nội tâm thường rút gọn, ít mạch lạc, liên kết. Đây là kiểu giao tiếp trong quan hệ “tôi-tôi” chứ không phải quan hệ “tôi-nó”. Độc thoại nội tâm tạo cho nhân vật có chiều sâu. Những dòng độc thoại như giải phóng sự kìm hãm, đè nén, như một sự giải toả đối với trạng thái tâm lí bị dồn nén trước đó của nhân vật. Đây là hình thức rất phù hợp để nhân vật thể hiện con người bên trong của chính mình.

Trong tiểu thuyết Biển và chim bói cá, Bùi Ngọc Tấn đã sử dụng thành công nghệ thuật miêu tả nội tâm góp phần khắc họa tính cách nhân vật. Đó là những lời độc thoại nội tâm trong những dòng nhật ký của cậu bé Phong – nhân vật xưng tôi. Trên chuyến biển theo bố ra khơi, nhân vật tôi đã được trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ, biết thêm được nhiều điều bí ẩn về thế giới của người lớn, cả những niềm vui và nỗi buồn, nỗi thất vọng khi nhận ra những gồ ghề phức tạp của cuộc đời mà cậu bé mới lớn lần đầu nếm trải. Từ thẳm sâu trong tâm hồn non nớt của cậu bé thơ ngây ấy, hình ảnh ông bố cùng những thuyền viên trên tàu như bác Suất, chú Hồng hiện lên thật đẹp, thật vĩ đại và lớn lao: “khi ở buồng máy, tôi kính phục tài năng của bác Suất, đồng thời tự hào về bố tôi. Bố tôi lãnh đạo được cả những người giỏi như bác Suất. Giờ đây tôi thêm tự hào về bố” [3, tr.52]. Thế nhưng niềm tin trong cậu bé dần dần sụp đổ, hình ảnh người cha càng ngày càng khác đi trong mắt đứa con khi cậu lần lượt được chứng kiến những sự thật không ngờ tới, đầu tiên là việc cha cậu cùng các thuyền viên bán trộm cá ngay tại ngư trường: “tôi hoang mang quá, không hình dung được việc cả tàu bán cá như vậy. Mà bán rất tự nhiên, rất công khai. Chẳng phải suy nghĩ đắn đo” [3, tr.200], “dù đã chứng kiến chuyện bán cá ban sáng bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên. Sao tàu bố tôi có thể bán nhiều thế nhỉ? Cá. Bây giờ lại tôm” [3, tr.235]. Những tấm màn sự thật dần dần được vén lên, những khuất lấp phức tạp trong thế giới người lớn dần dần được hé lộ, những điều ấy làm tổn thương tâm hồn non nớt của cậu bé: “tôi bỗng thấy mình hiểu biết hơn thằng Toán rất nhiều, già đời hơn thằng Toán rất nhiều.” [3, tr.237]. Đặc biệt là khi

chứng kiến cảnh quan hệ trai gái xô bồ của các thủy thủ trên tàu, chú bé bắt đầu thấy vỡ mộng và cảm thấy thất vọng về những người mà chú từng kính trọng, khâm phục, nhất là khi phát hiện ra cô Nguyệt nằm trên giường của cha mình, phát hiện ra sự thật về người cha cậu hằng yêu quý tôn thờ. Thì ra cha cậu cũng giống như bao thủy thủ khác, cũng phản bội mẹ, cũng giả dối, cũng sống bằng hai khuôn mặt: “thế rồi mọi chuyện đổ sụp, bố không còn là thần tượng của tôi nữa… Bây giờ là một người bố khác” [3, tr.256]. Và khi chứng kiến cảnh tàu cắt lưới rê của những người dân chài khốn khổ, mọi chuyện hoàn toàn sụp đổ trong tâm hồn cậu bé, như giọt nước tràn ly: “Tôi ghét chú Hùng. Tôi ghét bố” [3, tr.292]. Như vậy, càng sống lâu trong thế giới của những người đánh cá ấy, cậu bé càng hiểu ra được những sự thật phũ phàng khiến cậu đau lòng, nhưng chính những sự thật ấy lại khiến cậu thêm trưởng thành, thêm mạnh mẽ, như một cuộc “lột xác” để trở thành người lớn. Khắc họa những trạng thái tâm lý tinh tế trong tâm hồn nhân vật, cả những biến đổi trong suy nghĩ của nhân vật tôi từ chỗ kính trọng tin yêu đến thất vọng căm ghét, Bùi Ngọc Tấn đã tỏ ra là một cây bút tài hoa và tinh tế khi khắc họa tâm lý nhân vật. Bên cạnh nhân vật tôi – chú bé Phong, các nhân vật khác cũng được ông dụng công miêu tả diễn biến tâm lý một cách tài tình, điêu luyện: đó là tâm trạng Cương lúc ở bên cạnh Mơ “lúc này trông Mơ mới đẹp làm sao. Hai hàng lông mày gọn cong mà anh gọi là lông mày trăng non. Đôi mắt nhìn anh mới tin cậy làm sao! Anh sẽ lấy Mơ, chúng mình sẽ lấy nhau Mơ ạ” [3, tr.69], là tâm trạng của Bôn khi về nhà với vợ: “mà trông nàng mới tuyệt vời làm sao, ôi bây giờ được ôm nàng vào lòng bế nàng lên giường đóng chặt cửa lại hai đứa quấn vào nhau” [3, tr.120], là tâm trạng của bác sĩ Bá khi nghĩ về vợ “anh nghĩ tới chị lúc chị đứng trước anh và đứng trước gương, lần lượt thay ra mặc vào cả mười hai chiếc quần lót này, nghiêng bên nọ ngó bên kia quay đằng trước quay đằng sau nhìn ngắm, và nghĩ tới nơi ấy của chị rậm rạp trơn ướt và thăm thẳm” [3, tr.494]. Tất cả những nhân vật trong tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn, cho dù có tên hay không tên, được miêu tả chi tiết hay thoáng qua, đều được nhà văn khắc họa bằng những nét tâm lý tâm trạng rất tinh

tế chân thực như thế. Có khi là cả một trạng thái tâm lý trải dài, nhưng cũng có khi chỉ là một dòng, một câu khắc họa ngắn gọn nhưng đều làm các nhân vật của ông trở nên sống động, có hồn và có cá tính hơn bao giờ hết. Điều ấy chứng tỏ tài năng của nhà văn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, cả cái tâm của người cầm bút khi ông đã sống rất kỹ với đối tượng mà mình miêu tả.

Cũng giống như Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Bắc Sơn khi xây dựng nhân vật của mình đã rất chú ý đến việc khắc họa nội tâm nhân vật, xây dựng nhân vật với một thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp, sâu sắc. Nếu như ngay từ đầu, Diệu Thủy đã bộc lộ bản chất là một con người thực dụng, đầy tham vọng quyền lực, một người cơ hội và biết luồn lách để tiến thân thì Tùng lại là biểu trưng cho hình ảnh một trí thức đích thực, một người cương trực ngay thẳng không luồn cúi và sống đúng với lẽ phải, với đạo làm người. Độc thoại nội tâm của nhân vật Thủy thể hiện rõ bản chất thực dụng vả tha hóa của người phụ nữ này: “ta còn trẻ, ta có sắc đẹp. Ta phải dùng chính nó làm vũ khí để đạt được điều mà ta mong ước, để bù lại điều bất hạnh phải gánh chịu” [28, tr.38]. Suy nghĩ như thế nên Thủy rất vững tâm, không có cái áy náy ân hận khi mình phản bội chồng, không cảm thấy day dứt xấu hổ khi mang “vốn tự có” làm chìa khóa cho con đường thăng quan tiến chức. Việc cặp kè với ông bồ bộ trưởng nằm trong kế hoạch của chị ta, ban đầu việc quyến rũ người đàn ông này chỉ là mục đích để tiến thân: “Có lẽ bước tiếp theo là phải tiếp cận Thứ trưởng để thúc đẩy tiến độ. Cơ hội đến, phải chớp lấy. Người ta còn tạo ra cơ hội cơ mà” [28, tr.50]. Nhưng rồi sau đấy là những dục vọng, những ham muốn thật sự: “Dấm dúi. Lén lút. Vụng trộm. Ăn cắp. Ăn cướp. Được tất. Miễn là thỏa mãn. Một lần, hai lần, nhiều lần càng tốt” [28, tr.286]. Sự biến đổi trong diễn biến tâm lý của nhân vật này đã được nhà văn chú ý quan sát và diễn tả theo từng bước đi trên đường đời nhân vật. Nhân vật thứ hai trong tác phẩm được nhà văn dụng công chăm chút là Tùng – một trí thức đích thực, một nhân vật mang tư tưởng của nhà văn.. Với một cái đầu biết suy nghĩ, một cái tâm với nghề, lại là một người giàu lòng tự trọng, lập trường quan điểm luôn vững vàng, Tùng kiên quyết bảo vệ lẽ phải đến

cùng, không bỏ qua những sai sót dù là nhỏ nhất. Chính vì sự chính trực công tâm ấy mà Tùng nhiều lần va chạm với bộ ngành dọc nơi mà vợ anh đang từng bước tiến thân, khiến Thủy nhiều lần “lấm lưng ngửa bụng”. Màn đối thoại giữa vợ chồng anh thể hiện rõ những diễn biến tâm lý của Tùng khi mối quan hệ giữa anh và vợ ngày càng rạn nứt, có nguy cơ tan vỡ: “tùng đánh thức vợ”, “Tùng quá bất ngờ khi vợ mang Chú ấy ra làm bùa hộ mệnh. Nguy hiểm quá! Anh cố giảng giải để chị hiểu”, “nóng mặt bởi tự ái nghề nghiệp, Tùng khó chịu”, “Tùng cố kiềm chế xem bụng dạ vợ thế nào”… [28, tr.48]. Nhà văn đã để cho nhân vật tự nói lên quan điểm sống của mình: “Tùng biết trong cuộc đời này, mình chỉ là gã nhãi nhép, là gã tép riu. Trong ván cờ này, mình chỉ là con tốt… Con tốt này không sợ bất cứ ai, kể cả tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã” [28, tr.326]. Qua việc khắc họa chi tiết tâm lý nhân vật Tùng, Nguyễn Bắc Sơn xây dựng được một nhân vật tư tưởng của mình, gửi gắm vào đó tâm huyết, mong muốn cải cách cơ chế, lề lối làm việc của nhà văn không chỉ với riêng ngành báo chí mà còn đối với tất cả các ngành khác nữa. Nhất là khi để Tùng cúi xuống cứu vớt cuộc đời của cô gái mại dâm là Dự, nhà văn đã gửi đến bạn đọc một thông điệp nhân văn: hãy mở rộng tấm lòng và có cái nhìn cảm thông hơn đối với những người lầm lạc, họ cũng có quyền được sống, được trân trọng và yêu thương và hãy cho họ một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Là một trong ba nhân vật chính trong tác phẩm, nhân vật Dự cũng được nhà văn dày công xây dựng những nét tâm lý sắc sảo. Tâm trạng của nhân vật khi cầm trong tay tờ tiền năm trăm nghìn được nhà văn miêu tả: “khi những ngón tay em chạm vào nó, em mới cảm nhận đầy đủ, nó đúng là của mình. Cảm giác từ lòng bàn tay, gan bàn tay, mặt trong của năm ngón tay truyền đến tim làm nó rung lên, truyền lên đầu làm người em cứ lênh đênh, chòng chành như say sóng” [28, tr.120]. Miêu tả nỗi đau của Dự, tác giả cũng đồng cảm tới mức cao nhất khi tái hiện nỗi đau đớn tột cùng mà cô phải gánh chịu:

“Uất ức Tủi hờn

Đau đớn

Đau đớn tột cùng…” [28, tr.152]

Khi bị lừa lấy đi cái trinh nguyên của một đời con gái, Dự đã đau đớn, bất lực tự hỏi rằng: “Sao đời lại đểu cáng thế này hả giời? Đi đâu cũng đểu cáng, nhưng đểu cáng lúc lên giường là đểu cáng nhất, tận cùng của đểu cáng. Cứ tưởng trần truồng ra thì con người là thật nhất, là mình nhất. Hóa ra vẫn còn một chỗ cất giấu mà ta không thể biết – cái đầu” [28, tr.174]. Những dòng tâm trạng ấy có lẽ không chỉ của riêng cô gái tên Dự mà còn là những lời ai oán trách than của không biết bao nhiêu cô Dự khác trong xã hội đầy giả dối, thực dụng. Qua đó, những góc khuất của xã hội hiện đại cũng hiện lên thật rõ nét, chân thực.

Nhìn chung, miêu tả nhân vật qua những nét đặc sắc về ngoại hình và những trạng thái tâm lý, xúc cảm tinh tế trong tâm hồn đã đem lại thành công cho Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Bắc Sơn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Qua những nhân vật đó, người đọc không chỉ thấy được diện mạo, cử chỉ hành động mà điều thú vị là còn được sống với thế giới tâm hồn sâu kín bên trong nhân vật, khơi dậy trong ta những xúc cảm sâu sắc. Các nhân vật trong Biển và chim bói Gã tép riu vì thế mà có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 79 - 84)