Cốt truyện liền mạch, tuyến tính

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 73 - 75)

Nếu như đặc điểm cốt truyện tiểu thuyết Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn là cốt truyện song song và cốt truyện lồng ghép thì đặc điểm cốt truyện Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn lại là cốt truyện liền mạch, tuyến tính. Ở đó thời gian cốt truyện trùng với thời gian trần thuật, các sự kiện được triển khai liên tục theo mạch thời gian từ trước đến sau, quan hệ nhân quả được duy trì, kịch tính được chú trọng, gây cuốn hút bằng những chi tiết đắt giá, những yếu tố ngoài cốt truyện được xây đắp công phu, được đan cài một cách khéo léo mà tự nhiên. Đây là kiểu cốt truyện truyền thống, ra đời từ thời cổ đại và còn tồn tại cho đến ngày nay, dễ đọc, dễ nắm bắt. Bằng cách ấy, Nguyễn Bắc Sơn, dù đi trên lối cũ, vẫn để lại dấu ấn của riêng mình.

Kiểu trần thuật phổ biến trong tiểu thuyết được viết theo lối truyền thống là thường mở đầu bằng cách giới thiệu về một địa điểm, địa danh nào đó, nói chính xác thì đó chính là bối cảnh không gian truyện để nhân vật xuất hiện. Mở đầu tiểu thuyết Gã tép riu là khung cảnh của cuộc thi cắm trại giữa các trường trung học phổ thông trong quận, là bối cảnh làm nền cho sự xuất hiện của bí thư

quận đoàn Nguyễn Diệu Thủy: “một góc thành phố rực lên trong buổi sáng mùa xuân. Trời xanh màu lá sen. Tiết trời trong trẻo mát xanh thơm mùi lộc nõn, búp non. Nắng dịu nhẹ trên những vòm lá mơn mởn tinh khôi” [28, tr.7]. Giữa khung cảnh ấy, bí thư Quận đoàn xuất hiện với tư cách ban giám khảo chấm điểm hội trại và đã có một bài phát biểu đầy súc tích, hấp dẫn… Vậy là ngay từ đầu tác phẩm, nhà văn đã đi theo kiểu trần thuật phổ biến truyền thống. Sự xuất hiện của Bí thư quận đoàn trong buổi cắm trại như một sự giới thiệu ban đầu về công việc của Diệu Thủy - nhân vật chính, và là một bước đệm cho sự xuất hiện của nhân vật ở những chương tiếp theo sau này.

Ngay sau khi để cho nhân vật xuất hiện, nhà văn đã đi vào những nét khái quát về nhân vật Diệu Thủy. Là một cán bộ phụ trách công tác Đoàn, công việc của Diệu Thủy nặng về hình thức, phong trào: “bí thư đoàn vợ anh, cứ như con chuồn chuồn ớt. Trông thì đẹp mã đấy, chỗ nào cũng bay tới, cong cái đuôi, chấm xuống nước một tý rồi bay đi ngay” [28, tr.17]. Và năng lực của Thủy thì: “vợ anh, không có vốn tự có, chỉ có vốn vay mượn từ người khác, chỉ biết làm theo gợi ý, chỉ đạo của cấp trên thôi” [28, tr.17]. Chỉ bằng vài nét khái quát ban đầu, Nguyễn Bắc Sơn đã cho ta hiểu rõ hơn về nhân vật Diệu Thủy, về nguyên nhân cách thức để nhân vật bước chân vào chính quyền, về bản chất con người và trình độ năng lực của nhân vật này. Điều đó khiến cho người đọc có những hình dung khái quát về chân dung, tính cách nhân vật, góp phần nhận diện nhân vật cũng như có thể có những dự kiến, kiến giải xác đáng cho cách hành xử của nhân vật trước mọi sự kiện, biến cố xảy ra đối với nhân vật trong suốt diễn biến câu chuyện sau này.

Cốt truyện truyền thống luôn tuân theo trật tự thời gian, vì thế thường bắt đầu bằng một thời điểm trong quá khứ với cái nhìn hồi cố của người kể chuyện rồi kể ngược trở lại về phía hiện tại theo dòng tuyến tính. Lối kể chuyện trùng khít thời gian cốt truyện và thời gian trần thuật ấy làm cho câu chuyện trở nên dễ hiểu, dễ nắm bắt, phù hợp với khả năng tiếp nhận của số đông người đọc. Giải thích về sự thăng tiến nhanh như diều gặp gió trong sự nghiệp của Diệu Thủy,

tác giả quay ngược lại dòng thời gian để mô tả sự kiện gặp gỡ giữa Diệu Thủy và

Chú ấy: “Tùng nhớ, mà Thủy càng nhớ cái lần cách đây chưa lâu. Khi có một vị lãnh đạo cao cấp cư trú ở phường này đi qua, nổi hứng rẽ vào thăm cuộc họp tổ dân phố” [28, tr.12]. Giải thích về hoàn cảnh gia đình Tùng - Diệu Thủy và sự ra đi của người con trai duy nhất, nhà văn bắt đầu bằng những dòng miêu tả Lâm: “Từ bé, thằng Lâm đã rất thích nghịch nước” [28, tr.20]. Để giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống vợ chồng hạnh phúc của Tùng - Thủy lúc chưa có những biến cố xảy ra, tác giả lại một lần nữa quay ngược thời gian để trở lại thời điểm mà hai người còn yêu nhau: “chính là một lần ở quê Thủy. Ngày ấy chưa có điện. Thủy đang ôn thi tốt nghiệp trung cấp cảnh sát” [28, tr.25]. Như vậy có thể nhận thấy trong tác phẩm, nhà văn sử dụng khá nhiều và thành công cái nhìn hồi cố. Cách viết này khiến câu chuyện kể được diễn ra tự nhiên, theo dòng thời gian giúp người đọc có thể nắm bắt, theo kịp diễn tiến câu chuyện.

Như vậy, có thể thấy Nguyễn Bắc Sơn luôn trung thành với lối viết truyền thống, cốt truyện cổ điển với mạch tuyến tính, trật tự nhân quả. Cốt truyện ấy khiến câu chuyện rất dài mà vẫn logic, liền mạch, giúp người đọc dễ bắt kịp với nội dung tư tưởng mà tác phẩm muốn chuyển tải.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 73 - 75)