Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 75 - 76)

Trong tác phẩm văn học, nhân vật chiếm vị trí rất quan trọng. Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Do đó nhân vật văn học là sản phẩm tinh thần của nhà văn, là nơi thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mỹ của nhà văn về con người. Nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách, được bộc lộ dần trong không gian, thời gian và mang tính quá trình. Muốn xây dựng nhân vật thành công, nhà văn phải có một quá trình thai nghén, có một khả năng đồng cảm, có quá trình thâm nhập thực tế. Nghĩa là quá trình sáng tạo ra một nhân vật đòi hỏi nhà văn phải huy động toàn bộ tư cách nghệ sĩ và năng lực tinh thần của cá nhân.

Các tác giả cuốn Giáo trình Lý luận văn học quan niệm về nhân vật văn học: “Đó không chỉ là con người có tên hoặc không có tên, mà có thể là những sự vật, loài vật khác nhau, ít nhiều mang bóng dáng tính cách của con người, được dùng như những phương thức khác nhau để biểu hiện con người. Đó là nhân vật dế mèn, võ sĩ bọ ngựa, con mèo lười trong truyện thiếu nhi của Tô Hoài; là vầng trăng, bông hoa hồng trong thơ Bác v.v… Cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể mà chỉ là một hiện tượng về con người hoặc có liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm” [40, tr.126].

Đối với tác phẩm tiểu thuyết, vai trò của nhân vật lại càng quan trọng. Không có nhân vật sẽ không có tiểu thuyết. Tiểu thuyết hay phải có nhân vật hay và độc đáo. Những cách tân đổi mới về nghệ thuật tiểu thuyết hầu như đều gắn với vấn đề thể hiện nhân vật. Nhân vật chính là quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn thể hiện trong tác phẩm, là nơi tập trung thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. “Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Tài nghệ của nhà tiểu thuyết cũng chủ yếu khúc xạ qua nhân vật vì nó là con đẻ của tinh thần nhà văn” [8, tr.110]. Trong tiểu thuyết, nhân vật không phải là nơi duy nhất nhưng lại là nơi thể hiện một cách tập trung nhất, sâu đậm nhất quan niệm về con người của tác giả, là sự sống của tiểu thuyết từ xưa đến nay. Nhân vật tiểu thuyết làm nên sức sống của mỗi cuốn tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam về đề tài thế sự qua biển và chim bói cá của bùi ngọc tấn và gã tép riu của nguyễn bắc sơn (Trang 75 - 76)